Sáng 28/1/2015, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp đoàn Người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế nhân dịp Đoàn ra thăm Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Bác.
Đoàn có 40 đại biểu, là những người sinh sống, thường trú trong vùng dân tộc thiểu số, được cộng đồng khu dân cư nơi cư trú bầu chọn là người gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, đã có nhiều công lao, đóng góp xây dựng và bảo vệ thôn, bản, địa phương nơi cư trú.
Đoàn dâng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, những già làng đã có công lao to lớn trong việc tổ chức lãnh đạo nhân dân nổi dậy chiến đấu chống kẻ thù, bảo vệ thôn làng, diệt ác, trừ gian, vận động nhân dân một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ làm cách mạng và đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Mặc dù trải qua nhiều biến động sâu sắc của lịch sử, kẻ thù xâm lược đã dùng nhiều âm mưu thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt như: Chính sách chia để trị, dồn dân lập ấp, gây mâu thuẫn Kinh - Thượng để chia rẽ các dân tộc, mua chuộc những người có uy tín... vai trò của già làng ít nhiều có bị ảnh hưởng và thu hẹp, nhưng vẫn được lưu truyền và ảnh hưởng đậm nét trong đời sống tinh thần của đại đa số đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế.
Những năm qua, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế luôn được giữ vững và ổn định; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Có được kết quả này, các già làng, trưởng dòng họ và người có uy tín của từng làng, bản đóng góp công sức rất lớn trong việc hướng dẫn, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. UBND Tỉnh vừa ban hành Quyết định phê duyệt danh sách 173 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2015. Trong đó, huyện A Lưới có 124 người, huyện Nam Đông có 38 người, thị xã Hương Thủy 6 người, huyện Phú Lộc 3 người và huyện Phong Điền 2 người. Đội ngũ già làng, trưởng thôn vẫn là nhân tố quan trọng, gương mẫu đi đầu để vận động và tổ chức nhân dân thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên từng địa bàn thôn (làng).
Trong điều kiện hiện nay, việc phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số là rất quan trọng và cần thiết để đưa ánh sáng của Đảng đến với vùng sâu, vùng xa, vùng còn gặp nhiều khó khăn, vận động bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp hài hòa giữa luật tục và luật pháp, giữa truyền thống và hiện đại, thực hiện tốt các hoạt động tự quản tại cơ sở, xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước trong từng cộng đồng dân cư... nhằm thực hiện thắng lợi các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước như: Định canh, định cư, sinh đẻ có kế hoạch, xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội, chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của kẻ địch.
Già làng Hồ Văn Hạnh (thôn Lê Triêng 1, xã Hồng Trung, huyện A Lưới), Trưởng đoàn khẳng định: Với uy tín và ảnh hưởng của mình, đội ngũ già làng, người có uy tín thực sự đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đoàn kết các dân tộc anh em, góp phần xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc như Bác Hồ kính yêu từng mong ước./.
Lan Hương