Tháng 11, chúng ta lại cùng nhau nhớ về Ngày của thầy cô, nhớ về từng bước phát triển của nền giáo dục của Việt Nam. Gắn với từng bước đó là hình ảnh, là sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã chỉ rõ, khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục trong sự nghiệp phát triển của đất nước.
Phát triển nền giáo dục mới
Có thể nói, tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong di sản vô giá tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng đường cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác ngày càng vang dội hơn.
Xuất phát từ tình yêu thương đồng chí đồng bào, từ mong muốn phát triển đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương phát triển một nền giáo dục mới nhằm mở mang, nâng cao dân trí cho toàn dân.
Đối với nền giáo dục phong kiến và thực dân, Người đã chỉ ra, phê phán những hạn chế. Người phê phán nền giáo dục phong kiến là nền giáo dục kinh viện xa rời thực tiễn, coi kinh sách của thánh hiền là đỉnh cao của tri thức. Giáo dục phong kiến hướng tới kẻ sỹ, người quân tử, bậc trượng phu, phụ nữ bị tước quyền học hành. Với nền giáo dục thực dân, Người chỉ rõ nó không mở mang trí tuệ, mà thực hiện ngu dân để dễ bề cai trị. Đó là nền giáo dục đồi bại, xảo trá, nhồi sọ và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn với nền giáo dục của Việt Nam
Sinh thời, Người luôn luôn chú ý đặc biệt đến từng bước đi của giáo dục nước nhà. Trong di sản bất hủ tư tưởng Hồ Chí Minh có 592 lần Người nhắc đến “giáo dục”, 159 lần nhắc đến “đào tạo”, 190 lần nhắc đến “trường học”, 99 lần nhắc đến “đại học”, 92 lần nhắc đến “trường học, giáo sư”, 81 lần nhắc đến “giáo viên”, 80 lần nhắc đến “thầy giáo”, 145 lần nhắc đến “sinh viên”, 225 lần nhắc đến “học sinh”. Ngoài ra, Người còn đề cấp đến tất cả các phạm trù “dạy học”, “dạy người”, “dạy chữ”, các cấp học “nhà trẻ”, “mẫu giáo”, “tiểu học”, “trung học”, “trung cấp”, “cấp I”, “cấp II”, “cấp III”, “cao đẳng”, “đại học”, “cao học”; các loại hình giáo dục và đào tạo “phổ thông”, “trung cấp chuyên nghiệp”, “dạy nghề”, “vừa học vừa làm”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho sự nghiệp giáo dục toàn dân ở Việt Nam và luôn luôn nhắc nhở những người làm công tác giáo dục phải nhận thức đúng đắn “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”. Tư tưởng lớn này tạo ra sức mạnh để huy động tất cả mọi lực lượng chính quyền, đoàn thể, gia đình và xã hội tham gia xây dựng sự nghiệp giáo dục, không chỉ bằng mặt vật chất , mà chủ yếu là để xây dựng mặt con người cho thế hệ trẻ. Vì vậy phải “phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân”. Và mặc dù bận trăm công ngàn việc, Người vẫn quan tâm theo dõi chỉ đạo cụ thể, sát sao các phong trào thi đua, như phong trào “dạy tốt, học tốt”, “người tốt, việc tốt”.
Tư tưởng “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng” của Người đã được Đảng, nhân dân ta và Ngành Giáo dục và Đào tạo vận dụng một cách sáng tạo thành phong trào xã hội hoá giáo dục đang phát triển sôi nổi và rộng khắp trên phạm vi cả nước hiện nay. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước ta cũng như ngành giáo dục và đào tạo đã và đang có chiến lược xây dựng đội ngũ giáo viên các cấp, các ngành học từ khâu tuyển sinh đến khâu đào tạo, từ tuyển dụng đến khâu bồi dưỡng thường xuyên về mọi mặt, để khi họ đã làm công tác giáo dục, giảng dạy ở trường thì họ phải thực sự là những tấm gương.
Giáo dục thế hệ trẻ trong thời đại mới
Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn về trách nhiệm của Đảng với thế hệ trẻ là: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”; "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".Người đặt niềm tin vững chắc vào thế hệ trẻ của dân tộc. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường (tháng 9/1945): Người dạy “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Thực hiện theo Di chúc của Người, 45 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chăm lo đến việc giáo dục đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ, coi đây là vấn đề then chốt trong chiến lược con người. Nhiều chủ trương, chính sách giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ đã được đề ra. Các phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”… được phát động và diễn ra sôi nổi khắp cả nước, khơi dậy những tiềm năng to lớn của tuổi trẻ, tạo cơ hội, môi trường để thế hệ trẻ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Người luôn quan tâm đến thế hệ trẻ
Đứng trước yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế hiện nay, đa số thanh niên ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với đất nước, có ý thức phấn đấu lao động, học tập, rèn luyện về mọi mặt với khát vọng cống hiến vì tương lai của dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận thanh thiếu niên phai nhạt lý tưởng cách mạng, suy thoái về đạo đức, lối sống, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Diễn biến tình hình tư tưởng và những vấn đề tiêu cực mới nảy sinh trong thanh thiếu niên gây lo lắng cho toàn xã hội. Việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên là yêu cầu cấp thiết, góp phần hình thành lớp thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên”, giàu lòng yêu nước, có bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, có đạo đức cách mạng và lối sống đẹp, có ước mơ, hoài bão, khát vọng đưa đất nước vươn lên đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, công tác giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh thiếu niên gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các cấp bộ Đoàn quan tâm, tập trung triển khai với nhiều cách làm mới, hiệu quả và có những chuyển biến tích cực.
Những quan điểm, tư tưởng của Người chính là cơ sở tư tưởng và lý luận để Đảng và Nhà nước ta xây dựng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo. Tiếp tục thực hiện và làm theo Di chúc của Người, các ngành, các cấp cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục. Với riêng thế hệ trẻ, cần tăng cường học hỏi, trao dồi về mọi mặt để luôn có nhận thức đúng đắn, trách nhiệm, trở thành lực lượng xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau./.
Thanh Huyền