Trong tác phẩm Đời sống mới (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên của Chính phủ dân chủ viết về vấn đề môi trường:
"Về văn hóa, phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân. Về phong tục, phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình thành một làng "phong thuần tục mỹ". Về vệ sinh, đường sá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi..."(1).
Vấn đề môi trường đã được Hồ Chí Minh quan niệm rất toàn diện, gồm cả hai phương diện, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Về môi trường xã hội (văn hóa, phong tục) thì trước hết là phải làm cho mọi người biết chữ, sau đó là biết đạo đức và trách nhiệm công dân, nghĩa là yêu cầu mọi người phải có học vấn và có văn hóa (văn hóa ứng xử đạo đức, đạo lý, ý thức được quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận công dân); đồng thời với việc bài trừ các tệ nạn xã hội (cấm hẳn say rượu, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp, chửi nhau, kiện cáo nhau). Về môi trường tự nhiên, Người yêu cầu phải "sạch sẽ" và chỉ ra các biện pháp cụ thể như phân biệt và chăm sóc giếng nước uống, ao tắm giặt, phòng chống muỗi, phải có cầu xia riêng, chung.
Từ năm 1959, Người đã khởi xướng phong trào “Tết trồng cây”. Ngày 28-11-1959, trên Báo Nhân Dân số 2082, Người viết bài “Tết trồng cây” và đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây để thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Trong bài viết, Bác nêu rõ tác dụng của việc trồng cây là công việc đó “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt. Tại thời điểm đó, Bác đã tính “ở miền Bắc có độ 14 triệu, trong số đó độ 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây…Như vậy, mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965, chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong hai mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Cuối bài báo, Bác Hồ đã viết Tết trồng cây “cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”. Tính đến nay, phong trào càng ngày càng phát triển trong toàn dân.
Đến năm 1961, Người quay lại vấn đề này và rất chú ý tới vấn đề nâng cao nhận thức về môi trường tự nhiên: "Cần giáo dục rộng khắp cho nhân dân biết giữ vệ sinh"(2); "Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân... làm cho đồng bào hiểu rõ: Phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch"(3). Người chỉ ra mối quan hệ hữu cơ giữa lao động, vệ sinh và sức khỏe: "…Muốn lao động sản xuất tốt thì phải giữ gìn sức khỏe. Muốn giữ gìn sức khỏe thì phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch"(4).
Ngay cả đến giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, Bác Hồ cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ ra những phương hướng, nhiệm vụ về môi trường: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mọi công dân. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát, ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái”(5). Phấn đấu “đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng đạt 45%”(6). Trong mục Định hướng phát triển, Văn kiện nêu những biện pháp: “Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và các chương trình, dự án”(7).
Đây là chiến lược đúng đắn, không chỉ phù hợp với tình hình hoàn cảnh nước ta mà còn phù hợp với xu hướng chung của thế giới hiện nay là con người sống hòa nhập, thân thiện với môi trường. Vì vậy, việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về môi trường là một cách làm thiết thực.
Quán triệt sâu sắc quan điểm chiến lược của Đảng, thấm nhuần tư tưởng và những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững, trong những năm qua, các thế hệ Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng đã thường xuyên quan tâm quán triệt tới toàn thể cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ ý nghĩa và sự cần thiết của việc giữ gìn, nâng cấp, tôn tạo cảnh quan vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ gắn với giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường trong khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình, khu Di tích K9 và các khu vực doanh trại, cơ quan; vì thế, trong hàng chục năm qua, cán bộ, nhân viên, chiến sỹ trong các cơ quan, đơn vị đã không ngừng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan bằng những việc làm cụ thể, đó là:
Thường xuyên duy trì nghiêm túc các chế độ chăm sóc vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ Khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình, Nhà khách quốc tế số 8 Hùng Vương…, tổ chức duy trì chế độ vệ sinh môi trường công trình và các khu vực cơ quan làm việc luôn khang trang, sạch đẹp. Tiếp nhận và vận hành hoạt động của Trạm quan trắc môi trường không khí và cảnh báo phóng xạ Khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình góp phần kiểm soát môi trường khu vực và cảnh báo kịp thời khi môi trường khu vực bị xâm hại, ô nhiễm.
Những bông hoa khoe sắc rực rỡ trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Năm 2013, Ban Quản lý đã tổ chức triển khai thực hiện những kế hoạch quan trọng như: Triển khai thi công cải tại hai vườn tre bên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; cải tạo các nấm hoa lâu năm, đôn đảo cây xảnh trên vườn, trồng bổ sung cây bóng mát tuyến phố đi bộ; thay thế và bổ sung các cây sinh trưởng yếu tại các khu vực; sắp xếp đưa ra trang trí các bộ chậu Bình Dương và các bồn hoa, ghế đá hoa cương. tiến hành bảo đảm chất lượng, tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp phục vụ nhân dân, khách quốc tế đến viếng Bác và tham quan khu vực.
Trong dịp tu bổ định kỳ năm 2012, Ban Quản lý Lăng đã tổ chức cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, bồn hoa, đường đi khu vực cơ quan bảo đảm sạch sẽ, thoáng mát. Đặc biệt, cũng trong dịp tu bổ này, đơn vị cũng đã tổ chức lễ tiếp nhận 03 khối đá quý do Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An tặng để trang trí khu vực Lăng đã làm tăng thêm sự phong phú về thiên nhiên trong vườn Lăng và vẻ đẹp cảnh quan Khu vực Lăng Bác, kịp thời phục vụ đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác và tham quan.
Tại Khu Di tích K9 Đá Chông, Ban Quản lý Lăng đã triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng về bảo tồn và phát triển hệ động, thực vật rừng K9; đề tài nghiên cứu về năng lượng tái tạo sử dụng pin năng lượng mặt trời và đã lắp đặt, vận hành chạy thử trạm hỗn hợp sử dụng năng lượng mặt trời; đề xuất các phương án quy hoạch, tôn tạo và phát triển hệ thống cây xanh gắn với bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học tại đây.
Dàn pin năng lượng mặt trời nối lưới tại Khu Di tích K9
Năm 2012, tại Khu Di tích K9, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Môi trường đã thực hiện việc thi công xây dựng và đưa vào vận hành “Công trình Xử lý nước thải K9” góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường và đã đem lại những lợi ích thiết thực về môi trường trong lành cho Khu Di tích, giảm thiểu những nhân tố tác động gây ô nhiễm từ nguồn nước sinh hoạt; từng bước xây dựng quy hoạch các khu vực trồng cây lưu niệm, khu vực trồng cây ăn quả, khu chăn nuôi, ao cá, khu thể thao…
Hàng năm, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cứ mỗi dịp đầu Xuân, Ban Quản lý Lăng lại tổ chức trồng cây. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, cá nhân lên Khu Di tích K9 Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội tham quan, tưởng niệm Bác cũng đều tổ chức trồng cây và cũng vì thế, cảnh quan môi trường nơi đây ngày càng tươi xanh, sạch đẹp, tương xứng với vị thế là Khu Di tích lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong thời gian tới, phong trào trồng cây, bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan cần tiếp tục được các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh bằng các việc làm thiết thực hơn nữa. Làm theo lời Bác, chúng ta sẽ có hàng trăm ngàn cây xanh che nắng, làm đẹp, làm sạch những ngọn đồi, những khu nhà, những con đường, các tuyến phố... Các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng đang tiếp tục khẩn trương thiết kế và phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị mọi mặt, từng bước thực hiện nhiệm vụ tôn tạo, nâng cấp cảnh quan khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình; xây dựng công trình lâm sinh “Bảo vệ và phát triển rừng Khu bảo vệ cảnh quan đặc biệt K9” (giai đoạn 2014-2020)...
Những kết quả trên thể hiện sự quan tâm và sự chỉ đạo đúng đắn của Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc thực hiện những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đối với tất cả các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng. Điều này không chỉ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong tình hình mới, điều kiện kinh tế của đất nước mà còn phù hợp với xu hướng chung của toàn thế giới hiện nay. Đây là việc làm vừa có ý nghĩa văn hóa, giáo dục sâu sắc vừa thể hiện sự biết ơn vô bờ bến của chúng ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập - Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, 1995, tr.101.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập - Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, Sđd - Tập 10, tr.269.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập - Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, Sđd - Tập 10, tr.321.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập - Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, Sđd - Tập 10, tr.335.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập - Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr.42, 43.
(6) Hồ Chí Minh toàn tập - Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr.105.
(7) Hồ Chí Minh toàn tập - Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr.136.
Đỗ Long Văn