Những ngày cuối tháng 8 năm 1969, sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng trầm trọng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã thông báo và đề nghị Liên Xô cử Đoàn chuyên gia làm công tác giữ gìn thi hài sang giúp đỡ Việt Nam.

chuyen-gia-nga-1
Các chuyên gia Liên bang Nga chụp ảnh lưu niệm tại Đại sứ quán Việt Nam tại Mat-xcơ-va

Thể hiện lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, một chiến sỹ cộng sản lỗi lạc, có nhiều đóng góp to lớn cho phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế, Đảng, Chính phủ Liên Xô đã cử Đoàn chuyên gia gồm 5 người, do đồng chí X.X Đê-bốp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Y học Liên Xô làm Trưởng đoàn, cùng Viện sĩ I.M Lô-pu-khin, Giáo sư I.N Mi-khai-lốp, Tiến sĩ I.A Khô-rô-xcốp và Bác sỹ G.N Sa-tơ-rốp sang Việt Nam.

Dẫu đã gần 45 năm, nhưng Giáo sư, Viện sĩ I.M.Lô-pu-khin, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Mat-xcơ-va số 2 còn nhớ rõ chuyến công tác đầu tiên sang Việt Nam: “Những ngày cuối tháng 8 năm 1969, Viện sĩ X.X. Đê-bốp gọi điện, thông báo Chính phủ quyết định cử tôi phải bay gấp sang Hà Nội. Tuy không được giải thích kỹ qua điện thoại những điều bí mật, nhưng tôi phỏng đoán công việc sắp tới sẽ liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, “công việc đặc biệt”. Bởi vậy tôi phải giữ bí mật chuyến sang Việt Nam công tác ngay cả với vợ con mình”.

Ngày 28 tháng 8 năm 1969, sau hàng chục giờ bay theo lộ trình: Mat-xcơ-va, Ta-sken, Cal-cut-ta, Đoàn chuyên gia đã đặt chân xuống sân bay Gia Lâm, Hà Nội. “Ngắm trời Thu trong xanh, nhưng nắng chói chang, khí hậu nóng bức đến lạ thường và nhìn những vạt cỏ hai bên đường băng cháy sém, chúng tôi thực sự lo lắng đến công việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây”- Tiến sĩ I.A Khô-rô-xcốp trải lòng như vậy.

chuyen-gia-nga-2
Các chuyên gia dự buổi gặp mặt kỷ niệm 45 năm giữ gìn thi hài Bác Hồ

Sau chặng bay dài và thời tiết ở miền Bắc Việt Nam lúc này nóng ẩm, mọi người trong Đoàn đều cảm thấy khó chịu, thấm mệt. Dù ở những căn phòng rộng rãi, nhưng cảm giác như ở trong nhà tắm hơi nóng rực. Song dường như đoán biết được tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên Đoàn chuyên gia đã tranh thủ mọi thời gian để làm việc.

Liên tục trong những ngày còn lại của tháng 8, Đoàn chuyên gia kiểm tra xem xét tỷ mỉ Công trình 75A (ở Quân y Viện 108, nơi sẽ tiến hành những công việc y tế đầu tiên để phục vụ thăm viếng), Công trình 75B (ở Hội trường Ba Đình, nơi giữ gìn thi hài trong thời gian Lễ Quốc tang) và kết quả các thí nghiệm mà các cán bộ chuyên môn của Việt Nam đã tiến hành. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu thốn, nhưng Đoàn chuyên gia rất hài lòng và đánh giá cao công tác chuẩn bị của Việt Nam.

Theo Tiến sĩ I.A Khô-rô-xcốp, ngày mồng 01 tháng 9 năm 1969, sau khi các ông được thông báo về tình trạng sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh xấu đi rất nhiều, mọi người trong Đoàn chuyên gia đều rất khẩn trương chuẩn bị chu đáo nhất cho "công việc đặc biệt".

Thời điểm đau thương nhất đã sảy ra. Vào 9 giờ 47 phút ngày mồng 2 tháng 9 năm 1969, Đảng ta, nhân dân ta, quân đội ta và bầu bạn ta trên khắp thế giới phải giã từ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nén lại đau thương, trước sự ra đi của Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Việt Nam, một người bạn lớn của nhân dân Liên Xô và nhân dân thế giới, Đoàn chuyên gia đã có mặt tại Quân y viện 108 để bắt đầu "công việc đặc biệt".

chuyen-gia-nga-3
Ban Quản lý Lăng tặng Huy hiệu Bác Hồ và quà cho chuyên gia Liên bang Nga

Là người được giao phụ trách kíp y tế đầu tiên, cùng với Viện sĩ X.X Đề-bốp, Giáo sư I.N Mi-khai-lốp và Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền của Việt Nam, Viện sĩ I.M.Lô-pu-khin nhớ lại: “Khi Viện sĩ X.X. Đê-bốp nói nhỏ: "Nào, bắt đầu đi!". Đứng lặng giây lát, tôi ngắm nhìn Chủ tịch Hồ Chí Minh, một cơ thể hơi gầy, tầm thước, cơ bắp nở nang. Thi hài còn ấm do thời tiết nóng và Người mất chưa lâu. Cơ chân tay phát triển không quá lớn, da nhẵn mầu bánh mật, cơ thành bụng nổi rõ; bàn tay nhỏ với những ngón tay dài và móng tay hình ô-van thanh tao. Khuôn mặt với hai gò má cao điển hình của người Châu Á và của nhà trí thức; môi khép lại có đường viền ngoài rõ như mỉm cười, biểu hiện sự bình yên vĩnh cửu”.

Trong quá trình làm việc căng thẳng, nhưng các chuyên gia cùng với Tổ Y tế đặc biệt của Việt Nam đã phải nâng niu, giữ gìn nguyên vẹn từng sợi tóc, sợi râu, từng tế bào trên khuôn mặt và đôi bàn tay của Bác. Đặc biệt là các chi tiết ở mắt và miệng đòi hỏi phải làm hết sức tỷ mỷ, công phu. Mỗi mũi kim tiêm, mỗi đường đưa thuốc đều phải cân nhắc kỹ trước khi tiến hành. Bởi công việc này không chỉ phục vụ những ngày Lễ Quốc tang mà còn liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài của Người sau này.

Những ngày tiếp theo (mồng 3, 4, 5 tháng 9) các chuyên gia thay phiên nhau làm việc liên tục để chuẩn bị cho Lễ Quốc tang. Đến 3 giờ sáng ngày mồng 6, Ban Tổ chức Lễ tang cùng với các chuyên gia tổng kiểm tra các mặt chuẩn bị. Khi đặt các thiết bị đo kiểm tra, thấy mọi yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm, độ vô trùng đều đạt tiêu chuẩn tốt, Viện sĩ X.X Đề-bốp không ghìm được xúc động, quay lại ôm chầm các đồng chí Trần Bá Đặng - Phó Tư lệnh Công binh, Nguyễn Gia Quyền- Tổ trưởng Tổ Y tế đặc biệt và lặp đi lặp lại mãi một câu: “Kharasô, kharasô!” (tốt, tốt!).

Từ sáng ngày mồng 6 tháng 9, bầu trời Hà Nội như trĩu nặng, trong cơn mưa tầm tã, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức, từ các cụ già đến các trẻ nhỏ, các nguyên thủ quốc gia và các đoàn bầu bạn quốc tế… đến viếng Bác ai cũng thấm đẫm nước mắt. Bác vẫn nằm đó, nhưng không bao giờ còn được nghe lại trực tiếp từ Người giọng nói ấm áp, cử chỉ khoan thai, giản dị, đầy sức thuyết phục.

Để có được những ngày viếng Bác trang nghiêm và đầy xúc động như vậy, các chuyên gia Nga và Tổ Y tế đặc biệt đã làm việc hết sức mình. Sau mỗi ngày lễ viếng, mọi người lại gấp rút và thận trọng kiểm tra lại thi hài Bác, hiệu chỉnh các thiết bị máy móc, làm vệ sinh công nghiệp... để những ngày viếng tiếp theo được chu đáo hơn.

Sau ngày mất, với lòng kính trọng, yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh, xét thấy Việt Nam nằm ở vùng nhiệt đới nóng ẩm và đang có chiến tranh ác liệt, nên việc giữ gìn thi hài sẽ cực kỳ khó khăn, Đoàn chuyên gia đề nghị sau Lễ Quốc tang, cần đưa thi hài Bác sang Liên Xô, nơi có đủ điều kiện về môi trường và trang thiết bị để giữ gìn.

Trước lời đề nghị thẳng thắn, chân thành đó, ta đã khéo léo trao đổi việc đưa thi hài Bác sang Liên Xô là không thể được, vì trái với đạo lý của dân tộc Việt Nam, không phù hợp với tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam. Sau những buổi bố trí cho Đoàn chuyên gia quan sát, chứng kiến tình cảm đau buồn khi Bác mất của hàng chục vạn lượt người ở Hội trường, ở Quảng trường Ba Đình và nhiều tuyến phố ở Thủ đô Hà Nội, Bạn hiểu rằng việc đưa thi hài Bác đi Liên Xô là điều không thể tưởng tượng được đối với nhân dân Việt Nam.

chuyen-gia-nga-4
Viện sĩ I.M.Lô-pu-khin chụp ảnh với Thiếu tướng Phạm Văn Lập, Chính ủy Bộ Tư lệnh
Bảo vệ Lăng

Cùng với việc tranh thủ sự ủng hộ của Đoàn chuyên gia, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng ta trực tiếp đề nghị và được đồng chí A.N Kô-xư-ghin, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô sang dự lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh ủng hộ việc giữ gìn thi hài của Người ngay tại Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.

Sau Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, Viện sĩ X.X Đề-bốp cùng theo chuyên cơ với đồng chí A.N Kô-xư-ghin về Liên Xô để nhanh chóng tìm kiếm các trang thiết bị, hóa chất còn thiếu. Chỉ sau ba ngày rưỡi, trên chiếc chuyên cơ của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô hôm trước, Viện sĩ X.X Đề-bốp đã quay trở lại Hà Nội cùng với các trang thiết bị, hóa chất cần thiết để phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam.

Trong những năm chiến tranh ác liệt (1969- 1975) và sau này, cùng với nhiều đồng nghiệp, những chuyên gia y tế có mặt trong buổi đầu giữ gìn thi hài Bác tiếp tục sang giúp đỡ Việt Nam. Kể về lần sang Việt Nam gần đây nhất, Viện sĩ I.M.Lô-pu-khin cho biết: “Năm 1998, tôi được mời trở lại Việt Nam. Tôi tham quan ở phòng viếng, sau đó là ở phòng thí nghiệm quan sát và đánh giá kỹ trạng thái thi hài. Thật tuyệt vời. Sau 30 năm, diện mạo thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh không có gì thay đổi: Cả khuôn mặt bình yên và bàn tay đẹp của Người. Các đồng nghiệp ở Viện Khoa học giữ gìn thi hài Lê-nin luôn sát cánh cùng với các chuyên gia Việt Nam khắc phục những khó khăn trong điều kiện chiến tranh, khí hậu nhiệt đới, xây dựng Lăng kéo dài…luôn bảo đảm thông số nhiệt, ẩm, làm thuốc thường xuyên, nên thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được giữ gìn rất tốt”.

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, cuối tháng 4 năm 2014, tại Mat-xcơ-va, Ban Quản lý Lăng đã tổ chức buổi gặp mặt, tri ân các chuyên gia Liên bang Nga, trong đó có những chuyên gia đầu tiên sang giúp đỡ Việt Nam giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Hữu Mạnh ghi

Thu Nga dịch

Bài viết khác: