Tháng 5 đến, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp rất nhiều đoàn khách trong cả nước. Trong số đó, tôi đã được gặp gỡ, trò chuyện cùng với các chiến sỹ Điện Biên năm xưa.
Những hồi ức chiến tranh
Có mặt tại Lăng Bác, ông Nguyễn Văn Bản (84 tuổi, sống tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đã không khỏi xúc động. 60 năm trước, ông Bản là lính của Sư đoàn 312. Trong chiến tranh, Sư đoàn 312 (nay thuộc Quân đoàn I) từng được đối phương mệnh danh “Sư đoàn thép”, đã góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu. Sư đoàn 312 được vinh dự là đơn vị tham gia đánh trận mở màn vào cụm cứ điểm Him Lam, đồng thời cũng là đơn vị kết thúc Chiến dịch, cắm lá cờ lên nóc hầm và bắt sống Tướng Đờ-Cát.
Ông Nguyễn Văn Bản tại Nhà khách số 8 Hùng Vương
Ở tuổi 84, mái tóc đã bạc nhưng bước đi vẫn nhanh nhẹn, dứt khoát như thời trẻ. Trò chuyện với tôi, nhắc lại những câu chuyện cách đây 60 năm, tại mặt trận lịch sử đó, ông không khỏi xúc động. Ông bảo: Những ký ức về Chiến dịch, đặc biệt là về trận đánh mở màn tại cứ điểm Him Lam vẫn còn in đậm trong tâm trí ông.
Ông nói thêm: Cứ điểm Him Lam được Bộ Chỉ huy xác định là trận mở màn. Để đảm bảo nguyên tắc "trận đầu phải thắng”, quân ta bố trí lực lượng mạnh, có cả dự phòng. Sư đoàn của chúng tôi được giao nhiệm vụ quan trọng này. Vì vậy, để chuẩn bị cho trận đánh mở màn này, phía ta phải chuẩn bị cả tháng trời. Ban ngày án binh bất động, tới đêm tiếp tục đào hầm đến đồi Him Lam. Nhiều hôm, bị quân địch phát hiện, chúng bắn súng ra liên tiếp. Nhưng bộ đội ta vẫn luôn một ý chí quyết tâm, quyết chiến quyết thắng.
Vượt qua bao gian khổ, khó khăn, cuối cùng đơn vị của chúng tôi đã giành được chiến thắng, các trận địa pháo của cứ điểm này đều bị bộ đội ta làm cho tê liệt. Có thể nói, trận thắng mở màn đã cổ vũ rất lớn tinh thần chiến đấu của bộ đội ta trên khắp các mặt trận, góp phần làm nên chiến thắng vang dội chiều ngày 7/5/1954.
Cũng chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa, ông Vũ Trọng Phượng (81 tuổi, hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh) cũng nghẹn ngào khi nhắc lại những ký ức về trận đánh năm xưa. Ông chia sẻ: Từ đầu năm 1953, tôi được phân công nhiệm vụ tại Tiểu đoàn cao xạ pháo, Tiểu đoàn 681. Thực sự, dù thời gian đã rất lâu nhưng những trận đánh ác liệt năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong trí óc của những người chiến sỹ Điện Biên chúng tôi.
“Ngày đi tham gia Chiến dịch, tôi không nghĩ đến may mắn là mình sẽ còn sống bởi cuộc chiến ác liệt lắm, nếu mình có hy sinh thì cũng là hy sinh cho Tổ quốc, cho dân tộc. Mục đích lúc ấy chỉ là phải chiến đấu, chiến đấu để giành chiến thắng cuối cùng. Và cuối cùng ngày ấy đã đến! Ngày chiến thắng, niềm vui như vỡ òa. Cả đơn vị tôi đều vô cùng hào hứng, phấn khởi. ” – Ông Phượng nói.
Cũng giống như ông Bản, ông Phượng, ông Hà Hạnh (80 tuổi, hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng đã góp công sức để mang đến một Chiến dịch “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”. Ông Hạnh là bộ đội tại Sư đoàn 316. Sư đoàn 316 còn gọi là Sư đoàn Bông Lau là sư đoàn chủ lực của Quân khu 2, Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông Hạnh xúc động kể lại: “Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Sư đoàn đã di duyển từ Thượng Lào về Điện Biên để bọc cửa rừng. Tôi làm công tác quân lực, không trực tiếp cầm súng nhưng những hình ảnh về những đồng đội năm xưa, những khó khăn ngày ấy, quyết tâm của bộ đội ta vẫn còn nguyên vẹn. 60 năm đã trôi qua, tôi may mắn vẫn còn sống, và giờ tôi có cơ hội trở về nơi chiến trường xưa, hình ảnh của cuộc chiến oai hùng lại hiện về”.
Những chiến sỹ Điện Biên hôm nay
Những cựu chiến binh là chiến sỹ Điện Biên năm xưa vào Lăng viếng Bác
Trở về từ cuộc chiến ác liệt, những chiến sỹ Điện Biên vẫn giữ nguyên trong mình những ký ức về thời đạn bom, về những đồng đội đã cùng ăn, cùng ở, cùng quyết tâm, cùng chiến đấu. Bao nhiêu gian khổ đã cùng nhau vượt qua, đã có rất nhiều đồng đội hy sinh, có những người may mắn trở về, nhưng hình ảnh anh dũng của họ trong từng trận đánh vẫn còn mãi.
Có cơ hội gặp những chiến sỹ Điện Biên hôm nay, tôi cảm nhận được tinh thần quyết chiến quyết thắng của họ. Đúng như lời của ông Phượng: Khi ấy, chúng tôi chiến đấu với mục đích duy nhất là chiến thắng kẻ thù.
Giờ đây, giữa thời bình, những chiến sỹ Điện Biên có cơ hội gặp lại nhau, được cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, những hồi ức không thể phai màu. Với họ, đó là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng.
“Trong cuộc chiến ấy, rất nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh. Họ đã phải vĩnh viễn ra đi. Sự ra đi của họ càng khiến ý chí quyết tâm chiến thắng kẻ thù của chúng tôi nhân lên. Và ngày chiến thắng đến, họ không còn, nhưng tôi và các đồng đội còn sống luôn tin tưởng rằng họ biết và cũng cảm nhận được chiến thắng này. Với chúng tôi, những người may mắn còn sống để trở về, lại càng thêm trân trọng cuộc sống này hơn. Bởi chúng tôi hiểu mình cần sống sao để xứng đáng với sự hy sinh đó!”.
Dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu nhưng ông Nguyễn Thanh Đồng vẫn cố gắng ra Thủ đô, vào Lăng viếng Bác Hồ
60 năm đã trôi qua, những người chiến sỹ Điện Biên năm xưa giờ tóc đã bạc, tuổi đã cao, sức đã yếu đi nhiều. Nhưng họ vẫn đang cố gắng sống theo như lời Bác Hồ đã dạy. Nhân dịp trở về chiến trường xưa, rất nhiều cựu chiến binh chiến sỹ Điện Biên đã vào Lăng viếng Bác để được “gặp” Bác, được thể hiện niềm tôn kính đến vị lãnh tụ của cả dân tộc. Bởi với họ, nhớ về Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Chia sẻ cảm nhận khi về Lăng viếng Bác, ông Lê Minh Quảng (90 tuổi) nói: “Giờ tôi đã cao tuổi, sức khỏe đã yếu đi nhiều, nhưng lần này tôi may mắn được về Thủ đô, được vào Lăng viếng Bác Hồ. Điều này khiến tôi vô cùng xúc động. Nhớ năm xưa, khi đất nước còn chiến tranh, Bác đã hy sinh rất nhiều điều của cá nhân để cống hiến công sức cho dân tộc. Hình ảnh Bác đã luôn tạo động lực cho bộ đội chúng tôi. Đây là lần thứ hai tôi được vào Lăng viếng Bác, lại vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi càng cảm thấy tự hào hơn. Tôi đã hứa với Bác sẽ luôn cố gắng dạy dỗ để con cháu mình học tập, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội”.
Chiếc Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên năm xưa là niềm tự hào của mỗi chiến sỹ
Những chiếc Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên được gắn trên ngực của những Chiến sỹ Điện Biên hôm nay đã in dấu thời gian. Nhưng niềm tự hào về Chiến sỹ Điện Biên, về người Bộ đội Cụ Hồ, về dân tộc ta vẫn còn mãi…
Thanh Huyền