Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định công tác cán bộ phải được xem là công việc gốc của Đảng, phải biết cách lựa chọn, sử dụng và không ngừng bồi dưỡng cán bộ để cái vốn quý đó ngày càng to lớn lên theo yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng. Người cán bộ được ví như là “cái dây chuyền của bộ máy”, nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ, máy cũng tê liệt, cán bộ chính là “chiếc cầu nối giữa Đảng và nhân dân”. Người đặt yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ, yêu cầu đầu tiên không thể thiếu là đạo đức cách mạng.

Cong tac can bo
Bác Hồ với cán bộ, công nhân Ngành Đường sắt Việt Nam

 Đạo đức cách mạng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải là cái gì trừu tượng, cao xa mà là những điều bình thường, hết sức cụ thể, dễ hiểu, nhưng thực hiện được nó phải có ý chí rèn luyện rất cao. Người cán bộ có đạo đức cách mạng là người luôn kiên định lý tưởng xã hội chủ nghĩa; không có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; là người luôn biết đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của tập thể lên trên hết, biết giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của Đảng, của dân tộc, của tập thể; là người liên hệ mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, khéo tổ chức và lãnh đạo nhân dân; bằng lời nói và hành động của mình làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, từ đó tuyên truyền và vận động nhân dân một cách có hiệu quả; là người có ý thức tổ chức, kỷ luật cao, không độc đoán chuyên quyền, tự cho phép mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật. Ý thức tổ chức, kỷ luật phải được thể hiện cả trong suy nghĩ lẫn trong hành động, cả trong cách nói năng lẫn trong giao tiếp, ứng xử hằng ngày. Đồng thời, người cán bộ có đạo đức cách mạng còn là người có lối sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa, lãng phí, hủ hóa, tham nhũng, không có tư tưởng đặc quyền, đặc lợi.

Nhưng, người cán bộ cách mạng phải có cả tài và đức. “Tài”, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bao gồm cả năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn. Muốn có được những năng lực đó, người cán bộ phải chịu khó học tập, rèn luyện, trước hết là học tập lý luận Mác - Lê-nin, sau đó phải chịu khó lăn lộn trong thực tiễn. Bởi vì theo Người, lý luận luôn được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động. Vì vậy, để người cán bộ hội tụ và phát huy cả “tài” và “đức” thì công tác cán bộ phải là nhiệm vụ then chốt, cần được quan tâm đúng mức, tuân thủ nguyên tắc của Đảng. Bác cho rằng: Cán bộ phải là người có tài năng, thể hiện ở chỗ giỏi chuyên môn, thạo công việc mà mình đảm nhiệm, có khả năng tập hợp, tổ chức lãnh đạo nhân dân, quần chúng để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Đối với người cán bộ lãnh đạo, Người yêu cầu phải có óc quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, không được thụ động, ỷ lại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Công tác cán bộ là: “hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ, phê bình cán bộ”. Tuy luận điểm này rất ngắn gọn nhưng hàm chứa những nguyên lý hết sức căn bản và khoa học. Đặc biệt Người lấy “hiểu biết cán bộ” làm điểm xuất phát của toàn bộ quá trình hoạt động của công tác cán bộ. Hiểu đúng là cơ sở để sử dụng, cất nhắc, đánh giá đúng - đây chính là cơ sở quyết định sự đúng đắn của toàn bộ công tác cán bộ và Người cũng chỉ rõ: “khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hay thất bại của chính sách đó là do cách tổ chức công việc, do nơi lựa chọn cán bộ, do nơi kiểm tra. Nếu ba điểm ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”.

Trong các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sử dụng từ cán bộ là khi Người viết bài “Nhật Bản” đăng trên báo La vie Ouvriére ngày 09-11-1923. Trong bài báo đó, có đoạn Người viết: Cần “Đào tạo cán bộ cho những hoạt động tích cực”. Trong thư gửi đồng chí Pê-tơ-rốp, Tổng thư ký Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản (năm 1924), Người viết: “Trường Đại học này là một cái lò đào tạo những cán bộ tuyên truyền đầu tiên cho các nước phương Đông”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan niệm rất cụ thể về cán bộ cách mạng. Ngay từ những năm 1930, trong giai đoạn Đảng hoạt động bí mật, gây dựng phong trào cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Cán bộ là người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng và Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”.

Sau khi Đảng ta ra đời (03-02-1930) và lãnh đạo cách mạng Việt Nam thì từ cán bộđược sử dụng rất nhiều trong các văn kiện của Đảng, cũng như trong hoạt động thực tiễn.Khi Đảng lãnh đạo cách mạng giành chính quyền, cán bộlà danh xưng đẹp đẽ, dùng để chỉ một lớp người mới là những chiến sỹ cách mạng, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh, gắn bó với nhân dân, phục cho sự nghiệp cao cả là giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Thực tiễn cách mạng nước ta đã chứng minh rằng, khi Đảng có đường lối chính trị đúng đắn, có đội ngũ cán bộ tốt, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ sẽ là nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của cách mạng. Chính vì vậy Đảng ta luôn coi trọng đến cán bộ và công tác cán bộ. Tư tưởng đó thể hiện xuyên suốt qua các lần đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương (khóa 8) đã xác định Chiến lược cán bộ thời kì CNH, HĐH đất nước khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong xây dựng Đảng”. Công cuộc đổi mới, phát triển đất nước ngày nay đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với công tác cán bộ của Đảng. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ. Thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Về vấn đề này, Người cho rằng: Đây là nhiệm vụ phức tạp, bao gồm nhiều nội dung gắn bó chặt chẽ với nhau. Người đã nhiều lần phân tích vấn đề này và chỉ ra rằng, chất lượng cán bộ là kết quả tổng hợp các khâu trong công tác cán bộ, từ phát hiện, đào tạo, đánh giá, sử dụng, đề bạt…

Có thể nói rằng, những luận điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm sâu sắc, toàn diện, khoa học về cán bộ và công tác cán bộ. Đồng thời Người đã nêu ra và giải quyết những vấn đề cơ bản về cán bộ và công tác cán bộ một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam trước đây và trong thời kỳ đổi mới, hội nhập hiện nay./.

Tâm Trang

Bài viết khác: