Một ngày đầu năm 2005, khi ông Phạm Đình Chính (81 tuổi) quyết định ra đứng ở cổng làng để điều khiển giao thông, người dân gần đó vô cùng ngạc nhiên và nghĩ ông “dở hơi”. Gần 10 năm sau, cụ già “dở hơi” đó đã chứng minh cho mọi người rằng ông đã quyết định đúng và việc làm của ông không hề vô ích. Đơn giản vì ông luôn làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, luôn nghĩ cho người khác. Đối với ông, học theo gương Bác đơn giản là làm những việc nhỏ nhưng có ích hằng ngày, hằng giờ.
Cảnh sát giao thông làng
Tôi đến làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội vào một ngày đầu đông. Chưa đến giờ tan tầm, cổng làng đã tấp nập người qua lại. Mất một lúc ngồi đợi, ông Chính mới xuất hiện. Mặc áo khoác đen sờn rách, chiếc quần tây bạc phếch và đôi giày chẳng biết từ “niên đại” nào, trông ông Chính vẫn lịch sự nhưng không giấu đi được vẻ kham khổ của một người già hay lo nghĩ. Tay cầm chiếc gậy tự chế có buộc một mảnh vải trắng, ông Chính bắt đầu công việc thường ngày. “Tùng…tùng…tùng”, tiếng trống tan học vang lên và những dòng xe từ các phía ùa về cổng làng một cách vội vã, xe đạp của các em học sinh, xe ô tô từ đường quốc lộ phóng đến, xe máy của những người vừa tan sở. Trong biển xe cộ hỗn loạn ấy, ông Chính liên tục huýt còi, cố gắng điều khiển để dòng xe chia thành hai hướng sao cho không bị ùn tắc ở nơi giao cắt và trước cổng làng. Sau một hồi vất vả, dòng xe đã qua được cổng làng an toàn.
Ông Phạm Đình Chính, ở làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Lúc xe cộ đã vãn, ông Chính mới có thời gian kể về cái nghiệp “cảnh sát giao thông bất đắc dĩ” này. Trước kia, ông là một thợ ảnh. Nghề thợ ảnh khi đó tuy không giàu nhưng cũng không bạc, nhất là ở làng Lai Xá nổi tiếng về nghề ảnh này. Đến khi nghỉ hưu, ông sống an nhàn với vợ con trong ngôi nhà nhỏ gần cổng làng. Được một thời gian, dân làng làm ăn khấm khá nên họ đua nhau xây nhà mới. Đường vào làng đã bé, lại cắt qua Quốc lộ 32, gần đó có hai trường học là trường THPT Hoài Đức và THCS Kim Chung nên lưu lượng phương tiện giao thông vào giờ cao điểm rất lớn. Thêm vào đó, vật liệu từ những ngôi nhà đang xây bên đường chiếm hết chỗ xe đi. Vì thế vào giờ cao điểm, nhất là khi học sinh các trường tan học, các loại ô tô, xe tải, xe máy, xe đạp từ đường làng và quốc lộ chen nhau, gây tắc đường hàng tiếng đồng hồ. Sau bao lần day dứt khi chứng kiến ùn tắc và tai nạn, ông Chính đã tự nguyện ra cổng làng để điều khiển giao thông.
Kể từ đó, dù mưa to gió lớn thế nào, ông Chính cũng không hề vắng mặt ở cổng làng và nút giao thông vào giờ cao điểm. Ngày 3 lần: Sáng lúc học sinh đi học và người lớn đi làm, trưa khi học sinh ca sáng tan học, và chiều vào giờ tan tầm, ông Chính đều có mặt điều khiển giao thông. Mỗi khi đông xe cộ, ông liên tục huýt còi, chỉ gậy để chia dòng người thành hai luồng sao cho không ách tắc ở ngã 5 và cổng làng. Nhìn ông tất tả đi lại hết chỗ này đến chỗ khác, người dân quanh đó hay đùa: “Quãng đường ông đi mỗi ngày có khi dài gấp mấy lần chúng tôi đi làm nhỉ”.
Những ngày đầu khi ông Chính làm “cảnh sát giao thông làng”, mọi người lạ lắm: “Tại sao một ông lão đã già mà không ở nhà với vợ con, còn ra đây chỉ trỏ làm gì?”. Người ta tưởng ông dở người nhưng ông mặc kệ, vẫn kiên định với quyết tâm từ lời dạy của Bác về lòng nhân ái giữa đồng bào với nhau, vì thế ông luôn nghĩ: “giúp người là việc nên làm”. Đôi khi, thấy mọi người không hiểu công việc của mình, ông cũng có phần nản, nhưng nghĩ về gương Bác Hồ luôn sống vì nhân dân, ông lại phấn chấn tinh thần để tiếp tục “vác tù và hàng tổng”. Ông nói chắc như đinh đóng cột: “Tôi mà đã quyết cái gì thì khó thay đổi lắm, nhất là một việc có ích cho xã hội như thế này”. Không ít thanh niên đã phạm luật còn chễ giễu, trêu chọc ông đủ điều. Ông gọi họ lại, nhắc nhở rất nghiêm khắc giúp họ nhận ra lỗi sai.
Ngày này qua ngày khác, mọi người dần hiểu được trách nhiệm của ông và hiệu quả của công việc ông đang làm nên tự giác nghe theo. Ùn tắc, tai nạn giảm hẳn. Trước đây, hầu như ngày nào cũng tắc đường rất lâu, còn giờ đây mặc dù đường vẫn đông xe cộ nhưng rất ít khi xảy ra ùn tắc kéo dài.
Luôn làm theo gương Bác
Ông làm việc hăng hái đến nỗi quên cả bản thân. Sáng sớm, ông không ăn sáng mà vội vã ra chỗ đứng để kịp giờ đến trường của học sinh. Mùa Hè, ông mặc bộ quần áo tây bạc phếch, đi đôi dép lê mòn vẹt. Mùa Đông, sờ áo khoác ông thấy sờn rách nhiều chỗ. Đôi giày của ông thì quá cũ, chẳng biết ông đã đi nó bao nhiêu năm. Chiếc gậy chỉ đường cũng được chính ông tự chế cho tiết kiệm. Mọi người ái ngại, ông trả lời nhẹ tênh: “Tôi mặc thế này là tốt lắm rồi, tiết kiệm là quốc sách”.
Từ ngày làm “cảnh sát giao thông làng”, ông Chính chưa bao giờ tự cho phép mình nghỉ ngơi. Nắng gắt, mưa to, thậm chí cơn dông đang đến ông cũng không rời chỗ đứng khi đường còn đông xe cộ. Vợ con thấy ông vất vả nên can ngăn nhưng ông vẫn không nghe. Lúc trái gió trở trời, toàn thân đau nhức nhưng ông vẫn ra đường đúng giờ. Thậm chí có lần ông bị ốm nặng phải về sớm nhưng sáng hôm sau người ta đã thấy ông ra đứng ở cổng làng rồi. Ông chỉ lo nếu mình không ra thì mọi người chen lấn nhau gây tai nạn. Sau mỗi lần như thế, ông lại cười khà khà: “Tuy vất vả một tí nhưng vui, tuổi già làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Những lúc không có ông, bà con đi qua cổng làng vẫn cảm thấy quen thuộc vì khẩu hiệu ông đã dùng sơn viết trên tường: “Đường xe đi phải đi chậm, ra vào từ từ để được an tâm…"
Trong công việc, ông Chính đã gặp không ít tình huống khó khăn, thậm chí nguy hiểm. Có người phóng nhanh, vượt ẩu, ông nhắc đi chậm lại thì họ càng phóng nhanh, cố tình lạng lách đánh võng. Một số người phạm luật giao thông, khi ông nhắc nhở thì rút tiền đưa ông cho xong, nhưng ông kiên quyết không nhận tiền và nghiêm túc chỉ ra họ đã vi phạm gì. Không chỉ làm nhiệm vụ điều khiển giao thông, ông Chính còn kiêm luôn việc phổ biến, giáo dục kiến thức về giao thông cho mọi người và tích cực hòa giải những vụ xô xát, va chạm. Ông nói hợp tình hợp lý nên ai cũng nghe. Giờ thì cứ có vụ xô xát nào, ông Chính cũng được mời ra để phân xử, dù không phải giờ làm. Ông cũng rất tích cực chỉ đường và sơ cứu những người bị thương do tai nạn.
Vất vả là vậy nhưng chẳng bao giờ ông nhận gì của ai. Hồi ông Chính ra gác đường được vài năm, trưởng thôn Nguyễn Văn Thắng nói với ông là thôn có ý định trả lương cho ông mỗi thàng 500 ngàn nhưng ông từ chối. Ông bảo: “Tôi chỉ làm việc nhỏ, có đáng gì mà thôn trả lương. Số tiền đó dùng để góp vào quỹ của thôn, giúp đỡ những hộ nghèo chẳng tốt hơn sao”. Mọi người trả ơn, biếu ông tiền, quà ông cũng không nhận.
Điều quan trọng nhất đối với ông là người dân được an toàn và tình làng, nghĩa xóm. Những đóng góp của ông Phạm Đình Chính đã làm giảm rất nhiều tình trạng ùn tắc và tại nạn ở “điểm đen”, và quan trọng là gắn kết tình cảm làng xóm lại với nhau. Ông luôn tâm niệm: “Học theo gương Bác không chỉ là làm việc lớn, mà những việc nhỏ như thế này cũng rất có ích cho xã hội”. Với ông, niềm vui trong cuộc sống là nhận được những câu chào hỏi, những lời quan tâm của người làng, của người tham gia giao thông.
Ở tuổi 80, một ngày như mọi ngày, người “cảnh sát giao thông làng” ấy vẫn chăm chỉ đứng gác đường với tấm lòng vì mọi người, vì làng xóm. Có thể chính ông cũng không nhận ra, nhưng bà con trong làng, và những người đã đi qua nơi ông đứng đều hiểu rằng ông đúng là một con người “cần, kiệm, liêm, chính” như những lời Bác Hồ kính yêu đã dạy./.
Đinh Thành Trung