VecxayTrong chuyến tham quan, trao đổi học tập kinh nghiệm tại Pháp, trong nội dung nghiên cứu của Đề tài “Nghiên cứu các giải pháp phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”, Đoàn cán bộ Ban Quản lý Lăng đã đến tham quan, tìm hiểu về công tác đón tiếp và quảng bá tuyên truyền tại Lâu đài Versailles, lâu nay được giới chuyên ngành công nhận là lâu đài đẹp nhất thế giới. Đây là một công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử nổi tiếng - một niềm tự hào của người Pháp bởi nó không chỉ là nơi ghi dấu những sự kiện của bản thân nước Pháp, nhân dân Pháp mà còn ghi dấu các sự kiện trọng đại mang tầm cỡ quốc tế.

Lâu đài Versailles thường được gọi là Cung điện Versailles hay đơn giản là Versailles là nơi ở của các vua Louis XIII, Louis XIV,Louis XV Louis XVI. Nằm ở phía Tây của Pa-ri tại thành phố Versailles, cách Thủ đô Pa-ri hơn 20 km, lâu đài Versailles là biểu tượng của quyền lực tối thượng của các triều đại phong kiến Pháp.Cung điện rộng 67.000 mét vuông gồm trên 2000 phòng, một công viên có diện tích 815 héc ta, Versailles là một trong các lâu đài đẹp nhất và lớn nhất châu Âu cũng như trên thế giới. Năm 1979,Cung điện Versailles đã được UNESCO công nhận làdi sản thế giới.
Lâu đài Versailles là công trình ghi dấu những tinh hoa của nghệ thuật Pháp thế kỷ 17 và18, kiến trúc của nó tuân theo những quy tắc chuẩn mực của chủ nghĩa cổ điển như tính đối xứng của công trình, các hành lang nhiều cột, các công trình nghệ thuật lấy cảm hứng từ truyền thuyết và nghệ thuật cổ đại. Xen vào sự chính xác này là một số nét nghệ thuật Baroque.
Lâu đài hiện nay hầu như vẫn mang dáng vẻ công trình do vua Louis XIV (1643 - 1715) giao cho kiến trúc sư Le Vau xây dựng năm1668. Bên trong cung điện của lâu đài là nhiều phòng lớn như: Phòng lớn của Đức vua, Phòng lớn của Hoàng hậu hay Phòng Gương. Các phòng lớn này được thông nhau bằng các dãy hành lang trang trí lộng lẫy từ sàn nhà đến trần, đây là tác phẩm của những người thợ thủ công do Charles Le Brun phụ trách. Phòng Gương là căn phòng lớn nhất của lâu đài, dài tới 73 mét, một bên nhìn ra khu vườn, một bên được bao phủ bởi 17 tấm gương cực lớn. Bên cạnh các phòng lớn còn có các phòng nhỏ như Phòng ngủ của Đức vua với thảm và gỗ lát tường mạ vàng. Ngoài ra còn có các buồng con và các phòng chức năng khác. Không chỉ gồm các phòng ở và làm việc, lâu đài còn có một nhà nguyện và một nhà hát riêng. Tại nhà nguyện của Versailles, từ năm 1689 đến năm 1710, các vị hoàng đế Pháp đã tổ chức những buổi cầu nguyện của hoàng gia. Nhà hát được khánh thành năm 1770 là một trong những công trình lớn cuối cùng được xây dựng của lâu đài.
Lâu đài Versailles hiện bao gồm:Các cung điện Versailles, Lâu đài Lớn và Lâu đài Nhỏ, với 700 phòng, 2.513 cửa sổ, 352 ống khói, 67 cầu thang, 483 gương và 13 héc ta mái ngói. Diện tích mở cửa cho công chúng tổng cộng là 67.121 mét vuông. Phần công viên bao phủ diện tích 800 héc ta, trong đó có 300 héc ta rừng, 2 vườn cảnh kiểu Pháp (Công viên nhỏ có diện tích 80 havà Lâu đài có diện tích 50 ha). Phần công viên này có 20km hàng rào, 42km đường mòn và 372 bức tượng. Ngoài ra Versailles còn có 55 hồ, bể chứa nước trong đó lớn nhất là Grand Canal, rộng 23 ha với dung tích 500.000 mét khối, còn phải kể đến 600 vòi phun nước và 35km kênh đào.
Các bảo tàng của lâu đài Versailles được thành lập năm 1837 theo lệnh của vua Louis -PhilippeI dưới cái tên "Bảo tàng lịch sử Pháp". Với diện tích 18.000 mét vuông, đây là bảo tàng lịch sử lớn nhất thế giới lúc bấy giờ, trong đó có một bộ sưu tập tranh cực lớn được sắp xếp theo niên đại lịch sử, tất cả đều do vua Louis-Philippe ra lệnh mua và sưu tầm.
Để hoàn thành khối lượng công trình khổng lồ này, vào thời vua Louis XIV người ta đã phải huy động tới hàng chục nghìn lượt lao động (cao nhất là 36.000 nhân công một năm) và tiêu tốn ít nhất là 100 triệu livre (tiền cổ của nước Pháp).
Sau khi Louis XIV qua đời năm 1715, các vua Louis XV và Louis XVI vẫn tiếp tục coi Versailles là lâu đài chính thức của nhà vua và xây dựng thêm các công trình khác trong đó có một nhà hát hoàng gia và một thư viện lớn ở ngay trong lâu đài
Sau khi Cách mạng Pháp nổ ra, chế độ phong kiến Pháp dưới triều vua Louis XVI sụp đổ thì lâu đài Versailles cũng mất đi vị trí vốn có của mình. Rất nhiều vật báu của lâu đài hoặc được đưa về bảo tàng Louvre, hoặc bị bán sang cho triều đình Anh. Khi vương triều Bourbon trở lại, dưới thời vua Louis - Philippe I, Versailles được chuyển thành "Bảo tàng lịch sử Pháp". Cung điện Versailles cũng là nơi chứng kiến việc kí Hoà ước Versailles dẫn đến sự kết thúc của Thế chiến thứ Nhất.
 Hiện nay lâu đài là tài sản công cộng của Nhà nước Pháp. Để quản lý và điều hành lâu đài, người ta cần một đội ngũ 900 nhân viên, trong đó có 400 là nhân viên bảo vệ. Mỗi năm khu lâu đài thu hút 3 triệu lượt người tham quan cung điện và 7 triệu lượt người tham quan công viên, trong số này 70% là khách nước ngoài. Mặc dù số lượng khách đến tham quan lâu đài rất đông (từ sáng đến tối lúc nào dòng người cũng xếp hàng dài), nhưng cách tổ chức sắp xếp và bảo vệ của các nhân viên ở đây hết sức khoa học.
Việc bán vé được tổ chức thành nhiều cửa, có những điểm bán vé ở ngay ga tầu điện ngầm, bãi đỗ xe, làm giảm ùn tắc trước cửa lâu dài. Ở đây có những phòng đặc biệt, từ năm 2006, nếu du khách muốn tham quan những khu vực này phải đăng ký trước với Ban Quản lý. Nếu khách muốn được nghe thuyết minh về lâu đài thì có thể thuê tai nghe bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha (rất tiếc hiện chưa có tiếng Việt). Mọi người nghe rất chăm chú và trật tự. Hầu như không có hiện tượng chen hàng, hoặc ồn ào gây mất trật tự trong lâu đài.
Công tác kiểm tra an ninh được tiến hành chặt chẽ như ở sân bay, nhưng không hề gây phiền hà cho khách tham quan.Người dân tự giác chấp hành quy định, không gây mất vệ sinh. Mọi nơi đều có những túi đựng rác hết sức thông minh, sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường. Lực lượng phục vụ ăn mặc lịch sự, thái độ nhắc nhở khách ôn hoà, lịch sự, hầu hết các nhân viên phục vụ ở đây đều có thể nói được tiếng Anh.
Đây là một số cảm nhận của cá nhân tôi sau chuyến công tác tại Pháp vừa qua. Thiết nghĩ, công tác đón tiếp tuyên tuyền là nhiệm vụ đòi hỏi yêu cầu nghiệp vụ cao, hiểu biết sâu và tinh thần, thái độ phục vụ tận tình cùng với một phương thức tổ chức khoa học. Đó là những yếu tố quyết định thành công của công tác đón tiếp tuyên truyền, xây dựng hình ảnh của công trình di tích trong lòng nhân dân và khách tham quan. Khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa vô cùng đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc của nhân dân Việt Nam. Hàng ngày, lượng khách vào Lăng viếng Bác, tham quan Công trình Lăng của Người vẫn liên tục tăng, yêu cầu công tác đón tiếp tuyên truyền cũng như việc phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng là nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo Ban Quản lý Lăng đặc biệt quan tâm, góp phần tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Người, đồng thời củng cố tinh thần đoàn kết toàn dân tộc đưa đất nước tiếp tục vững bước trên con đường hội nhập quốc tế như tâm nguyện khi Người còn sống./.
Lan Hương

Bài viết khác: