Tháng 9, nhân dân cả nước lại bồi hồi những xúc cảm về Bác Hồ kính yêu. Những hình ảnh thân thương, những câu nói giản dị nhưng đầy ý nghĩa của Bác trong tháng 9 lịch sử năm nào như vẫn còn vang vọng đâu đây...

thang-9-nho-bac-1
Bác Hồ kính yêu

Tháng 9 – Kiêu hãnh niềm tự hào

Tháng 9, mùa Thu vàng trải khắp từng con phố, từng ngõ nhỏ, nhân dân cả nước lại cùng nhau hồi tưởng về hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Khoảnh khắc đó là một điều vô cùng thiêng liêng, cao quý trong tâm khảm người Việt. Bác Hồ muôn vàn kính yêu – Người đã đọc bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc – kỷ nguyên độc lập, tự do, một trang sử hào hùng mới lại được viết tiếp.

Tác giả Tố Hữu đã từng viết về buổi sáng mùa Thu tháng 9 lịch sử  như sau:

Hôm nay sáng mùng hai tháng Chín

Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình

Muôn triệu tim chờ, chim cũng nín

Bỗng vang lên tiếng hát ân tình

Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh…

Người đứng trên đài lặng phút giây

Trông đàn con đó vẫy hai tay

Cao cao vầng trán ngời đôi mắt

Độc lập bây giờ mới thấy đây.

Trước hàng vạn nhân dân tại Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đã truyền đến nhân dân những lời xuất phát từ tâm hồn và trí tuệ, gợi lên những rung động sâu xa, những cảm xúc mãnh liệt. Bác Hồ dõng dạt tuyên bố một cách vững chắc và hào hùng với thế giới về nền độc lập của nước ta. Người nói: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy". Có thể nói, đó là thời khắc thiêng liêng của dân tộc, thời khắc mà không khí đất trời và lòng người như hòa quyện vào nhau để hướng về một sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Tự bao giờ, trái tim của mỗi người dân Việt Nam chúng ta lại khắc ghi những xúc cảm vô cùng thiêng liêng đó? Thực sự, 69 năm đã trôi qua, mỗi khi mùa Thu đến, khi cả đất nước chuyển mình, chúng ta lại nhớ về mùa của hòa bình, của độc lập, mùa của đất nước như được hồi sinh, phát triển đi lên không ngừng.

Tháng 9 – nỗi đau, mất mát của cả dân tộc

Có một tháng 9 khác với nỗi đau của cả đất nước. Đó là tháng 9 năm 1969 khi tin Bác Hồ kính yêu mất được truyền đi. Cả đất nước cùng đau đớn, tiếc thương vì sự ra đi của Người.

Tháng 9 - mùa Thu năm ấy, nỗi đau thương trùm lên cả dải đất chữ S. Cả dân tộc chìm trong nước mắt và những tiếng nức nở nhớ thương Người. Bác ra đi khi cuộc cách mạng của dân tộc còn dang dở, hai miền Nam Bắc chưa thu về một mối. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn mong mỏi ngày đất nước ta thống nhất, hai miền Nam Bắc sum vầy, Bác được vào thăm đồng bào miền Nam. Nhưng tâm nguyện đó chưa thành.

Nỗi đau, sự mất mát khi Bác ra đi quá lớn! Nhưng nhân dân cả nước đã biến đau thương đó thành hành động. Tâm nguyện của Bác, những lời nói của Bác như ngọn lửa thôi thúc trong lòng mỗi người con đất Việt để đứng lên kiên cường chiến đấu giành cho được độc lập, tự do. Như trong những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

“Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn

Xin nguyện cùng Người: Vươn tới mãi

Vững như muôn dặm dải Trường Sơn”

thang-9-nho-bac-2
Quảng trường Ba Đình lịch sử trong ngày Quốc tang của Bác Hồ

          Và ngày toàn thắng đã đến. Vượt qua bao gian khổ, bao đau thương, Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất. Ngày toàn thắng, cả đất nước nhớ về công ơn của Người với niềm xúc động sâu sắc. Đặc biệt, trong mùa Xuân độc lập thống nhất đầu tiên, nhân dân cả nước đã được đón Bác về Lăng của Người. Và ngày 2/9/1975, tại Quảng trường Ba Đình, Lễ duyệt binh mừng thống nhất đã được diễn ra trang nghiêm, đầy xúc động bên Người. Có lẽ vì vậy mà mỗi người dân Việt Nam luôn thấy “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Tôi còn nhớ trong dòng người vào Lăng viếng Bác trong những ngày tháng 9 lịch sử có rất nhiều đoàn người các tỉnh phía Nam. Trong đó, bà Nguyễn Thị Cảnh (Thành phố Hồ Chí Minh) đã chia sẻ: “Những người con miền Nam như chúng tôi đều có ao ước được ra Thủ đô Hà Nội, được vào Lăng viếng Bác. Còn nhớ ngày Bác mất, cả dân tộc đã khóc. Khi đó tôi đang chiến đấu cùng các đồng đội của mình, chúng tôi đã ôm lấy nhau và khóc. Đau thương quá lớn nhưng chúng tôi lại càng quyết tâm chiến đấu vì mục đích thống nhất, vì mong mỏi của Bác. Khi đó, hình ảnh Bác luôn là động lực vô cùng mạnh mẽ cho mỗi người chúng tôi”.

Độc lập, tự do và hạnh phúc đã đến nhưng Bác đã đi xa. Miên man trong những xúc cảm, chúng ta lại nhớ đến câu hát trong bài Nhớ ơn Bác (của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu): “Nhờ có Bác Hồ đời cháu được ấm no. Cháu vui múa ca càng nhớ công ơn Bác Hồ…”. Năm nào cũng vậy, mùa Thu – mùa tựu trường của những trẻ nhỏ. Trước đây, sinh thời, Bác luôn rất mực quan tâm đến trẻ em. Bác từng viết:

“Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”

          Và Bác cũng khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có trở nên vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Không phụ lòng mong mỏi của Bác, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay vẫn đang không ngừng học tập, nỗ lực phấn đấu để xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

          Ngày nay khi đất nước đang chuyển mình, hòa nhập mạnh mẽ với xu hướng toàn cầu, xây dựng chủ nghĩa xã hội, hình ảnh và lời dạy của Bác Hồ kính yêu vẫn luôn còn vẹn nguyên giá trị. Nhớ về Bác lòng mỗi người dân Việt lại “trong sáng hơn”, tinh thần dân tộc được nâng cao, tất thảy mọi người lại cùng nhau phấn đấu, ra sức thi đua. Người thật sự là tấm gương sáng muôn đời cho các thế hệ mai sau học tập và rèn luyện. Đặc biệt, sau 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, các thế hệ nhân dân Việt Nam vẫn đang không ngừng rèn luyện, phấn đấu vươn lên, góp phần xây dựng thành công một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

thang-9-nho-bac-3
Dòng người nối dài vào Lăng viếng Bác

Trong xu thế hội nhập quốc tế, đứng trước những vận hội và những thách thức mang tính thời cuộc, sự chống phá của các thế lực thù địch vẫn luôn đe dọa từng ngày, tiềm ẩn những khó khăn. Với tinh thần trách nhiệm và niềm tự hào, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trau dồi lý tưởng, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện theo Di chúc của Người, hun đúc lòng yêu nước, không ngừng ra sức học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, phát huy trí tuệ, năng lực cá nhân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xứng đáng là “người cận vệ” bên Lăng Bác Hồ./.

Thanh Huyền

Bài viết khác: