Có không ít những kỷ niệm về Bác của các thế hệ lão thành. Mỗi người mỗi vẻ, nhưng họ đều nhớ mãi về Người với lòng kính yêu vô hạn. Riêng với ông Đinh Văn Niệm - nguyên Trợ lý cố Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công, kỷ niệm lần được gặp Bác cách đây gần 60 năm vẫn vẹn nguyên.

Ông Niệm năm nay đã 85 tuổi, nhớ lại: Tháng 11/1956, tôi ra tập kết ở miền Bắc và vinh dự được đứng trong hàng ngũ các cán bộ trung cao cấp miền Nam học tập ở Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay). Một buổi sáng, tôi nghe tin hôm nay có các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm nhưng thông báo không nói rõ là ai. Tất cả các cán bộ chúng tôi đều ăn mặc chỉnh tề, chuẩn bị đầy đủ để đón các đồng chí lãnh đạo. Giờ gặp mặt sắp đến, bỗng có tin Bác Hồ đến thăm Trường, lòng tôi bừng lên sự hồi hộp và háo hức, tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.

ky-niem-ve-bác
Ông Đinh Văn Niệm (ngoài cùng, bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình

 Nhưng tất cả các cán bộ đi tiếp đón không biết Bác đi đường nào. Mọi người hỏi khắp nơi cũng không biết Bác vào đường nào để đón. Hóa ra Bác vào thăm nhà ăn và chỗ ngủ của anh em cán bộ đầu tiên. Bác xem xét từng vật dụng của cán bộ, xem kỹ giường ngủ, không bỏ sót một chi tiết nhỏ nào. Sau đó, Bác ra hội trường chúc mừng những đứa con của miền Nam ra Bắc. Bác nói rất chân tình: “Đảng và Chính phủ luôn luôn chăm sóc và đào tạo để các cháu trở thành người tài giỏi để trở về xây dựng miền Nam và cả nước”. Bác căn dặn Nhà trường phải hết sức chăm sóc đầy đủ cho học viên; dặn cán bộ rằng, mặc dù có chiến tranh nhưng vẫn phải luôn luôn giữ gìn sắp xếp trật tự phòng ngủ, phòng ăn cho có kỷ luật, để xứng đáng trước nhân dân.

Bất ngờ nhất là lúc Bác hỏi: “Cán bộ nào trẻ tuổi nhất trong số các cháu thì đứng dậy Bác biết”. Vài chục người đứng lên, trong đó có tôi. Bác vỗ tay nói: Thế là tốt. Câu nói của Bác sau đó làm anh em cán bộ phải suy nghĩ. Bác nói: “Các cháu là cán bộ miền Nam trẻ tuổi, đừng lãng phí thời gian quá nhiều ở miền Bắc mà hãy tranh thủ trau dồi kiến thức để trở lại góp sức giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Sau lần gặp Bác đó, ông hiểu rõ hơn về người lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Ông kể, Bác quan tâm đến chúng tôi bằng tấm lòng của người cha đối với các con, các cháu, lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ. Từ ngày đó, mỗi khi đối mặt với khó khăn gian khổ, tôi đều nhớ đến những lời dạy đầy tình cảm của Bác. Lời Bác dạy khiến tôi càng cố gắng trau dồi kiến thức hơn, lao vào học tập mọi lúc mọi nơi trong thời gian tập kết, sau đó được cử đi nước ngoài học tập, trở thành người có đủ kiến thức, kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó.

Ông tự hào kể tiếp: Nói đến Bác là nói đến: “Cần, kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Tôi còn nhớ câu chuyện xảy ra ở Văn phòng Chính phủ, khi tôi còn làm việc tại Phòng Nông nghiệp. Khi ấy, nước ta nhận được một lượng bột mì do Liên Xô viện trợ. Tổng cục Lương thực có nhiệm vụ nhập về phân phát cho cán bộ. Một hôm, Bác gọi ông Hoàng Văn Diệm - Phó Chủ nhiệm Phụ trách Văn phòng của tôi đến nhận một gói mì Bác nhờ bảo vệ gửi. Trong đó Bác ghi: “Vì sao sắt thép, tạ mì chung?”. Bác giao cho Văn phòng Chính phủ phải kiểm tra soát xét cẩn thận rồi trả lời cho Bác biết về tình trạng lẫn sắt thép trong mì. Thế là toàn bộ Văn phòng Chính phủ phải soát lại và báo cáo lại cho Bác. Bác dặn: “Đây là lương thực của các nước anh em viện trợ và có cả phần nhập khẩu, việc phân phối tiêu dùng, sử dụng phải hết sức tiết kiệm để dành phần cho đồng bào miền Nam chiến đấu”. Không chỉ vụ việc này mà trong mọi lúc, mọi nơi, Bác luôn luôn nhắc đến tiết kiệm gắn với đời sống anh em cán bộ, đồng bào.

Kể lại những câu chuyện về Bác, ông Niệm không giấu được sự xúc động. Ông nhớ lại một câu chuyện được các cán bộ Văn phòng Chính phủ kể lại: Có một anh bảo vệ của Bác tìm được một cây hoa đẹp. Anh đem trồng trong chậu, mong cho Bác nhìn thấy để được Bác khen ngợi. Khi Bác ra ngoài thấy cây hoa, Bác hỏi: Ai trồng cây hoa này hả các cháu? Anh bảo vệ tự hào nhận lời: “Dạ thưa Bác, cháu trồng ạ”. Bác bảo: “Hoa đẹp quá nhưng hiện thức ăn thiếu thốn, nếu cháu trồng cây su hào thì tốt hơn”. Mọi người đều cười vui vẻ nhưng anh em thì thấm thía ý nghĩa lời nói của Bác: Chúng ta đang trong thời chiến tranh phải hết sức tiết kiệm và tăng gia sản xuất.

Ông cũng nhớ, việc tiết kiệm cũng được Bác nhắc đến nhiều trong các chỉ đạo về kinh tế. Bác luôn dặn dò các đồng chí lãnh đạo rằng: “Trong khi chiến tranh thì phải lãnh đạo nhân dân hết sức dành dụm cái phần mà mình có được, hết sức hạn chế việc tiêu dùng trong nước, dành cho xuất khẩu để  thu về ngoại tệ mua vũ khí đạn dược giúp cho đồng bào miền Nam”. Bác chỉ đạo Bộ Ngoại thương cặn kẽ về từng mặt hàng: Mặt hàng nào xuất khẩu, mặt hàng nào dùng trong nước, cố gắng tiêu dùng trong nước hết sức tiết kiệm, dành mặt hàng tốt xuất khẩu thu ngoại tệ về cho đất nước.

 Bác là người rất thương yêu đồng bào nhưng lại rất nghiêm khắc đối với những cán bộ tham nhũng. Bác không tha thứ cho những hành động xâm phạm vào tài sản của nhân dân để tư lợi riêng cho mình. Tôi vẫn nhớ rõ lời dạy của Bác về phòng chống tham nhũng: "Quan liêu là nói cán bộ, chứ còn đồng bào xã viên mệnh lệnh gì ai. Còn tham ô thì cũng thường do mấy chú có chức có quyền lợi dụng mà tham ô, tình hình mất dân chủ cũng thế… Phải loại trừ cho nhanh chừng nào tốt chừng ấy các tệ nạn quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí''.

Bác rất quan tâm tới công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, dù nhỏ dù lớn. Tôi rất ấn tượng với bài báo của Bác trên báo Nhân Dân 20.6.1959 phê phán một số địa phương mổ bò bừa bãi, Bác viết: ''Hội nghị xóm mổ bò. Hội nghị xã mổ bò. Hội nghị huyện cũng mổ bò! Ngược đời hơn nữa là: Hội nghị Phụ lão bàn về sản xuất và tiết kiệm, hội nghị liên hoan tổ đổi công và khai mạc HTX Nông nghiệp cũng đều mổ bò! Có HTX mổ đến 2 con! Đó là lãng phí rất nghiêm trọng và khá phổ biến". Tôi vô cùng thấm thía ý nghĩa sự việc Bác ký lệnh tử hình Đại tá quân nhu Trần Dục Châu vì tội tham nhũng: Có những tội hại nước hại dân quá lớn nên không thể tha thứ. Tất cả anh em chúng tôi lúc đó đều tự hứa sẽ nêu cao tinh thần làm việc, chiến đấu hết lòng vì nhân dân, tuyệt đối không xâm phạm vào tài sản của nhân dân.

Đến giờ, ông Niệm vẫn tự hào vì đã được gặp Bác, ông luôn coi đó là một vinh dự lớn lao trong cuộc đời. Có cơ hội gặp Bác, ông nhận thấy rõ hơn bao giờ hết tấm lòng và tình cảm sâu sắc của Bác đối với sự nghiệp đất nước. Mỗi lời dặn dò của Bác đều thấm đẫm tính nhân văn, thương dân, thương cán bộ, để chúng ta ngày nay luôn đời đời nhớ ơn và nguyện phấn đấu và làm theo tấm gương đạo đức Người./.

Đinh Thành Trung

Bài viết khác: