Thủ đô Hà Nội những ngày cuối năm, thời điểm những cơn gió mùa đông bắc cắt da cắt thịt tràn về, có một tình cảm ấm áp, trân trọng, tỏa sáng xua tan đi bao vấn vương gian khó trong cuộc sống. Tình cảm đó xuất phát từ một Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên tầng 24 của một toà nhà giữa trung tâm Hà Nội.

ban-tho-bac-1
Bàn thờ Bác Hồ tại Phòng tưởng niệm

Đó là Trụ sở chính của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nằm trên phố Hàng Vôi – Hà Nội. Nếu không được tận mắt chứng kiến nơi đây, chắc tôi cũng không thể tưởng tượng ra được lại có một không gian tâm linh và thành kính đến vậy. Trong thời buổi kinh tế thị trường, cạnh tranh vô cùng khốc liệt, những định chế tài chính như Ngân hàng BIDV vẫn giữ được cho cán bộ và người lao động của mình lòng yêu nước, yêu Bác Hồ quả là một điều đặc biệt.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV hồ hởi giới thiệu, rồi dẫn chúng tôi đến Khu tưởng niệm Bác Hồ của Ngân hàng mình để mọi người dâng hương lên Bác. Vừa thấy tôi bước đến, một người phụ nữ trung niên vội đưa tôi nén hương đã được thắp sẵn. Cô nói nhỏ: “Mời anh bỏ giầy, vào thắp hương cho Bác Hồ đi”. Bước vào phòng, tôi cảm nhận thấy một không gian khác hẳn bên ngoài. Trầm lắng, sâu nặng, linh thiêng, tất cả những gì tôi nhận thấy lúc đó đã tạo ra sự cảm động đối với tấm lòng thành kính Bác của tất cả những con người ở đây. Thắp nén hương, cúi đầu trước bàn thờ Bác, thấy mình thật bé nhỏ và cần phải cố gắng nhiều hơn, nhưng tôi cũng tự hào vì tình yêu Tổ quốc, yêu Bác Hồ vẫn tồn tại trên khắp mọi miền đất nước, ngay cả ở nơi đây, nơi lúc nào cũng trong vòng xoáy của nền kinh tế thị trường.

ban-tho-bac-2
Thắp hương tưởng niệm Bác Hồ

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ấy cũng đơn giản thôi, không cầu kỳ, phức tạp, không hoành tráng, hùng vĩ. Chỉ có một căn phòng đủ rộng để đặt một chiếc bàn thờ Bác, với lư hương nghi ngút khói. Phía trên là dòng chữ trang trọng: “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Hai bên là đôi câu đối “Vạn xuân tuệ chiếu nước Việt hòa” và “Đại thu cổ phúc non vạn dặm”. Cách bài trí trong căn phòng thể hiện một sự tôn kính lớn lao đối với Bác Hồ và tình yêu quê hương đất nước đáng trân trọng.

Ở Ngân hàng BIDV, việc thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một thói quen và là nét đẹp văn hóa không thể thiếu của cán bộ, nhân viên Ngân hàng. Anh Thanh, một nhân viên BIDV chia sẻ, tòa nhà Trụ sở chính của Ngân hàng này được xây dựng từ năm 2009. Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định Ngân hàng mình phải có một nét văn hóa, phải giữ được cho cán bộ, nhân viên lòng yêu nước và luôn nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời trong sự vui mừng của toàn thể cán bộ, nhân viên Ngân hàng, thỏa lòng mong đợi của hơn chục ngàn người con đất Việt. Hiện nay, ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, hàng tháng vào Mùng 1 và ngày rằm, các cán bộ, nhân viên Ngân hàng lại thành kính dâng hương lên Bác. Trước bàn thờ Người, mọi người không phân biệt địa vị, chức vụ, đều thành kính dâng hương, tưởng nhớ vị anh hùng vĩ đại của dân tộc, cùng hứa với Bác sẽ cố gắng lao động để góp sức xây dựng Tổ quốc.

Trong xã hội ngày nay, những tấm lòng tưởng niệm, thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là nét đẹp văn hóa đã tồn tại qua nhiều năm và ngày càng phát triển, nhân rộng. Nhất là đối với những đơn vị kinh doanh như Ngân hàng, việc tạo dựng một nền tảng văn hóa tinh thần trong đội ngũ cán bộ, nhân viên là điều rất quan trọng, nó giúp thắt chặt tình đoàn kết trong tập thể và góp phần nâng cao hiệu quả công việc.

Qua tìm hiểu, cùng với hoạt động tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam là một đơn vị có đóng góp xã hội lớn cho đất nước với các đợt ủng hộ cho quỹ an sinh xã hội từ tiền lương của CBCNV, các chuyến trao tặng nhà tình nghĩa, các chương trình giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó, khắc phục hậu quả thiên tai…. BIDV cũng chú trọng đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp, coi đó là tài sản quý báu của BIDV do các thế hệ cán bộ, công nhân viên BIDV xây dựng, gìn giữ và bồi đắp từ hơn 5 thập kỷ nay với các nguyên tắc ứng xử là kim chỉ nam cho hoạt động. Họ có thể góp công, góp của, lặn lội đường xa đến với những số phận bất hạnh để giúp những người không may có cơ hội xây dựng cuộc sống mới.

Ngày nay, thật đáng quý khi có những tập thể lúc nào cũng cố gắng giữ gìn truyền thống yêu nước, yêu Bác Hồ, luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và sẵn sàng ủng hộ những đồng tiền mồ hôi nước mắt do lao động mà có cho những hoạt động từ thiện. Bác đã đi xa, nhưng chúng ta, những người thời đại mới vẫn luôn nhớ mãi hình ảnh Bác, công ơn Bác và những lời dạy của Bác, để chúng ta sẽ cố gắng hơn nữa...

                                                                                       Đinh Thành Trung

Bài viết khác: