Chiến tranh đã lùi xa, những câu chuyện năm xưa dường như cũng đã theo thời gian cuốn đi vào miền quá khứ. Đối với những người làm công tác đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh như chúng tôi, những câu chuyện lịch sử ấy lại như ùa về mỗi khi có dịp tiếp xúc với các nhân chứng lịch sử, như các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các chiến sỹ cách mạng ...
Có rất nhiều hình ảnh có thể gợi lên những cảm xúc về chiến tranh, về những năm tháng ác liệt nhưng trong đó người mẹ Việt Nam âm thầm, lặng lẽ tạc vào dáng hình của đất nước có lẽ là hình ảnh tạo nên những xúc cảm sâu lắng nhất. Các Mẹ đã hy sinh, đã dâng hiến những người con thân yêu nhất của mình cho sự nghiệp giải phóng, luôn kiên trung, mạnh mẽ sống và cố gắng hết mình vì cách mạng, vì dân tộc với tinh thần, ý chí quật cường. Hình ảnh của Mẹ cũng chính là hình ảnh của đất nước Việt Nam anh hùng vượt qua một thời đạn bom ác liệt.
Tiễn con một lần và mãi mãi
Tiết trời cuối Đông vẫn se lạnh trên từng con phố, từng dòng người vẫn nối nhau vào Lăng viếng Bác. Trong số đó, chúng tôi gặp hình ảnh của các Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh Đồng Nai. Tuổi đã cao, sức đã yếu đi nhiều nhưng các Mẹ vẫn luôn mong mỏi được ra Thủ đô Hà Nội, được tận mắt vào gặp Bác Hồ kính yêu.
Mẹ Nguyễn Thị Quỳ xúc động xem phim tư liệu về Bác Hồ kính yêu
Theo lời giới thiệu của các cán bộ thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, tôi có cơ hội trò chuyện cùng Má Nguyễn Thị Quỳ. Má Quỳ năm nay đã 97 tuổi, hiện nay Má sống tại xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Má Quỳ có hai người con là liệt sỹ, đó là Liệt sỹ Nguyễn Thị Thanh Liên và Nguyễn Bá. Hai người con của Má đều hy sinh vào năm 1968.
Má bảo những chuyện ngày xưa giờ đã xa quá rồi, Má cũng không còn nhớ cụ thể. Má chỉ còn nhớ năm ấy hai con của Má đi bộ đội, lúc đi Má còn dặn dò cố gắng chiến đấu, hết chiến tranh rồi về với gia đình. Nhìn các con đi, lòng Má bộn bề những nỗi lo lắng bởi chiến trường ác liệt, bom đạn không thể lường trước. Hơn thế, hình ảnh những người Má ở nhà cũng chính là động lực giúp các anh, các chị chiến đấu kiên cường hơn. Bởi thật sự tình yêu người mẹ như bức tường vững chãi để các anh dựa vào, ấm lòng nơi chiến tuyến gian khổ năm nào.
Các con đi chiến đấu, Má luôn tự hào về các con. Bởi các anh, các chị đã kiên trung, quyết tâm chiến đấu để bảo vệ mảnh đất quê hương, bảo vệ sự ấm no cho từng gia đình. Hướng về các con ở nơi chiến trường xa, về phần mình, Má Quỳ cũng tích cực tham gia các hoạt động cách mạng của địa phương bằng cách đưa gạo vào rừng cho bộ đội tại địa phương. Má bảo hồi ấy, chiến tranh ác liệt lắm, dù không phải là nơi chiến trường đầy khói lửa thì nỗi đau chiến tranh vẫn hiện hữu rất rõ ràng. Từ hiện thực đó, phụ nữ ở xã Má cũng hoạt động cách mạng, dù nhỏ hay lớn đều hướng về cách mạng, hướng về Bác Hồ kính yêu.
Nhưng chiến tranh ác liệt, bom đạn tàn khốc đã cướp đi hai người con của Mẹ. Mẹ chia sẻ: Ngày đưa tiễn con lên đường cũng là ngày cuối cùng được gặp mặt con. Nỗi đau đó không gì so sánh được.
Thời gian cứ trôi đi, xóa lấp những khoảng không vô định nhưng không thể xóa được những vết thương, sự mất mát trong lòng các Mẹ. Nỗi đau ấy vẫn còn mãi. Giờ má Quỳ đã già, những ký ức không còn rõ nét nhưng Má vẫn luôn nhớ về hình ảnh những người con của mình, về nỗi đau lúc nhận được giấy báo tử của con. Vinh quang và nỗi đau của người mẹ Việt Nam Anh hùng như Má Quỳ khiến thế giới kinh ngạc và khâm phục.…
Nhớ lại hồi ức năm xưa, Má còn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những tháng ngày đi tìm con. Má bảo sau chiến tranh Má còn phải đi khắp nơi tìm lại hài cốt của con mình. Có rất nhiều những người mẹ như Má Quỳ, các Má đã không quản vất vả, cố gắng tìm cho kỳ được hài cốt của những người con, đưa con mình trở về với quê hương. Có như vậy, các Má mới yên lòng.
Má Quỳ trò chuyện cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Lăng về kỷ niệm được ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác lần trước
Nhìn hình ảnh các Má ngồi xe lăn, được các chiến sỹ của Đoàn 275, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng giúp vào Lăng viếng Bác, chúng tôi – ai nấy đều rất xúc động. Nhìn các Má, chúng tôi liên tưởng đến những vất vả, mất mát, đau thương mà các Má đã phải trải qua. Những người chồng, những người con, người cháu của các Má đã ra đi vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Mất mát ấy theo các Má suốt cuộc đời. Và hình ảnh của các Má chính là hình ảnh của những người anh hùng của một đất nước anh hùng.
Tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng chính những câu chuyện về thời gian khó khăn nhưng oai hùng đã tiếp sức cho Má, đã giúp Má cảm nhận được giá trị của hòa bình, của những năm tháng không bom đạn, không có máu và nước mắt phải rơi xuống hàng ngày. Giờ đây, niềm hạnh phúc lớn nhất của Má chính là được sống bên cạnh con cháu, được nhìn thấy con cháu trưởng thành. Má bảo cháu chắt của Má nhiều lắm, Má chỉ mong chúng ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu để trở thành người có ích cho quê hương, cho xã hội.
Về bên Bác
Đối với những Mẹ Việt Nam Anh hùng của mảnh đất miền Nam xa xôi, cơ hội ra Thủ đô Hà Nội, vào Lăng viếng Bác là điều rất đáng trân trọng, là mong ước thiêng liêng. Má Quỳ tâm sự: Cách đây hơn chục năm, Má đã được ra Hà Nội, được vào Lăng viếng Bác. Nhưng lúc nào Má cũng mong được có cơ hội ra đây lần thứ hai. Năm nay, Má đã già lắm rồi nhưng may sức khỏe vẫn đảm bảo để được đi cùng Đoàn của tỉnh ra Hà Nội lần này. Hạnh phúc này không còn gì bằng, đây chính là kỷ niệm đẹp trong những năm cuối đời của Má. Má cũng rất xúc động vì sự tiếp đón chu đáo, nhiệt tình của cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi xem phim tài liệu về Bác Hồ, Má xúc động tâm sự: Những năm chiến tranh ác liệt, hình ảnh Bác Hồ trong trái tim của nhân dân miền Nam vô cùng gần gũi và ấm áp, mặc dù hầu hết mọi người chưa một lần được gặp Bác. Khi ấy, mọi người đều tích cực, hăng hái tham gia chiến đấu, góp công sức vào mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để được đón Bác vào thăm miền Nam. Nhưng ước nguyện đó chưa thể thành hiện thực, những người dân miền Nam như Má đều mong muốn được ra Hà Nội, được gặp Bác. Lần này, Má và các Má khác của Đoàn may mắn đủ sức khỏe để được ra Lăng Bác, được nhìn thấy Bác… đây là niềm hạnh phúc vô cùng.
Chiến tranh qua đi, hòa bình đã về trên khắp đất nước Việt Nam. Nền hòa bình này đã phải đánh đổi bằng rất nhiều máu và nước mắt. Biết bao gia đình đã phải chia lìa, biết bao người Mẹ Việt Nam đã phải chấp nhận hy sinh, không có cơ hội gặp lại người con của mình lần cuối? Các Mẹ đã vượt qua những nỗi đau, trở thành huyền thoại của dân tộc ta. Hiện nay, bằng nhiều phương thức, Đảng và Chính phủ và toàn xã hội vẫn đang tiếp tục thực hiện nhiều chính sách “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhằm bảo đảm cuộc sống tốt nhất cho các Mẹ. Đối với Ban Quản lý Lăng, công tác tiếp đón các Mẹ cũng như Người có công, các đối tượng chính sách luôn được quan tâm, ưu tiên thực hiện trong những năm qua và những năm tiếp theo.
Có thể nói, hình ảnh người Mẹ Việt Nam Anh hùng mạnh mẽ, kiên trung như má Quỳ là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thế hệ Việt Nam noi theo để sống, học tập và phấn đấu trở thành người có ích cho quê hương, đất nước./.
Thanh Huyền