Trọn cuộc đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Bác Hồ đã thấy được sức mạnh của nhân dân: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Vì lẽ đó, Người trở thành một tấm gương mẫu mực về gần dân, học dân, kính trọng dân và hết lòng phục vụ nhân dân.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 (ảnh Internet)
Từ năm 1911, trước cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than, khổ cực "một cổ, đôi tròng", người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết chí bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, cứu dân. Anh Ba đã làm đủ các nghề cực nhọc như nấu bếp, bồi bàn, xúc tuyết…. mong sao đến được nước Pháp, nước Nga và nhiều nước khác để học hỏi, xem các nước "văn minh" thế nào để về nước giúp đồng bào mình thoát khỏi gông cùm, nô lệ, áp bức, đứng dậy ngẩng cao đầu mà sống.
Tìm con đường cứu nước, cứu dân là nỗi khát khao cháy bỏng của Nguyễn Ái Quốc. Nên khi đọc được Luận cương của Lê-nin bàn về các dân tộc thuộc địa, ngồi một mình trong phòng mà Nguyễn Ái quốc nói to lên như đang nói trước mọi người: "Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!".
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945 Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Bác dừng lại hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”… “Có! Có…!”. Cả Quảng trường tiếng hô vang dậy như sấm. Nhiều người vừa hô vừa khóc bởi không ngờ Bác lại giản dị và gần gũi đến thế.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được thành lập. Việc đầu tiên, Bác lo chống đói. Ngày 17-10-1945, Người ra lời kêu gọi toàn dân cùng Chính phủ tập trung chống giặc đói. Người nói: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm là ba thứ giặc đều phải chống, nhưng Người đặt giặc đói lên hàng đầu vì lý do: “Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng nước ta được độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập đó chẳng có ý nghĩa gì”.
Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu Kiến quốc ngày 10-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa lại nhấn mạnh bổn phận Nhà nước đối với việc chăm lo cuộc sống của dân: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ, chúng ta phải thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân được học hành”.
Bác Hồ về thăm lại đồng bào Pắc Bó - Cao Bằng năm 1961 (ảnh Internet)
Năm 1946, khi được bầu là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã trả lời các nhà báo nước ngoài về mục đích cuộc sống mà Người đeo đuổi là: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác Hồ nhận thức rất rõ trách nhiệm của cá nhân là lo cho dân, cho nước từ những việc lớn đến việc nhỏ. Từ việc tìm đường cứu nước, bảo vệ, đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng, phát triển mọi mặt xã hội, đến việc tương, cà, mắm, muối…để thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu nhất của dân, để mọi người đều có cơm ăn, có áo mặc, có chỗ ở, được học hành, có điều kiện khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ luôn day dứt vì chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng với dân, với nước. Vì thế, năm 1963, khi biết tin Quốc hội định trao tặng Huân chương Sao vàng cao quý, Bác đã phát biểu chân thành: "Tôi vừa nhận được một tin tức làm cho tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để tặng thưởng người có công huân; nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội". Và Người mong muốn: "Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng".
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng – Phó Chủ tịch Nước, đồng chí Trần Quốc Hoàn – Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm việc với chuyên gia y tế Liên Xô sau khi Bác qua đời
Bác Hồ không những là tấm gương sáng về tinh thần phục vụ nhân dân, mà Bác còn căn dặn cán bộ: “Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Quần chúng nhân dân là người làm ra lịch sử, làm nên thành công của cách mạng, là người chủ đất nước; mỗi đảng viên, cán bộ ở bất cứ cương vị nào, làm công việc gì đều phải “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Bác còn dặn đối với Quân đội ta phải "Trung với Đảng, hiếu với dân", Công an nhân dân "Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép", đến cả các cháu nhi đồng Bác cũng dặn: "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào".
Phòng khi sẽ đi gặp cụ Các-mác, cụ Lê-nin và các vị đàn anh khác", Bác đã để lại những lời Di chúc để đồng bào, đồng chí khỏi cảm thấy đột ngột: “VỀ VIỆC RIÊNG - Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Và điều mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Những giờ phút cuối đời của Bác được Nhà văn Hồ Phương kể lại trong cuốn sách "Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đài hoa vĩnh cửu"- Nxb Quân đội nhân dân - 2010 thật là cảm động:
Ngày 30 tháng 8 năm 1969, bệnh của Bác càng nặng thêm, liên tục đau ngực, rồi Bác hôn mê. Sau khi các bác sỹ cấp cứu hồi lâu, Bác mới từ từ mở mắt, vẻ rất mệt mỏi. Nhưng khi thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng bên cạnh, Bác khẽ hỏi: “Chú chuẩn bị tổ chức Quốc khánh năm nay ra sao rồi?”, và nhắc: “Nhớ bắn pháo hoa cho dân vui”. Thủ tướng vô cùng xúc động, báo cáo với Bác mọi việc đã chuẩn bị chu đáo.
Bác lại hỏi: “Lũ sông Hồng đã rút chưa? Cần phải lo cứu dân nếu đê vỡ”. Thủ tướng không dám giấu Bác, báo cáo là lũ vẫn chưa rút hết. Rồi Thủ tướng mạnh dạn thưa với Bác: “Chính phủ muốn mời Bác lên khu an toàn để Bác được tĩnh dưỡng và đề phòng lũ lụt”.
Bác lắng nghe, rồi lắc đầu, thong thả nói chậm: “Không! Bác không muốn đi đâu cả. Bác không thể bỏ dân. Dân ở đâu, Bác ở đó, dù lụt lội hơn nữa, dù Mỹ có ném bom Hà Nội trở lại…”. Thủ tướng chỉ còn biết ứa nước mắt nhìn Bác và thầm kêu lên: “Bác ơi, đến cảnh ngộ này, Bác vẫn chỉ nghĩ đến dân…”.
Ngày mồng 1 tháng 9, sức khỏe Bác tuy có vẻ khá hơn. Khi Thủ tướng Phạm văn Đồng tới thăm, Bác nói: Ngày mai làm Lễ Quốc khánh cho Bác ra dự khoảng 15 phút để được gặp đồng bào. Bác ra ngồi trên sân khấu trước, sẽ quấn khăn che cổ… rồi hãy tiến hành khai mạc. Bác sẽ cố nói cho được bình thường mấy câu với đồng bào.
Nhưng… Thủ tướng báo cáo là đã làm mít tinh từ tối hôm trước, vì Bác đang mệt. Bác lặng im vẻ không vui, phải chăng Bác hiểu: Vậy là sẽ không còn có dịp nào để được gặp đồng bào nữa?
Tấm gương suốt đời vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại Lễ truy điệu, vĩnh biệt Hồ Chủ tịch ngày 9 tháng 9 năm 1969 làm lay động lòng người:
"…Lúc còn sống, Người dành tất cả lòng hiền từ ấm áp cho đồng bào, con cháu, già, trẻ, gái, trai, miền Bắc, miền Nam, miền xuôi, miền ngược. Khi mất đi Người còn để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng…"./.
Nguyễn Hữu Mạnh