Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, sáng 9/12/2014, đoàn đại biểu Cựu chiến binh lực lượng vũ trang đại diện cho Đội Biệt động Sài Gòn - Gia Định, đã ra thăm Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trước khi vào Lăng viếng Bác, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về quá trình giữ gìn lâu dài và bảo vệ an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Công trình Lăng của Người trong những năm tháng chiến tranh, về tình cảm của nhân dân cả nước đối với Bác, đặc biệt là tình cảm của đồng bào miền Nam. Các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn đã vô cùng xúc động khi được xem lại phim tư liệu về giờ phút cuối đời của Bác Hồ.
Đoàn vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong thời kỳ chiến tranh giải phóng (1945 - 1975), Thành phố Sài Gòn là thủ đô của Chính phủ Ngụy quyền, nơi cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều đặt "tổng hành dinh", với chế độ bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt. Vì thế, đối với công tác đấu tranh vũ trang ở nội thành Sài Gòn không thể sử dụng một lực lượng vũ trang (LLVT) thông thường như ở các chiến trường khác, mà đòi hỏi một lực lượng được tổ chức tinh gọn, có chất lượng chiến đấu cao, nghệ thuật chỉ huy và thực hành tác chiến tài trí, dũng cảm, có hệ thống tổ chức ém giấu lực lượng và cung cấp hậu cần, kỹ thuật công phu.
Lịch sử Biệt động Sài Gòn gắn liền những chiến công mà ý nghĩa vượt khỏi phạm vi một trận đánh thông thường ở các mục tiêu: Rạp chiếu bóng Kinh Đô, tàu Card, cầu Công Lý, khách sạn Brink, khách sạn Caravell, khách sạn Metropole, cảng Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Dinh thự Bộ Tổng Tham mưu Ngụy... gắn liền những tên tuổi mà cuộc đời và chiến công của họ đã đi vào huyền thoại, như Phạm Văn Hai, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Tăng, Trần Văn Đang, Trần Phú Cương, Lâm Sơn Náo, Nguyễn Thanh Xuân, Lê Văn Việt, Đỗ Tấn Phong, Đoàn Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Thu Trang... Do đặc điểm hoạt động đơn tuyến ở địa bàn sào huyệt của kẻ thù, không ít chiến sỹ biệt động ngày nào chưa được minh định công trạng và tưởng thưởng xứng đáng. Dù vậy, những chiến công của họ đã âm thầm lát những viên gạch nhỏ trên chặng đường 70 năm lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Khẳng định quyết tâm giữ vững danh hiệu cao quý và thể hiện sự tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng cũng như tương lai của đất nước, các đại biểu bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Các đại biểu cũng hứa với Bác: Dù ở trên mỗi cương vị khác nhau, các cựu chiến binh sẽ tiếp tục có những việc làm tích cực bảo vệ cái đúng, đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng, lãng phí... nhằm củng cố niềm tin của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, cũng là thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Lan Hương