Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, gần 30 năm bôn ba khắp năm châu, bốn bể học tập và tiếp thu những tiến bộ, tinh hoa văn hóa của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người con ưu tú của dân tộc đã để lại cho dân tộc ta một di sản văn hóa đồ sộ và một tấm gương đạo đức sáng ngời về lòng yêu nước thương dân. Cuộc đời Người là một tấm gương đạo đức sáng mà mỗi chúng ta khi soi vào đấy là thấy tâm hồn ta trong sáng hơn, hành vi tốt đẹp hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại không chỉ bởi những điều lớn lao, hay những thành quả cách mạng Người giành được cho dân tộc Việt Nam ta mà tấm gương đạo đức của Người còn cao đẹp ở những điều giản dị, rất đỗi đời thường mà bất kỳ ai cũng có thể học tập và noi theo để hoàn thiện mình.

b-h-a
Bác Hồ ngồi làm việc dưới giàn hoa giấy trong Phủ Chủ tịch

Người vĩ đại từ những điều bình thường như có một nhà văn đã từng viết “Một con người vĩ đại, nhiều khi vĩ đại ngay cả trong những công việc bình thường”. Hồ Chủ tịch là Nguyên thủ quốc gia, là một người đứng đầu cả một đất nước, là một nhà lãnh tụ vĩ đại được bạn bè thế giới nể trọng nhưng lại vô cùng bình dị, suốt một đời trong sạch, không xa hoa, không lãng phí, không phô trương, không hình thức. Cuộc đời Bác là tấm gương sáng ngời về đức tính Cần, Kiệm, Liêm, Chính… là mẫu mực về đời sống trong sáng, nếp sống giản dị khiêm tốn phi thường.

Mỗi khi vào Lăng viếng Bác và tham quan Khu Di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch ta không khỏi xúc động nghẹn ngào khi nhìn thấy những kỷ vật của Người ở trong căn Nhà sàn đơn sơ. Một căn nhà nhỏ với một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, một giá sách, một tủ quần áo với hai bộ quần áo kaki, một đôi dép lốp, một máy thu thanh, một chiếc đồng hồ để bàn. Đó là tất cả hành trang cá nhân, toàn bộ tài sản của một con người vĩ đại – một Nguyên thủ quốc gia.

Trong hành trang của Người, có lẽ ấn tượng và đặc biệt nhất là Đôi dép cao su - Đôi dép Bác Hồ. Vật dụng nhỏ được nhiều người biết đến nhất. Một biểu hiện sinh động nhất về đức tính giản dị của Bác.

Đôi dép cao su của Bác được làm từ chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị quân và dân ta phục kích tiêu diệt tại một vùng căn cứ địa Việt Bắc năm 1947. Nó đã gắn bó với Bác hơn hai mươi năm hoạt động cách mạng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Đôi dép cao su không chỉ được Bác sử dụng trong cuộc sống thường nhật suốt cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông (mùa Đông bác thường đi thêm đôi tất vải để giữ ấm cho chân) mà đã đưa Bác đi khắp mọi nơi công tác, đi thăm đồng bào và đi thăm các nước bạn bè gần xa trên thế giới. Đôi dép của Người đã đi vào thơ ca nhạc họa, là hiện thân của đức tính giản dị của một con người vĩ đại, trên con đường trường chinh vạn dặm vì non sông đất nước. Như nhà thơ Tạ Hữu Yên đã từng viết:

“ Đôi dép đơn sơ

Đôi dép Bác Hồ

Bác đi từ ở chiến khu Bác về

Phố phường, trận địa, nhà máy, đồng quê.

Đều in dấu dép Bác về Bác ơi.

Dép này Bác trải đường dài

Đã cùng Bác vượt chông gai

Xây non nước nhà.

Đường đi chiến đấu gần xa

Dấu dép cha già dẫn lối con đi…”

Đôi dép cao su của Người không chỉ để lại nhiều kỷ niệm, nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Việt Nam mà còn để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng người dân Ấn Độ như một chuyện lạ, một huyền thoại về con người tuyệt vời. Đó là vào năm 1958, Bác đi thăm Thủ đô Niu Đê li của Ấn Độ. Khi vào thăm Đền Taj Ma hal, Bác để dép ở ngoài thì bất ngờ hàng trăm phóng viên báo chí, nhiếp ảnh, quay phim ập đến vây kín đôi dép của Bác. Một số người còn cúi xuống dùng tay sờ nắn đôi dép tỏ vẻ lạ lùng và trịnh trọng… Cùng trong lần đi này vợ chồng vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ấn Độ được Bác Hồ đồng ý tiếp, họ rất xúc động. Nhìn Bác đi đôi dép cao su hai vợ chồng họ nghẹn ngào: “Nghe tiếng đã lâu, hôm nay mới thấy tận mắt đúng là Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị, thân thương quá!” - (Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Phan Văn Hoài đăng trên Báo Gia đình - Xã hội số 40 năm 2001).

b-h-b
Hình ảnh đôi dép cao su của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Có thể nói đôi dép cao su - đôi dép  Bác Hồ là một kỷ vật vô giá - một biểu tượng rõ nhất về phong cách giản dị của Bác Hồ. Đó còn là một biểu hiện của lòng yêu nước thương dân. Như Bác đã từng có lần trả lời một nhà báo nước ngoài lý do vì sao Bác chỉ thích đi dép cao su chứ không đi giầy da như các nguyên thủ quốc gia khác.

- Phóng viên: Thưa Bác, Bác có phải là người theo chủ nghĩa khắc kỷ không? Là Chủ tịch của một nước sao Bác không mang giày da như bao Nguyên thủ quốc gia khác mà Bác chỉ mang dép lê?

- Bác: Tôi thích mang giày da lắm, giày da mang vừa ấm và vừa đẹp lắm, tôi thích mang giày da hơn... nhưng đất nước tôi còn nghèo lắm. Tôi mang giầy da thì hàng trăm đồng chí tỉnh ủy mang giày da, hàng ngàn đồng chí huyện ủy, rồi cấp xã mang giày da.... trong khi đó hàng triệu trẻ em đến trường vẫn đi chân đất...

Lý do thích đi dép cao su của Bác Hồ đơn giản là vậy, là vì dân còn khổ thì làm sao Bác có thể sống trong sung sướng được, dân còn không đói nghèo, còn thiếu thốn đủ bề sao Người có thể chỉ nghĩ cho bản thân được. Đây chính là một tấm gương sáng để cho các thế hệ con cháu Việt Nam noi theo học tập Bác về cách thể hiện lòng yêu nước, thương dân.

Tấm gương Hồ Chí Minh vô cùng vĩ đại, trong sáng nhưng hình thành từ những điều vô cùng giản dị. Trong mỗi hành động nhỏ, mỗi suy nghĩ của Người đều là vì nước vì dân. Với tinh thần cầu thị thì tự trong mỗi bản thân chúng ta hãy cố gắng học tập Bác từ những việc nhỏ nhất, những việc đơn giản trong cuộc sống hàng ngày như: Trong công việc thì đi làm đúng giờ, không đi muộn về sớm, hoàn thiện công việc đúng thời gian không chậm trễ, đấy là tiết kiệm về thời gian, không bớt xén thời gian của nhà nước, tiền của của nhân dân đóng thuế để trả lương cho mình – cũng là một biểu hiện của lòng yêu nước; hay là thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí ở cơ quan từ cái bút, tờ giấy hay điện nước sinh hoạt ở cơ quan…

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn là bài học có giá trị vượt thời gian, mỗi cá nhân hãy luôn cố gắng phấn đấu, nỗ lực học tập Người từ những điều giản dị nhất để rèn luyện thực hiện tốt nhiệm vụ của  mình./.

Minh Thu 

Bài viết khác: