Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác cán bộ và coi “cán bộ là cái gốc của công việc”. Vì vậy, từ năm 1925 Người đã gửi các thanh niên Việt Nam ưu tú theo học Trường Quân sự Hoàng Phố, đào tạo họ sau này trở thành lớp cán bộ quân sự đầu tiên, góp phần vào việc chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho sự ra đời của lực lượng vũ trang nhân dân. Khi trở về nước hoạt động, Người thường xuyên quan tâm tới xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quân sự về vận dụng các nhân tố lực, thế, thời và dùng mưu đánh giặc.

bac-ho-huan-thi-quan-su-1
Bác thăm bộ đội Hải quân bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Ninh năm 1957

 Lực, là phát huy sức mạnh tổng hợp. Đây là vấn đề đầu tiên mà Bác nhắc nhở cán bộ. Theo quan điểm của Bác, lực bao gồm cả lực lượng vật chất và lực lượng tinh thần, cả tiềm lực kinh tế, quân sự, truyền thống dân tộc, trí tuệ con người. Hay nói cách khác là phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp: Chính trị và quân sự, tiền tuyến và hậu phương, dân tộc và thời đại. Người cho rằng, trong điều kiện cụ thể của nước ta, lực lượng để tiến hành khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng không chỉ đơn thuần là dựa vào lực lượng vũ trang quân đội, mà trước hết và quan trọng nhất là lực lượng chính trị của quần chúng được giác ngộ, được tổ chức chặt chẽ và rộng khắp. Vì vậy, người cán bộ cách mạng phải có "Tín tâm" và có "Quyết tâm", biết "đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ"(1)  làm cho nhân dân ai cũng "đồng tình, đồng sức"(2) hăng hái tham gia cách mạng.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực của ta chưa mạnh nên chúng ta phải kháng chiến trường kỳ để chuyển lực từ yếu thành mạnh. Vì vậy, Người đã dạy cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hiểu rõ về kháng chiến trường kỳ: "Nếu chiến tranh kéo dài, hao binh tổn tướng, chúng sẽ thất bại. Vậy ta dùng chiến lược trường kỳ kháng chiến để phát triển lực lượng, tăng thêm kinh nghiệm. Ta dùng chiến thuật du kích để làm cho địch hao mòn, cho đến ngày ta sẽ tổng phản công để quét sạch lũ chúng. Thế địch như lửa. Thế ta như nước. Nước nhất định thắng lửa. Hơn nữa trong cuộc trường kỳ kháng chiến, mỗi công dân là một chiến sĩ. Mỗi làng là một chiến hào"(3). Đối với lực lượng vũ trang, Người thường xuyên nhắc nhở phải xây dựng và phát huy sức mạnh tập thể. Trong một lần Bác đến thăm Quân chủng phòng không ngày 19-7-1965, Người căn dặn: "Bộ đội phòng không có nhiều binh chủng hợp thành, lúc chiến đấu phải hợp đồng cho tốt, ai đánh tầng thấp, ai đánh tầng giữa, ai đánh tầng cao, phải phân công rõ ràng. Các chú phải có tinh thần tập thể"(4).

bac-ho-huan-thi-quan-su-2
Bác Hồ với cán bộ, chiến sĩ quân đoàn 768 – lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô năm 1966

          Thế, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực phải luôn gắn liền với thế. Trong chiến tranh chỉ có lực mà không có thế thì không thể đánh thắng được quân địch. Thế bao giờ cũng lấy lực làm cơ sở và do lực quyết định, nhưng ở thế có lợi, thế hiểm thì một lực nhỏ cũng có sức mạnh rất lớn và ngược lại lực lớn ở vào thế bất lợi cũng dễ trở thành yếu. Người chỉ ra tầm quan trọng của thế trong tác chiến: "Quả cân chỉ một ki lô gam, ở vào thế lợi, thì lực của nó tăng lên nhiều, có sức mạnh làm bổng được một vật nặng hàng trăm ki lô gam. Đó là thế thắng lực"(5)

          Yếu tố thế mà Bác Hồ muốn dạy cán bộ không chỉ ở một thế trận cụ thể mà còn ở một tầm rộng lớn hơn, bao gồm cả điểm đứng, trận địa, vị trí chiến trường, bố trí lực lượng, tình hình quân sự, chính trị, dân cư, địa hình, diễn biến tác chiến, tình hình trong nước, khu vực, quốc tế trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến tình hình chiến trường. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, trước một đối tượng tác chiến có tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự hùng mạnh, Bác đã phân tích để cán bộ hiểu rõ thế của nước ta trên trường quốc tế, thế chính nghĩa, thế trận chiến tranh nhân dân của ta, từ đó đi đến kết luận" Ta đánh Mỹ, lấy ít thắng nhiều được là nhờ cái thế của ta rất lợi. Thế ta thắng đã rõ ràng. Thế địch thua đã rõ ràng"(6).

bac-ho-huan-thi-quan-su-3
Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị cho một đơn vị bộ đội trong Chiến dịch

 Cao - Bắc - Lạng tại hang Nhị Thanh (Lạng Sơn) năm 1950 (Ảnh tư liệu)

Thời, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lực, có thế còn phải biết tạo thời và tranh thời. Nếu hành động đúng thời cơ thì lực lượng nhỏ cũng có thể giành thắng lợi lớn, còn hành động không đúng thời cơ thì lực lượng lớn cũng có thể không thành công. Vì vậy, Người luôn nhắc nhở cán bộ phải mở rộng nhận thức, phải có "cái nhìn quanh chân trời" để nhận biết thời cơ và phải có quyết tâm lớn tranh thủ thời cơ để giành thắng lợi. Người rất coi trọng vấn đề tạo thời cơ và tranh thủ thời cơ. Tư tưởng đó được biểu hiện rõ trong bài thơ “Học đánh cờ”: Lạc nước, hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời, một tốt cũng thành công. Người kịp thời hoãn cuộc khởi nghĩa ở Cao - Bắc - Lạng khi nhận định: Thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Còn khi thời cơ xuất hiện, Người lập tức chỉ thị: “Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”(7). (Cách mạng Tháng Tám năm 1945). Người luôn nhấn mạnh phải biết đánh  biết không đánh nếu thời cơ chưa lợi, nếu chưa thật chắc thắng, không mạo hiểm, phiêu lưu.

Mưu, trong các huấn thị của Bác Hồ đối với cán bộ quân sự về lực, thế, thời bao giờ cũng gắn với dùng mưu đánh giặc. Theo Người, có dùng mưu kế thì mới phát huy được các yếu tố lực, thế, thời; người chỉ huy giỏi là người biết dùng mưu để sử dụng lực lượng của mình một cách hiệu quả, tạo và phát huy được thế có lợi của ta, phá được thế giặc, nắm chắc và hành động đúng thời cơ; "Người làm tướng có mưu trí bao giờ cũng lo lắng đến lợi, đến hại...Lo đến hại mới tìm mưu kế để giải trừ gian nguy"(8).

Lực, thế, thời và dùng mưu kế để đánh giặc trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, luôn kết hợp chặt chẽ với nhau, tạo điều kiện cho nhau, tạo lực để lập thế, thế tốt sẽ phát huy lực và tranh thủ thời cơ, dùng mưu kế tạo thế ta, phá thế địch, hạn chế cái mạnh của địch, phát huy cái mạnh của ta để giành thắng lợi. Mối quan hệ đó đã được Người và Đảng ta giải quyết thành công trong cuộc đấu tranh vũ trang giành chính quyền và trong hai cuộc kháng chiến. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân 1975 là những mốc son chói lọi của cách mạng Việt Nam và cũng là những mẫu mực về nghệ thuật kết hợp lực, thế, thời dùng mưu lược để giành toàn thắng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong điều kiện và tình hình mới, thế lực mới, kẻ thù mới… Đảng ta luôn luôn quan tâm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững vàng về chính trị, có trình độ sẵn sàng chiến đấu và sức chiến đấu cao. Vừa làm chủ được vũ khí trang bị hiện đại nhưng vừa kế thừa và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong điều kiện mới. Xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng luôn gắn liền với sự nghiệp đổi mới của đất nước, dựa vào sức mạnh tổng hợp của toàn dân, vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội, trong đó trực tiếp phát triển lực lượng và thế trận của đất nước ta. Thấm nhuần từ tư tưởng của Người, Quân và Dân ta đã đang và sẽ tiếp tục tiếp bước cha anh, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng; phát huy sức mạnh tổng hòa của toàn dân, vận dụng linh hoạt nghệ thuật quân sự thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt tư tưởng “Lực, thế, thời và dùng mưu đánh giặc” vào tình hình mới hiện nay của đất nước, xây dựng và bảo vệ đất nước hòa bình ấm no hạnh phúc./.

Th.s Vũ Bình Tuyển

Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr .209.

(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr. 243.

(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr 179.

(4) Viện LSQSVN, Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng QĐND, Nxb QĐND Hà Nội 1996,tr 302.

(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr 567.

(6) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr 567.

(7) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr 538.

(8) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr 264.

Bài viết khác: