Hiện nay, theo con số công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông (2012), cả nước có hơn 812 cơ quan báo chí, với khoảng 1.084 ấn phẩm; 67 đài phát thanh - truyền hình; hơn 60 báo điện tử, khoảng 1.024 trang tin điện tử tổng hợp; trên 2 triệu blog và cả nước có hơn 17.000 người làm báo được cấp thẻ nhà báo, trong số đó chiếm đa phần là phóng viên, nhà báo.Những con số này cho thấy báo chí Việt Nam đã và đang phát triển về số lượng và chất lượng, về nội dung và hình thức, về cán bộ và công nghệ, sản xuất và phát hành.

Phần đông các nhà báo nước ta phẩm chất đạo đức tốt, có lập trường chính trị đúng đắn, có trình độ chuyên môn vững vàng; tích cực tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tích cực tham gia vào việc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Nhưng bên cạnh đó cũng còn không ít nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Nhiều nhà báo thông tin sai sự thật, bóp méo sự thật. Họ thương mại hoá tờ báo bằng việc đưa tin bài, hình ảnh giật gân, thiếu văn hoá, thiếu tính thẩm mỹ, phản giáo dục. Nhiều nhà báo lợi dụng danh nghĩa để vụ lợi cá nhân. Đặc biệt, một số nhà báo vi phạm pháp luật, tiếp tay cho các thế lực thù địch, tuyên truyền chống lại Đảng và Nhà nước. Lâu nay khi nói đến sự vi phạm đạo đức báo chí, nhiều người chỉnói đến những hành vi không đúng như: Thông tin sai sự thật (do phóng viên bịa ra), thông tin méo mó (sai một phần), không quan tâm đến hậu quả tiêu cực của thông tin, ứng xử nhẫn tâm, v.v.. Thế nhưng, biểu hiện vi phạm đạo đức báo chí phức tạp hơn nhiều. Không phải chỉ có “hành vi không đúng đắn” như trên mới vi phạm đạo đức, mà cả “không có hành vi gì” cũng là sự vi phạm đạo đức.

Bởi vì, khi xã hội cần nhà báo lên tiếng mà họ lại im lặng thì sự im lặng đó là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức. Sự suy thoái về đạo đức nghề nghiệp ở một số nhà báo nước ta hiện nay có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng trong đó những nguyên nhân chủ quan là chính. Để khắc phục những biểu hiện suy thoái đạo đức báo chí, để nâng cao đạo đức báo chí theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp; trong đó có các giải pháp sau:

Thứ nhất, phát huy tính tự giác của nhà báo trong việc giáo dục đạo đức. Sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong mỗi nhà báo không diễn ra một cách tự phát. Yếu tố quan trọng nhất giúp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là sự tự rèn luyện và tự tu dưỡng đạo đức. Người làm nghề nào cũng cần có đạo đức. 

Đặc biệt nhà báo càng phải chú ý rèn luyện đạo đức. Bởi vì, báo chí tác động đến nhiều người, nhiều tầng lớp trong xã hội, nhiều lĩnh vực của cuộc sống, có tính định hướng tư tưởng mạnh mẽ. Chỉ cần một chút thiếu thận trọng của nhà báo, xã hội cũng phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực to lớn. Để giúp nhà báo tự rèn luyện đạo đức thì cần đẩy mạnh việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức báo chí nói riêng; tăng cường giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, các quy tắc đạo đức nghề nghiệp báo chí; tăng cường giáo dục lý luận chính trị, giáo dục pháp luật cho đội ngũ nhà báo.

Thứ hai, nâng cao đời sống vật chất cho đội ngũ người làm báo (tăng nhuận bút; tăng lương; tăng các chế độ hỗ tr khác). Nếu đội ngũ nhà báo có được một mức sống ổn định, có thể sống bằng lao động nghề nghiệp chân chính của mình, thì họ sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển tài năng, để hạn chế những ham muốn tiêu cực.

Thứ ba, nâng cao tính chuyên nghiệp của nền báo chí. Một nền báo chí càng chuyên nghiệp thì những sai sót, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức càng được hạn chế. Nâng cao tính chuyên nghiệp của nền báo chí trước hết là nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà báo. Muốn thế phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật tiên tiến; đổi mới cơ chế quản lý báo chí.

Thứ tư, hoàn thiện Luật Báo chí. Luật báo chí của nước ta còn thiếu hoặc không rõ ràng; trong nhiều trường hợp khó xác định được ranh giới giữa vi phạm đạo đức và pháp luật hay không vi phạm đạo đức và pháp luật. Vì thế, nhiều khi không có sự nhất trí giữa các cơ quan chức năng với nhau trong việc xác định một hành vi nào đó của một nhà báo nào đó là có vi pháp đạo đức hay không vi phạm đạo đức, có vi phạm pháp luật hay không vi phạm pháp luật. Để khắc phục tình trạng này, cần hoàn thiện khung pháp luật về báo chí; bổ sung những quy định mới màtrong Luật Báo chí hiện hành chưa có. Đặc biệt trong các văn bản pháp luật về báo chí cần quy định rõ và cụ thể về những điều không được thông tin trên báo chí. Chẳng hạn, đó là:

- Không được đăng, phát những tác phẩm báo chí, tài liệu trái pháp luật, có nội dung chống đối Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phá hoại khối đoàn kết toàn dân.

- Không được miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, chém giết rùng rợn trong các tin, bài, hình ảnh về các vụ án và hành động tội ác; không được đăng, phát tin, bài, hình ảnh, tranh, ảnh khỏa thân và có tính chất kích dục, thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

- Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của Tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án).

- Không được đăng, phát tin bài ảnh hưởng xấu đến đời tư, tài liệu, thư riêng của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người viết thư, người nhận thư hoặc người chủ sở hữu hợp pháp tài liệu, bức thư đó. Đối với văn kiện, tài liệu của tổ chức, tài liệu, thư riêng của cá nhân có liên quan đến các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, cơ quan báo chí có quyền khai thác theo nguồn tin của mình và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung thông tin đó.

- Không được đăng, phát tin, bài truyền bá hủ tục, mê tín, dị đoan. Đối với loại thông tin về những vấn đề khoa học mới chưa được kết luận, những chuyện thần bí thì cần có chú dẫn xuất xứ tư liệu (nguồn gốc tác phẩm, nơi công bố, thời gian).

Thứ năm, tăng cường vai trò quản lý của cơ quan chủ quản.Svi phạm đạo đức của một số nhà báo có nguyên nhân ở sự buông lỏng quản lý của cơ quan chủ quản. Vì vậy, rất cần sự theo dõi thường xuyên, chỉ đạo kịp thời của cơ quan chủ quản đối với đội ngũ nhà báo. Cơ quan chủ quản báo chí cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo hoạt động; đồng thời giáo dục, động viên, nhắc nhở, răn đe, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.

Thứ sáu, tăng cường vai trò của Hội Nhà báo.Nếu Hội Nhà báo thực sự hoạt động tốt, trở thành mái nhà chung không thể thiếu của hội viên, bảo vệ, giúp đỡ hội viên về mọi mặt, thì việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là điều hoàn toàn có thể làm được.

Thứ bảy, tăng cường vai trò giám sát của công chúng đối với đội ngũ nhà báo.Sự giám sát của nhân dân đối với đội ngũ nhà báo được ví như vị thần có nghìn tai, nghìn mắt. Đó cũng là sự bảo đảm cho một nền báo chí của dân và vì dân.

Thứ tám, tăng tính chuyên nghiệp của cơ quan báo chí. Điều này bắt đầu từ nâng cao tính tinh nhuệ cho chính đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Mỗi cơ quan báo chí cần có cuộc khảo sát toàn diện về nhân sự; trên cơ sở nhiệm vụ và định hướng phát triển của mình xây dựng chiến lược đào tạo, đào tạo lại để xây dựng một đội ngũ những người làm báo có kiến thức sâu, kỹ năng chuyên môn cao và phong cách hành xử chuyên nghiệp.

Mỗi cơ quan báo chí cần có chính sách hỗ trợ phóng viên, biên tập viên, nhất là đội ngũ trẻ để họ có điều kiện tiếp cận và khai thác thông tin,điều kiện học tập nâng cao trình độ, phối hợp các bộ phận khi xử lý những đề tài lớn, những vấn đề có sức tác động mạnh đến dư luận xã hội. Bên cạnh đó cần có chế độ ưu đãi về nhuận bút và khen thưởng kịp thời những tác phẩm báo chí có chất lượng cao, gây được hiệu ứng xã hội.

Việc tuyển chọn, đào tạo, bi dưỡng đội ngũ lãnh đạo các cơ quan báo chí vừa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, vừa có phẩm chất chính trị cũng là điều kiện tạo nên tính chuyên nghiệp của cơ quan báo chí. Nâng cao tính chuyên nghiệp của cơ quan báo chí đòi hỏi ngay trong công tác toà soạn. Ngoài ra, trong mối quan hệ tương tác với bạn đọc, cần đẩy mạnh công tác tiếp và xử lý đơn thư bạn đọc; đẩy mạnh các chương trình từ thiện, các cuộc tương tác, trao đổi trên mặt báo, các diễn đàn, các cuộc vận động xã hội. Nâng cao tính chuyên nghiệp của cơ quan báo chí còn thể hiện trong cách thức đưa sản phẩm đến tay bạn đọc, xây dựng mạng lưới phát hành, chiến lược nâng cao thương hiệu, khai thác nguồn quảng cáo, tăng nguồn thu cho cơ quan báo chí tiến tới xoá bỏ bao cấp./.

Th.S Hoàng Anh Tuấn

Bài viết khác: