10/10/1954 – 10/10/2014, 60 năm trôi qua, hình ảnh Ủy ban Quân chính Hà Nội và Đại đoàn 308 tiến vào Hà Nội giương cao lá cờ "Quyết chiến quyết thắng” đã trở thành hình ảnh vô cùng đẹp đẽ và thiêng liêng trong mỗi trái tim người dân Thủ đô.
Nhớ về Thủ đô, nhớ về những năm tháng đã qua, nhân dân cả nước lại bồi hồi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhớ về tình cảm của Người dành cho Thủ đô.
Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng ở Hàng Than, Hà Nội năm 1955. Ảnh tư liệu
Từ những ngày đầu mới giải phóng
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn gắn bó với Thủ đô Hà Nội. Tại mảnh đất Thủ đô, Người đã cùng đồng bào cố gắng vì mục tiêu thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Những ngày đầu Thủ đô giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại khu Đồn Thủy. Thời gian này, Người xác định nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội lúc đó là khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống và sinh hoạt. Hàng tháng ít nhất một lần Bác dành thời gian nghe các đồng chí lãnh đạo Hà Nội báo cáo tình hình.
Hơn thế, Bác Hồ thường xuyên đi thăm các xí nghiệp, trường học, bệnh viện, xóm làng ngoại thành. Có thể vì khi đó người dân ngoại thành Hà Nội còn vất vả nên Người dành mối quan tâm sâu sắc hơn. Người đã động viên: “Ngoại thành cũng là Thủ đô. Mà “thủ” là đầu, phải đi đầu...” và mong muốn: “Các đảng bộ, chi bộ ở ngoại thành cần lãnh đạo đưa phong trào ngoại thành tiến lên mạnh mẽ hơn nữa, làm cho ngoại thành thật sự trở thành vành đai đỏ của Thủ đô xã hội chủ nghĩa”. Đến đâu, Người cũng động viên cán bộ, công nhân viên, nhân dân cố gắng tăng gia sản xuất, tích cực học tập, công tác.
Với Người, nhân dân chính là gốc, là lực lượng quyết định thành bại của cách mạng, của công cuộc xây dựng đất nước. Vì vậy, trong buổi tiếp đại biểu nhân dân Thủ đô ngày 16-10-1954, Người nhấn mạnh: “Chế độ ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân”.
Bên cạnh đó, thời điểm mới giải phóng, tàn dư văn hóa thực dân còn rơi rớt lại có ảnh hưởng lớn đến thế hệ thanh niên. Nhận biết được điều đó, Người đã ân cần chỉ ra khuyết điểm của số ít thanh niên Hà Nội: “Thanh niên Hà Thành vốn giữ tính kiêu căng, biệt phái...”. Và Người chỉ ra cách khắc phục: “Phải làm sao cho tổ chức thanh niên Hà Nội phải thành một khối thanh niên khuôn mẫu cho thanh niên toàn xứ và toàn quốc”. Người đã có 10 lá thư, bài viết, bài phát biểu về thanh niên, thiếu niên, sinh viên Hà Nội. Trong đó, Người đều khẳng định “Thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước”. Người khuyên thanh thiếu niên Thủ đô đoàn kết thân ái và chăm chỉ học tập phát huy sáng kiến để thanh thiếu niên cả nước học tập. Đây chính là cách để tăng cường sức mạnh toàn dân vì mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội và đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước.
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn quan tâm đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là mỗi khi “Tết đến Xuân về”. Nhớ Tết năm đầu tiên sau ngày giải phóng, Bác đã dặn các đồng chí lãnh đạo Hà Nội: “Các chú phải xem dân có gạo nếp, bánh chưng không? Phải làm sao để cái Tết đầu tiên mình tiếp quản thành phố ai cũng có bánh chưng ăn Tết”. Những lời nói ân tình đó của Bác chính là sự chỉ đạo, lời dạy đầy xúc cảm đối với các thế hệ lãnh đạo của Hà Nội.
Từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ kính yêu đã gắn bó với Hà Nội. Những năm bom đạn ác liệt của đế quốc Mỹ, Người đã sống và làm việc tại căn nhà sàn giản dị trong lòng Thủ đô. Tại Thủ đô thân yêu, Người đã viết Tuyên ngôn Độc lập và sau này là bản Di chúc. Như vậy, có thể nói, tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh hầu hết được thể hiện ở mảnh đất kinh đô ngàn năm văn hiến.
Bác Hồ với các cháu học sinh Trường Trưng Vương, Hà Nội, năm 1956. Ảnh: Internet
Kể từ khi giữ cương vị Chủ tịch nước, Người đã có 73 bài viết riêng về Hà Nội, về nhân dân Hà Nội (theo sách Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội - NXB Chính trị quốc gia, 2004). Điều này đã chứng tỏ tình cảm, sự quan tâm sâu sắc, tấm lòng trân trọng biết ơn, mối quan tâm sâu sắc đầy tình nhân ái. Và hơn thế, Người còn gửi một mong muốn thiết tha về Hà Nội, với Hà Nội, đó là:“Thành phố Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa. Muốn như thế thì mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan và mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội”.
Hướng đến một Thủ đô xã hội chủ nghĩa
Sinh thời, trong những lời phát biểu, những bài nói chuyện tại các kỳ Hội nghị Đảng bộ Hà Nội, các kỳ đại hội đại biểu nhân dân Hà Nội..., Người rất chú ý tới vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô vững mạnh toàn diện, mà trước hết là phát triển Đảng: “Hà Nội cần phải củng cố và phát triển Đảng, Đoàn Thanh niên Lao động và tổ chức Công đoàn. Đảng bộ Hà Nội cần phát triển thêm thành phần công nhân, nông dân, lao động trí óc và phụ nữ vào Đảng”. Người căn dặn Đảng bộ Hà Nội phải luôn: “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”.
Người xác định vị trí “đầu tàu”, “gương mẫu” của Hà Nội mà “cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta” nên Người mong muốn làm sao để cho Hà Nội “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Ngày mới giải phóng, Người xác định nhiệm vụ trung tâm cho Hà Nội là “giữ gìn trật tự an ninh”, là “ổn định sinh hoạt”, là “vệ sinh sạch sẽ” là “phòng bệnh”. Muốn thế mọi người dân Thủ đô phải đoàn kết, tăng năng suất công tác, phải học tập, phải giữ vững và phát triển thuần phong mỹ tục.
Người cũng căn dặn: “Hà Nội là Thủ đô của cả nước, ta để bẩn là không được, cho nên các chú phải làm vệ sinh thành phong trào cách mạng, không phải chỉ đánh giặc mới là làm cách mạng”. Thực hiện lời Bác, trong những ngày ấy, công tác vệ sinh thành phố thực sự trở thành phong trào quần chúng. Đến nay, công tác vệ sinh của Thủ đô vẫn luôn được quan tâm, chú ý nhằm xây dựng một Thủ đô xanh, sạch, đẹp.
Đoàn đại biểu Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội dâng hoa và vào Lăng viếng Bác ngày 2/9/2014
Hà Nội ngày nay đã trở thành một thành phố văn minh, hiện đại. Tính đến nay, Hà Nội vẫn là Thủ đô duy nhất trong Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được nhận giải thưởng “Thành phố vì hòa bình”. Đây là niềm vinh dự nhưng cũng là thách thức để Hà Nội tiếp tục cố gắng, phấn đấu xây dựng và bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
60 năm đã trôi qua từ khoảnh khắc lịch sử ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Hiện nay, Lãnh đạo, nhân dân Thủ đô Hà Nội đã và đang thực hiện theo lời dạy, Di chúc của Bác Hồ kính yêu, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.
Những ngày đầu tháng 9/1969, trời Hà Nội mưa tầm tã như hòa cùng nỗi đau của người dân Việt Nam từ nay vắng hình bóng Bác. 45 năm đã qua, Bác đã đi xa nhưng hình ảnh của Bác, hình ảnh Lăng của Người đã khắc sâu trong mỗi trái tim của người dân Thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Thời gian trôi đi mãi, những lời dạy của Người năm nào đã, đang và vẫn mãi là động lực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước của nhân dân Thủ đô, để hướng đến mục tiêu xây dựng một Thủ đô xã hội chủ nghĩa như mong mỏi của Người./.
Thanh Huyền