hoi nghi truc tuyen

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị Khóa IX về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” công tác thi đua, khen thưởng tại Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua Quyết thắng và phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc của các cơ quan, đơn vị trong Ban đã được tổ chức sâu rộng, từng bước đổi mới nội dung, hình thức phát động thi đua, bám sát thực tiễn, gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện nhiệm vụ ở từng cơ quan, đơn vị. Công tác khen thưởng luôn được quan tâm, chú trọng, bảo đảm theo quy định của pháp luật, đã kịp thời động viên, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tại các hội nghị, giao lưu văn nghệ và trên Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt đã được quan tâm hơn. Hệ thống văn bản về công tác thi đua, khen thưởng từng bước được hoàn thiện. Bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng ở các cơ quan, đơn vị được củng cố, kiện toàn.

Để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của công tác thi đua, khen thưởng, ngày 7-4-2014 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW ngày về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngày 17/7/2014 Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị số 737/CT-BQLL về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Thời gian qua, phong trào thi đua, khen thưởng ở các cơ quan, đơn vị phát triển chưa đồng đều, liên tục, có cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vị chính trị; việc khen thưởng còn chưa kịp thời; khen thưởng cho người lao động sản xuất trực tiếp còn ít. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao; biện pháp tuyên truyền thiếu đồng bộ làm hạn chế động lực phấn đấu của tập thể và cá nhân.

niem-tin-4
Các tập thể, cá nhân điển hình được tôn vinh
 nhân kỷ niệm 124 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Để khắc phục tình trạng trên, Chỉ thị yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các giải pháp như sau:

1. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua Quyết thắng và phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất. Mỗi Chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ quan, đơn vị, gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn cơ quan, đơn vị.

2. Tăng cường quán triệt, tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chính sách pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, trong đó chú trọng tuyên truyền Luật Thi đua – Khen thưởng. Qua đó làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên, công nhân viên, chiến sỹ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo và chủ động hội nhập quốc tế.

3. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng: Tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn về chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả chống hình thức. Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: “Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”. Quan tâm, tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến được tuyên truyền, nêu gương, tạo sự lan tỏa trong cơ quan, đơn vị.

4. Thực hiện đổi mới công tác khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân viên, chiến sỹ, người lao động trực tiếp. Chủ động xem xét, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và trong việc xây dựng, tôn tạo, trang trí tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Khu Di tích K9 và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.

5. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng. Đổi mới tổ chức và kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng.         

Tâm Trang

Bài viết khác: