DoancongtactaiPhap1Trong những ngày tháng Tư lịch sử, Đoàn cán bộ của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến đi khảo sát và thăm một số địa danh lịch sử tại Pháp gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người hoạt động cách mạng tại đây vào đầu thế kỷ XX.

Ngược dòng thời gian trở lại, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đất nước ta đắm chìm trong đêm trường nô lệ. Trước tình cảnh ấy, nhân dân ta đã phát huy truyền thống yêu nước từ bao đời để lại, đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân Pháp và bè lũ tay sai giành độc lập, tự do cho nhân dân nhưng đều thất bại. Nhiều nhà yêu nước đã ra đi tìm đường cứu nước nhưng vẫn không tìm ra con đường mang lại hiệu quả đích thực. Trước thực tế ấy, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, người con xứ Nghệ, mới 21 tuổi đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Ngày 5/6/1911, trên con tàu  Latútsơ Tơrevin, từ Bến cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc thân yêu ra đi tìm đường cứu nước.
Hành trình bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm ra con đường cứu dân, cứu nước của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành là hành trình lao động đầy vất vả với bao công việc khó khăn, nặng nhọc để kiếm sống, học tập, thâm nhập vào phong trào công nhân và tầng lớp lao động các nước. Từ tàu buôn Pháp, qua tàu buôn Mỹ, cạo tuyết thuê cho một trường học rồi phục vụ trong một khách sạn ở Anh. Năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp. Bắt đầu từ đây, anh có nhiều cuộc tiếp xúc với các nhà văn hoá, trí thức, tham gia các cuộc sinh hoạt chính trị sôi nổi. Dấu ấn của những hoạt động chính trị đó là sự kiện Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tua với tư cách là đại biểu chính thức và duy nhất của các nước thuộc địa Đông Dương. Tại Đại hội này, cùng những người cách mạng chân chính của nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia quốc tế III - Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Việc Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 đã đánh dấu một bước chuyển biến quyết định, bước nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người: Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Lênin.
Doan cong tac tai Phap 3
Toàn cảnh Bảo tàng Sống Montreuil
Những hoạt động  trên đất Pháp của Người còn in đậm dấu ấn bởi sự hiện hữu của các di tích lịch sử, trong đó phải kể đến căn phòng trong ngôi nhà số 9 ngõ Công-poanh, quận 17- Pa-ri. Nơi đây, Người đã sống và hoạt động lâu nhất, từ ngày 14/7/1921 đến ngày14/3/1923. Căn phòng nằm trên tầng 3 của ngôi nhà cũ kỹ trong ngõ cụt thuộc một khu phố nghèo ở Pa-ri, không điện thắp sáng, rộng 9m2, chỉ vừa đủ kê chiếc giường cá nhân, một bàn nhỏ và một chiếc ghế. Qua nhiều năm tháng, căn phòng nhỏ vẫn được giữ nguyên vẹn như một kỷ niệm, một dấu ấn không thể phai mờ. Cuối năm 1986, thành phố Pa-ri có kế hoạch phá bỏ những toà nhà cũ kỹ để xây dựng lại, trong đó có ngôi nhà số 9 ngõ Công-poanh. Lúc đó, Đảng Cộng sản Pháp đã cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp bàn cách giữ gìn di tích quan trọng này. Cuối cùng, căn phòng lưu niệm được quyết định sẽ được phục chế tại Bảo tàng Lịch sử Sống Montreuil với những chi tiết nguyên bản (hiện vật gốc) tháo dỡ từ căn phòng trong ngôi nhà số 9 Công-poanh. Việc phục dựng căn phòng được tiến hành khẩn trương đồng thời với việc cải tạo Bảo tàng, đến tháng 9 năm 1988 thì hoàn thành.
Đoàn chúng tôi đặt chân đến Bảo tàng Lịch sử Sống Montreuil khi mùa xuân còn đang đọng lại trên các tán cây, ngọn cỏ nơi đây. Nắng vàng trải dài trên những thảm cỏ xanh mượt, tiếng chim hót trong các lùm cây hai ven đường líu lo. Công viên Montreau - Daniel Renoult nằm tại xã (commune) Montreuil, ngoại ô phía đông Pa-ri. Từ cổng công viên vào là một đoạn đường thẳng tắp, hai bên đưòng trồng nhiều loại hoa đua nhau khoe sắc, phía bên trong là một khu đất rộng trồng nhiều hoa dưới những tán cây cổ thụ. Bảo tàng Lịch sử Sống với 3 tầng màu trắng, mái ngói đỏ tươi nằm thấp thoáng bên những tán cây cao vút. Các cán bộ Bảo tàng niềm nở đón chúng tôi và rất vui khi biết đoàn từ Việt Nam tới. Nữ hướng dẫn viên nhiệt tình đưa chúng tôi tham quan một vòng quanh Bảo tàng vì biết chúng tôi là những cán bộ của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và giới thiệu về Bảo tàng - nơi lưu giữ hình ảnh 100 nhân vật có dấu ấn trong lịch sử nhân loại - mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số 100 nhân vật được giới thiệu ở đây. Một không gian riêng của Bảo tàng được dành cho trưng bày căn phòng tại số 9, ngõ Công-poanh, nơi gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người hoạt động cách mạng ở Pháp từ năm 1921-1923 được phục dựng với tỷ lệ 1/1. Đứng trong căn phòng của Bảo tàng, mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi ai cũng xúc động, bởi chính từ ngôi nhà trọ số 9 ngõ Công-poanh này đã nuôi dưỡng một tâm hồn, một ý chí mãnh liệt của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc với con đường cứu dân, cứu nước, để dân tộc có độc lập, tự do như ngày hôm nay.
Chúng tôi đã tới thăm Tượng Bác Hồ được đặt ngay trong công viên Montreau, bên cạnh Bảo tàng Lịch sử Sống Montreuil. Từ xa chúng tôi đã nhận ra bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trang trọng, nổi bật giữa không gian yên bình của công viên. Phía trước là khoảng sân nhỏ lát đá để tiến hành các nghi thức nghi lễ, phía sau là hai cây hoa tím biếc và hai cây tùng cổ thụ đổ bóng mát quanh năm, xung quanh là những bông hoa màu sắc sặc sỡ và thảm cỏ mượt như nhung. Dưới tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm biển đồng ghi dòng chữ:
«Président HỒ CHÍ MINH 1890 - 1969 Héros de la libération nationale et eminent homme de culture du Vietnam
                                       (Résolution de LUNESCO 1987) »
Tạm dịch: «Chủ tịch HỒ CHÍ MINH 1890 - 1969 Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hoá của Việt Nam
(Nghị quyết của UNESCO năm 1987)»
Người hướng dẫn viên cho biết, lễ đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tổ chức trọng thể vào hồi 14 giờ 30 ngày 19 tháng 5 năm 2005, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 115 năm Ngày sinh của Người.
 Chia tay các cán bộ của Bảo tàng với lời hẹn gặp lại, đoàn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình tìm tới nơi mà Bác Hồ đã từng ở năm xưa: Nhà số 9, ngõ Công-poanh.
Qua vài bến tàu điện ngầm, chúng tôi đến phố Guy Môquet. Ngõ Công- poanh nằm trên phố Guy Môquet là một ngõ nhỏ, ngắn, hai bên là hai dãy chung cư. Con phố khá vắng vẻ, chúng tôi không cần hỏi thăm đã nhận ra nhà số 9 nằm ở phía bên trái, gần cuối ngõ, nay được chia ra thành số 9 và số 9 bis. Bên ngoài số 9 bis, có tấm biển với nội dung như sau:
“ICI, DE 1921 A 1923 A VECU ET MILITE POUR LINDEPENDANCE ET LA LIBERTE DU PEUPLE VIETNAMIEN ET DES AUTRES PEUPLES OPPRIMES NGUYỄN ÁI QUỐC CONNU SOUS LE NOM DE HỒ CHÍ MINH
           JANVIER 1983”
Tạm dịch: «Tại đây, từ năm 1921 đến 1923, Nguyễn Ái Quốc được biết đến dưới tên gọi Hồ Chí Minh đã sống và chiến đấu cho độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác
             Tháng 1 năm 1983
Doan cong tac tai Phap 2
Bên tấm biển đồng tại nhà số 9 ngõ Công-poanh (Bà Christiane Suzet đứng giữa)
Đây chính là tấm biển của ngôi nhà cũ, do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và Hội Việt kiều tại Pháp gắn biển lưu niệm vào ngày 15 tháng 01 năm 1983 để ghi nhớ và giữ gìn những kỷ niệm sâu sắc về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tại đây. 
Đứng ngay dưới chân của căn gác xép năm xưa, nơi Bác Hồ của chúng ta đã từng sống và hoạt động cách mạng, chúng tôi ai cũng xúc động. Vậy là từ gác xép nhỏ nơi phố nghèo này, Bác của chúng ta đã tự thân, tự lập nơi xứ người, hoà vào cuộc sống của những người cùng khổ để tìm ra con đường cứu dân, cứu nước. Để rồi hơn hai mươi năm sau (năm 1945) tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhân loại tiến bộ đều biết đến Người - một chiến sỹ cách mạng lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Có một kỷ niệm nho nhỏ đối với chúng tôi đó là khi cả đoàn đang loay hoay tìm cách chụp ảnh chung nhưng chưa biết nhờ ai, vì con phố về trưa quá vắng vẻ, thì được ông bà Christiane Sauzet ở căn hộ phía kế bên đã nhiệt tình chụp ảnh giúp. Bà Christiane Sauzet cho biết, bà đã ở khu phố này từ khi mới xây dựng lại và năm nào cũng chứng kiến các đoàn khách Việt Nam đến thăm địa danh này và bà rất ấn tượng với cụm từ: Việt Nam - Hồ Chí Minh. Bà cho biết hai ông bà sẽ sang Việt Nam và đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào một dịp thích hợp.
Rời ngõ nhỏ Công-poanh khi nắng chiều đang nhạt dần, chúng tôi có chung một cảm xúc khi nhớ về một thời hoạt động cách mạng sôi nổi của Bác Hồ nơi xứ người, với bao khó khăn vất vả nhưng vẫn kiên định về một con đường: Cứu dân, cứu nước. Những khó khăn trong hành trình tìm đường cứu nước gian khổ là vậy nhưng không làm nhụt ý chí mà càng hun đúc nhiệt huyết cách mạng của người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc. Điều đó càng làm chúng tôi, những cán bộ, nhân viên đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ bên Lăng Bác như tiếp thêm sức mạnh và quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân đã tin cậy giao phó: Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chinh trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới./.
         Duy Hưng

Bài viết khác: