Bác đã từ biệt con cháu ra đi, nhưng dấu ấn của Người vẫn còn đọng lại cho đến ngày hôm nay, để các thế hệ người Việt luôn đi theo bước chân Người. Những gì Bác đã làm, đã trải qua, những hành trình Bác đã đi, ngày nay đều trở thành huyền thoại.

Bến cảng Sài Gòn ngày cuối năm đầy nắng, Sài Gòn vẫn náo nhiệt, vẫn trong vòng quay sôi động của nhịp sống mới. Thời đại ngày nay, những giá trị tốt đẹp của cha ông còn lưu lại dưới sự bảo tồn của thế hệ mới. Bến cảng Sài Gòn là một giá trị như vậy.

theo-chan-bac-1
Đoàn học sinh tiểu học thăm Bến cảng Sài Gòn

Đến Bến cảng Sài Gòn, những sự kiện hào hùng của quá khứ lại hiện lên trong chúng tôi. Bài học lịch sử thuở bé, không cần ai nhắc bỗng lan tỏa khắp tâm hồn. Đã hơn một thế kỷ kể từ thời khắc lịch sử người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Bến, ra đi tìm đường cứu nước để giải phóng ách nô lệ, áp bức cho muôn dân đất nước. Một thế kỷ trôi qua, vạn vật đổi thay, duy có lòng yêu nước và niềm cảm mến vẫn không thay đổi. Cháu con của Bác ngày ngày vẫn đến nơi đây để tìm hiểu và trân trọng những giá trị của lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường mà Bác đã khắc sâu vào lịch sử Việt Nam.

Thời khắc lịch sử ấy, ngày 05/6/1911, có một người thanh niên rất đỗi bình thường của nước Việt Nam quyết tâm ra đi để nhìn thế giới dưới con mắt của một chiến sĩ giải phóng dân tộc. Con người đó nhỏ bé nhưng tinh thần đã vượt qua cả núi cao, vượt lên trên những đám mây trôi lững lờ, lặng lẽ. Tinh thần ấy vượt qua bao chết chóc, đau thương của dân tộc để tìm ra một con đường sống cho nhân dân bị áp bức, nô lệ.

theo-chan-bac-3
Anh Phạm Thế Chiến, nhân viên bảo vệ Bến cảng Sài Gòn, một người nhiệt tình
hướng dẫn khách tham quan

Đến giờ này, trong những ngày đầu năm 2015, Bến cảng Sài Gòn, nơi Người bước ra thế giới đã trở thành địa điểm du lịch – văn hóa nổi tiếng của đất nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. To hơn, đẹp hơn và cũng ngày càng nhiều những hiện vật lịch sử, nơi đây ai cũng phải đến để hiểu về lịch sử, hiểu về quá khứ, hiểu về tinh thần dân tộc và lòng yêu nước.

Nơi đây, chứa đựng muôn vàn tình cảm của người dân miền Nam, người dân thành phố mang tên Bác. Bao năm tìm kiếm, sưu tầm, gần 20 ngàn tài liệu, hình ảnh, hiện vật, chuyện kể… về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tựu lại với mục đích không gì khác hơn là dành cho thế hệ trẻ. Các em, các cháu đến đây, hiểu về Bác, rồi cố gắng học tập, lao động đóng góp cho đất nước. Ngày ngày, hàng đoàn học sinh, sinh viên, cán bộ… nối đuôi nhau thăm Bến cảng Sài Gòn, dù thăm đi thăm lại vẫn muốn đến tiếp, bởi đơn giản, đó là người Việt Nam, đều kính yêu Bác.

theo-chan-bac-4
Những người lao công chăm chỉ giữ gìn cảnh quan Bến Cảng Sài Gòn

Ở Bến cảng Sài Gòn, tất cả mọi người, dù là anh bảo vệ hay chị lao công, đều làm việc trong niềm xúc cảm lớn lao. Họ sẵn sàng kể chuyện về Bác cho du khách, giới thiệu tận tình với lòng tôn kính Bác đáng trân trọng. Tôi đã gặp một người như vậy. Anh chỉ là người nhân viên bảo vệ bình thường, ngày ngày hướng dẫn các đoàn khách vào thăm Bến, vậy mà anh vẫn ngày ngày nghiên cứu, tìm hiểu về Bác, để giới thiệu, hướng dẫn cho khách một cách tốt nhất, cho dù đó không phải là nhiệm vụ chính của anh. Anh kể hào hứng, rằng với các cháu bé ở độ tuổi nhi đồng thì hướng dẫn ra sao để các cháu nhớ về Bến cảng Sài Gòn, nhớ về Bác; với các bạn thiếu niên thì thế nào, với người lớn ra sao… để khách hiểu được về Bác, thấm đẫm tinh thần của Bác lúc ra đi tìm đường cứu nước, như vậy nước ta sẽ có thêm nhiều người yêu nước.

Bản thân tôi tưởng rằng đã biết và hiểu về chuyến ra đi của Bác nhưng khi đến thăm Bến cảng Sài Gòn mới vỡ lẽ ra rằng đừng bao giờ tự mãn về kiến thức của mình, vì chúng ta là thế hệ sau, chỉ biết thôi chưa đủ mà còn phải cảm nhận được tấm lòng của những thế hệ đi trước, đó mới là điều cốt yếu. Mỗi câu chuyện về Bác đều để lại trong tôi cảm xúc đặc biệt, như chuyện những băng tang đen của các chiến sỹ để tang Bác Hồ trong Nhà tù Côn Đảo và Nhà giam Chí Hòa khi Người mất hay chuyện chiếc áo trấn thủ Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thương binh Lê Thống Nhất.

theo-chan-bac-5
Tượng đài người thanh niên Nguyễn Tất Thành lúc ra đi tìm đường cứu nước

theo-chan-bac-6
Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tạm biệt Bến Cảng Sài Gòn trong niềm cảm xúc khôn tả, ngoái lại nhìn hàng đoàn thiếu nhi xếp hai hàng thẳng lối vào thăm nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước, tôi lại có thêm niềm tin với đất nước trong thời đại mới, tin vào thế hệ trẻ ngày nay, tin vào con đường của Đảng. Tiếng nói của đoàn du khách đằng sau vẫn còn vọng lại: “Chúng cháu xin nguyện noi gương Bác, cố gắng lao động, xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, đem tinh thần Việt vươn ra thế giới, sánh vai với các cường quốc năm châu”./.

                                                                                             Đinh Thành Trung

Bài viết khác: