Ngoài ngôi nhà tuổi thơ tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, gia đình Bác Hồ còn sống ở nhiều ngôi nhà khác. Trong đó, chúng ta nhớ đến ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan tại Huế. Đây là ngôi nhà đã ghi dấu nhiều kỷ niệm đối với Bác Hồ cùng gia đình mình.

Ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan nằm trên đường Ðông Ba xưa, trong khu vực Thành Nội Huế. Nơi đây đã từng ghi dấu những năm tháng đầu tiên khi Bác Hồ và gia đình Người đến Huế.

Tại kỳ thi Hội khoa Ất Dậu (1895), ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ) thi không đỗ. Ðể chuẩn bị cho kỳ thi tiếp theo, ông xin vào học Trường Quốc Tử Giám và được chấp thuận. Học bổng của trường quá ít ỏi, không đủ điều kiện sinh sống, ông Nguyễn Sinh Sắc phải trở về quê (làng Kim Liên) bàn bạc và đưa vợ (bà Hoàng Thị Loan) vào Huế. Thuận theo ý chồng, bà Loan đã gửi con gái đầu lòng cho bà ngoại, đưa hai con trai cùng đi theo chồng vào kinh đô. Gia đình ông Sắc vất vả ngược xuôi mấy tháng trời, kết hợp với bạn bè giúp đỡ nên mới có được ngôi nhà này.

Tại ngôi nhà này, hàng ngày, ông Nguyễn Sinh Sắc đi nghe giảng sách, thức khuya dậy sớm chuyên tâm học hành. Bà Hoàng Thị Loan đảm đang quán xuyến việc gia đình, quay tơ dệt vải, chăm sóc con cái giúp chồng yên tâm học hành. Hai anh em Khiêm, Cung được cha, mẹ hướng dẫn, dạy bảo làm việc nhà, quen với cuộc sống lao động. Nếp sống sinh hoạt gia đình giản dị, thanh bạch, chan hoà tình nhân ái, yêu thương.

Tuy gian nhà chật chội, đồ đạc giản đơn của thuở hàn vi nhưng cũng đủ chỗ cho bà Loan đặt khung cửi dệt vải và chỗ học hành, ăn, nghỉ của ba cha con. Chiếc giường tre kê ở góc phía đông ngôi nhà nơi bà Loan nằm ngủ. Cạnh chiếc võng đu đưa là khung cửi. Gian giữa là chiếc bàn thờ và chiếc phản gỗ tiếp khách.

Sau đây là một số hình ảnh về căn nhà kỷ niệm của Bác Hồ do phóng viên Trang tin Ban Quản lý Lăng ghi nhận lại:

nha-bac-hue-1
Ðây là ngôi nhà gỗ rộng 3 gian  kiến trúc theo kiểu nhà rường ở Huế, mái lợp ngói liệt, tường bao quanh bằng gạch vồ. Nơi đây cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã cùng cha mẹ và anh, em sống trong những năm đầu mới vào Huế.

nha-bac-hue-2
Ngôi nhà là một trong những điểm Di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế

nha-bac-hue-3
Chính giữa nhà là bàn thờ của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan

nha-bac-hue-4
Những đồ vật ghi dấu thời gian mang đến những câu chuyện về gia đình Bác Hồ cho du khách đến thăm quan tại đây

nha-bac-hue-5
Chiếc bình vôi, cơi trầu...

nha-bac-hue-6
Bộ ấm chén…

nha-bac-hue-8
Nơi ông Nguyễn Sinh Sắc nằm

nha-bac-hue-9
Đôi dép mộc

nha-bac-hue-9a
Mỗi kỷ vật giờ còn lại được bày trí cẩn thận, tạo cảm giác ấm áp về
ngôi nhà Bác Hồ kính yêu đã từng ở cùng gia đình

nha-bac-hue-16
Chiếc khung cửi, nơi bà Hoàng Thị Loan thường quay tơ dệt vải

nha-bac-hue-11
Chậu đồng

nha-bac-hue-12
Góc gian bếp

nha-bac-hue-13
Mâm đồng và những chiếc bát

nha-bac-hue-14
Là Di tích mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hiện nay, ngôi nhà được trùng tu cẩn thận và trở thành điểm đến hấp dẫn, không thể thiếu của du khách khi đến với Huế

Tại căn nhà này, Bác Hồ và gia đình đã sống trong 6 năm (1895 – 1901). Trong 6 năm đó, gian nhà này đã chứng kiến những nỗi gian lao vất vả, đau thương của gia đình Bác Hồ. Tại đây, cậu bé Nguyễn Sinh Xin ra đời và cũng tại đây bà Loan đã trút hơi thở cuối cùng khi lâm bệnh nặng. Hơn thế, những năm tháng sống ở đây cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã được học bài học đầu tiên về lòng yêu nước, về nỗi đau của một dân tộc bị mất nước qua lời kể của cha hàng đêm, về sự kiện thất thủ kinh đô và những buổi tham dự lễ cúng tế tại miếu Âm Hồn.

nha-bac-hue-15
Thời gian trôi đi, những bông hoa vẫn hàng ngày tỏa sắc trước ngôi nhà... Mỗi cảnh vật, mỗi đồ dùng được trưng bày trong căn nhà đều khiến lay động con tim từng du khách đến đây

Những niềm vui, hạnh phúc và nỗi đau của tuổi thơ Người ở căn nhà này đã có những ảnh hưởng quan trọng đến Bác Hồ kính yêu. Có lẽ chính khoảng thời gian ở Huế đã góp phần hình thành nên nhận thức và nhân cách một con người vĩ đại. Và ở gian nhà nhỏ này đã hun đúc một tinh thần yêu nước nồng nàn, đặt bước khởi đầu cho sự nghiệp cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đưa dân tộc Việt Nam sang một trang sử mới./.

Thanh Huyền

Bài viết khác: