Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Dương Nỗ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7km, về phía biển Thuận An.  Đây là nơi Người cùng cha Nguyễn Sinh Sắc và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm đã sống, học tập trong những năm 1898 – 1900.

          Nhà lưu niệm Bác Hồ được tiến hành trung tu vào năm 1978. Tính đến nay, ngôi nhà đã trải qua nhiều lần tôn tạo. Hiện tại, ngôi nhà đã trở thành di tích quan trọng trong Khu Di tích lưu niệm về Người tại xã Dương Nỗ.

tham-nha-bac-0
Sơ đồ hướng dẫn tham quan Khu Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Dương Nỗ

          Năm 1898, sau khi thi Hội lần thứ 2 không đỗ, cuộc sống gia đình và nghiệp văn chương của thân phụ Bác Hồ là ông Nguyễn Sinh Sắc gian nan, lận đận. Giữa đất kinh thành Huế, bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác Hồ, lao động vất vả mà vẫn không thể nào đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khổ. Sau lần thi trượt này, ông Sắc không được hưởng học bổng của Trường Quốc Tử Giám nữa. Cuộc sống gia đình khó khăn, ông quyết định nhận lời ông Nguyễn Sĩ Ðộ về dạy học tại làng Dương Nỗ. Khi đó, ông Sĩ Độ đang giữ chức Hương bộ của Làng.

tham-nha-bac-1
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Dương Nỗ nằm trong Cụm Di tích về Người ở làng Dương Nỗ
(xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế)

            Về Dương Nỗ, ông Sắc được gia đình ông Độ giao cho một ngôi nhà tranh 3 gian 2 chái, vách ghép ván để làm lớp học và làm chỗ ở của ông và hai con. Ngôi nhà ông Sắc ở tại Dương Nỗ vốn trước kia là nhà thờ bên vợ ông Độ. Cách bài trí trong nhà tiện lợi và đẹp mắt, mang dáng dấp ngôi nhà của ông đồ Nho xứ Nghệ. Khi sống tại ngôi nhà này, hai anh em Bác Hồ không có mẹ bên cạnh nên mọi việc nhà đều do hai anh em làm. Mỗi sáng sớm, hai anh em Bác thường dậy sớm ôn bài, quét dọn nhà cửa, sân vườn sạch sẽ, ngăn nắp.

           

tham-nha-bac-2
Chiếc phản gỗ lớn giữa nhà

tham-nha-bac-3
Bức phản gỗ kê ở hai gian bên để học trò ngồi học

            Ở gian chính, phía trên là một án thờ, bên dưới là nơi ngồi giảng bài của ông Sắc. Ở góc trong hai gian kế gian giữa có kê chiếc chõng tre, bên trái kê chiếc sập đựng đồ đạc cho ba cha con. Hai chái hai đầu nhà là hai buồng: Một buồng là nơi cất áo quần của ba cha con, một buồng là để cất cơm gạo. Nối với nhà chính là ngôi nhà ngang (mái lợp tranh) ba gian vách bằng tre trát đất được sử dụng làm bếp sinh hoạt của gia đình.

tham-nha-bac-4
Một góc bếp của căn nhà

            Về thăm lại nơi đây, du khách như thấy lại được hình ảnh cha con Bác Hồ sinh hoạt trong ngôi nhà, hình ảnh những buổi dạy học của ông Nguyễn Sinh Sắc. Lớp học của ông Sắc đặt ở đây, nhưng không có bàn, ghế. Có bức phản ngựa gỗ kê ở hai gian bên để học trò ngồi học. Học trò của ông Sắc không chỉ là những đứa trẻ ở đây mà còn có cả hai người con của ông.

Và có lẽ ở lớp học chữ Hán của cha mình, Bác Hồ đã được học những chữ Hán đầu tiên. Thời gian này đã đặt nền móng cho nền học vấn Hán học của Người. Người cha cũng chính là người thầy đầu tiên trong cuộc đời của Bác Hồ kính yêu.

            Bên cạnh ngôi nhà là địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Dương Nỗ. Địa điểm này đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa, có ý nghĩa quan trọng.

tham-nha-bac-5
Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

tham-nha-bac-6
Đây là nơi du khách cả nước thắp hương tưởng niệm Người mỗi khi đến Dương Nỗ

tham-nha-bac-9
Dù thời gian Bác Hồ sống, học tập ở đây rất ngắn nhưng đây là quãng thời gian có ý nghĩa quan trọng với con đường Bác đi sau này

          Bên dòng sông Phổ Lợi năm xưa, bến nước con đò còn đó, cảnh vật của vùng đất này đã có nhiều đổi thay, nhưng mỗi du khách khi đặt chân đến đây dường như có cơ hội để hình dung được hình ảnh về cuộc sống của Bác Hồ khi còn nhỏ. Đặc biệt, với những người dân tại đây, những câu chuyện về cuộc sống của Người được truyền từ đời này sang đời khác đã trở thành một phần trong tâm hồn của họ.

tham-nha-bac-10 2
Đình làng Dương Nỗ - nơi Bác Hồ thường ra ngồi học, vui chơi, quan sát và tìm hiểu về lịch sử ngôi đình cũng như đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân làng

          Cũng giống như làng Kim Liên ở Nghệ An, làng quê Dương Nỗ với những kỷ niệm học tập, vui chơi cùng bạn bè, hình ảnh người nông dân lam lũ, vất vả… đã xây đắp nên một phần tuổi thơ của Bác. Ở nơi này, tâm hồn của Bác đã dần được nuôi dưỡng để trở thành một tâm hồn lớn và hình thành nên một nhân cách vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam.

          Với mỗi người dân Việt, không chỉ mảnh đất Dương Nỗ mà mỗi nơi Bác qua, mỗi vùng đất Bác đặt chân đến đều mang ý nghĩa sâu sắc. Đó không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà hơn thế đó còn là nơi xây đắp cho mỗi tâm hồn Việt./.

Thanh Huyền

Bài viết khác: