Trong suốt 20 năm qua (1994 - 2014), Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội luôn là nơi thể hiện tình cảm kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế đối với các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ
Thể hiện truyền thống: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, đời đời ghi nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, Đảng, Nhà nước ta đã quyết định xây dựng Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, nằm đối diện với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh Hoàng thành Thăng Long và Hội trường Ba Đình (nay là Nhà Quốc hội). Đây là nơi trung tâm chính trị, văn hóa của Thủ đô và cả nước, nơi lắng đọng thiêng liêng của toàn dân tộc.
Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ được khởi công xây dựng ngày 7/4/1993 và khánh thành ngày 7/5/1994.
Theo Kiến trúc sư Lê Hiệp, nguyên Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, tác giả duy nhất trong hơn 30 phương án thiết kế gửi dự thi được lựa chọn cho biết: Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ bảo đảm: “Trang nghiêm, vững chãi, dân tộc, hiện đại, phù hợp với các công trình trong khu vực”. Đồng thời thể hiện tư tưởng: “Là những người đã khuất, nhưng còn sống mãi trong lòng mọi người. Họ hy sinh để dân tộc Việt Nam hồi sinh, phát triển đi lên”.
Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ được xây dựng với kết cấu bê tông, cốt thép, mặt ngoài ốp bằng đá hoa cương trắng ngà, tựa như ngọn nến khổng lồ thắp lên trời xanh với vẻ tâm linh trầm mặc, một vùng hội tụ anh linh các Anh hùng liệt sĩ, những người một thời đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, sống trọn nghĩa, vẹn tình với Tổ quốc, với đồng bào, đồng chí. Để ngày nay, khi về với cõi vĩnh hằng, còn đọng lại bao niềm nhớ thương vô hạn và là niềm tự hào của cả dân tộc.
Vào buổi tối, ánh điện màu vàng sáng chiếu hắt lên 4 mặt vát của thân đài, cùng với ánh phản quang màu đồng thau hòa vào nhau, phát tán ra 4 phương, 8 hướng, gợi lên hình ảnh đền chùa rất quen thuộc, gắn liền với đời sống tâm linh trong cộng đồng dân tộc, làm cho vẻ trang nghiêm lộng lẫy vốn có của Đài tưởng niệm được nhân lên gấp bội. Các hiệu ứng giữa chiêm nghiệm và hàm ơn, cảm ứng giao hòa giữa quá khứ và hiện tại như một mạch nối lấp lánh ánh thiền quang tinh khiết, khiến cho khu quần thể Đài tưởng niệm như một đóa hoa sen khổng lồ đang hé những cánh hoa đón vào lòng những giai điệu đẹp nhất của cảm thức vĩnh hằng.
Nhằm đón tiếp, phục vụ tận tình, chu đáo các tập thể, cá nhân đến tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Quy định tổ chức tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Các tập thể, cá nhân có nhu cầu, nguyện vọng đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, hoặc tổ chức lễ báo công, lễ kết nạp Đảng, lễ kết nạp Đoàn, lễ kết nạp Đội, lễ trao phần thưởng, lễ trao bằng tốt nghiệp, lễ tuyên thệ xuất quân, lễ rước đuốc, lễ đặt hoa trong ngày cưới... đến liên hệ đăng ký tại số 1, Ông Ích Khiêm, Ba Đình, Hà Nội vào các buổi chiều ngày làm việc. Các lực lượng của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ hướng dẫn cụ thể và phục vụ chu đáo.
Phục vụ Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ cấp Nhà nước
Bởi vậy, ngày nối ngày trong suốt 20 năm qua, nhất là vào những dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc: Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Ngày Quốc khánh (2/9) và Tết cổ truyền của dân tộc, Ngày thành lập Đảng (3/2), Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế Lao động (1/5), … Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội và đồng bào, chiến sĩ cả nước đều đến dâng hương, dâng vòng hoa "ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ" tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.
Cùng thể hiện tình cảm ghi nhớ công ơn của những người con đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới, nhiều đoàn Nguyên thủ Quốc gia, Đoàn ngoại giao và các đoàn khách quốc tế khi đến Việt Nam đều tới Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đặt vòng hoa "KÍNH VIẾNG CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ”.
Là đơn vị thường xuyên phục vụ lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, Đại tá Lâm Văn Hoan, Đoàn trưởng Đoàn 275 cho biết: Tất cả các đoàn trong nước và nước ngoài khi đăng ký tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đều được cán bộ, chiến sĩ đón tiếp, khiêng hoa, hướng dẫn, phục vụ chu đáo. Những đoàn cấp cao như lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Nguyên thủ quốc gia, một số đoàn cấp Bộ trưởng … khi đến tưởng niệm, đơn vị tổ chức đội hình tiêu binh danh dự và thực hiện theo nghi lễ trọng thể.
Thể hiện sự cảm động sâu sắc mỗi lần được trực tiếp đến cử nhạc phục vụ các đoàn cấp cao tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, Đại tá, NSUT Nguyễn Văn Đông, Phó Đoàn trưởng về chuyên môn âm nhạc Đoàn Nghi lễ Quân đội tâm sự: Mỗi khi giai điệu bản nhạc "Hồn tử sĩ" của Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từ dàn nhạc kèn của Đoàn Nghi lễ ngân lên, trầm hùng - bi tráng - da diết, gợi cho mọi người dự lễ cảm xúc vừa thương tiếc, vừa lưu luyến tiễn biệt linh hồn của những người con đã anh dũng hy sinh để cho non sông gấm vóc được nở hoa độc lập.
Phục vụ Tổng thống Liên bang Nga Pu-tin đặt hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ
Theo thống kê của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 20 năm qua tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã tổ chức trang trọng 75 lễ tưởng niệm cấp Nhà nước, 128 lễ tưởng niệm cấp Nguyên thủ quốc gia đến từ các nước, cùng hơn 25 ngàn Đoàn trong nước và bạn bè quốc tế.
Hàng năm, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đều tổ chức duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, tôn tạo cảnh quan, kiến trúc Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Tuy nhiên, theo năm tháng, một số hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp, đơn vị đã đề nghị cải tạo, sửa chữa để Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ khang trang, tương xứng với các công trình trong Cụm di tích Lịch sử - Văn hóa Ba Đình. Điều đó thể hiện tình cảm kính trọng và “Đời đời biết ơn các Anh hùng liệt sĩ ” của các thế hệ người Việt Nam hôm nay./.
Nguyễn Hữu Mạnh