Sau một tuần Lễ truy điệu vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 20 tháng 10 năm 2013, chúng tôi trong Đoàn cán bộ, đoàn viên Công đoàn cơ sở Văn phòng, Chính trị, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Khu Di tích lịch sử Tân Trào. Tại đây, chúng tôi được nghe đồng chí Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh Khu Di tích kể những câu chuyện rất cảm động về Bác Hồ và Đại tướng Võ nguyên Giáp.

huyen
Đoàn lắng nghe những câu chuyện cảm động về Bác Hồ tại Lán Nà Nưa

Ngày 4 tháng 5 năm 1945, Bác Hồ từ Pắc Bó, Cao Bằng về Tân Trào, Tuyên Quang để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sau hành trình 18 ngày đêm vượt núi, băng rừng, ngày 21 tháng 5 Bác Hồ cùng Đoàn cán bộ Trung ương về dừng chân tại đình Hồng Thái, buổi chiều vượt qua sông Phó Đáy vào làng Kim Long (nay đổi tên là làng Tân Lập - nền độc lập mới).

Theo sự bố trí của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ và hai người lính Đồng Minh phụ trách điện đài đến ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự lúc đó là Chủ nhiệm Việt Minh của làng. Cách nhà ông Nguyễn Tiến Sự 300m là nhà ông Hoàng Trung Dân - nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp ở và làm việc trong thời gian chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa (từ ngày 21 tháng 5 đến ngày 16 tháng 8 năm 1945).

Ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự khoảng một tuần, để đảm bảo bí mật và tiện làm việc, Bác Hồ đã chuyển lên lán Nà Nưa, trong Khu rừng nguyên sinh, cách thôn Kim Long chừng 500 mét về phía Đông. Khi ở lán Nà Nưa, điều kiện làm việc của Bác hết sức gian khổ và khó khăn, những bữa ăn đạm bạc, chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh. Trước hoàn cảnh sống và làm việc như vậy, cộng với sự khắc nghiệt của núi rừng, sức khoẻ của Bác giảm sút. Cuối tháng 7 năm 1945, giữa lúc tình hình trong nước cũng như thế giới đang tiến triển có lợi cho cách mạng, Bác ốm. Bác sốt liên miên, lúc tỉnh lúc mê, mọi người rất lo lắng, có người vào rừng tìm lá thuốc về sắc nước cho Bác, có người ra sông Phó Đáy bắt được con ba ba đem về cắt tiết nhỏ vào rượu cho Bác uống và cầu mong Bác mau khỏi bệnh.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp, lúc đó đang ở và làm việc tại gia đình ông Hoàng Trung Dân dưới làng Kim Long. Hàng ngày, đồng chí lên lán Nà Nưa báo cáo tình hình công việc và xin ý kiến chỉ đạo của Bác. Một hôm, sau khi báo cáo công việc, thấy Bác rất yếu, đồng chí Võ Nguyên Giáp xin phép được ở lại với Bác. Đêm ấy, Bác sốt liên miên; đến khi tỉnh lại sau cơn sốt, Bác nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng cương quyết giành cho được độc lập”. Lúc khác Bác lại dặn: “Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ đảng viên và các phần tử trung kiên, trong chiến tranh du kích lúc phong trào lên ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú ý xây dựng căn cứ cho thật vững chắc đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân được”. Những lời dặn dò, khẳng định quyết tâm và tấm lòng khát khao giành độc lập của Bác, đồng thời cũng thể hiện sự tin tưởng vào người học trò xuất sắc, gần gũi của mình.

Lúc này thời cơ cách mạng đã chín muồi: Phe Đồng minh đã chiến thắng chủ nghĩa phát xít ở Châu Âu. Phát xít Đức - Ý đã đầu hàng vô điều kiện, Hồng quân Liên Xô tuyên chiến và đánh bại hơn một triệu quân Nhật ở Mãn Châu, Trung Quốc; phát xít Nhật chấp nhận đầu hàng. Ở Đông Dương, binh lính Nhật hoang mang đến cực độ, chia rẽ và tê liệt, hơn 7 vạn quân Nhật đang chờ quân Đồng minh vào giải giáp. Chính phủ Trần Trọng Kim đứng trước tình thế tuyệt vọng, các tầng lớp nhân dân đã nhất tề ủng hộ Việt Minh đứng lên cướp chính quyền. Đúng như lời tiên tri của Bác Hồ trong bài thơ diễn ca “Lịch sử nước ta” từ mùa Xuân năm 1942 đã viết: “...Nay ta đã có Việt minh/Đủ tài lãnh đạo dân mình đấu tranh/45 - sự nghiệp hoàn thành”.

Nhưng lúc này, Bác đang ốm nặng. Hàng ngày luôn ở bên Bác, báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo, đồng chí Võ Nguyên Giáp rất lo lắng tìm thầy thuốc chữa bệnh cho Người. Trong hồi ký của mình, Đại tướng ghi lại: “Ông cụ lang già người Tày xem mạch, sờ trán Bác rồi đốt cháy một thứ củ vừa đào trong rừng về, hoà vào cháo loãng. Sau đó Bác tỉnh. Hôm sau, Bác ăn thêm vài lần với cháo loãng nữa, cơn sốt nhẹ dần...”. Ngoài cụ lang người Tày, Đại tướng còn dẫn một y tá đến tiêm thuốc chữa bệnh cho Bác. Đó là ông Nguyễn Việt Cường (tên thật là Nguyễn Đức Kính, sinh năm 1925, ở làng Khau Chủ, xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, được Đại tướng Hoàng Văn Thái vận động vào tổ chức Việt Minh).

Nhắc đến câu chuyện chữa bệnh cho Bác Hồ ở Tân Trào trước ngày Tổng khởi nghĩa, ông Việt Cường có kể: “Vào một buổi trưa, lúc đó khoảng 12h30, đồng chí Văn bảo tôi: “Đồng chí Việt Cường đi cùng tôi mang theo túi thuốc vào thăm người ốm”. Tôi được đồng chí dẫn lên một chiếc lán, lên đến nơi tôi thấy Bác mặc bộ quần áo chàm nằm bất tỉnh thoi thóp thở ở trạng thái hôn mê”.

Được chăm sóc, chữa trị kịp thời, Bác Hồ đỡ bệnh, Người đã đề nghị tổ chức Hội nghị Cán bộ toàn quốc của Đảng tại Khu rừng Nà Lừa, từ ngày 13 đến 15 tháng 8 năm 1945. Hội nghị đã thành lập Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc gồm 5 đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, Chu Văn Tấn, Trần Đăng Ninh do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư trực tiếp phụ trách. 23 giờ ngày 13 tháng 8 năm 1945, Uỷ ban khởi nghĩa ra bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.

Ngay trong những ngày Quốc dân Đại hội đại biểu tại Tân Trào (ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1945), dưới bóng cây Đa của làng Kim Long, chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, quân Giải phóng Việt Nam làm Lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 Đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội. Tại Lễ xuất quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân Lệnh số 1: “…Hỡi các tướng sĩ và đội viên Quân giải phóng Việt Nam! Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa các bạn hãy tập trung lực lượng, kíp đánh vào các đô thị và trong trận của quân địch; đánh chẹn các đường rút lui của chúng, tước võ khí của chúng! Đạp qua muôn trùng trở lực, các bạn hãy kiên quyết tiến !...”.

 Sau Lễ xuất quân, Đoàn quân giải phóng rầm rập lên đường, tiến sang giải phóng Thái Nguyên và tiến về Hà Nội. Đoàn quân vừa đi vừa hát vang bài ca “Nam tiến”, trở về Thủ đô Hà Nội cùng với nhân dân cả nước đứng lên Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công.

Lời căn dặn của Bác Hồ về thời cơ cách mạng, về xây dựng lực lượng tại Lán Nà Nưa từ năm 1945 đã trở thành kim chỉ nam cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong quá trình xây dựng, chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược, trực tiếp làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh./.

Hữu Mạnh, Thanh Huyền

Bài viết khác: