Tháng Năm về, nhân dân cả nước lại cùng nhau hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới kỷ niệm 124 năm Ngày sinh của Người. Mỗi một năm trôi qua nhưng hình ảnh Bác lại càng trở nên gần gũi, ấm áp hơn.
Dòng người nối dài trên Quảng trường Ba Đình lịch sử
Trong bài “Tháng Năm nhớ Bác”, tác giả Tân Việt đã viết:
“Tháng Năm ngày hạ mùa sen nở, nhắc nhở cháu con những sớm chiều.
Ôi Bác Hồ ơi nhớ Bác nhiều, nước non ơn Bác biết bao nhiêu”
Đúng như vậy, hình ảnh hoa sen luôn khiến những người dân Việt nhớ tới Bác. Bác sinh ra và lớn lên tại Làng Sen (Nam Đàn, Nghệ An). Những ngày này tại quê Bác, hương sen ngan ngát, phảng phất đâu đó trong gió. Những đóa sen hồng vươn cao tắm nắng ban mai thơm ngát quyện vào không gian đầy ắp hương lúa ngày mùa, đan xen giữa những ngôi nhà ngói mới, tạo nên một vẻ đẹp đồng quê nồng nàn, căng tràn sức sống.
Trong cái nắng tháng Năm nồng ấm, nhân dân cả nước cùng nhau bồi hồi nhớ về hình ảnh Bác Hồ với lòng thành kính nhất. Tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấp nập những chiếc xe đưa nhân dân cả nước đến Lăng Bác. Dòng người cứ nối dài trong những xúc cảm vừa sâu lắng vừa mạnh mẽ.
Người dân trật tự, xếp hàng vào Lăng viếng Bác Hồ kính yêu
Sinh thời, Người luôn nhắc nhở Ngày sinh của Bác là chuyện riêng, đừng cấp nào ngành nào tổ chức sinh nhật cho Bác. Để tránh mọi người tổ chức, chúc mừng linh đình, nên vào mỗi lần sinh nhật, Bác thường đi thăm chùa, đi công tác hoặc làm thơ tự trào. Cách làm thơ tự trào của Người thật sự rất đặc biệt. Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, ông cho rằng Hồ Chủ tịch cũng hay làm thơ với giọng tự trào để mọi người coi đây là việc bình thường. Có thể nói, những câu chuyện về sinh nhật giản dị của Bác vẫn được các thế hệ nhắc lại với niềm xúc động sâu sắc.
Lần đầu tiên, Ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố vào năm 1946. Do vậy, ngày 19/5/1946 cũng là lần đầu tiên một hình thức mừng sinh nhật được tổ chức như để biểu thị khối đoàn kết của nhân dân quanh vị nguyên thủ của một quốc gia non trẻ đang đương đầu với những thử thách to lớn liên quan đến vận mệnh quốc gia hơn là một sự sùng bái đối với một lãnh tụ.
Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi lại hình ảnh các cháu thiếu nhi nội ngoại thành Thủ đô vốn là trẻ bán báo hay trẻ mồ côi tại ngôi trường Bác đã từng đến thăm... đánh trống ếch mang theo những huy hiệu là các con chữ "i tờ" của phong trào diệt dốt đến tặng Chủ tịch nước và hát những bài ca cách mạng. Tiếp đó là Đoàn đại biểu các chiến sĩ Nam bộ từ chiến trường ra công tác và Đoàn đại biểu Văn hóa Cứu quốc đến chúc thọ người khởi xướng và lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Đáp lại tình cảm của mọi người, Bác nói với các chiến sĩ Nam bộ: "Thật ra, các báo ở đây làm to cái ngày sinh nhật của tôi, chứ tuổi năm mươi sáu chưa có gì đáng được chúc thọ, cũng hãy còn như là thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật lấy làm xấu hổ vì trong Nam chưa được thái bình".
Cả cuộc đời, lúc nào Bác cũng lo lắng cho vận mệnh của dân tộc. Bác sống mà quên đi bản thân mình. Vì đơn giản Bác chỉ muốn: “Tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực, chịu khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, quyết cùng đồng bào tranh lại thống nhất và độc lập thật sự cho Tổ quốc, quyết cùng đồng bào làm thế nào cho con cháu chúng ta và muôn đời về sau được sung sướng và tự do". Những lời Bác nói khiến cả dân tộc nghẹn ngào xúc động. Nó như động lực giúp cả nước phấn đấu, vượt qua gian khổ để chiến đấu với kẻ thù.
Còn nhớ, năm 1954, dân tộc ta đã đánh bại thực dân Pháp với Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Năm đó, Lễ mừng sinh nhật hòa chung với không khí đón mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ bằng cuộc gặp gỡ của Bác với đại biểu là những chiến sĩ có thành tích tiêu biểu từ chiến trường trở về Chiến khu. Bác đã gắn Huy hiệu cho chiến sĩ trẻ bắt sống tướng De Castries. Và trong cuộc gặp còn có một vị khách đặc biệt là nhà điện ảnh Xô viết Roman Karmen, người đang thực hiện những bộ phim về Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Có một điều đặc biệt trong trái tim của Người, đó là tình cảm hướng về nhân dân miền Nam. Sinh thời, Người luôn nói muốn được vào miền Nam một lần. Nhưng ước nguyện đấy không thành sự thật. Bác chưa thể vào, nhân dân miền Nam đã mong ngóng Bác nhưng không thể có cơ hội đón Bác. Có lẽ vì vậy mà vào đúng ngày 19/5 của 2 năm cuối cùng (1968 và 1969), vào khoảng thời gian từ 9 đến 10h sáng, Bác đều dành để xem và sửa lại "Di chúc", sau đó tiếp chị Phan Thị Quyên (vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) và chị Nguyễn Thị Châu (cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên và Sinh viên giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định). Dường như vào thời điểm chiến tranh còn gian khổ và nước nhà chưa thống nhất, những tình cảm sâu nặng nhất Bác luôn muốn dành cho miền Nam ruột thịt.
Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã mãi đi xa nhưng hình ảnh của Bác luôn còn mãi cùng dân tộc, những lời dặn dò của Bác vẫn còn nguyên giá trị. Bởi trái tim, ánh mắt ấm áp của Người vẫn đang hướng về đất nước, dõi theo con đường xây dựng, phát triển đất nước.
Dòng người vào Lăng viếng Bác những ngày này ngày càng đông đảo. Cái nắng nắng oi ả của ngày hè càng làm tình yêu trong trái tim của mỗi người thêm phần mạnh mẽ. Có những em nhỏ học sinh, có những cựu chiến binh tuổi đời đã hơn 90... Họ ở nhiều độ tuổi, công việc, nơi sinh sống khác nhau nhưng tất thảy đều một lòng hướng về Bác Hồ kính yêu.
Những em nhỏ nối đuôi nhau vào Lăng viếng Bác (Ảnh: Dân trí)
Hình ảnh những em nhỏ nối đuôi nhau vào Lăng khiến nhiều người xúc động. Bởi đó là minh chứng cho một thế hệ trẻ người Việt Nam đang lớn lên. Bao nhiêu thế hệ cha anh đã nằm lại chiến trường để mong muốn có được ngày thái bình như hôm nay. Ước muốn cả đời của Bác đã thành sự thật. Những thế hệ tương lai của đất nước đang được nuôi dưỡng trong hòa bình, hạnh phúc.
Trong dòng người vào Lăng viếng Bác, tình cờ, tôi có cơ hội trò chuyện với ông Trần Văn Tài (87 tuổi, hiện đang sinh sống tại Sài Gòn). Như rất nhiều các cựu binh có mặt tại Lăng Bác những ngày này, ông rất xúc động. Ông nói: Tôi thật sự rất may mắn khi những ngày cuối đời còn được ra Thủ đô Hà Nội, được vào Lăng viếng Bác Hồ. Sinh nhật Bác đang đến gần, đây là dịp kỷ niệm quan trọng để chúng ta thành kính nhớ về Người một cách sâu sắc nhất. Những câu chuyện về sinh nhật Bác Hồ tôi đã được nghe nhiều. Và tôi còn kể lại cho con cháu nghe. Bởi tôi tin, qua những câu chuyện đó, con cháu tôi sẽ hiểu được rất nhiều, chúng sẽ sống tốt hơn, chịu khó học hỏi để trở thành người có ích cho xã hội.
Giống như ông Tài, chị Lưu Thị Hảo (38 tuổi, hiện đang sống tại Phú Thọ) cũng chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi có dịp vào Lăng viếng Bác Hồ. Tôi thật sự rất vui sướng. Đặc biệt, tôi cũng rất tự hào khi sinh vào đúng ngày 19/5. Chính vì sự trùng hợp đó mà khi còn sống bà tôi thường kể rất nhiều câu chuyện ý nghĩa về Bác Hồ. Mỗi câu chuyện đều là những bài học cho những đứa trẻ như tôi khi ấy. Vì vậy mà hiện tại thỉnh thoảng khi có dịp tôi cũng kể những câu chuyện đó với các con của tôi. Tôi nghĩ rằng đấy cũng là một cách để giáo dục cho con về lịch sử, về cách mạng, về người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam.
Đi giữa nắng vàng trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, mỗi người dân Việt Nam lại dào dạt xúc cảm, nhớ về Bác khôn nguôi. 45 năm trôi qua, Bác đã ra đi nhưng Bác vẫn sống trong lòng của tất thảy người dân Việt Nam. Những ngày này, khi tình hình đất nước có những biến động, những tư tưởng, lời dạy của Bác lại một lần nữa sống dậy, còn vẹn nguyên ý nghĩa. Bởi như Bác Hồ đã từng nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Từng tấc đất đều vô cùng quý giá. Bởi đó là một phần máu thịt của ta. Các thế hệ cha anh đã hy sinh rất nhiều để giữ gìn. Do đó, chúng ta chỉ có cách là phải đấu tranh dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước để tiếp tục giữ gìn./.
Thanh Huyền