Một buổi sáng đầu hè, tôi được xuống thăm khu Thực nghiệm của Viện 69, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thượng tá Bác sỹ Lê Xuân Khảm, Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu Pha chế dung dịch của Viện 69 đón tiếp và hướng dẫn đã để lại trong tôi tình cảm thật đặc biệt.
Thượng tá Lê Xuân Khảm sinh ra và lớn lên tại xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Nơi tiếng sóng biển ngày đêm rì rào vỗ nhẹ như một bài hát ru êm dịu trong giấc mơ về tuổi thơ của anh. Như bao người con của quê hương, tháng 5 năm 1978, khi vừa bước qua tuổi mười tám theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh tòng quân lên đường nhập ngũ về công tác tại Trung đoàn 221, thuộc Quân chủng Phòng không, không quân, đóng quân ở Lạng Sơn.
Thượng tá Lê Xuân Khảm chuẩn bị mẫu để tiến hành phân tích
Mới về nhận công tác được ít ngày, khi cán bộ trung đội hỏi về “sở trường”, anh đã trả lời mình biết về y thuật. Sau đó Lê Xuân Khảm được điều lên phục vụ tại bệnh xá Trung đoàn. Có được kiến thức về y thuật là do Lê Xuân Khảm đã học hỏi từ chính người ông nội của mình, một thầy thuốc nổi tiếng ở vùng quê Hải Hậu, Nam Định.
Tháng 2/1979 xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vô cùng ác liệt. Tại tuyến bệnh xá của Trung đoàn phải cấp cứu nhiều thương binh nặng. Nhìn các y bác sỹ tận tình cứu chữa thương binh, Lê Xuân Khảm thấy kiến thức y học của mình thật khiêm tốn, ước gì mình có đủ kiến thức, kinh nghiệm để cứu chữa, hạn chế thấp nhất những thương vong cho đồng chí, đồng đội.
Ước mơ của Lê Xuân Khảm được toại nguyện. Cuối năm 1979, anh được đơn vị cử đi học y sĩ tại Trường Trung cấp Quân y I. Trong 3 năm học ở trường gặp nhiều khó khăn, thử thách trước những kiến thức tưởng như vô tận của chuyên ngành y và từ hậu phương gia đình. Nhưng mỗi khi nhớ tới hình ảnh đau đớn của những thương binh, bệnh binh mà mình chứng kiến và lời động viên của mẹ, Lê Xuân Khảm lại quyết tâm vượt khó, quyết chí miệt mài học tập để nắm thật vững kiến thức về y học, để sau này phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân.
Kể về thời gian ôn thi tốt nghiệp ở Trường Trung cấp Quân y I, có câu chuyện mà Lê Xuân Khảm còn nhớ mãi:
- Một buổi trưa đầu hè năm 1982, trời nắng chang chang, oi bức, nhưng anh vẫn say sưa nghiên cứu trên mô hình giải phẫu, ở khu vực giành cho học viên nghiên cứu. Bỗng anh nghe thấy một giọng nói nhỏ nhẹ của người miền Trung: Đồng chí sao không ngủ trưa, miệt mài nghiên cứu gì thế ?
- Vâng, thưa thầy giáo! em đang suy nghĩ về đường đi của mạch máu, để lý giải và xử lý khi bộ đội bị thương mất máu, bằng biện pháp chèn động mạch ạ !
- Tốt, tốt! Cậu này hay nha, mình rất khâm phục những người như các cậu, biết tìm hiểu sâu xa, ngõ ngách các vấn đề, để lý giải và giải quyết những việc mình chưa sáng tỏ.
Thầy giáo nhẹ nhàng giải thích cặn kẽ vấn đề và đưa ra những lập luận sát thực tế chiến đấu của bộ đội, quá trình bị thương và cách xử lý đối với người y sĩ trong quá trình chiến đấu, cấp cứu bộ đội.
Nhưng Lê Xuân Khảm cứ băn khoăn: “Trong 3 năm học ở Trường mình chưa gặp thầy giáo này bao giờ. Thầy giáo là ai, dạy ở đâu, mà kiến thức chuyên môn lại sâu và giảng giải cho mình dễ hiểu đến vậy” ?
Khi tốt nghiệp ra trường, Lê Xuân Khảm được tuyển chọn về công tác tại Viện 69, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhớ về những ngày phục vụ chiến đấu ác liệt ở vùng biên giới phía Bắc, nhiều đồng đội của mình, kể cả những đồng chí bị thương nặng đều mong muốn được một lần về Hà Nội, được vào Lăng viếng Bác, sau này dù phải hy sinh cũng thấy yên lòng. Thế mà bây giờ, mình được về bên Bác, trực tiếp phục vụ nhiệm vụ “Giữ yên giấc ngủ của Người”, thật là vinh dự, tự hào.
Mới ngày đầu ở Viện 69, niềm vui đang trào dâng, lại một bất ngờ nữa đến với Lê Xuân Khảm. Khi anh đang mải ngắm nhìn những hình ảnh trong Phòng Truyền thống của Viện thì anh giật mình khi nghe thấy giọng nói nhỏ nhẹ của người miền Trung ngày nào: “Chào đồng chí Lê Xuân Khảm”.
- Chào thầy giáo ! Thầy giáo đưa em về tận đơn vị ạ - Lê Xuân Khảm ấp úng đáp.
- Không, mình không phải là thầy giáo, mình là Nguyễn Văn Châu, cán bộ của Viện. Hồi trước mình lên lựa chọn học viên về đơn vị. Được Nhà trường giới thiệu, nhất là khi trực tiếp nhìn thấy cậu say sưa nghiên cứu và trao đổi những vấn đề chưa hiểu, thể hiện tinh thần cầu thị như thế là rất tốt. Chúc cậu luôn say sưa nghiên cứu, học tập để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Lời động viên, căn dặn ban đầu của Thủ trưởng Nguyễn Văn Châu thực sự là động lực để Lê Xuân Khảm phấn đấu.
Trong quá trình làm việc tại Khoa Sinh hóa với kiến thức chuyên ngành hạn hẹp, để đáp ứng yêu cầu công tác, anh nghĩ không có con đường nào khác là phải học tập nâng cao trình độ về mọi mặt. Lê Xuân Khảm đã sắp xếp việc gia đinh, xin phép đơn vị để theo học đại học, cao học về lĩnh vực hóa học phục vụ cho nhiệm vụ của mình. Lê Xuân Khảm suy nghĩ: “Tri thức là vô tận, mình phải luôn chịu khó học tập, phải học thường xuyên, liên tục. Học thật nhiều, thì mình mới có kiến thức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có như vậy mới xứng đáng với niềm tin của đồng bào, đồng chí gửi gắm Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà chỉ có học và học thì khi gặp những điều mới, những vấn đề khó khăn thì mới giải quyết được những vấn đề cuộc sống đặt ra”.
Nói là làm, từ khi một y tá điều trị ở Bệnh xá trung đoàn, Lê Xuân Khảm đã phấn đấu, rèn luyện và học tập, đến nay anh đã có trình độ thạc sỹ chuyên ngành hóa phân tích – trở thành Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu Pha chế dung dịch, đơn vị làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt.
Trong những năm qua với cương vị, chức trách và nhiệm vụ được giao, là Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu pha chế dung dịch đặc biệt phục vụ trực tiếp nhiệm vụ y tế giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác; thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, nghiên cứu thực nghiệm và tham mưu tư vấn ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào thực hiện nhiệm vụ. Lê Xuân Khảm đã trực tiếp đồng chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cấp Bộ, mã số KYBL 12 - 03; hoàn thành 02 nhiệm vụ nghiên cứu, 02 nhiệm vụ môi trường, với 06 sáng kiến cải tiến kỹ thuật đúng kế hoạch, mang lại hiệu quả thiết thực áp dụng trực tiếp trong nhiệm vụ của Khoa, cũng như phục vụ nhiệm vụ chính trị đặc biệt của Viện. Anh thường tâm niệm: “Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, trước hết bản thân phải chủ động, gương mẫu, nỗ lực phấn đấu về mọi mặt để hoàn thành tốt chức trách của mình. Bên cạnh đó yếu tố không thể thiếu là sự quan tâm giúp đỡ của Thủ trưởng đơn vị, sự đồng tâm hiệp lực của anh em trong đơn vị”. Đó là một cách nói khiêm tốn, một đức tính giản dị, cầu tiến, tôn trọng cấp trên và anh em cấp dưới.
Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, phục vụ nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác. Lê Xuân Khảm thấy mình thật may mắn, vinh dự và tự hào, do đó anh nỗ lực phấn đấu, rèn luyện không ngừng. Trong công việc anh đã rèn cho mình tác phong làm việc thận trọng, tỷ mỉ, chính xác, nhất là khi được phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác. Trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, anh suy nghĩ làm sao, những sáng kiến cải tiến thiết bị kỹ thuật phải trực tiếp phục vụ cho nhiệm vụ của Khoa và phù hợp với điều kiện thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực cho đơn vị, cho nhiệm vụ được giao. Được sự đồng ý của Thủ trưởng Viện, những sáng kiến của anh đã được áp dụng thực tiễn, góp phần cùng với các sáng kiến khác trong đơn vị đã tiết kiệm thời gian và kinh phí.
Tìm hiểu về thành tích của Thượng tá Lê Xuân Khảm, đồng chí Thượng tá Nguyễn Cao Vũ, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Viện 69 cho biết: “Đồng chí Lê Xuân Khảm luôn là tấm gương sáng của Viện 69 trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng chí Khảm luôn mẫu mực trong học tập, công tác, sinh hoạt và nghiên cứu khoa học. Thành tích của đồng chí Khảm thật tự hào, có 4 năm liền từ 2007 đến 2010 là Chiến sỹ thi đua cơ sở; năm 2011 là chiến sĩ thi đua Bộ Quốc phòng; năm 2012 được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú”.
Hơn 36 năm quân ngũ, trải qua các cương vị công tác, kể cả những năm tháng chiến tranh ác liệt và đạt được nhiều thành tích, nhưng hiện nay Thượng tá Lê Xuân Khảm vẫn đang miệt mài nghiên cứu khoa học, để sớm hoàn thành những đề tài, những sáng kiến phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi luôn tự hào về anh- Tấm gương người Thầy thuốc ưu tú Lê Xuân Khảm./.
Đặng Văn Phong
Trợ lý Chính trị Viện 69