Hòa trong không khí Thủ đô Hà Nội chuẩn bị đón chào xuân năm mới Ất Mùi, ngày 20/01/2015, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vô cùng vinh dự được đón tiếp đoàn đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Đồng Nai đến thăm Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội để các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng được tri ân, tưởng nhớ công lao của các Mẹ Việt Nam Anh hùng - những người đã hiến dâng cả máu xương cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
"Thà mất con, còn hơn mất Nước"
Trong tâm niệm của mỗi người có hai điều thiêng liêng nhất. Đó là Tổ quốc và Mẹ. Đất nước Việt Nam đã trải qua bao cuộc trường chinh máu lửa, Mẹ đã gánh cả giang sơn trên đôi vai gầy, đi suốt chiều dài lịch sử. "Tre già yêu lấy măng non - Chắt chiu như mẹ yêu con tháng ngày", Mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng các con, yêu con hơn hết thảy nhưng trước vận mệnh của dân tộc Mẹ "Thà mất con, còn hơn mất Nước". Câu nói này như một lời thề son sắc với dân tộc, là điểm tựa cho Mẹ trước những đau thương mất mát của chiến tranh.
Chiến tranh đã lùi xa nhiều thập kỉ, tuy nhiên nỗi đau của các Mẹ vẫn còn đó, mỗi khi nghĩ về các Mẹ những câu thơ của cố nhà thơ Huy Cận vang lên như lời nhắc nhở về những hi sinh, mất mát, nỗi đắng cay, nhọc nhằn mà các Mẹ đã phải trải qua:
Chồng chết trận rồi đến lượt con
Mẹ già cặm cụi sống chon von
Tôi nhìn Mẹ, tưởng bà Trưng hiện
Có lẽ sự hi sinh, mất mát của các Mẹ không gì có thể thay thế được. Vậy động lực nào đã giúp các Mẹ vượt lên nỗi đau trở thành những biểu tượng về sự kiên cường, bất khuất và là tấm gương phản ánh chân thực nhất về sự khốc liệt của chiến tranh? Đó chỉ có thể là tình yêu thương, sự san sẻ của cộng đồng, của những người đồng chí, đồng đội là niềm động viên lớn lao để giúp các Mẹ có thêm nghị lực, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước, xứng danh với 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng đối với người phụ nữ Việt Nam: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".
Trân trọng, ghi nhớ và tri ân những cống hiến vô giá của những người mẹ, người vợ của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước đã phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng" cho nhiều Mẹ trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.
"Đền ơn, đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn"
Tại Nhà khách số 8 Hùng Vương, thay mặt cho Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh,Thiếu tướng Phạm Văn Lập – Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng cùng các đồng chí cán bộ của Bộ Tư lệnh đã vinh dự đón tiếp Đoàn Mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Đồng Nai. Đây là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng với số lượng người có công với đất nước lên tới 54.000 người, trong đó có 887 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tuy nhiên vì tuổi già, hiện nay chỉ còn 98 Mẹ và hôm nay có 13 Mẹ là thành viên của Đoàn vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những cử chỉ, hành động và sự quan tâm của đồng chí Phạm Văn Lập từ những điều nhỏ bé như hỏi thăm cuộc sống, sức khỏe của các Mẹ: "Trời lạnh, các Mẹ phải đi tất, quàng khăn ấm" hay trực tiếp dìu các Mẹ đi lại, chăm sóc ân cần đã tạo sự gần gũi như những người thân trong gia đình lâu ngày chưa gặp mặt và giảm sự mệt mỏi của chuyến đi xa xôi gần 1700km của các Mẹ Việt Nam Anh hùng từ miền Nam ruột thịt ra thăm Lăng Bác. Những cử chỉ đó cũng thể hiện trách nhiệm để một phần nào đó thực hiện những ước mơ cháy bỏng của Bác là khi nào Bắc - Nam xum họp một nhà, Bác sẽ vào thăm đồng bào miền Nam. Ước mơ đó của Bác chưa thực hiện được nên khi đồng bào miền Nam ra thăm Bác, con cháu của Bác phải tiếp đón đồng bào chu đáo. Đó là một lẽ thường tình thể hiện tấm lòng của mỗi người dân Việt Nam với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn".
Giới thiệu về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm an ninh, nghi lễ hiện nay tại khu vực Lăng, đồng chí chia sẻ: Đã 46 năm kể từ ngày Bác đi xa, việc giữ gìn thi hài của Bác được thực hiện rất tốt, những nét đặc trưng của Bác lúc sinh thời vẫn còn nguyên vẹn. Thay mặt Ban Quản lý Lăng, đồng chí cũng giới thiệu sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, nhân dân Liên Xô (cũ) và các nhà khoa học Liên Bang Nga trong việc nghiên cứu, giữ gìn thi hài Bác và nhấn mạnh sự cố gắng của các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng và các nhà khoa học Việt Nam trong việc phối hợp nghiên cứu và giữ gìn thi hài Bác.
Sau đó, từng người trong Đoàn lần lượt được đồng chí tặng Huy hiệu Bác Hồ một cách cẩn thận và đầy kính trọng.
Thiếu tướng Phạm Văn Lập tặng Huy hiệu Bác Hồ cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng
(Ảnh:Trang tin Ban Quản lý Lăng)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ" hay "Nhân dân ta anh hùng nhờ có các Mẹ Việt Nam Anh hùng", "Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các Mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người con ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại". Chính nhờ sự trân trọng và tình cảm của Bác dành cho phụ nữ Việt Nam nói chung và các Mẹ Việt Nam anh hùng nói riêng khi mà Đoàn Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Đồng Nai được xem phim tư liệu về “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ” cả phòng không khí dường như trầm xuống, ai cũng chăm chú xem và ngắm nhìn những hình ảnh cuối cùng của Bác, không ít Mẹ đã khóc và cảm thấy sự mất mát của mình hoàn toàn xứng đáng khi đi theo Đảng, đi theo Bác Hồ để dân tộc Việt Nam có thể đổi lấy độc lập tự do, cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay.
Trong giờ phút nhiều cảm xúc, các Mẹ đã cảm nhận được sự tri ân của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm chu đáo của Ban Quản lý Lăng trong việc giữ gìn và bảo vệ thi hài Bác nguyên vẹn để các Mẹ hôm nay được trông thấy Bác. Thay mặt cho Đoàn, Mẹ Lê Thị Nở (huyện Nhân Trạch, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: "Mẹ rất xúc động trước sự đón tiếp của Ban Quản lý Lăng đồng thời Mẹ cũng cảm ơn Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho các Mẹ có cơ hội được ra Thủ đô Hà Nội, được vào Lăng viếng Bác. Hi vọng Ban Quản lý Lăng luôn công tác tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội đã giao cho".
Sự tri ân đối với các Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Đồng Nai của Ban Quản lý Lăng càng được thể hiện rõ hơn khi Đoàn được các đồng chí dẫn vào viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và giới thiệu một cách tỉ mỉ về nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc.
Chứng kiến hình ảnh các Mẹ ngồi xe lăn, được các chiến sỹ trong Lăng dìu từng bước và được nghe các Mẹ kể về cuộc đời mình chúng tôi không khỏi cảm động và biết ơn sự hi sinh to lớn của các Mẹ dành cho Tổ quốc. Những mái tóc bạc phơ, những đôi tay gầy run run, những tấm lưng còng còn theo năm tháng khiến chúng tôi liên tưởng đến những vất vả, mất mát, đau thương mà các Mẹ đã phải trải qua. Những người chồng, những người con, những người cháu của các Mẹ đã hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Mất mát ấy theo các Mẹ suốt cuộc đời. Các Mẹ chính là Anh hùng của những Anh hùng.
Chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng giúp các Mẹ Việt Nam Anh hùng vào Lăng viếng Bác
(Ảnh: Trang tin BQL Lăng)
Trong đoàn, Mẹ Nguyễn Thị Quỳ (Sinh năm 1918, hiện trú tại xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai; có 9 người con, trong đó có 2 người con là liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước) là Mẹ cao tuổi nhất Đoàn, mặc dù lớn tuổi, nhưng khi các đồng chí chiến sỹ đề nghị Mẹ ngồi xe lăn để di chuyển cho thuận tiện thì Mẹ từ chối và Mẹ bảo Mẹ vẫn khỏe, Mẹ vẫn có thể tự mình đi được. Nhiều Mẹ khác cũng chia sẻ: Quá nửa đời Mẹ sống trong bom đạn, các con của Mẹ hy sinh vì nước, vì dân. Bao nhiêu đau thương, buồn tủi nhưng Mẹ cũng rất tự hào.
Những tấm gương và sự chia sẻ của các Mẹ chính là động lực cho cán bộ, công nhân viên cũng như các chiến sĩ trong Ban Quản lý Lăng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh về truyền thống "Đền ơn, đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" trong thời gian tới Ban Quản lý Lăng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đón tiếp, tuyên truyền trong sinh hoạt chính trị tại khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, Khu Di tích K9 và các hoạt động tri ân đối với người có công với đất nước./.
Tú Anh