Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã ra đi, nông nghiệp Việt Nam mất đi một pho từ điển sống, người nông dân mất đi một người bạn lớn. Những gì ông đã làm được cho nền nông nghiệp Việt Nam thật đáng trân trọng. Suốt đời ông luôn kính trọng dân, yêu dân như con, thương dân như người bạn thân thiết. Cả đời ông đã học tập, đã làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn
Tâm huyết với nghề nông
Tôi còn nhớ như in lần bác Nguyễn Công Tạn đến dự một buổi nghiên cứu trao đổi. Bác ăn mặc giản dị, trông bác chỉ như một người dân bình thường chứ không phải là một người nguyên lãnh đạo Chính phủ. Đó là một ngày cuối tháng Năm, ngày bác ân cần thăm hỏi những đồng nghiệp, bàn bè cũ. Tay bác run run nhưng vẫn phát biểu dõng dạc, tranh luận đanh thép về nền Nông nghiệp Việt Nam, về trông cây gì để giúp nông dân thoát nghèo. Hình ảnh một vị lãnh đạo nhưng cũng là một lão nông tri điền gần dân, yêu dân vẫn còn đọng lại mãi trong lòng chúng tôi.
Thế hệ trẻ ngày nay, có thể không biết ông Nguyễn Công Tạn là ai, nhưng nếu hỏi hai giống cây và con được phát triển gần đây thì rất nhiều người biết là con đà điểu và cây mắc ca. Và đó chính là công của ông. Ông luôn cố công nghiên cứu những giống cây trồng, vật nuôi mới với giấc mộng giúp người nông dân cải thiện đời sống. Ông nghiên cứu, đưa về thử nghiệm những loại cây, con có thể thu lãi cao không phải cho mình mà là để người nông dân khai thác sau này. Chuyện của ông thì kể hoài, kể mãi không hết, chỉ có thể dùng một câu để miêu tả về ông, đó là “thương nông dân như con”.
Có lẽ hầu hết những người làm nông nghiệp, hay ít nhiều liên quan đến nông nghiệp đều biết nhiều giống cây trồng, vật nuôi hiện có ở đất nước này mang dấu ấn của ông Nguyễn Công Tạn. Đó là những giống cây gắn với giấc mơ làm giàu cho nông dân Việt như có lúa, mía đường, khoai lang, cỏ VA06 làm thức ăn chăn nuôi, mắc ca, cam, quýt, chè... Giống vật nuôi có đà điểu, ngan Pháp, bồ câu Pháp, gà Tam Hoàng, Lương Phượng, gà Ai Cập…
Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn tại trang trại vịt trời
Có thể nói, công lao lớn nhất của cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn với ngành nông nghiệp nước ta chính là đã chỉ đạo, gây dựng, phát triển con đà điểu và cây mắc ca, tạo thành hai lĩnh vực mới cho ngành nông nghiệp. Những cán bộ ngày đó đều nhớ hình ảnh một vị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp gõ cửa đi xin từng quả trứng đà điều để giao cho Viện Chăn nuôi nghiên cứu ấp nở. Từ sự nhiệt tình của vị lãnh đạo tâm huyết đó, đà điểu trở thành ngành sản xuất hàng hóa mới của Việt Nam, sau này xuất ngược sang các nước Nam Phi, Trung Quốc…
Ở ông, chúng ta thấy một sự đam mê nghiên cứu, đam mê học hỏi đáng khâm phục. Ông dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, và hơn hết là dám mạo hiểm. Đang ở cương vị lãnh đạo, mà ông lại dám mạo hiểm vì dân, đó là điều vô cùng đáng quý, đó chính là phẩm chất hết lòng vì dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã làm đúng như lời ông thường tâm sự với các nhà khoa học: “Khoa học luôn phải đi tắt đón đầu”. Hai loài cây, con mới được phát triển ở nước ta trong 2 thập kỷ qua đã trở thành một đối tượng mới trong cơ cấu nền nông nghiệp nước nhà, là một thành quả khoa học sinh học phát triển tính đa dạng sinh học của Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp và nâng cao đời sống nông dân.
Ông không chỉ đơn thuần là một nhà làm chính sách nông nghiệp mà còn là một nhà nông học và là một lão nông chính hiệu khi tự xắn tay vào làm bất cứ việc gì. Từ nuôi ngỗng trời đến trồng thạch hộc tía, khoai lang, dâu Đài Loan, ông tự thân vận động, tự tay chăm từng con ngỗng, chăm sóc từng nhành cây. Đối với ông, sống và nghiên cứu không chỉ để cho mình mà để sau này bà con nông dân sẽ được hưởng những thành quả đó, tiến tới đời sống bà con ai cũng no ấm. Chính vì vậy, ông không ngại tiếp túc với tất cả mọi người, từ các nhà khoa học cho đến người nông dân bình dị nhất. Không chỉ dùng những mối quan hệ cá nhân, mối quan hệ bạn bè, những người quý mến mình, ông Nguyễn Công Tạn thường xuyên vận động anh em trong cơ quan đi công tác nước ngoài hễ thấy những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp thì cố gắng tìm cách mang về khảo nghiệm.
Có một câu chuyện kể về sự say sưa với các giống mới của ông. Trong một lần đi làm việc ở Cửa khẩu Bình Liêu (Quảng Ninh), thấy người dân vùng biên này nói họ nhập giống nhãn ngon từ Trung Quốc, ông Tạn đã mua hơn chục cây và giao trực tiếp cho ông Trần Thế Tục là Viện trưởng Viện Rau quả đi cùng mang về Viện trồng khảo nghiệm. Một lần khác, đến Bến Tre, nghe cán bộ Sở NN&PTNT báo cáo về việc tỉnh đang trồng thử một số giống mía mới, ông nói anh em dẫn đi xem, nhưng do khoảng cách xa, đường xấu xe không vào được nên ông đã tự đi xe ôm một mình vào thăm. Từ những chuyện rất nhỏ như thế để thấy rằng ông Nguyễn Công Tạn say sưa với nông nghiệp thế nào.
Dân yêu, dân quý
Nói đến cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, người dân quý ông không chỉ vì ông giỏi, hay ông thương yêu dân, mà còn vì tư cách đạo đức, vì sự công minh, chính trực. Ông đúng là một tấm gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, cũng như suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Ông bảo, sự bất bình của nhân dân chính là ngọn lửa âm ỉ cháy kể cả khi những người lãnh đạo quan liêu tưởng rằng mọi chuyện vẫn yên bình và chỉ lo giữ ghế. Trong thời kỳ làm Phó Thủ tướng, ông luôn gần dân, lắng nghe dân, đối thoại cởi mở và phán quyết thấu lý đạt tình trong những lần đối thoại với chính quyền và nhân dân để giải quyết khiếu kiện kéo dài.
Một trong những lần giải quyết khiếu kiện của ông được nhiều người nể phục nhất là vào tháng 7-2000, khi ông dẫn đầu một đoàn công tác của Trung ương về Bạc Liêu và Long An để giải quyết một số vụ khiếu kiện kéo dài ở hai địa phương điểm nóng này. Trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân đang bức xúc về cách đền bù, ông bình tĩnh lẵng nghe trình bày của người dân và giải trình của cán bộ địa phương, sau đó ông tranh luận từng điểm trong luật, về cách vận dụng sao cho thấu tình đạt lý với cán bộ. Cuối cùng, ông kết luận địa phương đã làm chưa đúng, rồi quyết: “Trong vòng một tháng phải hoàn tất thủ tục cấp giấy đỏ cho người dân”, ông cũng đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân dẫn đến cái sai này và báo cáo Thủ tướng trong vòng một tháng để xử lý kỷ luật. Cách làm việc kính trọng dân của cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã được người dân yêu quý, cán bộ nể phục.
Từng trải qua nhiều cương vị lãnh đạo địa phương và Trung ương, lại có kinh nghiệm thực tế vô cùng phong phú nên có thể nói cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn là một kho tàng của nông nghiệp Việt Nam. Ông không coi mình là một chính khách, là chức vụ lãnh đạo cao cấp mà chỉ luôn là một người nông dân đi tìm tòi cái mới, mong muốn áp dụng cái mới để thoát nghèo cho đồng bào. Ông rất biết mình biết người, ông biết mình đã già nên chú trọng vào đào tạo thế hệ kế cận ở Đại học Dân lập Thành Tây, và dồn hết tâm huyết vào trang trại nuôi vịt trời, ngỗng trời và trồng thạch hộc tía, coi đó như gia sản truyền lại cho thế hệ sau.
Đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, ông Nguyễn Công Tạn – người bạn lớn của nông dân Việt Nam vẫn một lòng hướng về bà con nông dân với lý tưởng cao đẹp rằng người nông dân Việt có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình. Và suốt cuộc đời ông luôn đi theo lý tưởng, đạo đức cao đẹp của Bác Hồ kính yêu./.
Đinh Thành Trung