Trong những ngày tháng Tám lịch sử, nhiều đoàn đại biểu Người có công với cách mạng của các tỉnh thành trong cả nước đã thành kính vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, tôi đã may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều đối tượng chính sách. Trong đó, câu chuyện của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tâm đã đem lại cho tôi nhiều xúc cảm hơn cả.
Mẹ Nguyễn Thị Tâm (bên phải ảnh) chụp ảnh lưu niệm bên Lăng Bác Hồ
Mẹ Tâm năm nay đã 86 tuổi. Mẹ sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Bạc Liêu giàu truyền thống cách mạng, kiên cường, bất khuất trong kháng chiến và tham gia cách mạng từ năm 1954. Mẹ bảo hoạt động cách mạng rồi được đứng trong hàng ngũ đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mẹ tham gia công tác ở xã An Trạch huyện Giá Rai. Và chính thời gian này, Mẹ gặp được người bạn tri kỷ của mình, đó là người đồng đội đã cùng nhau chiến đấu đồng cam cộng khổ Lê Văn Thương. Năm 1952, Mẹ và ông Lê Văn Thương đã kết hôn. Hạnh phúc được nhân lên gấp bội khi Mẹ sinh được 4 người con trai khôi ngô, thông minh, lạnh lợi.
Cuộc chiến đấu của dân tộc diễn ra vô cùng ác liệt, biết bao đồng đội của Mẹ đã hy sinh. Nước mắt của Mẹ đã rơi nhiều khi phải chứng kiến từng đồng đội nằm xuống. Năm 1962, nỗi đau của Mẹ càng lớn hơn khi nhận được tin chồng mình đã hy sinh. Mẹ bảo: Khi ấy, nhận được tin dữ, nhìn những đứa con thơ dại, Mẹ đã rất đau lòng. Nhưng hoàn cảnh là vậy, dù sao Mẹ cũng phải cố gắng để có thể nuôi dạy con cái. Nén lại những đau thương, mất mát bằng hành động cụ thể, Mẹ vừa nuôi dạy con ăn học trưởng thành vừa tham gia nhiệt tình công tác xã hội. Đến năm 1971, Mẹ là Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện Giá Rai.
Những người con của Mẹ không phụ công ơn sinh thành và nuôi dưỡng. Mỗi người con đều chăm chỉ, cố gắng, nỗ lực để ăn học thành tài. Người con trai cả là anh Lê Công Hầu đã nối tiếp bước của cha xin phép mẹ xung phong tham gia chiến đấu. Nhưng chiến tranh ác liệt, anh đã anh dũng hy sinh năm 1974, khi vừa tròn 19 tuổi. Và Mẹ lại thêm một nỗi đau mất đi đứa con thân yêu của mình.
Chiến tranh kết thúc, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, Mẹ và ba người con còn lại tiếp tục cống hiến tài năng, trí tuệ và sức lực để xây dựng quê hương, đất nước. Năm 1976, Mẹ là Phó Giám đốc Công ty Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau. Đến năm 1988, Mẹ nghỉ hưu theo chế độ. Hiện nay, Mẹ đang sinh hoạt chi bộ, là đảng viên tiêu biểu xóm Trà Kha, phường 8, TP Bạc Liêu.
Những người con còn lại của Mẹ đã không phụ lòng hy sinh của ba, của anh. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, họ đã nỗ lực phấn đấu học tập và đã trở thành những người cán bộ giỏi. Hiện nay, anh Lê Quốc Chánh là Bác sỹ, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ; anh Lê Quang Phục là Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu; con dâu là đại tá công tác tại Phòng dân vận Quân Khu 9; cô cháu gái nội là Lê Tường Vi cũng là thiếu tá Công an, các cháu còn lại cũng đều học giỏi, chăm ngoan.
Mẹ bảo, cuộc đời của Mẹ mất mát hy sinh cũng có, niềm vui cũng có, nhưng nỗi mất mát của mẹ là nỗi mất mát chung của cả dân tộc Việt Nam. Trên dải đất hình chứ S này cũng có rất nhiều bà mẹ giống Mẹ. Khi chồng và con ra đi mãi mãi, trong mất mát đó có niềm tự hào của Mẹ. Và sự hy sinh của Mẹ đã được đền đáp, đó là ngày 27-7-2014, Mẹ vinh dự được đón nhận danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Cuộc đời Mẹ đã trải qua với nhiều thăng trầm của đất nước, có được cuộc sống như ngày hôm nay là Mẹ đã mãn nguyện lắm rồi. Bây giờ, Mẹ mong muốn mình có nhiều sức khỏe, sự minh mẫn để là chỗ dựa tinh thần cho con cháu và đóng góp vào công tác xã hội của xóm Trà Kha, để Mẹ tiếp tục được chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất nơi mẹ đã sinh ra và lớn lên. Và một điều mong ước lớn nhất của Mẹ là được vào Lăng “thăm Bác Hồ” đến ngày hôm nay Mẹ đã được thỏa nguyện. – Mẹ chia sẻ.
Mẹ kết thúc câu chuyện với nụ cười hiền từ như cuộc đời Mẹ chưa hề có sự mất mát chia ly./.
Vân Phương