Ngày Môi trường thế giới là sự kiện Môi trường thường niên lớn nhất toàn cầu.Năm 2014 là năm Quốc tế các Tiểu quốc đảo đang phát triển (International year of Small Island Developing States - SIDS), chính vì vậy Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã chọn chủ đề Ngày Môi trường thế giới 05/6/2014 là: “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng” (Raise your voice, not the sea level).

moi-truong-tg-2014
Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay

Quốc đảo là nơi lưu giữ các nền văn hóa và các di sản độc đáo, là nơi có hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Tuy nhiên, các quốc đảo ngày nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, quản lý chất thải, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, thiên tai khắc nghiệt, là nạn nhân của sự gia tăng ô nhiễm và công nghiệp hóa trên toàn cầu.Trong đó, biến đổi khí hậu là thách thức hàng đầu, mặc dù các quốc đảo nhỏ chỉ phát thải CO2 hằng năm ít hơn 1% lượng phát thải trên toàn thế giới nhưng họ lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và nước biên dâng. Ủy ban Quốc tế về biến đổi khí hậu (IPCC, năm 2007) đã ước tính rằng sự nóng lên toàn cầu sẽ khiến mực nước biển dâng lên từ 180 - 590 mm vào năm 2100. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy những ước tính trên có khả năng tăng lên ít nhất hai lần.

Tính dễ bị tổn thương do sự biến đổi khí hậu, hạn chế về khả năng phục hồi sau thiên tai và sự đe dọa mất đi đa dạng sinh học độc đáo trên các đảo. Trong 400 năm qua, đã có 724 loài động vật bị tuyệt chủng, khoảng một nửa trong số đó là các loài ở hải đảo, và có ít nhất 90% số loài chim đã tuyệt chủng trong cùng thời gian ở các đảo trên.

Cộng đồng ven biển ở mọi quốc gia sẽ bị đe dọa do lũ lụt và triều cường, trong đó các đảo nhỏ là những nơi sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhiều quốc đảo với dân cư và các nền văn hóa sẽ bị nước biển nhấn chìm trong tương lai.

Việt Nam là quốc gia ven biển, có nhiều đảo và quần đảo cũng chính là 1 trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

moi-truong-tg-2014-a
Bản đồ nguy cơ ngập khu vực ven biển Việt Nam ứng với mực nước biển dâng 1 m
(vùng màu đỏ)

Theo Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng của Việt Nam trong thời gian tới do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2011 thì với kịch bản phát thải trung bình đến cuối thế kỷ 21, khí hậu nước ta sẽ diễn biến như sau:

Nhiệt độ trung bình tăng từ 2 đến 3 độ C, riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có nhiệt độ trung bình tăng nhanh hơn so với những nơi khác. Số ngày có nhiệt độ cao nhất trên 35 độ C tăng từ 15 đến 30 ngày trên phần lớn diện tích cả nước. Lượng mưa hàng năm tăng trên hầu khắp lãnh thổ. Mức tăng phổ biến từ 2 đến 7%, riêng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ tăng ít hơn, dưới 3%. Xu thế chung là lượng mưa mùa khô giảm và lượng mưa mùa mưa tăng. Lượng mưa ngày lớn nhất tăng ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và giảm ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ. Tuy nhiên, ở các khu vực khác nhau lại có thể xuất hiện ngày mưa dị thường với lượng mưa gấp đôi so với kỷ lục hiện nay. Nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang trong khoảng từ 62 đến 82cm; thấp nhất ở khu vực từ Móng Cái đến Hòn Dấu trong khoảng từ 49 đến 64cm. Trung bình toàn Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 57 đến 73cm.

Theo kịch bản phát thải cao vào cuối thế kỷ 21, nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang trong khoảng từ 85 đến 105cm; thấp nhất ở khu vực từ Móng Cái đến Hòn Dấu trong khoảng từ 66 đến 85cm. Trung bình toàn Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 78 đến 95cm.

Nếu mực nước biển dâng 1m, Việt Nam sẽ có khoảng 39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập; gần 35% dân số thuộc các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trên 9% dân số vùng Đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp; trên 4% hệ thống đường sắt, trên 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ của nước ta sẽ bị ảnh hưởng.

moi-truong-tg-2014-b
Tổng Thư ký Ban Ki-moon trồng rừng ngập mặn ngăn nước biển dâng tại đảo Kiribati

Chính vì vậy, hơn ai hết ngay từ bây giờ toàn bộ hệ thống chính trị và mọi người dân chúng ta hãy hành động vì môi trường, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, vận động, giáo dục cán bộ và người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, chú trọng các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng… phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và địa phương; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; sử dụng công nghệ cao, ít tiêu hao năng lượng, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu có phát sinh chất thải, gây ô nhiễm môi trường…, như lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon tại Lễ khai mạc năm Quốc tế các Tiểu quốc đảo đang phát triển 2014: “Biến đổi khí hậu đại diện cho một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự tồn tại của các quốc gia ở vùng trũng thấp…, Trái đất chính là hòn đảo chung của tất cả chúng ta, vì vậy hãy cùng nhau bảo vệ Trái đất”./.

Nguyễn Mạnh Tuyến

(Nguồn Bộ Tài nguyên và Môi trường và UNEP)

Bài viết khác: