Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến văn hóa của dân tộc. Và một trong số đó là văn hóa đón Tết. Với bè bạn quốc tế, Người luôn kể về những ngày Tết đầm ấm, vui tươi của dân tộc ta. Nhưng với nhân dân mình, Người lại dành những lời khuyên nhủ để mùa Xuân và ngày Tết càng thêm có nhiều ý nghĩa.

tu-tuong-tet-xuan-2
Bác Hồ với các cháu thiếu thi vùng cao Việt Bắc (1960).

“Ngày Tết của mùa Xuân”

Trong một bài báo viết cho Tạp chí "Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân" vào đầu năm 1952 (Xuân Nhâm Thìn), Bác Hồ kể với bạn bè quốc tế mùa Xuân ở Việt Nam:

"May mắn hơn nhiều dân tộc khác, người Việt Nam chúng tôi cũng như các bạn Trung Quốc và Triều Tiên, mỗi năm chúng tôi có hai ngày Tết. Một lần Tết theo dương lịch. Còn một Tết thứ hai tính theo âm lịch. Đó là ngày Tết theo tục lệ cổ truyền của nhân dân. Mùa Xuân ở nước chúng tôi bắt đầu từ ngày đầu tháng Giêng Âm lịch. Khắp nơi nơi là cả một bầu không khí tuyệt vời của mùa Xuân. Mặt trời tỏa sáng, ánh sáng dịu dàng đem lại sức sống tươi vui và lành mạnh. Lúa non phủ lên các cánh đồng, khác nào những tấm thảm xanh rộng mênh mông hứa hẹn năm tới sẽ no ấm được mùa. Chim chóc hót véo von, ríu rít trong những bụi cây bốn mùa xanh tốt sum sê. Từ các lâu đài cho đến những nhà tranh bé nhỏ đều có tranh vẽ, những lời chúc mừng dán ở cửa cổng ra vào. Ngày nay những lời chúc mừng và những tranh vẽ ấy đã trở thành những khẩu hiệu đấu tranh và lao động như:

- Mở rộng phong trào thi đua yêu nước trên mặt trận đấu tranh chống quân thù, trong sản xuất, trong công việc phát triển kinh tế!

- Đấu tranh chống bệnh quan liêu, tham ô và lãng phí!

- Công việc kiến quốc nhất định sẽ thu được thắng lợi!

Trong những ngày Tết này, mọi người đều mặc những quần áo đẹp nhất mà họ có. Gia đình nào cũng nấu nướng, sửa soạn những thức ăn ngon nhất. Người ta làm lễ trước bàn thờ tổ tiên. Bạn hữu đi chúc mừng thăm hỏi lẫn nhau. Người lớn tặng quà cho trẻ con. Nhân dân gửi tặng phẩm ủng hộ bộ đội... Nói tóm lại đây thật là ngày Tết của mùa Xuân ."

Đón Tết tiết kiệm

Trong bài "Mừng Xuân vĩ đại" Bác nhắc nhở "Chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ, tưng bừng, nhưng tuyệt đối không lãng phí".

Trên Báo Nhân Dân số 2132, ngày 28/1/1960, trong bài "Mừng Tết Nguyên đán thế nào?" Bác viết:

"Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất. Nhân ngày Nguyên Đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào Xuân. Việc đó cũng đúng thôi.

Nhưng chúng ta nên mừng Xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân. Nên nhớ rằng chúng ta phải cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, không nên vì một cớ gì mà quên nhiệm vụ ấy.

Các đồng chí cán bộ ta cần phải hướng dẫn đồng bào làm cho ngày Tết vui vẻ và tưng bừng, tiết kiệm và thắng lợi".

Trong sách "Thanh Hóa khắc sâu lời Bác" (1975), Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thanh Hóa có ghi lại lời dặn dò của Bác Hồ với cán bộ và nhân dân tỉnh nhà nhân dịp Bác về thăm Thanh Hóa (1957): "Chúng ta làm việc suốt năm, vui ngày Tết là xứng đáng, nhưng vui một cách lành mạnh thì nên vui. Tôi mong các cụ các bà chống lãng phí, vì lãng phí chỉ có hại cho dân, cho nước, cho nhà, vì nó đưa đến phong tục hủ bại, rượu chè, hút xách...".

Bác khuyên trong những ngày Tết, "Không nên chơi bời quá độ mà phải có chừng độ. Chơi quá độ, bừa bãi không nên. Nếu chơi nhiều thì không tăng gia sản xuất, học tập được. Ta có câu "Lạc bất khả cực, lạc cực sinh ai". Nghĩa là vui không nên quá mức, vui quá mức đi đến cái buồn".

Trên Báo Nhân Dân ngày 18/1/1960, nhắc nhở đồng bào cố gắng tiết kiệm, đừng lãng phí trong ngày Tết, Hồ Chủ tịch có mấy câu thơ vừa giản dị, vừa sâu sắc:

Trăm năm trong cõi người ta,

Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan,

Mừng Xuân, Xuân cả thế gian

Phải đâu lãng phí, cỗ bàn mới Xuân.

Bác Hồ cũng thường nhắc nhở rằng đón Tết, vui Xuân trong ngày đầu năm phải nghĩ đến công việc của cả năm. Bác viết trong bài "Mùa Xuân quyết thắng" trên Báo Nhân Dân số 2147 ngày 3/2/1960.

Tục ngữ có câu: "Suốt năm kế hoạch, định từ mùa Xuân" (Nhất niên chi kế, thi ư Xuân). Thật đúng như vậy. Mùa Xuân thì trời vui, đất vui, người càng vui. Cho nên ngay từ đầu mùa Xuân mọi công việc làm được tốt, thì cả năm sẽ phát triển tốt và kết quả tốt". Từ ngày Tết đầu năm phải lo nghĩ" để hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, để Xuân sau thắng lợi hơn Xuân này".

Tết trồng cây

Sinh thời, Bác Hồ mong mỗi người Việt Nam ta đón Tết cổ truyền dân tộc trong mùa Xuân vui vẻ, xứng đáng với Xuân và để mừng Xuân bằng việc làm thiết thực – Đó là Tết trồng cây. Bác từng nói: “Tết trồng cây mùa Xuân thì trời vui, đất vui, người càng vui”.

tu-tuong-tet-xuan
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/02/1969

Khi đất nước chưa thống nhất, Bác kêu gọi nhân dân miền Bắc: “Ta trồng cây cho ta và cho cả miền Nam nữa”. Như thế, Tết trồng cây được thực hiện cũng chính vì hướng đến mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Vui Tết trồng cây, nơi nơi phấn khởi, người người thi đua”. Việc làm đó mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế và bảo vệ môi trường như Bác Hồ đã chỉ rõ: “Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân”. Nó cũng sẽ tạo nên một màu xanh cho đất nước - xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển - góp phần bảo vệ mùa màng, bảo vệ xóm làng, bảo vệ môi trường thiên nhiên, hạn chế được những thiệt hại của mưa bão, sạt lở đất và xói mòn. Thế là “trồng cây tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều” - Bác nhấn mạnh.

 Ngày 16/2/1969 (tức ngày mồng Một Tết Kỷ Dậu), Bác Hồ trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Tây (cũ). Nói chuyện và chúc Tết nhân dân địa phương, Bác nói: “Các cụ thì biết chuyện cũ, chuyện mới, nhưng các cháu ngày nay chỉ biết chế độ dân chủ cộng hoà. Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.

Hiện nay, mỗi độ Xuân về, nhân dân cả nước lại nô nức cùng nhau thực hiện lời dạy của Người. Bởi: “Mùa Xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Duy trì tốt Tết trồng cây chính là cách để thực hiện mong mỏi lúc sinh thời của Bác.

Tết Việt và hội nhập

Trong bài "Mừng Xuân vĩ đại" đăng trên Báo Nhân Dân số 2141 ngày 27-1-1960, Bác viết:

"Xưa kia, người ta chỉ mừng Xuân hẹp hòi trong khuôn khổ gia đình. Ngày nay, chúng ta mừng Xuân rộng rãi, từ gia đình đến cả nước, đến khắp thế giới".

Có thể nói, tư tưởng hội nhập của Bác Hồ đã tạo tiền đề quan trọng cho cả nước ta từng bước hội nhập cùng quốc tế. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi xu thế toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, hội nhập đã và đang mang đến những cơ hội mới cho nền kinh tế của nước ta. Tuy nhiên, kéo theo cơ hội đó cũng là những thách thức không nhỏ đòi hỏi chúng ta cần chủ động để “hòa nhập chứ không hòa tan”, phát triển nhưng vẫn luôn giữ được bản sắc dân tộc.

Ban Quản lý Lăng đón Tết theo lời Bác

Làm theo tấm gương đạo đức của Người, trong những năm qua, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang đón Tết tiết kiệm, phù hợp với quy định của Nhà nước, pháp luật. Các chính sách bảo đảm Tết cho cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ được thực hiện chu đáo. Bên cạnh đó, Tết trồng cây được thực hiện thường xuyên, cẩn thận, là hoạt động không thể thiếu mỗi khi Tết đến, Xuân về.

tu-tuong-tet-xuan-3
Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng trồng cây tại Khu Di tích K9 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội)

            Đặc biệt, khởi đầu từ Tết trồng cây, tính đến năm 2013, tại Khu Di tích K9, Ba Vì, Hà Nội đã trồng được hơn 40 ha rừng thông, lát, lim, sao đen, keo, mỡ, các loại chò, dầu nước… phủ xanh các vạt đồi còn trống quanh Khu Di tích; trồng bổ sung 65 ha loại thông Caribê ở các khu rừng đã hết thời kỳ phát triển; quy hoạch vườn sưu tầm thực vật gần 6 ha gồm 62 loài cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng; tổ chức chăm sóc 5 ha vườn cây Bác trồng trước đây và vườn cây do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành ở Trung ương trồng, hoặc các địa phương gửi tặng từ sau năm 1975 đến nay. Đồng thời cải tạo, trồng mới được gần 6,5 ha vườn cây ăn quả như xoài, bưởi, cam, nhãn… ven các hồ nước, tạo cảnh quan, môi trường phục vụ khách tham quan Khu Di tích.

Hơn thế, trong những ngày này, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng đã tích cực chăm sóc, vun trồng những giàn hoa, cây hoa, cây cảnh, thảm cỏ tại Công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình, Khu tập kết nhân dân vào Lăng viếng Bác và những nơi đóng quân để tạo môi trường, tạo cảnh quan tự nhiên, xanh, sạch, đẹp dành tặng cho đồng bào, khách quốc tế về Lăng viếng Bác, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và tham quan.

Đặc biệt, khi Tết đến, Xuân về, cũng là thời điểm mà cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của Ban Quản lý Lăng đã và đang nêu cao tinh thần chủ động trong công tác đón tiếp, tuyên truyền; cảnh giác trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự khu vực Lăng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.

Thanh Huyền

Bài viết khác: