Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp của nước ta. Sinh thời, Người luôn chú trọng đến pháp luật, làm sao để đưa pháp luật đến với cuộc sống của từng người dân, phù hợp với lợi ích của nhân dân. Trải qua thời gian, tư tưởng, những lời dạy của Người về pháp luật vẫn luôn được các thế hệ ghi nhớ và làm theo.
“Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”
Trong bản Yêu cầu ca đăng trên báo Nhân Dân, ngày 30/01/1977, Bác Hồ đã khẳng định:“Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Và Người luôn coi trọng pháp quyền hay chính là pháp luật trong xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt đối với đất nước nông nghiệp nghèo, còn nhiều lạc hậu đang trên con đường vừa giành giữ độc lập dân tộc vừa phát triển đất nước. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà nước pháp quyền có hiệu lực mạnh là Nhà nước quản lý đất nước bằng pháp luật, là phải làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế.
Tháng 2/1946, Người nói chuyện với hơn 10 vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội sau Cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
Quay ngược thời gian trở về gần 70 năm về trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của dân tộc. Trong bối cảnh nền độc lập vừa mới giành được đang ở vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu".
Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ đặc điểm của dân tộc: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”. Qua quá trình dự thảo và chỉnh lý, bản Hiếp pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được Quốc hội Khóa I, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 9/11/1946 với sự nhất trí của 240/242 đại biểu dự họp. Có thể nói, Hiến pháp chính là nền tảng cơ bản, quan trọng nhất để xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp được thiết kế theo tư tưởng pháp quyền, thấm đậm tư tưởng của Người. Đây là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, mẫu mực trên nhiều phương diện. Toàn bộ bản Hiến văn chỉ gồm 70 điều. Trong đó có những điều chỉ vẻn vẹn có một dòng.
Thực tế, trước Hiến pháp 1946, tư tưởng pháp quyền đã xuất hiện trong các tác phẩm của Bác Hồ. Cụ thể như năm 1919, trong Bản Yêu sách được Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Vecxây, Người cũng đã ghi rõ: Yêu sách thứ 7 là pháp quyền. Như vậy có thể thấy, Người coi trọng nền pháp luật xã hội chủ nghĩa và Người xem Hiến pháp là linh hồn của pháp quyền, là công cụ quan trọng nhất để xác lập và phân định các quyền.
Bác Hồ đang phát biểu tại kỳ họp thứ năm Quốc hội Khóa I ngày 20/9/1955
Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ rằng, từ một nền văn hóa nông nghiệp, trải qua hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến chuyên chế và hàng trăm năm dưới chế độ thực dân cũng không kém phần chuyên chế, chúng ta không thể đi nhanh tới việc xác lập một nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên phải nhấn mạnh tới vai trò của pháp luật trong quản lý điều hành đất nước và phải có những hoạt động tích cực, kịp thời để từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, phù hợp với những yêu cầu của sự nghiệp cách mạng đất nước.
Pháp luật luôn gắn với đạo đức, lấy dân làm gốc
Một điểm vô cùng quan trọng trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là pháp luật luôn phải gắn với đạo đức, lấy dân làm gốc. Nói một cách khác chính là phải có sự kết hợp đức trị với pháp trị trên cơ sở những bài học lịch sử của dân tộc và lập trường tiến bộ của nhân loại. Đây chính là lời dạy vô cùng quý giá mà Bác Hồ đã để lại cho các thế hệ chúng ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa pháp luật và đạo đức. Pháp luật và đạo đức là hai lĩnh vực khác nhau thuộc hình thái ý thức xã hội. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hai vấn đề này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Pháp luật là một biện pháp để khẳng định một chuẩn mực đạo đức; ngược lại đạo đức là những nguyên tắc, chuẩn mực, định hướng giá trị được xã hội thừa nhận, có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi con người trong quan hệ với người khác, nhưng nhiều khi rất cần sự hỗ trợ của pháp luật. Bởi vì nếu không kết hợp với tính nghiêm minh, khoa học của pháp luật thì giáo dục đạo đức trở thành vô nghĩa.
Nói tới pháp luật của chế độ mới dân chủ cộng hòa là phải gắn với dân chủ, hai nội dung đó nương tựa vào nhau. Pháp luật là bệ đỡ của dân chủ và không thể có dân chủ ngoài pháp luật. Theo Hồ Chí Minh, mọi quyền dân chủ phải được thể chế hóa bằng pháp luật và pháp luật bảo đảm cho quyền tự do dân chủ của nhân dân được thực thi trong thực tế.
Ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Hồ Chí Minh nuôi dưỡng khát vọng thành lập một nhà nước kiểu mới. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên cơ sở những nhận thức trước đây về một nhà nước “phải có thần linh pháp quyền”, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến quyền lực của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải thuộc về nhân dân, lợi ích phải vì dân. Đó phải là một nhà nước dân chủ – dân là chủ và dân làm chủ. Đồng thời, Nhà nước đó phải được vận hành và quản lý bằng pháp luật kết hợp chặt chẽ với việc giáo dục đạo đức. Quan niệm về sự thống nhất giữa “đức trị” với “pháp trị” trong tư tưởng Hồ Chí Minh có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống văn hóa phương Đông và từ tấm gương trị nước của các vị vua chúa hiền minh trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, vượt lên tất cả những ông vua đức độ và kẻ sĩ hiền tài, trong quá trình trị vì đất nước, Hồ Chí Minh đã thực thi triệt để vấn đề “đức trị” với “pháp trị” trên cơ sở cách mạng, khoa học và nhân nghĩa, nói đi đôi với làm vì hạnh phúc của nhân dân.
Ngày 5/9/1960, Đảng Lao động Việt Nam họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3. Trong diễn văn khai mạc, Người nêu rõ: “Đại hội lần thứ hai là đại hội kháng chiến. Đại hội lần này là đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà”.
Đạo đức làm người mà vững, thì phép nước, lệ làng, kỷ cương xã hội bảo đảm. Luật lệ không bao giờ đủ, ở đâu cũng thế. Đạo đức làm nền, làm gốc cho hiến pháp, pháp luật. Giữa đạo đức và luật lệ luôn có mối quan hệ đặc biệt, hỗ trợ hiệu quả cho nhau. Xây dựng nền pháp luật bảo đảm hai yếu tố trên chính là nền tảng xây dựng, phát triển đất nước đúng đắn nhất.
Trọn đời Hồ Chí Minh là một cuộc đời giáo dục mọi người làm người, lấy đức làm gốc. Bởi vì, Người quan niệm dù tài giỏi đến mấy mà không có đức, không có căn bản thì không làm được cách mạng. Nhưng Người luôn quán triệt “đức trị” phải thống nhất với “pháp trị”. Trong Di chúc, Người viết: “Đối với nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu,v.v.. thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.
Trong suốt một thời gian dài, tổ chức pháp luật của nước ta chưa được chặt chẽ, các bộ luật chưa được hoàn chỉnh. Đặc biệt, nhân dân chưa có thói quen sống theo những quy tắc hợp pháp và hợp lý được thống nhất ở mọi cấp, mọi nơi. Sự thi hành pháp luật dựa theo "lẽ phải", những "đạo lý" trừu tượng dễ khiến cho nhân dân không thấy hết được ý nghĩa quan trọng của pháp luật. Đặc biệt ở những vùng thôn quê, tư tưởng “phép vua thua lệ làng” vẫn còn có những ảnh hưởng nhất định. Chính vì vậy, Người luôn quan tâm giáo dục nhân dân, nâng cao dân trí, làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm. Theo Người, Pháp luật chỉ có hiệu lực trong thực tế khi nhân dân có những hiểu biết nhất định về văn hóa, chính trị, về pháp luật, về quyền công dân. Người dân chỉ có thể “dám mở mồm ra” – như cách nói của Bác Hồ – khi có những hiểu biết nhất định về pháp luật.
Pháp luật Việt Nam và yêu cầu hiện nay
Hiện nay, trong thời đại mở cửa, xu thế toàn cầu hóa, cả đất nước đang vươn ra hội nhập cùng thế giới, thế hệ chúng ta đã và đang có tư duy mới về một Quốc hội một Nhà nước, một Chính phủ thời hội nhập, hướng đến tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Hơn thế, để đáp ứng yêu cầu mới, Đảng, Nhà nước coi việc giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là vấn đề có ý nghĩa cơ bản, lâu dài và cấp bách. Tình hình thực tế có những biến động bất ngờ, yêu cầu về nền pháp luật Việt Nam ngày càng cao. Chính vì vậy, nền pháp luật Việt Nam cần chặt chẽ, khoa học và nghiêm minh hơn nữa, theo đúng như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực tế, chúng ta đã có quá nhiều bài học về vấn đề này do sự kém hiểu biết về pháp luật (Việt Nam và quốc tế), non kém trong trình độ quản lý, không nghiêm và minh về pháp luật. Vì vậy, cán bộ tư pháp cần tăng cường học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện, nỗ lực để là người cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, thực hiện công việc đúng theo lời dạy của Người.
Pháp luật là tất yếu, không có pháp luật thì xã hội, đất nước khó mà tồn tại được. Hiện nay, Ðảng ta đã và đang phát động một phong trào rộng lớn nhằm học tập và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trên mọi lĩnh vực hoạt động của cán bộ và nhân dân. Do đó, việc nghiên cứu và quán triệt sâu sắc tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh về sự thống nhất giữa “đức trị” với “pháp trị”, đưa pháp luật đến với từng người dân trên cả nước để nhân dân phát huy quyền làm chủ có vai trò vô cùng quan trọng. Đây chính là điều kiện tiên quyết không thể thiếu, góp phần vào sự thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước, hướng đến mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tương lai./.
Thanh Huyền