Từ ngày 22/10 đến ngày 26/10/2014, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức tập huấn công tác đón tiếp, tuyên truyền năm 2014. Lớp tập huấn được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ đón tiếp, tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên trong các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao chất lượng công tác đón tiếp, tuyên truyền và hướng dẫn đồng bào trong nước và khách quốc tế đến Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và tham quan Khu Di tích K9.
Chiều ngày 22/10, tại Hội trường Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Trọng Khánh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Lăng kiêm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã khai mạc Lớp học cho các cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác đón tiếp, tuyên truyền. Tại buổi tập huấn, các học viên đã được trang bị, củng cố những kiến thức về quy tắc ứng xử trong giao tiếp, phục vụ cho công tác đón tiếp tại Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh lớp tập huấn chiều ngày 22/10
Theo kế hoạch, từ ngày 24/10 đến 26/10, đoàn cán bộ Lớp tập huấn đã tới tham quan, học tập tại các địa danh, di tích lịch sử ở tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị - hai mảnh đất giàu truyền thống văn hóa cách mạng. Đoàn gồm 26 đồng chí, do đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Chánh Văn phòng Ban Quản lý Lăng làm Trưởng đoàn.
Điểm đến đầu tiên của Đoàn là Vũng Chùa, Đảo Yến, Quảng Bình. Tại đây, Đoàn đã thành kính thắp hương và dâng hoa tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các thành viên trong Đoàn đã không giấu được niềm xúc động khi có cơ hội có mặt tại nơi yên nghỉ của Đại tướng. Đã hơn 1 năm kể từ ngày mất của Đại tướng nhưng hình ảnh vị Đại tướng của nhân dân như vẫn còn vẹn nguyên. Đối với những cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý Lăng được thành kính thắp hương tưởng niệm Đại tướng, bày tỏ lòng biết ơn, tri ân tới Đại tướng là kỷ niệm có ý nghĩa sâu sắc.
Đoàn dâng hoa tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Theo con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn đã đến với mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Đây là tỉnh có Khu phi quân sự vĩ tuyến 17, là giới tuyến chia cắt hai miền Nam - Bắc Việt Nam, do đó cũng là một chiến trường ác liệt nhất trong suốt 20 năm của cuộc chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975. Tỉnh có gần 500 di tích lịch sử cách mạng và văn hóa. Tại đây, Đoàn đã tham quan những di tích lịch sử quan trọng. Mỗi địa điểm đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với các thành viên trong Đoàn.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Thành cổ Quảng Trị
Điểm đến đầu tiên của Đoàn tại đây là Thành cổ Quảng trị. Thành cổ Quảng Trị là một tòa thành nằm bên dòng sông Thạch Hãn, được biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt trong lịch sử dân tộc. Đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành cổ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự hòa bình thống nhất đất nước. Thành cổ đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Theo lời giới thiệu của nhân viên hướng dẫn tại đây, Thành cổ Quảng trị mới được sửa sang lại. Sau một thời gian, giờ đây Di tích Thành cổ đã khang trang, sạch đẹp, đón tiếp rất nhiều Đoàn đến tham quan. Có thể nói, Thành cổ là điểm đến tham quan gây nhiều xúc động sâu lắng trong lòng khách tham quan, đặc biệt với những cán bộ, nhân viên trong Đoàn. Lắng nghe những lời thuyết minh của cán bộ đón tiếp, tôi và các thành viên trong Đoàn như cảm nhận được sự anh dũng chiến đấu của những chiến sỹ năm xưa tại đây. Họ đã ngoan cường chiến đấu và đã vĩnh viễn nằm lại. Hình ảnh của họ đã tạc vào đất nước Việt Nam, trở thành tượng đài bất diệt trong lòng nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Thanh (bên trái) và đồng chí Bùi Hữu Hưng thỉnh chuông
tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9
Rời Thành cổ, Đoàn chúng tôi đã đến thắp hương tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Đường 9. Đứng trước hàng bia mộ ngay ngắn nằm dưới những đồi thông râm mát, ngút ngàn, chúng tôi như cảm nhận được sự hy sinh vì độc lập dân tộc của các liệt sỹ. Các anh đã chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh của cuộc chiến, anh dũng chiến đấu và sẵn sàng dâng hiến tuổi xuân để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của dân tộc.
Đoàn thành kính tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Trường Sơn
Điểm đến cuối cùng tại tỉnh Quảng Trị của Đoàn là Địa đạo Vịnh Mốc. Địa đạo được xây dựng từ năm 1965 và mất 3 năm mới hoàn thành, chiều dài trục chính khoảng 2km, có hội trường, chỗ ở gia đình, gian hộ sinh, giếng nước, nhà vệ sinh, với sức chứa cao điểm lên tới 1200 người. Địa đạo rợp bóng cây xanh. Qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên tại đây, chúng tôi như lạc vào một câu chuyện huyền thoại. Từng bước đặt chân lên Địa đạo, chúng tôi mới cảm thấy được nghị lực phi thường của những chiến sỹ năm xưa. Dưới mưa bom, bão đạn, đôi bàn tay của các chiến sỹ đã xây dựng nên một công trình công phu, tỉ mỉ. Nó như một “lâu đài” dưới lòng đất. Có thể nói, Địa đạo không chỉ là nơi sinh sống của những anh hùng mà nó còn là biểu tượng cho ý chí, nghị lực phi thường của dân tộc ta.
Đặc biệt, trong chuyến tham quan, học tập tại tỉnh Quảng Trị , Đoàn đã nhận được sự đón tiếp nhiệt tình, chu đáo của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh. Văn phòng tỉnh đã tổ chức đón tiếp Đoàn chu đáo, ân cần. Tại buổi tiếp, ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND đã bày tỏ niềm vui được đón Đoàn cán bộ Lớp tập huấn đón tiếp tuyên truyền của Ban Quản lý Lăng. Phát biểu tại buổi gặp gỡ, đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Trưởng đoàn, đã cảm ơn sự tiếp đón của các cán bộ, nhân viên Văn phòng UBND, giới thiệu về Ban Quản lý Lăng, về công tác đón tiếp, tuyên truyền hiện nay tại Lăng và trao quà lưu niệm cho Văn phòng UBND tỉnh.
Tiếp tục hành trình học tập, Đoàn đã đến tỉnh Quảng Bình. Tại đây, Đoàn đã thắp hương tưởng niệm tại Tượng đài Mẹ Suốt. Mẹ Suốt tên thật là Nguyễn Thị Suốt (1906 - 1968), là một nữ anh hùng lao động trong chiến tranh Việt Nam, người đã lái đò chở bộ đội, thương binh, đạn dược qua con sông Nhật Lệ trong những năm 1964 - 1967. Ngày 11 tháng 10 năm 1968, trong một lần đi ở bến đò Bảo Ninh mẹ Nguyễn Thị Suốt hy sinh trong một trận bom oanh tạc Mỹ. Tượng đài Mẹ Suốt đã được dựng lên trong công viên tả ngạn bờ sông Nhật Lệ (phường Hải Đình - Đồng Hới). Tượng đài đã trở thành địa chỉ tham quan du lịch, nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân thành phố và du khách gần xa khi đến với Quảng Bình. Có mặt tại Tượng đài Mẹ, chúng tôi đã thành kính thắp hương tưởng niệm, bày tỏ lòng ngưỡng mộ, cảm kích trước một bà mẹ bình thường nhưng rất đỗi anh hùng. Hình ảnh Mẹ đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tấm gương tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam anh hùng.
Rời Tượng đài Mẹ Suốt, Đoàn chúng tôi đã đến thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đường 20 Quyết thắng và Khu Di tích Hang Tám Cô.
Qua lời giới thiệu của các hướng dẫn viên tại các điểm di tích, các thành viên trong Đoàn như thấy được hình ảnh chiến đấu oanh liệt của các liệt sỹ năm xưa. Chiến tranh ác liệt nhưng mỗi chiến sỹ đã luôn nêu cao tinh thần anh hùng chiến đấu, quyết tâm vì độc lập dân tộc.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm Đền tưởng niệm các AHLS tại Đường 20 Quyết Thắng
Chia sẻ về chuyến đi, Đại tá Bùi Hữu Hưng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói : Đây là lần đầu tiên tôi tham gia Lớp tập huấn đón tiếp, tuyên truyền của Ban Quản lý Lăng. Mỗi một địa điểm mà Lớp tập huấn đến đều để lại những ấn tượng trong tôi. Đặc biệt, mỗi nơi Đoàn đến học tập đều nhận được sự đón tiếp chu đáo của các cán bộ, nhân viên tại đó. Có thể nói, mỗi một nơi lại có những điểm riêng về công tác tổ chức đón tiếp, tuyên truyền giúp Đoàn rút ra được những bài học về đón tiếp, tuyên truyền để học hỏi và vận dụng trong thực tế thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Là cán bộ thuộc Ban Đón tiếp, Trung đoàn 375, đồng chí Nguyễn Thị Loan tâm sự: Tham gia Lớp tập huấn đón tiếp, tuyên truyền lần này đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong tôi. Tại mỗi điểm di tích, tôi được biết thêm những câu chuyện chiến đấu anh dũng vô cùng xúc động. Đặc biệt, qua thời gian tập huấn này, tôi đã có cơ hội được học hỏi về công tác đón tiếp, hướng dẫn, nghi lễ tại các điểm di tích. Hơn thế, Lớp tập huấn đã giúp mỗi cán bộ, nhân viên làm công tác đón tiếp như tôi được tăng cường hiểu biết về công tác tổ chức hoạt động giao lưu, gắn bó giữa các bộ phận trong toàn cơ quan, đơn vị. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Đội trưởng Đội Di tích, Đoàn 285 chia sẻ: Thời gian học tập lần này thực sự rất có ý nghĩa với tôi và các thành viên trong Đoàn. Với riêng cá nhân tôi, tôi đã học hỏi được rất nhiều về công tác tổ chức đón tiếp cũng như thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan. Những lời thuyết minh tại các điểm di tích thật sự rất có sức lay động lòng người. Đây là điều mà tôi nghĩ cần học tập nhiều nhất cho quá trình công tác hiện tại của mình, cũng như cho công tác đón tiếp, hướng dẫn của toàn cơ quan.
Là người trực tiếp tham gia công tác tổ chức chuyến tham quan, học tập, đồng chí Trần Tiên Long, Trợ lý Ban Đón tiếp nói: Đây là chuyến tham quan học tập rất bổ ích và đọng lại nhiều kỷ niệm trong tôi. Chuyến đi thực tế này đã giúp tôi có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn để tôi cũng như các đồng nghiệp sẽ làm tốt hơn nữa trong công việc của mình. Hơn thế, qua quá trình làm việc cùng các cơ quan, đơn vị tại các tỉnh, Đoàn đã nhận được sự đón tiếp tận tình, chu đáo, nhiệt tình. Qua đó, bản thân tôi đã học hỏi được rất nhiều trong công tác tổ chức, đón tiếp. Đây là tiền đề quan trọng để tôi cùng các đồng chí khác có thể thực hiện tốt nhiệm vụ đón tiếp tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tổ chức thành công những chuyến đi học tập vào các năm sau.
Chương trình của Lớp tập huấn công tác đón tiếp, tuyên truyền đã diễn ra thành công tốt đẹp và bảo đảm an toàn tuyệt đối. Có thể nói, qua các cuộc gặp gỡ, trò chuyện, học hỏi và tìm hiểu tại các điểm di tích, chương trình tập huấn đã đem lại nhiều bài học ý nghĩa đối với từng cán bộ, nhân viên, chiến sỹ làm công tác đón tiếp, tuyên truyền trong Đoàn. Đây là nền tảng để mỗi cán bộ, nhân viên nâng cao hơn nữa hoạt động đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu Di tích K9, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của đồng bào và khách quốc tế trong điều kiện hiện nay, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó./.
Thu Hằng, Vân Phương, Thanh Huyền