Những ngày đầu tháng 11, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa kết thúc quá trình tu bổ định kỳ, bắt đầu mở cửa Lăng đón đồng bào, khách quốc tế vào Lăng viếng Bác. Ngay trong những ngày đầu tiên, số lượng đồng bào, khách quốc tế đến Lăng đã rất đông. Trong số đó, tôi có cơ hội được gặp bà Nguyễn Ngọc Mỹ. Bà đi cùng Đoàn Người có công với cách mạng của tỉnh Kiên Giang. Tuổi đã cao, vượt đoạn đường xa xôi để có mặt tại Hà Nội nhưng trên khuôn mặt bà không có một chút mệt mỏi. Thay vào đó, bà luôn vui vẻ nở nụ cười trong khi trò chuyện với tôi. Được nghe bà chia sẻ, tôi nhận ra đằng sau nụ cười vui vẻ đó là người phụ nữ đầy nghị lực, bản lĩnh.
Từ tình yêu thời chiến...
Bà Nguyễn Ngọc Mỹ sinh năm 1942, quê gốc tại xã Trí Phải huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau. Chồng bà là Liệt sỹ Nguyễn Trường Kỳ (1931 – 1971).
Trong cuộc trò chuyện với tôi, bà kể lại câu chuyện tình yêu của hai vợ chồng. Năm 1961, tại Khu tập kết ở tỉnh Kiên Giang, bà đã gặp được ông Kỳ. Nhắc đến chuyện tình yêu những năm tháng đó, bà bảo: Chiến tranh có gian khổ, có ác liệt thế nào thì tình yêu vẫn đến với những người như ông, như bà... Đó là niềm hạnh phúc tưởng chừng giản dị nhưng rất vô cùng đáng quý.
Quê ông Kỳ ở tỉnh Cần Thơ, bà ở tỉnh Cà Mau. Hai miền quê nhưng lại xây dựng hạnh phúc tại mảnh đất Kiên Giang. Tình yêu của ông bà khi ấy cũng giống như bao mối tình thời chiến khác của các chiến sỹ cách mạng. Tình yêu ấy nhẹ nhàng, sâu lắng, nhưng cũng vô cùng mãnh liệt. Bởi tình yêu đôi lứa luôn gắn chặt với tình yêu đất nước, với sự quyết tâm chiến đấu trên chiến trường đầy ác liệt.
Bà chia sẻ: “Yêu nhau trong hai năm nhưng số lần gặp nhau của ông bà được tính không hết một bàn tay. Tuy vậy, hai người vẫn luôn hướng về nhau. Tình yêu trong chiến tranh khác tình yêu khi đất nước đã hòa bình! Khi đất nước ở trong điều kiện đặc biệt, mọi thứ cũng cần biến đổi theo. Tình yêu thời chiến của những con người như tôi là điều gì đó vừa gần gũi vừa xa xôi. Bởi yêu nhưng không thể gặp được nhau, không thể gần nhau... Nhưng càng như vậy thì tình yêu lại càng sâu sắc, càng đáng quý hơn”. Thật sự, đối với những người như bà Mỹ, ông Kỳ thì tình yêu đôi lứa không phải đơn thuần là tình cảm giữa hai người.
Năm 1963, sau hai năm kể từ ngày nhận lời yêu nhau, hai ông bà chính thức trở thành vợ chồng. Một đám cưới đơn giản, hạnh phúc được tổ chức, hai ông bà chính thức trở thành vợ chồng trước sự chứng kiến của anh em đồng đội trong toàn đơn vị. Đám cưới không có gia đình bên cạnh nhưng niềm hạnh phúc khi sống giữa tình đồng đội yêu mến cũng khiến hai trái tim trở nên ấm nóng.
Bà Nguyễn Ngọc Mỹ chụp ảnh lưu niệm tại khu vực đón tiếp của Ban Quản lý Lăng
Nỗi đau chiến tranh để lại...
Gia đình bà Mỹ có sáu anh chị em, bà là chị cả. Nhưng đi kháng chiến, chuyển địa điểm tập kết rồi bà lấy chồng nên không có điều kiện gần gia đình. Chồng đi chiến đấu, bà không có cơ hội gần chồng nhiều. Xa chồng, không có người thân bên cạnh nên mọi việc chủ yếu đều do bà làm tất thảy. Khó khăn, vất vả nhưng ít nhất bà vẫn luôn tin tưởng có chồng làm chỗ dựa, để mong chờ cảnh gia đình đầy đủ, hạnh phúc khi hòa bình đến. Nhưng rồi, khó khăn lại càng tăng lên gấp bội khi bà nghe tin dữ từ chiến trường!
Năm 1971, chồng bà hy sinh. Khi đó, cuộc sống của bà và các con càng trở nên khốn khó. Mất đi người chồng, chỗ dựa tinh thần vững chãi, mọi thứ như đổ vỡ trước mắt bà. Gia đình nội ngoại đều ở xa, bà chỉ còn biết bám víu vào những đứa con để lấy động lực tiếp tục cố gắng trong cuộc sống và công tác. Bà bảo: Tin ấy như sét đánh ngang tai vậy, tôi đã khóc rất nhiều nhưng luôn tự nhủ không được khụy ngã, nhất là khi nhìn những đứa con thơ chơi đùa, tôi lại lau nước mắt, tiếp tục đứng dậy để tiếp tục sống, tiếp tục cố gắng.
Chồng bà mất để lại bà và bốn người con: Người con lớn nhất mới 8 tuổi, nhỏ nhất mới chỉ được 7 tháng tuổi. Khi ấy, bà vừa phải công tác ở xã, vừa phải chạy giặc, và kiếm sống nuôi nấng, chăm sóc các con. Ban ngày làm công tác, ban đêm về làm công việc nhà, nhiều đêm bà tự mình đi bắt cá ngoài ruộng để con có đồ ăn. Nhưng sau đó, vì con còn nhỏ, không thể đảm bảo công việc ở xã nên bà đã quyết định nghỉ công tác vài năm để về chăm sóc con cái.
Giữa chiến tranh ác liệt, người phụ nữ bé nhỏ bồng bế bốn người con để vượt qua sự khắc nghiệt của số phận. Những ngày đó, mẹ con bà sống trong cảnh cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Nhìn những đứa con chịu khổ, nước mắt đã rơi bao nhiêu lần trong đêm tối… Nhưng với nghị lực, ý chí mạnh mẽ, bà vẫn luôn cố gắng, kiên cường. Bà bảo: “Chồng không còn nên tôi vừa là mẹ vừa là ba của các con. Và dù khi ấy rất khổ cực nhưng tôi luôn tâm niệm là phải nuôi, dạy bảo cho con cái nên người để chúng trở thành người có ích cho xã hội”.
Sau khi con út của bà được ba tuổi thì bà quay trở lại công tác tại địa phương. Năm 1971, bà công tác ở Hội Phụ nữ. Đến năm 1980, bà chuyển sang công tác Thường vụ Đảng ủy chỉ đạo Khối Dân vận. Năm 1991, bà làm Bí thư chi bộ, trưởng ấp Kình Làng, xã Đông Thái, huyện An Biên. Bà chia sẻ: “Cuộc sống khổ cực nhưng những người con của tôi đều rất ngoan. Dù tuổi nhỏ nhưng anh em chúng biết chăm sóc lẫn nhau để mẹ yên tâm công tác”.
Hạnh phúc những năm tháng tuổi già
Những năm tháng khó khăn, gian khó của cuộc đời bà giờ đã đi qua. Giờ đây, khi đã bước sang tuổi 72, tóc đã bạc, các con cháu chắt đầm ấm bên cạnh, nhìn lại khoảng thời gian đó, bà chỉ cười hạnh phúc. Bởi bà bảo khó khăn như thế thì con bà mới khôn lớn, mới hiểu được khổ cực là như thế nào và hơn hết mới biết trân trọng những hạnh phúc dù là nhỏ nhất của ngày hôm nay.
Trong câu chuyện với tôi, bà tự hào kể về việc được nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Bà được kết nạp Đảng năm 1975, khi ấy bà đang công tác tại Hội Phụ nữ của xã Đông Thái huyện An Biên tỉnh Kiên Giang.
Hiện nay, các con, cháu bà đều thành đạt, cuộc sống đã khá hơn xưa rất nhiều. Có lẽ vì vậy mà mỗi khi nhắc đến con cái, ánh mắt của bà đều lấp lánh niềm hạnh phúc. Cuộc đời bà đã khổ nhưng với ý chí, nghị lực của mình, bà đã nuôi dạy con cái trưởng thành, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của chồng và các đồng đội.
Chia sẻ với tôi về cơ hội được ra Thủ đô, vào Lăng viếng Bác, bà nói: Đây là lần thứ 2 tôi có được may mắn vào Lăng viếng Bác Hồ. Lần đầu tiên từ những năm 1998. Từ năm 1998 đến bây giờ, khu vực Lăng Bác ngày càng đẹp đẽ, khang trang, văn minh. Cảnh sắc thật sự rất đẹp.
“Mỗi lần được vào Lăng viếng Bác, tôi đều cảm thấy rất tự hào. Đó là cảm xúc rất thiêng liêng. Bởi khi chiến tranh, đồng bào miền Nam mong ngóng ngày Bác Hồ vào thăm. Nhưng ngày đó đã không thể đến… Những người con miền Nam hôm nay được có cơ hội nhìn thấy Bác trong Lăng, đó là niềm hạnh phúc, sự tự hào không gì sánh bằng” – bà Mỹ nói./.
Thanh Huyền