Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944. Sự ra đời của tổ chức này mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam, người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang cách mạng. Trong quá trình chuẩn bị thành lập Đội VNTTGPQ, Bác luôn thể hiện nhất quán tư tưởng chỉ đạo “chính trị trọng hơn quân sự”. Đây cũng là vấn đề có tính nguyên tắc trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đội quân chủ lực, lấy “Chính trị làm gốc”, làm nền tảng cho các hoạt động quân sự.

tu-tuong-chi-dao-1
Bản viết tay Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân
của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh Internet

Chính trị trong tư tưởng của Người là phương hướng giai cấp, thể hiện ở đường lối chính trị của Đảng. Điều này cũng có nghĩa là việc xây dựng quân chủ lực phải xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng; phải luôn lấy mục tiêu, đường lối chính trị của Đảng làm căn cứ đ xây dựng; phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; phải phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

“Chính trị trọng hơn quân sự” - Luận điểm gốc rễ này là sự định hướng quá trình thành lập và hành động của Đội VNTTGPQ lúc đó. Điều này thể hiện ở những điểm sau:

Một là, tư tưởng này được thể hiện xuyên suốt trong cả quá trình chuẩn bị, chỉ đạo và phương châm hoạt động của Đội sau ngày thành lập.

Trong bài “Chiến thuật du kích - Quyển II” (Tổng bộ Việt Minh xuất bản năm 1942), Bác xác định: “Mục đích của chiến thuật du kích giải thích theo ý nghĩa sâu rộng của nó là cốt để hoàn toàn tiêu diệt địch nhân, giành quyền độc lập cho dân tộc”(1). Người còn chỉ rõ vấn đề cơ bản hàng đầu để thực hiện đánh du kích thắng lợi là “Phải có con đường chính trị đúng(2). Luận điểm trên đây của Người đã chỉ rõ, vấn đề cốt yếu nhất là phải bảo đảm cho các đội du kích, lực lượng vũ trang, quân đội cách mạng mang bản chất giai cấp công nhân.

Hồ Chủ tịch nhận định: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy phong trào đi tới. Nhưng phát động khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn quan trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp mới có thể đẩy phong trào tiến lên”(3).

Người phân tích rõ và chỉ ra cách giải quyết tình hình trên: Lực lượng vũ trang của ta hiện nay đã ít lại phân tán quá. Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Chúng ta sẽ lập đội Quân giải phóng!

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sự phát triển của cách mạng Việt Nam đi từ đấu tranh chính trị tiến lên, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp khởi nghĩa với chiến tranh cách mạng. Vì vậy, lực lượng để tiến hành khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng bao gồm lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó, lực lượng chính trị quần chúng là cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, khác với quan điểm "súng đẻ ra Đảng, súng đẻ ra chính quyền”. Điều này thể hiện rõ trong việc Người chỉ ra nguyên tắc tổ chức lực lượng cho Đội VNTTGPQ là “sẽ chọn những đội viên kiên quyết nhất, hăng hái nhất trong hàng ngũ du kích Cao - Bắc - Lạng và tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”. Và trên thực tế, 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm đã được chọn lựa kỹ càng trong các đội du kích Cao - Bắc - Lạng và trong số người đi học quân sự ở nước ngoài về, hầu hết đã trải qua chiến đấu và ít nhiều có hiểu biết về kỹ thuật và kinh nghiệm quân sự. Là con em của các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, chí căm thù giặc rất cao.

Việc tuyển chọn như thế sẽ tạo thuận lợi cho đội chủ lực khi mới ra đời vừa bảo đảm chất lượng về con người (có tính tổ chức, tính kỷ luật, đã qua rèn luyện thực tiễn trong phong trào cách mạng của quần chúng…), vừa bảo đảm yếu tố bí mật, kịp thời, cho phép đội chủ lực có sức mạnh hoạt động được ngay. Thực tế cho thấy, ngay khi ra đời, đội quân chủ lực đã có khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (đánh thắng các trận đồn Phay Khắt, Nà Ngần).

Sau chiến thắng Phay Khắt và Nà Ngần, Đội VNTTGPQ tiến hành chấn chỉnh, củng cố và phát triển lực lượng. Lúc ấy, trong các đội tự vệ và du kích các châu đang có phong trào rầm rộ yêu cầu được đi giải phóng. Những người tình nguyện đều phải qua chọn lựa kỹ càng và những ai được cấp trên chuẩn y đều coi đây là một vinh dự đặc biệt. Chỉ sau một tuần thành lập, Đội VNTTGPQ đã phát triển thành một đại đội gồm ba trung đội. Công tác chính trị trong Đội được chú trọng. Ban công tác chính trị được thành lập do chính trị viên đại đội phụ trách, tập trung tuyên truyền, huấn luyện về đường lối quân sự, cách mạng của Đảng qua mười lời thề danh dự và năm bài huấn luyện về nhiệm vụ đội tuyên truyền. Các tài liệu còn được dịch ra tiếng Nùng, Dao để dạy cho các đồng chí chưa thạo tiếng phổ thông. Công tác chính trị đã chú trọng duy trì đều đặn các buổi sinh hoạt tổ hay toàn đội để động viên tinh thần học tập, công tác, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ giúp đỡ và chăm sóc lẫn nhau. Chấn chỉnh lại quân ngũ, Đội VNTTGPQ đã ra sức tuyên truyền và vận động quần chúng hiểu để tập trung thêm sức mạnh, đồng thời mở các trận đánh tiêu diệt địch khi đã nắm rõ tình hình và thời cơ.

Chỉ với một thời gian ngắn sau ngày thành lập, Đội VNTTGPQ đã đảm đương xuất sắc nhiệm vụ của mình và trưởng thành nhanh chóng. Những thắng lợi đầu tiên về chính trị và quân sự đã góp phần tích cực vào việc củng cố và mở rộng khu căn cứ Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, động viên và cổ vũ nhân dân tin tưởng vào tương lai của cách mạng.

Hai là, tư tưởng chỉ đạo chính trị trọng hơn quân sự thể hiện rõ trong việc đặt tên gọi cho Đội.

Khi nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo: Các đội viên đã thống nhất đặt tên đội là “Đội Việt Nam Giải phóng quân”, Bác Hồ đã chỉ thị thêm vào hai chữ “Tuyên truyền” để mọi người ghi nhớ nhiệm vụ chính trị lúc này trọng hơn quân sự.

Một ngày trước Lễ thành lập Đội VNTTGPQ, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được một bức thư nhỏ của Bác Hồ đặt trong một bao thuốc lá. Giở ra, đó là Chỉ thị của Bác về việc thành lập Đội VNTTGPQ. Chỉ thị của Hồ Chủ tịch tuy ngắn nhưng rất súc tích bao gồm các vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng ta: Vấn đề kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng võ trang cách mạng, phương châm xây dựng 3 thứ quân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng võ trang, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng võ trang. Chỉ thị của Bác được đồng chí Trường Chinh đánh giá là “một văn kiện quan trọng có tính chất cương lĩnh quân sự đầu tiên của Đảng ta”(4).

Trong chỉ thị này, Người đã khẳng định “Tên ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”(5).

Trong quá trình lãnh đạo Đội VNTTGPQ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã luôn khắc ghi lời dạy của Bác, coi “chính trị trọng hơn quân sự”, tuyên truyền trọng hơn tác chiến. Công tác vũ trang tuyên truyền luôn được Đội chú trọng. Đi đến đâu, trước tiên là tuyên truyền đường lối, chính sách của mặt trận sau đó bắt tay vào tổ chức cơ sở chính trị và lực lượng của địa phương. Tiến hành lựa chọn các thanh niên trung kiên để huấn luyện, bồi dưỡng kinh nghiệm rồi giao nhiệm vụ về địa phương hoạt động. Bằng công tác vũ trang tuyên truyền Đội đã tạo nên một khu vực có cơ sở cách mạng rộng khắp nhiều tỉnh phía Bắc làm bàn đạp để tiến về phía Nam.

Ba là, tư tưởng chính trị trọng hơn quân sự cũng được thể hiện trong việc xác định mối quan hệ giữa chính trị và quân sự.

Bác Hồ đã khẳng định: “Nhiệm vụ quân sự phải phục tùng nhiệm vụ chính trị”, phải hướng vào hoàn thành nhiệm vụ chính trị; “Quân sự mà không có chính trị, như cây không có gốc, vô dụng lại có hại(6)“Nếu anh em tư tưởng vững, chính trị vững thì nhất định thắng”.

Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh chỉ rõ, quân sự phải phục tùng chính trị, phải góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã đề ra. Hồ Chí Minh phê bình những thiên hướng chỉ thấy quân sự mà không thấy chính trị, chỉ biết tác chiến mà không biết vận động quần chúng và xây dựng cơ sở chính trị trong nhân dân. Quân đội phải luôn chăm lo xây dựng vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở để nâng cao sức mạnh chiến đấu tổng hợp. Hồ Chủ tịch xác định: “Muốn cho quân đội ta quyết chiến quyết thắng hơn nữa thì phải săn sóc đời sống vật chất của họ, nâng cao trình độ chiến thuật và kỹ thuật của họ, nhất là giáo dục chính trị, làm cho có lập trường vững chắc, lập trường quân đội của nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo. Trong việc chỉnh huấn bộ đội, phải lấy chính trị làm gốc, phải khởi đầu từ cán bộ dần dần đến toàn thể nhân viên. Phải chú trọng bồi dưỡng và cất nhắc cán bộ công nông. Phải làm cho quân đội ta trở nên thật là một quân đội cách mạng của nhân dân, một quân đội vô địch(7). Khi đến thăm Trường Chính trị trung cấp quân đội, Người căn dặn bộ đội phải: “Học tập chính cương, chính sách của Đảng cho hiểu mà làm cho đúng, tức là thực hành Chủ nghĩa Mác - Lênin. Chính cương và chính sách của Đảng đối với công việc kháng chiến và kiến quốc là áp dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh của cách mạng ta”.

Xét vào điều kiện cụ thể khi mới ra đời, đội quân chủ lựclúc đầu cũng lấy tuyên truyền là chính. Điều này được đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố trong buổi thành lập Đội VNTTGPQ: Nhiệm vụ mà đoàn thể ủy thác cho chúng ta là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến. Nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời. Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này”.

Trong thực tế cách mạng Việt Nam, việc xây dựng lực lượng chính trị là cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang, đấu tranh chính trị bao giờ cũng là cơ sở để triển khai đấu tranh trên lĩnh vực quân sự, “không có lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị của quần chúng thì đấu tranh quân sự và lực lượng vũ trang không thể giành thắng lợi” (Lê Duẩn).

Khẳng định “Chính trị trọng hơn quân sự” nhưng không có nghĩa là Người tuyệt đối hóa nhân tố chính trị, coi nhẹ hoặc hạ thấp nhiệm vụ xây dựng các nhân tố khác của quân đội, mà cốt lõi là làm quân đội thấm nhuần hệ tư tưởng vô sản, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc. Xét về lâu dài, phải xây dựng, phát triển đội chủ lực thành lực lượng hùng hậu, luôn luôn tuyệt đối trung thành với Đảng và cách mạng, đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của cách mạng, phạm vi hoạt động khắp đất nước, “đi suốt từ Nam chí Bắc”.

Kinh nghiệm cách mạng Việt Nam cũng đã chứng minh rằng, muốn giành thắng lợi thì ngoài lực lượng chính trị cần phải có lực lượng vũ trang. Không chuẩn bị sẵn sàng lực lượng kể cả lực lượng vũ trang thì không chống lại được sự tấn công của kẻ thù. Lực lượng quân sự và đấu tranh vũ trang có vai trò trực tiếp quyết định đối với những trận chiến đấu trên chiến trường, trong đối đầu với lực lượng tấn công trực tiếp của địch, trong việc tiêu diệt lực lượng quân sự của địch. Ngoài đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, sự thắng lợi của cách mạng còn có sự kết hợp các lĩnh vực đấu tranh khác như đấu tranh kinh tế, đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, ngoại giao... Việc kết hợp các lực lượng và hình thức đấu tranh trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bạo lực cách mạng là một vấn đề có tính nguyên tắc quan trọng trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

tu-tuong-chi-dao-2
Công tác Đảng, công tác chính trịluôn được quân đội ta coi trọng.
Ảnh: http://www.bqllang.gov.vn

Thực hiện phương châm “chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”, coi trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, trong 70 năm qua, quân đội ta đã thể hiện bản chất cách mạng tốt đẹp, thực sự là lực lượng vũ trang cách mạng, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhà nước, với nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1944 - 22/12/2014) là dịp để chúng ta tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - người đã trực tiếp sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam và khẳng định quyết tâm tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, kiên định đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn./.

ThS. Hoàng Thị Thu Hiền

 

-----------------------

(1, 2, 5). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.287; 499; 539.

(3). Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1969, trang 132.

(4). Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006, tr.419.

(6, 7). Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 7, tr.217; 397.

Bài viết khác: