Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) đã giáng một đòn vào chế độ quân chủ chuyên chế, đập tan mọi phương án chính trị của các lực lượng tư sản, khai sinh ra một chế độ xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong lịch sử phát triển của nhân loại tiến bộ. Cuộc cách mạng đã giương cao lá cờ đỏ búa liềm đứng lên giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên toàn thế giới. Chính sự kiện ấy đã đánh dấu cho con đường hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đưa Người đến với lý tưởng của chủ nghĩa Cộng sản, chủ nghĩa Mác - Lênin.

CTHCM voi nc Nga 12
Cuộc gặp gỡ thân thiết của Bác Hồ cùng phi hành gia
nổi tiếng của Liên Xô - German Titov vào năm 1962

Cách mạng Tháng Mười Nga và con đường cách mạng của Hồ Chí Minh

Ngày 5/6/1911, người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường giải phóng dân tộc kéo dài 30 năm. Người đã tới nhiều nước, làm nhiều nghề để sống với mong muốn tìm ra con đường hoạt động cách mạng của mình. Trong đó, nước Nga Xô-viết - quê hương của Cách mạng Tháng Mười, đất nước của Lê-nin vĩ đại là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh có thời gian gắn bó lâu nhất, hơn 50 năm kể từ khi Người biết đến nước Nga. Nước Nga có một vị trí và tầm ảnh hưởng vô cùng lớn đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã gặp và tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy ở học thuyết Mác-Lênin về con đường giành độc lập cho dân tộc. Người được biết ở nước Nga, V.I Lê-nin là người đã lãnh đạo cách mạng thành công, sáng lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, bảo vệ quyền lợi cho đại đa số người dân lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ đường lối duy nhất và đúng đắn nhất để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng nhân loại bị áp bức, phải thực hiện cuộc cách mạng. Người nói “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Một thế giới mới đã mở ra với sự hiện diện đích thực của một xã hội bình đẳng và dân chủ. Đó là nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười 1917, với trí tuệ của Lê-nin, bản lĩnh chính trị kiên cường của người dân và công nhân lao động, đã thôi thúc Hồ Chí Minh một lòng đi theo tiếng gọi của chủ nghĩa cộng sản... từ bản sơ thảo lần thứ nhất, những luận cương của Lê-nin đề cập đến vấn đề dân tộc và thuộc địa, đó là những vấn đề mà Người đang trăn trở như quyền bình đẳng thực sự giữa các dân tộc, tình đoàn kết chiến đấu giữa giai cấp vô sản ở các nước tư bản và cuộc đấu tranh của nhân dân các thuộc địa…điều đó đã đem đến cho Hồ Chí Minh một định hướng chính trị rõ ràng. Người kêu gọi “Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Hồ Chí Minh đã công khai lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân trên báo chí, kêu gọi sự ủng hộ của người lao động và những người dân ở các thuộc địa. Đồng thời, trên các phương tiện thông tin, trên các diễn đàn báo đài ở nước Nga cũng như một số nước khác, Hồ Chí Minh cũng trực tiếp tuyên truyền cho Quốc tế cộng sản, cho CNXH và Chủ nghĩa Mác – Lênin.

Nguyễn Ái Quốc đến nước Nga ngày 30-6-1923 và đã có khoảng thời gian hơn sáu năm học tập và hoạt động ở quê hương của Cách mạng Tháng Mười, đất nước của Lê-nin vĩ đại, trung tâm của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, từ ngày 30-6-1923 đến tháng 10-1924; từ tháng 6-1927 đến 11-1927 và từ tháng 6-1934 đến tháng 10-1938. Được sống, học tập và làm việc ở nước Nga trong thời gian dài hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh lấy tư tưởng và học thuyết của Lê-nin làm kim chỉ nam cho hành cuộc cách mạng trường chinh của mình. Chính Hồ Chí Minh cũng đã phải khẳng định Lê-nin là người đã đặt cơ sở cho một kỷ nguyên mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Vì chúng ta tự coi mình là học trò của Lê-nin, cho nên chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác[1].

Cuối năm 1924, Hồ Chí Minh từ nước Nga trở về nước, đem theo những khát khao về giải phóng, về độc lập, tự do, hạnh phúc, về tình đoàn kết quốc tế của Lê-nin đến Việt Nam, mà đó có lẽ là con đường duy nhất và đúng đắn nhất mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Và tháng 11 năm 1924, từ Quảng Châu - trung tâm cách mạng của Châu Á, Hồ Chí Minh bắt đầu xây dựng những cơ sở ban đầu cho sự ra đời của một chính Đảng kiểu mới ở Việt Nam theo nguyên tắc Mácxít-Lênin. Người đã khẳng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành công, và thành công đến nơi” và “cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì dân chúng (công nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất….” [2]

Nguyễn Ái Quốc đã dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, khai mạc ngày 10-10-1923 và phát biểu tại hai phiên họp (phiên thứ nhất, ngày 10-10 và phiên thứ 7, ngày 13-10). Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân gồm 11 ủy viên. Trong năm 1924, ngoài việc tham dự sự kiện lớn là Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản (6-1924), Nguyễn Ái Quốc còn dự Đại hội lần thứ IV Quốc tế Cộng sản Thanh niên (6-1924), Đại hội lần thứ I Quốc tế Cứu tế Đỏ (7-1924), Đại hội lần thứ ba Quốc tế Công hội Đỏ (7-1924), dự mit-tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1-5), dự mit-tinh vì hòa bình thế giới (ngày 6-7-1924) tại Quảng trường Đỏ… Nguyễn Ái Quốc đã hòa nhập nhanh chóng trong môi trường mới và Người đã tranh thủ tận dụng tối đa những cơ hội mình có. Trên tất cả các diễn đàn, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi sự chú ý ủng hộ (thiết thực) của những người cộng sản ở “chính quốc” cho phong trào giải phóng ở các thuộc địa. Thực tế cho thấy, cách mạng Việt Nam theo đường hướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thật sự gắn với cách mạng vô sản thế giới, gắn bó với Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười. Những người lãnh đạo cách mạng Việt Nam hoạt động và rèn luyện ngay tại cái nôi cách mạng vô sản thế giới. Người khẳng định: “Dưới ngọn cờ vẻ vang của chủ nghĩa Mác-Lênin, đi theo con đường mà Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra, với lòng tin cậy hoàn toàn ở quần chúng và niềm tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi, chúng ta dũng cảm và kiên quyết tiến tới tương lai sung sướng và rực rỡ, tiến tới hữu nghị và hoà bình lâu dài, tiến tới xã hội xã hội chủ nghĩa [3] . Sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam  năm 1930 và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là những thắng lợi đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Điều đó cho thấy, từ những kinh nghiệm của cuộc cách mạng Tháng Mười Nga hay lý luận của Lê-nin đã khẳng định con đường cách mạng của Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn. Hơn 50 năm gắn bó với nước Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người học trò trung thành, xuất sắc của Lê-nin đã trải nghiệm và cảm nhận được những tình cảm chân tình của Nước Nga-Xô Viết đối với cách mạng Việt Nam. Người trân trọng tất cả những gì liên quan đến Cách mạng Tháng Mười vĩ đại và V.I.Lê-nin. Những thành quả mà cách mạng Việt Nam đạt được cũng là thành quả góp chung vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng cho những người dân lao động bị áp bức trên toàn thế giới. Kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, những thành tựu của Liên Xô về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội,... là tấm gương sáng cho con đường cách mạng Việt Nam học tập và noi theo.

Hồ Chí Minh và con đường sự nghiệp Báo chí cách mạng Việt Nam.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh con đường cách mạng giải phóng dân tộc song hành cùng con đường báo chí cách mạng Việt Nam. Con đường cách mạng của Hồ Chí Minh cũng song hành cùng con đường cách mạng Việt Nam, trong đó báo chí là một trong những phương tiện chính để thực hiện cuộc cách mạng của Người. Cuộc cách mạng đầu tiên trong sự nghiệp của Người là dùng báo chí làm vũ khí để thực hiện sứ mệnh xây dựng và đấu tranh bảo vệ chân lý. Năm 1922, Người cho xuất bản tờ báo "Người cùng khổ" ở Pháp. Người là đại biểu duy nhất của nhân dân Đông Dương tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp. Tại Đại hội này Người đã cùng với những nhà hoạt động chính trị và vǎn hoá nổi tiếng của Pháp như: Macxen Casanh (Marcel Cachin), Pôn Vayǎng Cutưyariê (Paul Vaillant Couturier)... cùng nhau đứng lên bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, chống lại những kẻ cơ hội và đối nghịch. Trên diễn đàn của Đại hội, Người đã tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương, kêu gọi giai cấp công nhân và nhân dân Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và nhân dân các thuộc địa khác. Người đề nghị: "Đảng xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức ... Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa. Chúng tôi thấy rằng việc Đảng xã hội gia nhập Quốc tế thứ ba có nghĩa là Đảng hứa một cách cụ thể là từ nay Đảng sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa" [4] .

Năm 1923, Người đến nước Nga, tiếp tục nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tham gia vào các hoạt động của Quốc tế cộng sản, Người nhận thức rõ chân lý trong Luận cương của V.I Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người viết: "Luận cương của V. I Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ.! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”[5] . Được sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh hoạt động công khai tại Liên Xô. Được thực tiễn cách mạng Nga lúc đó cổ vũ và được sự ủng hộ đông đảo của tầng lớp những người dân các nước thuộc địa. Người kiên trì đấu tranh bảo vệ và phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, hướng sự chú ý của Quốc tế Cộng sản tới phong trào đấu tranh của nhân dân các nước đang bị đàn áp. Hồ Chí Minh là tác giả đầu tiên của Việt Nam viết về cuộc Cách mạng Tháng Mười và Lê-nin, viết về những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Tại phiên họp thứ VIII, Đại hội V, tháng 6-1924, Người nói: “Tôi đến đây không ngừng lưu ý Quốc tế Cộng sản đến một sự thật là: Thuộc địa vẫn đang tồn tại, và vạch ra để Quốc tế Cộng sản thấy rằng: Cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Song, tôi thấy rằng hình như các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa. Vì vậy, tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có được, gợi ra những vấn đề và nếu cần, tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa”.[6].

Trong các bài phát biểu tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Người đã đề cập nhiều vấn đề mối quan hệ giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng chính quốc, kêu gọi sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới với cách mạng thuộc địa. Tại phiên họp XXV ngày 3 tháng 7 nǎm 1924, Người chỉ rõ: "Trong tất cả các thuộc địa Pháp, nạn nghèo đói đều tǎng, sự phẫn uất ngày càng lên cao. Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi. Trong nhiều nước thuộc địa họ đã vài lần nổi dậy, nhưng lần nào cũng bị dìm trong máu. Nếu hiện nay nông dân vẫn còn ở trong tình trạng tiêu cực thì nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế cộng sản phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng"  [7]. Những bài phát biểu và những báo lên án chủ nghĩa thực dân của Người đều được đăng trên nhiều Báo như: Báo Nhân đạo (L’Humanité), Đời sống công nhân (La Vie Ouvrière), Sự thật (Pravda), Người cùng khổ (Le Paria), Thư tín quốc tế (Inprékor), Tạp chí Cộng sản vv.v.. Các bài báo tập trung nói về các vấn đề liên quan đến giai cấp công nhân, đến cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở các thuộc địa, mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng thuộc địa.

Tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp" của Người được xuất bản vào cuối nǎm 1925. Nhiều bài trong tác phẩm đã được đǎng Báo Le Paria và một số báo, tạp chí ở Pháp và Liên Xô. Bằng những chứng cớ và số liệu cụ thể, những người thật việc thật, Người đã thức tỉnh nhân dân các thuộc địa, đồng thời chỉ ra con đường đấu tranh của cách mạng thuộc địa, Người đã chỉ rõ: "Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi thì cái vòi còn lại kia sẽ tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt sẽ lại mọc ra" [8] . Năm 1925, Người tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách mạng Đồng chí Hội, mà hạt nhân là Cộng sản Đoàn, đồng thời thai nghén ra tờ báo Thanh Niên và mở lớp huấn luyện đào tạo hàng trăm cán bộ đưa về nước hoạt động. Đây cũng là mốc son đánh dấu sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Những năm đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, hàng loạt tờ báo của người Việt được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau. Cho đến ngày 21.6.1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo “Thanh niên” do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập, ra mắt số đầu tiên ghi dấu cho sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tờ báo “Thanh Niên” tự do và công khai, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Sự kiện này đã mở đầu cho cuộc Cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc Việt Nam lên một tầm cao mới. Người đã trực tiếp đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh và đi đào tạo tại nước ngoài…Từ những bài giảng của mình cho những thanh niên Việt Nam yêu nước, những hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đã được Hồ Chí Minh thổi một luồng sinh khí mới cho phong trào cách mạng trong nước, thông qua những luận điểm, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và hơi thở của thời đại mới đó được thể hiện rõ trong tác phẩm Đường Kách mệnh (năm 1927). Để rồi, trong Đường Kách mệnh - văn kiện có ý nghĩa Cương lĩnh cho việc xây dựng một Đảng cách mạng Việt Nam, Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin [9] .

Từ chiếc nôi nước Nga - Liên Xô, cuộc cách mạng vô sản và chế độ xã hội chủ nghĩa đã thức tỉnh nhiều dân tộc đang bị áp bức bót lột trên toàn thế giới; chủ nghĩa xã hội trở thành một hệ thống thế giới, đối trọng với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Liên tục trong nhiều thập kỷ, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã khôi phục đất nước sau chiến tranh. Liên Xô cũng đã đạt thế trên và ngang bằng chiến lược với các nước tư bản chủ nghĩa và chủ nghĩa thực dân. Bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, Hồ Chí Minh đưa đến thành công của Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo mà nội dung cốt lõi là: Độc lập dân tộc và CNXH đã được Hội nghị thông qua. Dưới ngọn cờ độc lập, tự do của Hồ Chí Minh, với đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, một cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã thành công không phải ở nước Nga mà ở một nước nhỏ bé như Việt Nam. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, một nhà nước kiểu mới được tổ chức trên cơ sở chọn lọc những yếu tố tích cực của mô hình tổ chức nhà nước Xô Viết và các nhà nước dân chủ khác, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam đã có bề dày hàng ngàn năm lịch sử, đồng hành cùng nhân dân vững vàng bước vào cuộc trường chinh chống thực dân đế quốc xâm lược.

Nhận thức được công cụ đắc lực trong công cuộc giải phóng dân tộc, trong cuộc đời làm cách mạng của mình, Hồ Chí Minh coi báo chí như là một vũ khí quan trọng nhất và hữu dụng nhất, dùng ngòi bút của mình để viết nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc đấu tranh chống lại kẻ thù. Với hàng ngàn bài viết trên các báo trong nước và quốc tế, Người còn là cộng tác viên của nhiều tờ báo trên thế giới để tăng thêm sự ảnh hưởng của dư luận và xã hội như: Tờ Thiên Tân (Tờ báo của Mỹ xuất bản tại Bắc Kinh); Báo Yi Che Pao của Triều Tiên; Nhân Đạo, Đời sống thợ thuyền, Dân chúng của Pháp; đặc biệt, ngày 27-1-1924, Báo Sự Thật Liên Xô đăng bài của Nguyễn Ái Quốc "Lê-nin và các dân tộc thuộc địa" nói lên niềm khao khát tự do, độc lập của các dân tộc thuộc địa khắp năm châu được ánh sáng học thuyết Lê-nin vạch đường, chỉ lối. Tại Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ V, tham luận về vấn đề dân tộc và thuộc địa tháng 7 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh cần tập trung  sức lực để thực hiện những di huấn của V.I. Lê-nin về vấn đề thuộc địa cũng như những vấn đề khác. Là một nhà cách mạng kiên trung, một nhà báo vĩ đại đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, hơn 50 năm gắn bó và hoạt động trong lĩnh vực báo chí, Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một di sản báo chí vô cùng đồ sộ, đồng thời cũng để lại một di sản qúy báu về nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người trở thành một nhà báo vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam và là người lãnh đạo kiệt xuất trong mắt những người dân yêu chuộng hòa bình.

Đối với nước Nga, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 6 năm sống trên đất Nga. Trong tình hữu nghị với nước Nga và người Nga, nhà cách mạng Việt Nam đã dự cảm về sự phát triển thành công của Việt Nam như một quốc gia dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á, cũng như thắng lợi của đất nước trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và kháng chiến chống xâm lược. Hồ Chí Minh là người đầu tiên viết những dòng báo chính luận và có sự ảnh hưởng lớn từ tư tưởng cũng như văn hóa nước Nga Xô Viết. Người đã học tập văn học cổ điển Nga và dịch tác phẩm văn học Nga. Có thể nói văn hóa, đất nước và con người nước Nga đã khai sinh và nuôi dưỡng một tư tưởng lớn Hồ Chi Minh... Một lịch sử đáng tự hào với tên tuổi một con người đứng ở vị trí khai sinh ra nước Việt Nam nói chung và khai sáng nền báo chí cách mạng nói giêng của Việt Nam thế kỷ XX. Hoạt động của báo chí cách mạng hiện nay đang trong quá trình hội nhập quốc tế. Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản, của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đúng với những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Theo Người: “Báo chí chúng ta chỉ có một đề tài xuyên suốt là chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Người khẳng định: ”Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén - bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới[10] . Nhờ vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác-Lênin, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và trong hai cuộc trường chinh chống thực dân và đế quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân ta đã giành được thắng lợi.

Ngày nay, trong kỷ nguyên mới và hội nhập quốc tế, dưới ánh sáng tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam đã, đang và sẽ phát huy vai trò là diễn đàn của nhân dân, tiếng nói của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Hồ Chí Minh là người đã vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất của báo chí cách mạng. Ngoài tính chiến đấu, tính khoa học, tính giai cấp, tính chân thực, khách quan, còn phải được thể hiện một cách đơn giản, dễ hiểu, đại chúng, sinh động để báo chí làm tròn nhiệm vụ mà Lê-nin từng chỉ rõ: “Tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức và giáo dục tập thể để đa số những người bị bóc lột, bị áp bức ghê gớm của chủ nghĩa tư bản trên thế giới cũng có thể hiểu được”. Hồ Chí Minh là một nhà ngôn ngữ nghiêm khắc. Cũng như Lê-nin, Người dùng rất ít chữ mà là những chữ đúng nhất, cần thiết nhất, để một viện sĩ hàn lâm đến người nông dân đều có thể hiểu được. Về trách nhiệm báo chí, chính Hồ Chí Minh cũng đã thấm nhuần câu nói của Lê-nin: Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình.

Nước Nga – Lê-nin và Hồ Chí Minh, cuộc duyên nợ như là định mệnh của những người trí lớn gặp nhau, của hai vĩ nhân gặp nhau ở một điểm. Hồ Chí Minh - người học trò xuất sắc của V.I. Lê-nin. V.I. Lê-nin và Hồ Chí Minh đều là những lãnh tụ vĩ đại, những nhà văn hoá lớn của nhân loại,. Những gì mà Hồ Chí Minh thu nhận được trong thời gian ở nước Nga là tiền đề quan trọng để có bước đi quan trọng tiếp theo của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trên con đường cách mạng Việt Nam nói chung và báo chí cách mạng nói riêng./.

ThS. Hoàng Anh Tuấn

---------------------------------------------------

(1) - Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.1, tr.282

(2) - Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tr 65.

(3) - Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tr122.

(4) - Trích Biên bản tốc ký Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp,Pari, 1921, tr.133-135.

(5) - Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, , t.10, tr. 127.

(6) - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.273.

(7) - Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.1, tr.289.

(8) - Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, 2002, t.1, tr. 298.

(9) - Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, sđd, tr. 264, 267-268.

(10) - Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 9, 11, 1996, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 

Bài viết khác: