Sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cho đến nay đã trải qua gần 3/4 thế kỷ (1930-2014). Trong khoảng thời gian đó, đã có tới 15 năm vận động cách mạng, khởi nghĩa giành độc lập dân tộc (1930-1945); đã có tới 30 năm kháng chiến chống lại sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới (1946-1975) bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Như vậy, nhân dân ta mới chỉ có chưa đầy 40 năm (1976- 2014) tập trung vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhưng cả trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, nhân dân ta đã phải chống lại chiến tranh xâm lược cục bộ và âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

Vào những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Liên Xô cải tổ, tan rã; chế độ XHCN ở các nước Đông Âu sụp đổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã thực hiện công cuộc Đổi mới, thay đổi mô hình xây dựng đất nước, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế, xã hội, phá vỡ chiến lược bao vây, cấm vận, cô lập Việt Nam của chủ nghĩa đế quốc, từng bước phát triển kinh tế và đến nay đã đạt được những thành tựu to lớn về nhiều mặt: Chính trị ổn định; vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia; có quan hệ hợp tác chiến lược với 14 nước, trong đó có 4 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn độ... Hoa Kỳ hiện là đối tác toàn diện của Việt Nam. Đời sống nhiều mặt của nhân dân ta được nâng lên đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2013 đạt khoảng 1.960 USD. Từ một trong những nước nghèo nhất thế giới (khi bước vào công cuộc đổi mới, 1986), đến nay, Việt Nam bắt đầu được ghi tên vào danh sách các nước có mức sống trung bình trên thế giới.

Gần đây, lợi dụng những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, một số người đã đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, thiếu công bằng đối với lịch sử cách mạng Việt Nam. Chẳng hạn, họ cho rằng đường lối xây dựng xã hội XHCN thời kỳ vừa qua “theo mô hình Xô-viết” là “con đường sai lầm”. Và họ kiến nghị phải chuyển “hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ” mà nội dung cơ bản là “chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ”. Nói cách khác là xóa bỏ chế độ XHCN, chế độ xã hội do Đảng ta lãnh đạo chuyển sang mô hình “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, là mô hình mà nhân dân ta đã nhiều lần bác bỏ. Điều này là không thể chấp nhận được.

Không phủ nhận rằng, trước thời kỳ Đổi mới (trước năm 1986) xã hội ta được xây dựng theo mô hình Xô-viết mà đặc trưng là: Nhà nước chuyên chính vô sản; kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp với hai thành phần duy nhất là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Trong mô hình đó, kinh tế thị trường đã bị xóa bỏ, thậm chí bị kỳ thị. Quan hệ quốc tế nói chung chỉ bó hẹp trong khối XHCN. Dựa vào chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, Đảng ta đã vận dụng và phát triển một cách sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với bối cảnh thời đại. Năm 1986, Đảng ta đã quyết định thay đổi đường lối xây dựng đất nước, chuyển sang xây dựng đất nước theo mô hình mới, khác về cơ bản so với mô hình cũ: Về chính trị, đó là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Về kinh tế, đó là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Về xã hội, đó là xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Về đường lối đối ngoại, đó là hội nhập quốc tế toàn diện, xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, bản sắc văn hóa… Bởi vậy, nếu nói gần 30 năm qua, xã hội ta được xây dựng theo “mô hình Xô-viết” là trái với thực tế, là xuyên tạc lịch sử.

Công bằng mà nói trong thực tiễn xã hội ta vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, thậm chí là bức xúc. Đặc biệt là sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và công chức; đó là tình trạng phân hóa giàu nghèo, là lợi ích nhóm chưa được đẩy lùi... Nhưng điều này không phải là điều được Đảng Cộng sản Việt Nam và xã hội ta chấp nhận.

Dân chủ là một thành quả phát triển của lịch sử nhân loại. Song dân chủ có nhiều mô hình và trong mỗi mô hình đó lại có nhiều trình độ khác nhau. Đơn giản vì chế độ dân chủ nào cũng phải dựa trên một cơ sở kinh tế nhất định, trong đó có sự phát triển của lực lượng sản xuất. Nền dân chủ của xã hội ta ra đời từ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ thực dân nửa phong kiến lạc hậu về mọi mặt, tiếp đó là chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nền dân chủ đó phải trải qua nhiều bước phát triển là điều tất nhiên. Còn nhớ ở Đại hội VI (1986), Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn nói đến “Nhà nước chuyên chính vô sản” thực hiện “chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa” (tr.117). Nhưng đến Cương lĩnh thông qua Đại hội VII (1992), Đảng ta đã sửa đổi Nhà nước ta là: “Nhà nước XHCN” “do nhân dân lao động làm chủ”. Đến Cương lĩnh thông qua Đại hội XI, năm 2011, Đảng ta lại tiếp tục chỉnh sửa lại quan niệm về mục tiêu của cách mạng và bản chất của chế độ xã hội như sau: “Xã hội mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong khái niệm “nhân dân lao động làm chủ” (Cương lĩnh 1992) đã được thay bằng cụm từ “nhân dân làm chủ”. Như vậy là lực lượng làm chủ xã hội trong Cương lĩnh 2011 đã được mở rộng đối với tất cả các giai tầng. Xã hội đó dựa trên: “Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Trong xã hội đó: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển”, quyền con người được “tôn trọng và bảo vệ”…

Tuy nhiên, cho đến Hiến pháp 2013, chế độ dân chủ của chúng ta vẫn được tiếp tục phát triển với những nội dung mới. Văn kiện này đã quy định rõ vai trò và phạm vi hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiến pháp 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội… Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Điều 4, Hiến pháp 2013).

Điều đặc biệt là Hiến pháp 2013, lần đầu tiên đã dành cả một chương (Chương II) để quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”. Trong chương này, không chỉ các quyền và tự do cơ bản của con người đã được liệt kê một cách đầy đủ mà các nguyên tắc về quyền con người nói chung, những nguyên tắc về hạn chế quyền đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân, cùng với nguyên tắc “suy luận vô tội” (nguyên tắc suy luận có lợi cho bị can, bị cáo) cũng được ghi nhận đầy đủ theo các công ước quốc tế về quyền con người và theo Luật Tập quán quốc tế. Tất nhiên những quy định của Hiến pháp và pháp luật tuy là quan trọng nhưng việc thực thi còn quan trọng hơn. Đảng và Nhà nước Việt Nam còn phải có nhiều nỗ lực hơn nữa mới có thể hiện thực hóa những quy định này.

Những sự kiện “ nóng” vừa qua diễn ra ở Biển Đông không phải là duy nhất trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các quốc gia có chung đường biên giới trên biển. Như vậy có thể nói, sự kiện vừa qua không phải bắt nguồn từ sự “ngộ nhận” của Đảng Cộng sản Việt Nam vì hai nước “cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa”.

Không phải ngẫu nhiên, trong chuyến thăm và làm việc theo lời mời của lãnh đạo Trung Quốc, tháng 10-2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc” với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào. Trong đó có những nguyên tắc như: “Kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, … duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”; “Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận…”; “Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC).

Đường lối, quan điểm và phương pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Đảng và Nhà nước ta là giữ vững nguyên tắc không nhân nhượng về chủ quyền, đấu tranh kiên quyết bằng mọi biện pháp, trước hết là bằng phương pháp hòa bình: Đó là đấu tranh trên thực địa của các lực lượng thực thi pháp luật; đó là bằng đấu tranh ngoại giao, đấu tranh bằng dư luận, làm rõ chính nghĩa của nhân dân ta, tranh thủ sự ủng hộ của tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị và đang cân nhắc sử dụng biện pháp đấu tranh pháp lý vào thời điểm thích hợp, theo đúng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta nhất định không để bị bất ngờ, cũng như không để nước ngoài tạo cớ, can thiệp, gây xung đột vũ trang nhằm giữ vững môi trường hòa bình, đồng thời kiên quyết bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Đường lối, quan điểm đấu tranh đó không chỉ được quân và dân ta thực hiện một cách sáng tạo mà còn được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, ủng hộ mạnh mẽ.

Với kinh nghiệm lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của cha ông, với bản lĩnh chính trị của một đảng cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh rèn luyện, với chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quân và dân ta nhất định sẽ hoàn thành sứ mạng lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

An Phương

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: