Vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ hiện nay đang là vấn đề mang tính quyết định đến chất lượng, lập trường chính trị của cán bộ. Nói đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nói tới sự suy thoái, thay đổi quan điểm, lập trường tư tưởng - chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên hay trong một tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội thuộc hệ thống chính trị của chế độ nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra trên nhiều mặt như: Nhận thức lệch lạc về tư tưởng, chính trị; sự sa đọa về đạo đức, lối sống…
Các biểu hiện suy thoái trên có quan hệ tương tác với nhau; từ sự suy thoái về tư tưởng - chính trị có thể dẫn tới sự tha hóa về đạo đức, phẩm chất lối sống và ngược lại, tha hóa về đạo đức, lối sống có thể dẫn đến sự thoái hóa về tư tưởng - chính trị. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có thể diễn ra trong nội bộ Đảng, chính quyền Nhà nước và trong xã hội. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có thể nảy sinh ở những cán bộ, đảng viên, quần chúng đến những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền ở các cấp. Đáng chú ý hơn là những cán bộ cấp cao, cán bộ có nhiệm vụ hoạch định chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặc biệt nguy hiểm là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở những cán bộ cấp cao giữ vai trò “cầm lái con thuyền đất nước”.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra trong một quá trình và thường biểu hiện qua những dấu hiệu như: Nói và làm không theo và thậm chí ngược lại với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thể hiện thái độ hoang mang, dao động, đồng tình với quan điểm “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” và hơn thế nữa đòi thực hiện chế độ đa đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; phản bác, phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; phủ nhận mọi thành tựu mà Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành được trong cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay; xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo, đả kích, bôi nhọ, phủ nhận công lao to lớn nhằm hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thậm chí cả Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam và của phong trào Cộng sản, công nhân và nhân dân lao động trên thế giới; truyền bá học thuyết, văn hóa, lối sống tư sản cũng như các quan điểm tư tưởng phi mác-xít, phi xã hội chủ nghĩa, đối lập thù địch với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phá hoại nội bộ cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ qua các hành vi gây bè phái, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ, kích động tư tưởng bất mãn, bất bình, chống đối trong nội bộ các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, đoàn thể xã hội thuộc hệ thống chính trị của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam; móc nối, câu kết, phối hợp với các thế lực thù địch bên ngoài và các phần tử chống đối ở trong nội bộ và ngoài xã hội chống lại Đảng, chính quyền Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ quan điểm, tư tưởng, hành động sai trái của các phần tử chống đối ở trong nội bộ và ngoài xã hội nước ta. Thậm chí ca ngợi chúng như những nhân vật “anh hùng” đấu tranh cho “dân chủ”, “nhân quyền”… Nhận biết “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một con người hay trong một tổ chức không đơn giản chỉ là căn cứ vào một vài biểu hiện bề ngoài. Bởi vì, hiện tượng bề ngoài không phải lúc nào cũng phản ánh bản chất bên trong. Thực tế có những trường hợp vì bức xúc, bất bình về vấn đề gì đó mà nhất thời có những lời nói, hành động thể hiện thái độ bất mãn thì cũng không nên vội vã cho là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà cần làm rõ nguyên nhân, bản chất sự việc, hiện tượng.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang thực sự trở thành một trong những nguy cơ hàng đầu đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, với chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do vậy, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vừa là yêu cầu vừa là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện nay. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ghi rõ: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng. Thiết nghĩ, để chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cần phải thực hiện các biện pháp như:
Một là, chú trọng hơn nữa, thực hiện thiết thực hơn việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phải coi đây là việc làm thường xuyên liên tục chứ không phải làm theo giai đoạn, theo thời kỳ. Một trong những phương thức lãnh đạo hiệu quả là cách làm nêu gương, thì cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương trong sáng nhất, thuyết phục nhất.
Trước hết, cần làm cho đội ngũ cán bộ thấy được: (1) Tình hình suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, các ngành; (2) Phòng, chống sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là cuộc đấu tranh hết sức cam go, phức tạp diễn ra ngay trong nội bộ, giữa ta với ta. Trong cuộc đấu tranh này, không chỉ là phê bình và tự phê bình mà bằng nhiều hình thức, biện pháp từ biện pháp tổ chức cho tới biện pháp pháp luật; (3) Sự quyết tâm, ý thức trách nhiệm, dám nói, dám làm vì động cơ, mục đích rõ ràng, trong sáng, vì chế độ xã hội chủ nghĩa, vì nhân dân; (4) Thực hiện nghiêm túc “Quy định về những điều đảng viên không được làm”.
Hai là, tăng cường bồi dưỡng lý tưởng chính trị, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, cốt lõi là công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở. Cụ thể là: Bảo vệ cơ sở tư tưởng - chính trị (Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh), bảo vệ chủ trương, đường lối, quan điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên, giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng; tăng cường vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường “sức đề kháng” nhằm vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động phá hoại tư tưởng, thâm nhập, chuyển hóa, lũng đoạn nội bộ, tha hóa cán bộ Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch và đối tượng khác. Bảo vệ chính trị nội bộ được tiến hành bằng nhiều biện pháp công tác, song quan trọng nhất là giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao khả năng “miễn dịch” của mỗi cán bộ, đảng viên trước sự tác động chuyển hóa từ bên ngoài và bên trong. Tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Ba là, đưa việc phê bình và tự phê bình vào thực chất. Bác Hồ từng nói: “Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn” (1). Vừa qua, Đảng ta đã thực hiện tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 rất hiệu quả; cán bộ, đảng viên Đảng ủy Đoàn 969 đã tích cực thực hiện và bước đầu đã tạo được hiệu ứng tích cực. Xác định tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình trong việc làm trong sạch, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Bốn là, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và kỷ luật của Đảng. Thông qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra nhằm sớm phát hiện và kịp thời ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng - chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra cần được tiến hành có kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, công tác cán bộ phải theo quy trình chặt chẽ, bởi xét đến cùng, vấn đề con người luôn mang tính quyết định.
Năm là, ngăn chặn kịp thời sự xâm lăng về chính trị, văn hóa từ bên ngoài. Các tư tưởng, quan điểm, lối sống độc hại bằng nhiều con đường đang tiêm nhiễm vào một bộ phận dân ta. Chống lại cuộc xâm lăng này thì cách khả thi và đúng đắn hơn cả là tự tạo ra một sức đề kháng văn hóa đủ mạnh. Phải xây dựng một nền văn hóa dân tộc, tiên tiến, hiện đại. Đây là chủ trương lớn của Đảng mà chúng ta đang tiến hành, nhưng tiếc rằng có nơi, có lúc xác định mục tiêu phát triển còn nhẹ về văn hóa mà nặng về kinh tế
Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, đánh giá đúng tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Công tác nắm tình hình cần tập trung vào những nội dung sau: (1) Những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng - chính trị, đạo đức, lối sống cũng như có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; (2) Suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong các ngành, các cấp, các địa phương tới mức độ nào; (3) Nguyên nhân, điều kiện dẫn tới sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên trong ngành mình, địa phương mình và có thể cả ở tổ chức, đơn vị mình. Trên cơ sở đó đề ra và tiến hành các giải pháp, áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm ngăn chặn sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với từng cán bộ, đảng viên và cơ quan, đơn vị. Nhận diện và phòng, chống suy thoái và nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là một vấn đề hết sức cấp bách.
Hiện nay tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, cùng những âm mưu ngày càng tinh vi của chiến lược diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch đang ngày càng tác động không nhỏ đến đội ngũ cán bộ đảng viên. Chính vì thế, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài để mỗi cán bộ đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là một tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống”, luôn “nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, trước Đảng và nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân theo đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Tâm Trang
(1). Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 6, trang 209; Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.