Vinh dự được Đảng, Nhà nước, nhân dân, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trải qua hơn 45 năm giữ gìn lâu dài thi hài Bác, gần 40 năm mở cửa Lăng tổ chức đón tiếp, tuyên truyền và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng, Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng giữ vững và phát huy làm lan tỏa hình ảnh, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” bên Lăng Bác và xây dựng nên truyền thống Bộ đội Bảo vệ Lăng “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo”.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ
Truyền thống Bộ đội Bảo vệ Lăng chính là sự giữ vững, kế thừa, phát huy và cụ thể hóa phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” ở một đơn vị làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt với danh hiệu “Người Cận vệ của Bác Hồ” được thể hiện ở những phẩm chất sau:
Thứ nhất, “Trung hiếu vẹn toàn”, đây là sự kế thừa, phát huy, cụ thể hóa giá trị phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” về sự kiên trung, “Trung với Đảng, trung với Nước, hiếu với dân”, đối với Bộ đội Bảo vệ Lăng, đó là phẩm chất trung hiếu vẹn toàn trong thực hiện chủ trương, quyết định của Đảng , Nhà nước; thực hiện tình cảm thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, được ghi trong Quyết định của Bộ Chính trị ngày 29/11/1969 “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”, sự trung hiếu vẹn toàn của Bộ đội Bảo vệ Lăng còn thể hiện ở phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng, ý trí trách nhiệm chính trị cao, tận tâm, tận lực gắn bó với nhiệm vụ chính trị giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mọi điều kiện hoàn cảnh, cả lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn của đội ngũ cán bộ, CNV, chiến sỹ Bộ đội Bảo vệ Lăng, đặc biệt là các bác sỹ, kỹ sư ngày đêm thầm lặng, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ y tế, vận hành hệ thống thiết bị kỹ thuật; luôn gương mẫu, không tính toán so bì thiệt hơn, sắp xếp công việc riêng tư, tận tâm, tận lực với nhiệm vụ, nhất là giai đoạn đầu giữ gìn thi hài Bác trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, vô cùng khó khăn ở các căn cứ bí mật xa Hà nội (1969-1975), đã quyết tâm học hỏi tích lũy kinh nghiệm, say mê nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, từng bước vươn lên làm chủ nhiệm vụ. Cũng như vậy các cán bộ, CNV, chiến sỹ làm nhiệm vụ an ninh, nghi lễ; đón tiếp tuyên truyền không quản ngại nắng mưa, giá rét, nóng nực ngày đêm trung hiếu bên Người, luôn vui vẻ phục vụ ân cần, trọng thị, chu đáo, với mong muốn để đồng bào và khách quốc tế khi đến Lăng viếng Bác luôn có ấn tượng tốt đẹp về phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng hiếu khách của dân tộc Việt Nam. Gần 40 năm qua, kể từ ngày mở cửa Lăng đến nay, đơn vị đã đón tiếp hơn 50 triệu lượt khách, trong đó có trên 7 triệu lượt khách nước ngoài từ hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế đến viếng Bác; từ các cụ già đến các cháu thiếu nhi, từ người dân bình thường đến các nguyên thủ quốc gia, các chính khách,… đều có ấn tượng tốt đẹp về sự phục vụ ân cần chu đáo, trọng thị, an toàn của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ hai, “Đoàn kết hiệp đồng”, một truyền thống cực kỳ quý báu được kết tinh, tỏa sáng sâu đậm trong phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và được giữ vững phát huy đối với Bộ đội Bảo vệ Lăng trong điều kiện mới, được biểu hiện ở tinh thần đoàn kết đồng chí, đồng đội, đoàn kết cán bộ với chiến sỹ, cấp trên với cấp dưới trên tinh thần “Tình thương, trách nhiệm”, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong công tác, học tập, sinh hoạt cuộc sống hàng ngày. Tinh thần đoàn kết còn được thể hiện ở ý thức tổ chức kỷ luật tự giác nghiêm minh, tuyệt đối phục tùng điều lệnh, điều lệ chế độ quy định, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên theo tinh thần “Quân lệnh như sơn”, giữ bí mật trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, trung thực khiêm tốn, rộng lượng, thân thiện, cởi mở chân tình chu đáo với mọi người, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ ở các giai đoạn khó khăn, trong đón tiếp đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác, tham quan Lăng, tham dự các sinh hoạt chính trị.
Chiến sỹ Đoàn 275 giúp đỡ người khuyết tật vào Lăng viếng Bác
Đoàn kết quân dân, “quân với dân như cá với nước”; quan hệ đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng, nét văn hóa tiêu biểu của Bộ đội Bảo vệ Lăng, được thể hiện ở mối quan hệ, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với cấp ủy, chính quyền các địa phương khu vực đơn vị đóng quân trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước góp phần xây dựng đơn vị, xây dựng địa phương vững mạnh, phát triển về mọi mặt; thể hiện mối quan hệ, đoàn kết, hợp tác hữu nghị chặt chẽ, hiệu quả với các chuyên gia Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay trong việc thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thực hiện nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền đối với khách quốc tế đến viếng Bác cũng được Bộ đội Bảo vệ Lăng luôn thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, thể hiện sự tôn trọng, chu đáo, trọng thị góp phần giới thiệu về con người, đất nước Việt Nam, cuộc đời thân thế, sự nghiêp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè quốc tế. Trong thực hiện nhiệm vụ xuất hiện nhiều tấm gương tốt nhặt được của rơi, tìm trả lại người mất, dũng cảm cứu người bị nạn, tham gia bắt cướp bảo vệ tài sản của nhân dân, được đồng bào và khách quốc tế đánh giá cao.
Đại tá Cao Đình Kiếm tặng Huy hiệu Bác Hồ cho đại biểu phụ nữ Quân đội Lào
Tiêu biểu như Hạ sỹ Lê Trí Công chiến sỹ tiêu binh danh dự khi làm nhiệm vụ đã nhặt được chiếc túi của một khách nước ngoài bỏ quên, với số lượng tiền giá trị lớn cùng nhiều giấy tờ quan trọng đã kịp thời báo cáo chỉ huy các cấp, tìm cách trả lại, khi nhận lại tài sản. Cảm kích trước việc làm của người chiến sỹ Bộ đội Bảo vệ Lăng, người khách nước ngoài rưng rưng cảm động đặt một bó hoa trước tượng Bác Hồ trong Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông nói: “Thưa ngài Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã đến Việt Nam và vào Lăng viếng Ngài. Nhìn dòng người dài vào viếng Ngài, tôi vô cùng cảm động trước tình yêu mà nhân dân các dân tộc Việt Nam đã giành cho Ngài và đặc biệt tôi khâm phục và cảm ơn Ngài, vì Ngài đã rèn luyện những người cận vệ của Ngài có một đạo đức trung thực, thật thà, cao đẹp”.
Thứ ba, “Phẩm chất tự lực, tư cường, chủ động sáng tạo” trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Như chúng ta đã biết, nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhiệm vụ chính trị đặc biệt chưa có tiền lệ ở Việt Nam, ngay từ năm 1967 thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chúng ta đã có những bước đi tích cực chủ động sáng tạo, tực lực tự cường, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho nhiệm vụ này, như việc tuyển chọn, cử các bác sỹ giỏi gửi sang Liên Xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài, lựa chọn cán bộ kỹ thuật giỏi, cán bộ quân sự, chính trị có chất lượng cao từ các đơn vị trong toàn quân về phối hợp với các bác sỹ đã được đào tạo cơ bản từ Liên Xô, tiến hành nghiên cứu thiết kế, thi công các công trình, chuẩn bị cơ sở vật chất, máy móc thiết bị cần thiết, xây dựng phương án, tổ chức luyện tập theo yêu cầu nhiệm vụ và đã tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác giai đoạn cơ bản ban đầu, tổ chức trọng thể Lễ Quốc tang Bác.
Phát huy tinh thần đó trong các giai đoạn tiếp theo, mặc dù có sự giúp đỡ của Liên Xô, trực tiếp là các chuyên gia y tế, kỹ thuật Liên Xô, nhưng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ, CNV Bộ đội Bảo vệ Lăng luôn nêu cao tinh thần, ý chí tự lực tự cường, chủ động sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, trọng tâm là vấn đề y tế, kỹ thuật, khắc phục mọi khó khăn, nghiên cứu học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từng bước vươn lên làm chủ nhiệm vụ. Vì vậy ở những giai đoạn khó khăn nhất, như năm 1969-1975 giữ gìn thi hài Bác ở các căn cứ xa Hà Nội, đặc biệt là năm 1991, Liên Xô tan rã, không còn sự viện trợ cả chuyên gia và vật chất nhưng Bộ đội Bảo vệ Lăng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác; đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ y tế, kỹ thuật không ngừng trưởng thành, lớn mạnh cả số lượng, chất lượng say mê nghiên cứu thực nghiệm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, có giá trị thực tiễn cao, như: Hệ thống ray thăng bằng khi di chuyển thi hài Bác xuống hầm ngầm; các đề tài nghiên cứu, các cụm công trình kỹ thuật có giá trị được xét tặng giải thưởng Nhà nước, như “Cụm công trình khoa học, công nghệ trực tiếp bảo đảm cho nhiệm vụ giữ gìn an toàn, tin cậy, lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Với những thành tích đã đạt được, Bộ đội Bảo vệ Lăng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới (2004), hai Huân chương Hồ Chí Minh (1984, 2010) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trên đây là những nét đẹp văn hóa, truyền thống đặc trưng của Bộ đội Bảo vệ Lăng được kế thừa, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Hình ảnh Bộ đội Bảo vệ Lăng ngày càng in đậm trong tâm trí nhân dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế. Hiện nay vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, mỗi lần qua Quảng trường Ba Đình lịch sử ta luôn nhận thấy hình ảnh người chiến sỹ uy nghiêm thực hiện nhiệm vụ trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó chính là hình ảnh danh dự, tôn nghiêm của dân tộc, của đất nước, đồng thời đó còn là niềm vinh dự lớn lao thể hiện sự tin cậy của Đảng, của nhân dân đối với Bộ đội Cụ hồ.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trước sự tác động mạnh mẽ mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa đang làm sói mòn truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, trong đó có phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, để khắc phục, hạn chế tác động đó yêu cầu cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững, phát huy và không ngừng làm tỏa sáng phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” ở mỗi đơn vị và toàn quân. Đấu tranh có hiệu quả làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, đặc biệt là trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa./.
Đại tá, Ths Cao Đình Kiếm
Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh