Ban Khoa học quân sự, tiền thân là Ban Khoa học công nghệ - Môi trường được thành lập theo Quyết định số 20/QĐ-BVL ngày 12/01/1995 của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Trưởng ban Ban quản lý Lăng giao thực hiện chức năng đầu mối của Bộ Khoa học và Công nghệ vào năm 2003, Bộ Tài nguyên và Môi trường vào năm 2008; tiếp nhận nhiệm vụ Nghiên cứu biên soạn vào cuối năm 2010. Ngày 12/6/2013, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 2068/QĐ-BQP về việc đổi tên Cục Khoa học Công nghệ và Môi trường thành Cục Khoa học quân sự; Phòng, Ban, Trợ lý Khoa học Công nghệ và Môi trường thành Phòng, Ban, Trợ lý Khoa học quân sự. Theo đó Ban Khoa học Công nghệ - Môi trường được đổi tên thành Ban Khoa học quân sự.
Viện sĩ, GS. Đebov và TS. Nguyễn Quang Tấn ký biên bản hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu Khoa học Lăng Lênin tại Matxcơva, ngày 7 tháng 12 năm 1992
Những ngày đầu thành lập, Ban Khoa học Công nghệ - Môi trường chỉ thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ - môi trường, thông tin khoa học quân sự theo hướng Bộ Quốc phòng, đến nay, Ban Khoa học quân sự đã phát triển toàn diện, giúp lãnh đạo, chỉ huy quản lý, triển khai thực hiện toàn bộ nhiệm vụ khoa học và công nghệ; bảo vệ môi trường; thông tin khoa học quân sự; nghiên cứu biên soạn; sáng kiến cải tiến kỹ thuật; chức danh sĩ quan chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ… Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Đảng ủy Đoàn 969, Tư lệnh, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng và sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Cục Khoa học quân sự; Trung tâm Thông tin Khoa học quân sự; Viện Lịch sử quân sự Việt Nam; Phòng Khoa học quân sự thuộc Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng và Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng với sự cố gắng, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, Ban Khoa học quân sự luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Ban là quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động nghiên cứu khoa học trong Bộ Tư lệnh và Ban Quản lý Lăng. Nhiệm vụ này không phải đến khi Ban Khoa học Công nghệ - Môi trường thành lập, đơn vị mới triển khai, mà ngay từ những ngày đầu tổ chức Lễ viếng Bác (06/9/1969 - 09/9/1969), Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã chỉ đạo phải: Tự lực, tự cường, làm chủ công nghệ, độc lập tự chủ v.v…và giao cho Quân ủy Trung ương thực hiện. Nhận thức được ý nghĩa tầm quan trọng và những khó khăn đặt ra, ngày 25/2/1988 Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương đã có Nghị quyết số 50/NQ-ĐUQSTƯ về nhiệm vụ đặc biệt này. Ngày 16/3/1989 Đảng ủy Đoàn 969 ra Nghị quyết số 150/NQ-ĐU để lãnh đạo, triển khai thực hiện. Nghị quyết nêu rõ: “Cần tranh thủ giúp đỡ toàn diện của Liên Xô, phối hợp với chuyên gia thực hiện nhiệm vụ bảo quản thi hài Bác. Phải tích cực nghiên cứu học hỏi hiểu biết đầy đủ nội dung quy trình kỹ thuật, điều kiện vật chất tiến tới có khả năng tự bảo quản thi hài khi có tình huống gián đoạn do chiến tranh hoặc lũ lụt xảy ra ...”
Hội thảo khoa học Đề tài KHXH&NV, mã số KXBL-12-02: “Nghiên cứu các giải pháp phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”
Tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Đảng uỷ Đoàn 969 là cơ sở để đơn vị thúc đẩy nội lực, nhanh chóng vươn lên làm chủ công nghệ giữ gìn an toàn thi hài Bác. Trong giai đoạn đầu, việc nghiên cứu khoa học gặp nhiều khó khăn, không có cơ quan chuyên trách quản lý về nghiên cứu khoa học, cán bộ ít, cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư hạn chế nhưng đơn vịđã chủ động triển khai công tác nghiên cứu khoa học đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và cơ bản lâu dài.
Đề tài cấp Nhà nước đầu tiên “Nghiên cứu vấn đề môi trường không khí khu vực Lăng Bác có liên quan tới việc giữ gìn thi hài Bác và sức khỏe của cán bộ, nhân viên vận hành Công trình Lăng”, mã số 52D-05-04 (1989-1991) do PGS.TS. Nguyễn Gia Quyền và KS. Doãn Huy Nghi làm Chủ nhiệm. Kết quả của đề tài đã đưa ra các giải pháp hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của môi trường không khí đối với thi hài Bác.
Từ năm 1995, Ban Khoa học Công nghệ - Môi trường được thành lập, hoạt động nghiên cứu khoa học được quản lý chặt chẽ và triển khai toàn diện, đi vào nề nếp hơn. Nhiều đề tài nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực y học như hình thái học, sinh hóa, vi sinh vật môi trường được triển khai, ứng dụng rất hiệu quả trong nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Tiêu biểu như: “Nghiên cứu bảo quản lâu dài thi thể phục vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”, mã số KYĐL 92-11; “Nghiên cứu xác định một số biến đổi trên thi thể ướp bảo quản lâu năm và các giải pháp phòng chống để phục vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”, mã số KYĐL 96-01; “Nghiên cứu một số giải pháp phòng chống sự biến đổi ở thi thể ướp bảo quản do tác động của những yếu tố môi trường bất lợi để giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”, mã số KYĐL 19-2001. Các đề tài này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh các đề tài về y tế, các đề tài về kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, quân sự cũng được triển khai đồng bộ, được áp dụng đạt kết quả tốt như: Đề tài “Nghiên cứu đánh giá kết quả 10 năm đổi mới thiết bị công nghệ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”, là cơ sở cho việc xây dựng các dự án đầu tư đổi mới trang thiết bị kỹ thuật Công trình Lăng; đề tài “Nghiên cứu các giải pháp phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới” đã đề xuất nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác giáo dục tuyên truyền và tổ chức các hoạt động văn hóa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Năm 1995 còn là thời điểm đánh dấu việc bắt đầu hợp tác trực tiếp nghiên cứu khoa học giữa đơn vị với Viện Nghiên cứu Khoa học Lăng Lênin. Với những bước đi, cách làm phù hợp, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đã vận động và được Bạn đồng ý hàng năm cử cán bộ sang Việt Nam và ngược lại, tiếp nhận cán bộ của đơn vị sang Matxcơva học tập và hợp tác nghiên cứu khoa học. Một số nghiên cứu khoa học thực sự là nền móng cho việc chuyển giao công nghệ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Điển hình là Bạn đã cùng với đơn vị pha chế thành công lô dung dịch đặc biệt đầu tiên tại Hà Nội.
Hội thảo khoa học Đề tài hợp tác giữa Viện KH&CN Việt Nam và Ban Quản lý Lăng “Nghiên cứu giải pháp nâng cao độ tin cậy cung cấp và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng điện và nhiệt tại Khu Di tích K9”.
Công tác bảo vệ môi trường khu vực Lăng cũng là một nhiệm vụ quan trọng, được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh quan tâm. Trọng tâm là tôn tạo cảnh quan môi trường khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải tại K9; đầu tư vận hành Trạm quan trắc Môi trường không khí và cảnh báo phóng xạ tại khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình; đầu tư kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị Phòng thí nghiệm phân tích môi trường thuộc Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng KHCN&MT; chỉ đạo, triển khai thu gom xử lý nước thải, chất thải độc hại, rác thải y tế tại các cơ quan, đơn vị. Tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường; tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động nhân Ngày Môi trường thế giới, Giờ trái đất, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường khu vực Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9 luôn khang trang sạch đẹp.
Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, Ban Khoa học quân sự còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Nhiều sáng kiến được Bộ Tư lệnh công nhận và ứng dụng trong thực tiễn, góp phần giảm bớt nhân công lao động và tiết kiệm chi phí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Điển hình như sáng kiến: “Giải pháp chống xoắn cờ chính trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “Nghiên cứu sử dụng dung môi để rửa các khối góp bộ lọc tĩnh điện” bảo đảm độ sạch, giảm thời gian rửa và giảm các tác động cơ học tới các khối góp; “Cải tiến phin lọc bụi điều hoà K6, K7”; “Gia công và lắp đặt bộ vam tháo cánh quạt tháp giải nhiệt máy lạnh Công trình Lăng”...
Thông tin khoa học quân sự là một nhiệm vụ được giao từ khi mới thành lập, mặc dù không có cán bộ chuyên trách nhưng đội ngũ cán bộ trong Ban được phân công kiêm nhiệm đã phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, tích cực khai thác thông tin, tư liệu từ nhiều nguồn để phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, giáo dục tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức về khoa học quân sự, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị. Một trong những hoạt động dễ thấy là hàng tháng Ban Khoa học quân sự phối hợp với Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị tổ chức chiếu phim khoa học trong các buổi thông báo chính trị; định kỳ tổng hợp, cung cấp các thông tin khoa học, phim, ảnh phục vụ các cơ quan, đơn vị truyên truyền trong Tháng công nhân.
Nghiên cứu biên soạn là nhiệm vụ mới được bổ sung, trong khi đó đội ngũ cán bộ trong Ban hầu hết không được bồi dưỡng về nghiệp vụ nhưng kế thừa và phát huy truyền thống của Ban Nghiên cứu Biên soạn trước đây, Ban Khoa học quân sự đã xác định nhiều biện pháp triển khai thực hiện, từng bước đưa công tác nghiên cứu biên soạn đi vào nề nếp. Từ năm 2011 đến nay, Ban đã phối hợp, triển khai biên soạn hơn 20 tài liệu huấn luyện chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ, 04 tập Biên niên sự kiện của các cơ quan, đơn vị; đầu tư kinh phí phục vụ biên soạn Lịch sử Đảng bộ Đoàn 969. Điểm khác và nổi bật so với trước đây là Ban đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh triển khai các nhiệm vụ mới, với tính chất, yêu cầu cao hơn như tổng kết 45 năm công tác y tế giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổng kết 40 năm công tác tuyên truyền đặc biệt tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hội nghị nghiệm thu tài liệu huấn luyện nghiệp vụ năm 2014
Cùng với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, trong những năm qua, Ban Khoa học quân sự còn đảm nhiệm các nhiệm vụ được Bộ Tư lệnh và Trưởng ban Ban Quản lý Lăng giao, đặc biệt là thực hiện vai trò cơ quan thường trực của Hội đồng khoa học cấp Nhà nước về giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham gia xây dựng nhiệm vụ y tế đến năm 2020 và các năm tiếp theo; hàng năm tổ chức các hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học công nghệ và môi trường; xét duyệt, công nhận các chức danh sĩ quan chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ; phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ, tin học, chuyên môn nghiệp vụ nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ cho đơn vị…
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và yêu cầu cao của nhiệm vụ chính trị đặc biệt, từ khi thành lập đến nay, bên cạnh việc tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, Chi bộ, Ban Khoa học quân sự còn đặc biệt quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng tác phong làm việc chính quy khoa học cho đội ngũ cán bộ. Trong những năm qua, dù trong hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ luôn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; có đạo đức, lối sống trong sạch lành mạnh; nghiêm cách trong thực hiện nhiệm vụ; tự giác chấp hành kỷ luật và xây dựng nề nếp chính quy, góp phần xây đắp nên truyền thống của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”.
Trong những năm tới, cuộc cách mạng khoa học công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tác động rất lớn đến hoạt động khoa học, công nghệ nói chung và khoa học ướp bảo quản thi thể nói riêng; đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”... Trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, Ban Khoa học quân sự tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Đảng ủy Đoàn 969, sự chỉ đạo của Tư lệnh, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, tích cực bám sát các bộ, ngành, đặc biệt tăng cường tiếp cận, tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước có liên quan đến nhiệm vụ chính trị của đơn vị để nghiên cứu, tìm hiểu về khoa học và công nghệ làm cơ sở đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy xây dựng các dự án, chương trình nhiệm vụ nhằm đi trước đón đầu, làm chủ về công nghệ, đủ khả năng dự báo và có biện pháp phòng chống các vấn đề nảy sinh, vươn lên làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.
Thượng tá Phạm Hoàng Lân
Trưởng ban Ban Khoa học quân sự