Quá trình tìm đường cứu nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhận thấy con đường cách mạng Việt Nam chỉ có thể là con đường cách mạng vô sản và để cuộc cách mạng đó giành thắng lợi thì phải sử dụng bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền về tay công, nông. Ngay từ rất sớm Người đã nhận thức được sự cần thiết phải tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng. Trong thời kỳ chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nhất là vào cuối năm 1944, tình hình diễn biến mau lẹ, thời cơ khởi nghĩa đang đến gần, lực lượng chính trị quần chúng đã phát triển mạnh mẽ, các lực lượng vũ trang cách mạng của quần chúng (du kích, tự vệ) lần lượt ra đời và phát triển nhanh chóng. Tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Chỉ thị gồm ba vấn đề chủ yếu:

Một là, tên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự...

Hai là, đối với các đội vũ trang địa phương. Tập trung các cán bộ đưa đi huấn luyện rồi đưa về huấn luyện ở các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến...

Ba là, về chiến thuật: “Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô hình”…

3 TTHCM ve xay dung ban chat CM QD a1
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân trong ngày thành lập 22/12/1944

Ngược dòng lịch sử, 70 năm qua, ngẫm lại nội dung của Chỉ thị để thấy rằng, Hồ Chí Minh và bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thật là vĩ đại, có giá trị lịch sử to lớn. Bản Chỉ thị là sự kế thừa, phát triển những di sản tư tưởng quân sự phong phú của dân tộc, tiếp thu giá trị tinh hoa tư tưởng của nhân loại. Là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận quân sự Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam, nhằm tổ chức ra đội quân chủ lực, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng. Bản Chỉ thị tuy ngắn gọn nhưng có tính chất như một Cương lĩnh quân sự vắn tắt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bác về sự cần thiết, cách tổ chức, nguyên tắc xây dựng, chức năng nhiệm vụ và mối quan hệ giữa đội quân chủ lực với các đội vũ trang địa phương...

Thể hiện quan điểm chính “chính trị trọng hơn quân sự”, Người nhận định: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy phong trào đi tới. Nhưng phát động khởi nghĩa vũ trang ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự”. Đây chính là điểm khác biệt của Quân đội ta với quân đội nhà nghề ở các nước đế quốc, phản ánh quy luật xây dựng và trưởng thành của Quân đội ta sau này.

Tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự” trong Chỉ thị, chính là vấn đề xây dựng bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân, lấy xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm nền tảng để xây dựng Quân đội vững mạnh về mọi mặt. Để mở rộng tổ chức cơ sở chính trị và phát triển lực lượng vũ trang, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đẩy mạnh công tác vũ trang tuyên truyền cho nhân dân tin ở sức mạnh của cách mạng, tin vào chính sách của Việt Minh, như lời Người căn dặn “Phải dựa chắc vào dân. Dựa chắc vào dân thì không kẻ địch nào tiêu diệt được ta”.

Với phương châm hoạt động thích hợp “chính trị trọng hơn quân sự”, dùng lực lượng vũ trang để tuyên truyền vận động nhân dân, đội quân chủ lực này đã dìu dắt các đội vũ trang của các châu, huyện, xã làm cho “từ vài chục người đã trưởng thành đến vài trăm người, thanh niên rầm rầm kéo đến xin vào bộ đội... trông thấy tinh thần hăng hái và kỷ luật nghiêm minh của Giải phóng quân, chẳng những đồng bào cũng yêu mến, mà các người quân nhân ngoại quốc cũng phải khen”. Trước uy tín và sức hấp dẫn của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, các đội du kích và tự vệ các châu vùng Cao –Bắc - Lạng dấy lên phong trào “xin đi giải phóng” nên chỉ sau một tuần, Đội đã phát triển thành một Đại đội gồm 4 trung đội. Đội tiếp tục tiến hành vũ trang tuyên truyền trong nhân dân tại những nơi đi qua. Vì vậy, đi đến đâu Đội cũng được đồng bào yêu mến và ủng hộ.

Tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự”, không chỉ có giá trị chỉ đạo, định hướng trong việc xây dựng Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân lúc đó, mà còn nguyên giá trị trong định hướng, chỉ đạo Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

3 TTHCM ve xay dung ban chat CM QD a2
Ngày 6.12.1953 tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh
và lãnh đạo Đảng họp, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ

3 TTHCM ve xay dung ban chat CM QD a3
Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trong
 Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 07 tháng 5 năm 1954

Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người về xây dựng quân đội cách mạng, trong 70 năm qua, từ đội quân 34 chiến sĩ, Quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, có đủ các lực lượng: Hải- Lục- Không quân, thực sự là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; thực sự là Quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, trao tặng danh hiệu cao quý: “Bộ đội Cụ Hồ”, đúng như lời tiên đoán của Hồ Chí Minh: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang”  .

3 TTHCM ve xay dung ban chat CM QD a4
Bác Hồ nói chuyện với Đại Đoàn 308 tại Đền Hùng vào ngày 19 tháng 9 năm 1954

3 TTHCM ve xay dung ban chat CM QD a5
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quân lần thứ nhất, năm 1960

Để Quân đội ta mãi mãi là lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đủ sức mạnh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN). Điều quan trọng trước tiên là Quân đội ta phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không chỉ thiện chiến trong đấu tranh vũ trang, mà còn phải giỏi trong đấu tranh chính trị. Muốn vậy, chúng ta phải hết sức chăm lo xây dựng và phát huy bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội. Một trong những nhân tố quyết định bản chất cách mạng, sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta là phải tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội cho mọi quân nhân. Trên cơ sở đó, không ngừng phát huy tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa, làm cho mọi quân nhân ngày càng nhận thức đúng đắn hơn mục tiêu chiến đấu của Quân đội ta trong tình hình mới, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho; kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, để Quân đội ta mãi mãi là lực lượng “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” như lời Bác từng khen ngợi./.

Ths. Vũ Bình Tuyển
Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Bài viết khác: