Có một cơ thể lành lặn, khỏe mạnh là mong muốn của bất cứ ai. Với người khuyết tật, số phận không hề mỉm cười với họ, thiếu sức khỏe, khó khăn trong vận động, sinh hoạt, học tập và khó có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp là những vấn đề mà người khuyết tật đang phải đối mặt. Thế nhưng, bằng ý chí và nghị lực của mình, có rất nhiều người khuyết tật đã biết vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống hòa nhập cộng đồng, trở thành những người có ích cho xã hội.
Chiến sỹ Đoàn 275 giúp người khuyết tật vào Lăng viếng Bác
Nghị lực người khuyết tật
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó 3,6 triệu là nữ và khoảng 1,2 triệu là trẻ em. Làm việc tại Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người khuyết tật. Mỗi người một hoàn cảnh, một khiếm khuyết nhưng tựu chung lại, họ đều đang từng ngày sống và cống hiến. Không thể so sánh họ với những người bình thường nhưng thật sự nghị lực của họ khiến những người bình thường phải cảm phục và trân trọng nhiều hơn.
Một lần, tôi được gặp, trò chuyện cùng chị Nguyễn Thị Thanh (quê tại Nam Định). Đôi tay chị không được lành lặn, sức khỏe suy giảm nhưng nhìn chị tôi có cảm giác rất vui vẻ. Chị bảo: “Ngày trước nhìn bạn bè cùng trang lứa khỏe mạnh, hồn nhiên vui đùa tôi cũng buồn, cũng tủi thân, cũng khóc rồi trách cứ số phận. Nhưng dần nhìn bố mẹ vất vả làm việc tôi đã hiểu được bản thân mình cần phải làm gì để xứng đáng với cuộc sống mà ông trời đã ban tặng. Bởi rất nhiều người khuyết tật khác còn không có cơ hội để sống, làm việc và cố gắng một cách đúng nghĩa”.
Không chỉ có chị Thanh mà còn rất nhiều người khuyết tật khác đã sống và vươn lên bằng nghị lực phi thường. Họ là tấm gương sáng cho những ai đang sống một cách phí hoài. Tôi còn nhớ người phụ nữ tên Phạm Thị Nhí (sinh năm 1966, hiện sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh) và được gặp chị vào một buổi sáng mùa đông. Hình ảnh chị ngồi trên xe lăn, kể về câu chuyện cuộc đời mình, rồi thỉnh thoảng lại nở nụ cười sáng ngời khiến tôi không khỏi xúc động. Bởi chị không hề giống những người phụ nữ khác. Đôi chân chị yếu mềm, sức khỏe suy giảm nhưng chị vẫn sống, vẫn mạnh mẽ vươn lên trở thành người phụ nữ có học thức, công việc ổn định, kiếm tiền giúp đỡ gia đình và cống hiến công sức cho những người thiệt thòi như chị.
Hiện nay, chị Nhí đang công tác ở Văn phòng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chị chia sẻ: Mỗi người có một số phận, quan trọng là mình sẽ sống như thế nào. Có thể cuộc đời khiến mình phải thiệt thòi nhưng điều đó càng khiến mình phải trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tôi còn nhớ Bác Hồ đã từng nói với thương binh “Thương binh tàn nhưng không phế”. Câu nói này giờ đã được hiểu chung cho những người khuyết tật như chúng tôi. Bởi có thể chúng tôi không lành lặn, không mạnh mẽ về thể chất như nhiều người bình thường khác nhưng chúng tôi sẽ luôn sống một cách đúng nghĩa.
Khi về bên Bác Hồ kính yêu
Lúc sinh thời, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho người khuyết tật. Bác luôn chia sẻ, động viên người khuyết tật. Bởi Bác Hồ với trái tim nhân ái bao la luôn dành tình yêu thương của mình cho tất thảy công dân của đất nước, đặc biệt là những con người phải chịu nhiều thiệt thòi. Bác đã đi xa nhưng hình ảnh về Bác, tình cảm của Bác trong tâm trí mỗi người khuyết tật nói riêng, người Việt Nam nói chung luôn còn mãi.
Trong số những người khuyết tật hiện đang sinh sống trên đất nước Việt Nam, có không ít người khuyết tật đã có cơ hội vào Lăng viếng Bác Hồ. Với họ, Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về nghị lực, về ý chí mạnh mẽ.
Khi trò chuyện với chị Nhí, tôi có nhớ chị nói một câu rất hay, đó là: Hạnh phúc là phải đấu tranh. Có lẽ vì vậy mà người phụ nữ bé nhỏ ấy luôn nở nụ cười với những nghiệt ngã của số phận. Không chịu thua số phận, hàng ngày, chị vẫn cố gắng học tập, trau dồi kiến thức để tự nâng cao trình độ cho bản thân. Đôi chân chị ngày càng yếu đi, sức khỏe cũng không được tốt nhưng bên trong con người chị là một nghị lực mạnh mẽ.
Chị Phạm Thị Nhí bên Nhà sàn Bác Hồ
Chia sẻ cảm nhận khi có cơ hội vào Lăng viếng Bác, chị nói: Thật sự tôi rất xúc động khi được vào Lăng, được có cơ hội nhìn thấy Bác. Với những người khuyết tật như tôi, Bác Hồ chính là tấm gương nghị lực phi thường. Bởi Bác đã vượt qua gian khổ, khó khăn để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam. Bác đã sống và làm những việc có ý nghĩa to lớn với cả dân tộc. Nhìn Bác, tôi lại nghĩ, mình là con cháu Bác Hồ, tại sao mình lại không thể sống bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn. Và như vậy tôi lại càng cố gắng, nỗ lực hơn nữa.
Có rất nhiều người khuyết tật mạnh mẽ như chị Nhí, chị Thanh. Họ đã và đang sống một cuộc sống đáng cảm phục.
Trong nhiều thập kỷ qua, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước vẫn luôn quan tâm ưu tiên nguồn lực và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách trợ giúp xã hội, bảo đảm các quyền của người khuyết tật và thúc đẩy sự tham gia của người khuyết tật vào đời sống xã hội. Rõ nhất là hệ thống luật pháp, chính sách đối với người khuyết tật ngày càng được hoàn thiện, trong đó tháng 6/2010, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Người khuyết tật và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Hiện nay, cùng sự chung tay của toàn xã hội, các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tại các địa phương và đơn vị thường xuyên quan tâm, tạo thuận lợi để phát huy năng lực và hỗ trợ người khuyết tật.
Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, hiện nay, công tác đón tiếp người khuyết tật của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặc biệt chú trọng quan tâm. Các đoàn người khuyết tật đều được đăng ký trước, đón tiếp tại đường Hùng Vương. Với những đối tượng phải đi xe lăn, Ban Quản lý Lăng đều bố trí, sắp xếp để chiến sỹ đẩy xe, phục vụ tốt nhất để người khuyết tật có cơ hội vào Lăng viếng Bác. Sự phục vụ tận tình đó được xuất phát từ nhiệm vụ, trái tim, tình cảm của những cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại đây.
Chia sẻ cảm nhận về công tác đón tiếp tại Ban Quản lý Lăng, chị Nhí xúc động nói: Ngày trước, tôi cũng từng có cơ hội đến Lăng Bác nhưng rất tiếc tôi chưa có cơ hội vào viếng Bác. Lần này, nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Ban Quản lý Lăng mà tôi đã có cơ hội được vào Lăng, được nhìn thấy Bác Hồ, được tham quan Khu Di tích. Thật sự, đây là món quà rất quý báu đối với những người khuyết tật như tôi./.
Thanh Huyền