Trong những ngày Tháng 10, đón đoàn đại biểu Người có công với cách mạng tỉnh Khánh Hòa ra Thủ đô và thăm Lăng Bác, tôi được gặp gỡ và trò chuyện với bác cựu chiến binh Cao Văn Nhiến, 72 tuổi, người dân tộc Raglai. Qua tiếp xúc, tôi cảm nhận bác là một người hiền lành, bản chất thật thà, chất phác, dễ gần, ẩn chứa bên trong là một con người giàu nghị lực, mưu trí và anh dũng trong chiến đấu.

bac-cao-van-nhien-1
Cựu chiến binh Cao Văn Nhiến

Bác Nhiến tâm sự rằng đã nhiều lần vào Lăng viếng Bác nhưng mỗi lần là một cảm xúc thật đặc biệt. Bác kể về lần đầu tiên được ra Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Bác là năm 1981, lần đó bác cùng đi với đoàn đại biểu của tỉnh Khánh Hòa. Bác bảo: Khi nhìn thấy Bác Hồ, bác đã sung sướng đến nỗi bật khóc. Mà không chỉ riêng mình bác, các thành viên khác trong Đoàn ai cũng vậy.

Tự hào về quê hương

Bác sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Khánh Sơn (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa). Khánh Sơn là một huyện miền núi vùng cao, ngăn cách với đồng bằng của tỉnh bởi con đèo Khánh Sơn cao vời vợi. Huyện có 7 xã và thị trấn Tô Hạp. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Khánh Sơn từng là căn cứ cách mạng với những trận địa ác liệt như căn cứ Tô Hạp, sân bay Tà Nía, được mệnh danh là "Thung lũng tử thần".

Căn cứ địa cách mạng Tô Hạp nằm trong vùng rừng núi rộng lớn dọc theo lưu vực sông Tô Hạp, kéo dài từ xã Ba Cụm Nam đến xã Sơn Bình. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các địa chỉ đỏ như: Hòn Gầm, Xóm Cỏ là nơi đứng chân của các cơ quan đầu não chỉ huy kháng chiến khu V, tỉnh và huyện.

Bác kể, Raglai là tộc người thiểu số chiếm 75% dân số ở vùng Khánh Sơn. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nông nghiệp, lâm nghiệp. Đồng bào dân tộc vùng đất Khánh Sơn từ lâu đã có truyền thống yêu nước. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, đồng bào dân tộc Raglai một lòng ủng hộ cách mạng, gia nhập Việt Minh, xây dựng chính quyền nhân dân.

Vừa giành được độc lập thì thực dân Pháp quay lại, tái chiếm nước ta. Tiếng súng kháng chiến từ mặt trận Nha Trang vang dội khắp các tỉnh Nam Trung Bộ. Lớp lớp thanh niên Raglai xung phong gia nhập "Bộ đội Cụ Hồ", chiến đấu dũng cảm để giành giật lại từng tấc đất xóm làng. Rồi đế quốc Mỹ xâm lược và biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Đất Khánh Sơn lại chung sức với nhân dân cả nước, kiên cường đấu tranh giải phóng quê hương. Đồng bào Raglai đã góp phần xứng đáng vào công cuộc kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm, giành hòa bình độc lập thống nhất đất nước.

Trong ký ức của bác Nhiến, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, đời sống của đồng bào Raglai ở Khánh Sơn vô cùng thiếu thốn, gian khổ. Kẻ địch thường xuyên tổ chức càn quét, bắt bớ, đốt hết nhà cửa, làng xóm. Hàng ngày, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, trực thăng địch thi nhau bắn xuống núi rừng, xóm làng; từ 7 giờ tối đến 8 giờ tối, máy bay phản lực ném bom; từ 8 giờ tối, pháo địch lại dội từ Cam Ranh lên. Chưa hết, kẻ thù lại dã tâm rải chất độc hóa học dọc dài từ xã Thành Sơn đến tận xã Ba Cụm Nam. Cứ mỗi năm 2 lần, chúng nhằm vào mùa thu hoạch bắp, mì của đồng bào để rải. Cây trồng nhiễm độc không ăn được, đồng bào phải đào củ rừng, hái rau rịa, môn dót ..., có gì ăn nấy. Đói cái ăn, đến hạt muối cũng không có, đồng bào phải đốt tranh, đốt nứa để lấy vị mặn.  

Tuy đói ăn, nhạt muối, không có đủ cái mặc, nhưng người dân Khánh Sơn vẫn luôn một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ. Những cái tên như: Bo Bo Tới, Mấu Vũ, Cao Điềm, các nữ du kích Cao Định, Bo Bo Bảng ... từng một thời là nỗi khiếp sợ của Mỹ, Ngụy. Năm 1963, quân và dân Khánh Sơn đã đánh bại cuộc càn quét có quy mô lớn của địch với tên gọi “Chiến dịch Thiềm đầu thủy”, để lại nỗi kinh hoàng cho giặc. Thung lũng Tô Hạp có tên là “Thung lũng tử thần” từ ngày ấy. Tinh thần anh hùng bất khuất đó của quân và dân Khánh Sơn đã góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta.

Người cựu chiến binh giàu nghị lực         

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất lịch sử của tỉnh Khánh Hòa. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 15 tuổi, chàng trai Cao Văn Nhiến đã đi làm liên lạc cho cán bộ nằm vùng. Đến năm 18 tuổi, ông tham gia lực lượng du kích xã Sơn Trung chống địch càn, để rồi sau đó vào năm 1965, xung phong nhập ngũ vào lực lượng quân sự địa phương, công tác tại đơn vị 175, đóng quân tại huyện nhà.

Đến năm 1970, bác Nhiến đã là chính trị viên đại đội. Cùng năm đó, bác lập gia đình và có tất cả 5 người con, ba trai, hai gái. Hiện nay, hai con trai lớn của Bác cũng nối nghiệp cha, công tác trong quân đội.

Trong những năm chiến tranh ác liệt, từ năm 1965 đến năm 1975, bác cũng đã tham gia rất nhiều trận đánh lớn nhỏ, góp công sức cùng nhân dân Khánh Hòa trong các trận đánh đã đi vào lịch sử như Mậu thân1968, Mùa hè Đỏ lửa 1972 và 1975 trên mảnh đất Khánh Hòa.

 Bác kể, ở cầu Apa Bưởi (xã Sơn Hiệp), bác đã một mình chống lại cả chục tên lính ngụy. Ở độ tuổi 72, bác vẫn nhớ từng chi tiết: “Cuối năm 1970, tôi cùng đồng chí Cao Văn Huỳnh và một đồng chí khác đang trên đường từ rừng về cơ quan thì bất ngờ gặp toán biệt kích ngụy mai phục. Khi phát hiện chúng tôi, lập tức chúng nổ súng làm một đồng chí bị thương nặng, buộc đồng chí Huỳnh phải cõng đến nơi ẩn nấp. Tôi nấp sau một cây cổ thụ, khi ấy, trên tay chỉ có khẩu B40 với một trái đạn. Sau khi định thần, tôi phát hiện chúng đang tập trung chuẩn bị lội qua sông Tô Hạp. Có cơ hội, tôi lập tức phóng trái B40 vào giữa đội hình của chúng làm cho chúng kẻ chết, kẻ bị thương, …” Lần ấy, bác được cấp trên khen thưởng.

Trong thời gian công tác, Bác được tặng thưởng Huy chương Chiến sỹ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Chiến sỹ vẻ vang Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Ba năm 1968 và hạng Nhì năm 1975.

Năm 1975, đất nước hòa bình thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà, bác Nhiến được điều động sang làm Huyện đội phó và đến năm 1985 là Huyện đội trưởng (nay là Chỉ huy trưởng BCH Quân sự huyện) huyện Khánh Sơn. Năm 1993, bác chuyển ngành, giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn. Năm 2000, bác nghỉ công tác về địa phương và giữ chức Chủ tịch Hội Truyền thống kháng chiến cứu nước huyện Khánh Sơn với 380 hội viên. Không những thế, Bác còn làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam của huyện với 20 người. Những anh em trong Hội luôn hỏi thăm, quan tâm nhau những lúc đau ốm, những người có hoàn cảnh khó khăn thường xuyên được Hội quan tâm giúp đỡ, cùng nhau làm kinh tế giỏi, trồng các cây công nghiệp và hoa quả có giá trị kinh tế cao.

bac-cao-van-nhien-2
Bác Cao Văn Nhiến (bên phải) cùng thành viên trong Hội Kháng chiến làm kinh tế giỏi.

Tôi còn rất ngạc nhiên, khi được nghe bác Nhiến kể câu chuyện về những cây gỗ quý được gửi ra xây dựng Lăng Bác. Đó là vào đầu năm 1973, tỉnh Khánh Hòa nhận được điện của Trung ương về việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức điện gợi ý mỗi tỉnh ở miền Nam nên có một đặc sản góp phần xây Lăng Bác. Đây là dịp để thể hiện tấm lòng, tình cảm của cán bộ, nhân dân Khánh Hòa với Bác Hồ kính yêu. Anh bộ đội Cao Văn Nhiến vinh dự được cùng đoàn dân công Khánh Sơn vận chuyển 2 khối gỗ mun, được khai thác ở rừng Khánh Sơn.

Bác kể, trong thời gian chiến tranh, đường xá hư hỏng nặng, để vận chuyển được những cây gỗ quý, đoàn dân công phải băng rừng, vượt suối, cứ 4 người khiêng một khúc gỗ. Và, phải mất 4 ngày đường, đoàn dân công cùng bộ đội mới ra đến đường quốc lộ. Rồi những khối gỗ quý này được bàn giao lại cho tỉnh Đắk Lắk. Các khối gỗ mun đã băng rừng, vượt suối, lên đường Hồ Chí Minh, cùng các loại gỗ quý hiếm khác của các tỉnh miền Trung kịp chở ra Hà Nội vào tháng 5/1974, góp phần cùng tinh hoa trăm miền làm nên công trình của lòng dân cả nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngay sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, bà con Raglai dốc sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Đến Khánh Sơn ngày nay, ta thấy có nhiều thay đổi, cuộc sống của nhân dân ngày càng khấm khá. Cùng với các chương trình kinh tế - xã hội được chính quyền các cấp đầu tư xây dựng trong những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào Raglai ở Khánh Hòa từng bước được nâng cao, tạo nên diện mạo mới tươi đẹp cho Khánh Sơn.


Bác Cao Văn Nhiến (ngoài cùng, bên trái, hàng đứng) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn Người có công với cách mạng tỉnh Khánh Hòa tại Quảng trường Ba Đình

Trong kháng chiến, người dân Khánh Sơn một lòng theo Đảng, theo Bác đánh đuổi giặc ngoại xâm. Giải phóng rồi, đồng bào lại lo làm ăn, xây dựng quê hương giàu đẹp. Trước mắt, Khánh Sơn vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng truyền thống đoàn kết một lòng, anh dũng kiên cường trong chiến đấu sẽ luôn là nguồn động lực mạnh mẽ để Khánh Sơn vững bước đi lên trên con đường làm giàu cho Tổ quốc hôm nay. Và những cựu chiến binh như bác Nhiến đã và đang trở thành tấm gương sáng cho lớp lớp con cháu noi theo, học tập để trở thành người có ích cho xã hội/.

                                                                                         Hải Yến

Bài viết khác: