Ngày 19.8.1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân. Ngày 26.8.1945, Hồ Chí Minh từ Chiến khu Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang về Hà Nội. Từ ngày 28 đến 30.8.1945, Người viết bản Tuyên ngôn Độc lập tại số nhà 48 phố Hàng Ngang. Ngày 2.9.45, Người công bố bản Tuyên ngôn Độc lập trước toàn thể đồng bào cả nuớc và bạn bè quốc tế tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

tuyen-ngon-bqllang.gov.vn

Tình hình chính trị thời điểm này ở nuớc ta và trên thế giới diễn biến rất phức tạp. Nội bộ đồng minh có mâu thuẫn lớn giữa Anh, Mĩ và Liên Xô. Mâu thuẫn đó có thể khiến Anh, Mĩ tạo điều kiện cho Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Phía Bắc, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch tràn vào với danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật nhưng thực chất là dọn đường cho Mĩ vào Đông Dương. Phía Nam, Pháp núp sau quân Anh hòng chiếm lại Nam Bộ.

Bản Tuyên ngôn Độc lập vì những lẽ trên được sáng tác nhằm tới những đối tượng khác nhau:

          - Nhân dân ta, đồng bào ta

          - Nhân dân thế giới

          - Đặc biệt, những lực lượng thù địch và cơ hội quốc tế (Pháp và Mỹ) đang có âm mưu xâm lược nước ta.

Vì hướng tới những đối tượng khác nhau nên cũng nhằm nhiều mục đích khác nhau:

- Tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập.

- Cảnh cáo dã tâm xâm lược Việt Nam của Pháp và Mỹ

- Kêu gọi sự đồng tình ủng hộ của dư luận tiến bộ quốc tế

- Bày tỏ ý chí sắt đá của dân tộc Việt Nam – quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ nền độc lập vừa giành lại.

Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử đúc kết nguyện vọng sâu xa của dân tộc Việt Nam về quyền độc lập, tự do và cũng là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh gần 100 năm của dân tộc ta để có quyền thiêng liêng đó.

Bản Tuyên ngôn Độc lập đã tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam và mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc ta: Kỉ nguyên độc lập, tự do, kỉ nguyên nhân dân làm chủ đất nước.

Bên cạnh đó, Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn yêu nước lớn của thời đại, khẳng định mạnh mẽ quyền độc lập của dân tộc, gắn độc lập dân tộc với quyền sống của con người, nêu cao truyền thống yêu nước, truyền thống nhân đạo của người Việt Nam. Đó còn là áng văn chính luận mẫu mực. Dung lượng tác phẩm ngắn gọn, cô đọng, gây ấn tượng sâu sắc, kết cấu tác phẩm mạch lạc, chặt chẽ; chứng cứ cụ thể, xác thực; lập luận sắc bén, giàu sức thuyết phục; ngôn ngữ chính xác, gợi cảm.. tác động mạnh mẽ vào tình cảm, nhận thức của người nghe, người đọc.

Phần đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập có nhiệm vụ tạo cơ sở pháp lí, cơ sở lí luận vững chắc cho những phần sau. Việc Hồ Chí Minh trích dẫn hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp – hai bản Tuyên ngôn được dư luận thế giới công nhận và đánh giá cao là sự lựa chọn khôn ngoan, tạo được cơ sở pháp lí vững chắc, không thể chối cãi cho bản Tuyên ngôn của Việt Nam.

Đồng thời, tạo cho bản Tuyên ngôn của Việt Nam một tư thế chính trị, văn hóa bình đẳng và ngang hàng với thế giới.

Đặt trong hoàn cảnh sáng tác lúc bấy giờ, việc trích dẫn trên là lời cảnh tỉnh, răn đe đối với đế quốc Mỹ và thực dân Pháp đang âm mưu xâm lược nước ta. Tổ tiên người Pháp và người Mỹ đã tạo được những tiền đề nhân đạo đáng trân trọng. Nếu Pháp và Mỹ sang xâm lược Việt Nam thì đồng nghĩa với việc chúng đã đi ngược lại với tuyên bố của chính họ, với truyền thống của cha ông, dân tộc của họ. Đây chính là thủ pháp “gậy ông đập lưng ông” của Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, Hồ Chí Minh không trích dẫn một cách thụ động. Nếu hai bản Tuyên ngôn trên chỉ nói đến quyền con người thì Người đã vận dụng sáng tạo chúng để suy ra quyền của dân tộc (“Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là…”). Đây là một đóng góp đầy ý nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới ở thế kỉ XX.

Phong cách văn chương của Người được thể hiện rõ nét trong tác phẩm. Đó là sự chặt chẽ về lập luận, mọi lập luận đều dựa trên lập trường quyền lợi tối cao của 1 dân tộc nói chung và dân tộc ta nói riêng. Về lí lẽ: Sức mạnh của lí lẽ xuất phát từ tình yêu công lí, thái tộ tôn trọng sự thật, dựa vào lẽ phải và chính nghĩa của dân tộc. Về bằng chứng: Xác thực, có sức thuyết phục, cho thấy Người quan tâm sâu sắc, cụ thể và toàn diện đến vận mệnh của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Về ngôn ngữ: Chính xác, giàu sức biểu cảm.

          Những lập luận sắc bén trong tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên phong cách, nghệ thuật lập luận đặc trưng, mang màu sắc riêng của Người.

Kẻ thù trực tiếp đe doạ nền độc lập của dân tộc ta khi bản Tuyên ngôn ra đời là bọn xâm lược Pháp. Đẩy lùi nguy cơ ấy sẽ phải là cuộc chiến đấu vũ trang lâu dài của toàn dân. Nhưng cuộc chiến đấu ấy rất cần sự đồng tình và ủng hộ của nhân loại tiến bộ. Muốn vậy, phải xác định cơ sở pháp lý của cuộc kháng chiến, phải nêu cao chính nghĩa của ta và đập tan những luận điệu xảo trá của bọn thực dân muốn “hợp thức hoá” cuộc xâm lược của chúng trước dư luận thế giới.

          Bản Tuyên ngôn đã giải quyết được yêu cầu ấy bằng một hệ thống lập luận hết sức chặt chẽ và đanh thép.

          Thực dân Pháp muốn khoe khoang công lao khai hoá của chúng đối với Đông Dương. Bản Tuyên ngôn đã vạch trần những hành động “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa” của chúng trong 80 năm thống trị nước ta: Thủ tiêu mọi quyền tự do dân chủ, chia rẽ ba kì, tắm các phong trào yêu nước và cách mạng trong máu, thi hành chính sách ngu dân; đầu độc bằng thuốc phiện và rượu cồn, bóc lột vơ vét đến tận xương tuỷ, cuối cùng gây nên nạn đói khiến “từ Quảng Trị đến Bắc Kì hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”.

          Thực dân Pháp muốn kể công “bảo hộ” Đông Dương. Bản Tuyên ngôn đã chỉ rõ đó không phải là công mà là tội, vì “trong năm năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”.

          Thực dân Pháp tuyên bố Đông Dương là thuộc địa của chúng và chúng có quyền trở lại Đông Dương. Nhưng Đông Dương có còn là thuộc địa của Pháp nữa đâu? Bản Tuyên ngôn vạch rõ: “Sự thật là từ mùa Thu năm 1940, nước ta thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải là thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật đầu hàng Đồng Minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp”. Luận điểm này về ý nghĩa pháp lý cực kì quan trọng. Nó sẽ dẫn tới lời tuyên bố tiếp theo của bản Tuyên ngôn: “Bởi thế cho nên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới, đại diện cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. Sức mạnh của chính nghĩa bao giờ cũng đồng thời là sức mạnh của sự thật. Và không có lí lẽ nào có sức thuyết phục cao hơn là sự thật. Vì thế, bản Tuyên ngôn luôn láy đi láy lại hai chữ “sự thật”: Sự thật là....sự thật là...”  và cuối cùng thì: “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”... Đấy là những điệp khúc tiếp nối tăng thêm âm hưởng hùng biện của bản Tuyên ngôn.

          Đấy là hệ thống lí lẽ bác bỏ luận điệu của bọn đế quốc thực dân.

          Còn đối với dân tộc Việt Nam? Dân tộc ta có xứng đáng được hưởng độc lập, tự do hay không? Có đủ tư cách làm chủ đất nước mình hay không? Bản Tuyên ngôn đã đưa ra những lí lẽ để khẳng định: Nếu thực dân Pháp có tội phản bội Đồng minh, hai lần bán rẻ Đông Dương cho Nhật thì dân tộc Việt Nam đại diện là Việt Minh, đã đứng lên chống Nhật cứu nước và cuối cùng giành được chủ quyền từ tay phát xít Nhật.

          Nếu thực dân Pháp bộc lộ tính chất đê hèn, tàn bạo và phản động của chúng ở hành động “thẳng tay khủng bố Việt Minh” “thậm chí đến khi thua chạy chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”, thì nhân dân ta vẫn giữ thái độ khoan hồng và nhân đạo với kẻ thù đã thất thế: “Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thuỳ, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ”.

Một dân tộc phải chịu biết bao đau khổ dưới ách thực dân tàn bạo, đã anh dũng chiến đấu cho độc lập tự do, đã đứng hẳn về phe Đồng minh chống phát xít, đã nêu cao tinh thần nhân đạo, bác ái như thế, “Dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập”.

          Tinh thần khẳng định, trong lời kết luận được tăng cấp lên một bậc nữa: Hưởng độc lập tự do không chỉ là một cái quyền phải có, không phải chỉ là một tư cách cần có, mà đó là một hiện thực: “ Nước Việt Nam có quyền....và sự thật đã thành...”. Và vì thế “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

          Đúng như nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh đã nói : Người ta gọi bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi là “thiên cổ hùng văn”. Cũng có thể nói như thế về bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất nhiên bản Tuyên ngôn không ra đời trong thời kì văn học nguyên hợp, “văn sử bất phân”. Tác giả không đưa vào bài chính luận những hình tượng hào hùng, tầng tầng lớp lớp như bài cáo của người xưa. Ngày nay văn chính luận là văn chính luận. Tài nghệ ở đây là dàn dựng được một lập luận chặt chẽ, đưa ra được những luận điểm, những bằng chứng không ai chối cãi được và đằng sau những lí lẽ ấy là một tầm tư tưởng, tầm văn hoá lớn, đã tổng kết được trong một văn bản ngắn gọn, trong sáng, khúc chiết, kinh nghiệm của nhiều thế kỉ đấu tranh vì độc lập, tự do, vì nhân quyền, dân quyền của dân tộc và nhân loại./.

Ma Lệ Minh

Bài viết khác: