Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ nói chung và về quyền làm chủ của nhân dân nói riêng là kết quả của sự nhận thức sâu sắc về vai trò của nhân dân trong lịch sử, là kết quả của sự kết hợp giữa tư tưởng thân dân truyền thống ở phương Đông và quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng trong học thuyết Mác- Lênin. Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa lý luận và thực tiễn - Hồ Chí Minh đã nâng tư tưởng dân chủ lên một tầm cao mới vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nhân văn sâu sắc.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân là người giữ vai trò quyết định trên tất cả các lĩnh vực: Từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội, từ những chuyện nhỏ có liên quan đến lợi ích của mỗi cá nhân đến những chuyện lớn như lựa chọn thể chế, lựa chọn người đứng đầu Nhà nước. Người dân có quyền làm chủ bản thân, nghĩa là có quyền được bảo vệ về thân thể, được tự do đi lại, tự do hành nghề, tự do ngôn luận, tự do học tập… trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Người dân có quyền làm chủ tập thể, làm chủ địa phương, làm chủ cơ quan nơi mình sống và làm việc. Người dân có quyền làm chủ các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội thông qua bầu cử và bãi miễn. Đúng như Hồ Chí Minh nói: "Mọi quyền hạn đều của dân". Cán bộ từ Trung ương đến cán bộ ở các cấp các ngành đều là "đầy tớ" của dân, do dân cử ra và do dân bãi miễn.
Thực tế đã chứng minh dân chủ hóa là tất yếu, một phần bởi dân chủ hóa đang ngày càng trở thành khuynh hướng chính trị chủ đạo của toàn thế giới. Đây là quá trình không thể trì hoãn, bởi nếu một nhà nước không tự dân chủ hóa mình thì thế giới, hay nói đúng hơn là những đòi hỏi chính trị toàn cầu, sẽ buộc nhà nước đó phải tiến hành dân chủ hoá. Và như thế có nghĩa là thay đổi do sức ép từ bên ngoài chứ không phải tự thân. Nếu không làm như vậy, nhà nước đó sẽ trở thành một bộ phận biệt lập trong mọi tiến trình quốc tế và không còn cơ hội tồn tại. Mặt khác, chỉ có các thể chế dân chủ mới phát huy được quyền tự do của con người và chỉ khi nào có tự do thì con người mới phát huy được năng lực sáng tạo. Chính sáng tạo làm cho tất cả các cộng đồng người có sức cạnh tranh và để mỗi con người tìm thấy sức mạnh của chính nó.
Trong lĩnh vực kinh tế, dân chủ được thể hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; quản lý và sử dụng tốt các nguồn vốn vay, vốn nhân dân đóng góp và các nguồn vốn khác; phát triển sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các chính sách xã hội, xoá đói, giảm nghèo, thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp…
Trên lĩnh vực văn hoá: Tiếp tục mở rộng các hoạt động văn hoá, nhằm nâng cao đời sống văn hoá vui tươi lành mạnh và trình độ văn hoá của nhân dân để phục vụ nhiệm vụ củng cố miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Tăng cường công tác xuất bản; chú trọng xây dựng cơ sở đầu tiên cho nền điện ảnh Việt Nam; phát triển vững chắc ngành sân khấu và ca vũ; lập thêm tủ sách và nhà văn hoá, câu lạc bộ ở các cơ sở và tăng cường lãnh đạo sinh hoạt văn nghệ, văn hoá của quần chúng; đẩy mạnh và lãnh đạo phong trào thể dục thể thao. Đồng thời phải nâng cao chất lượng của nền văn học, nghệ thuật; đào tạo bồi dưỡng thêm nhiều tài năng mới, chú trọng khai thác hơn nữa vốn cũ văn hoá dân tộc và tăng cường trao đổi văn hoá với các nước; học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến.
Về giáo dục: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thanh toán nạn mù chữ, đặc biệt chú trọng dạy văn hoá cho các cán bộ cơ sở, có kế hoạch mở rộng phong trào học tập trong các cơ quan, xí nghiệp, quân đội.
Đối với giáo dục phổ thông, chủ yếu là phát triển tuỳ theo khả năng, và nâng cao chất lượng cấp 2 và 3, chú ý đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, tăng cường số lượng và chất lượng các sách giáo khoa, ban hành chính sách cụ thể đối với các trường dân lập và tư thục, tăng cường lãnh đạo giáo dục miền núi, súc tiến việc nghiên cứu đặt chữ viết cho các dân tộc thiểu số, và có kế hoạch hướng dẫn các lớp vỡ lòng.
Về đại học và chuyên nghiệp, cần củng cố những cơ sở đã có và phát triển từng bước. Tăng cường việc giáo dục chính trị và tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, ra sức bồi dưỡng và đào tạo giáo sư, chú ý rút kinh nghiệm cải tiến chương trình. Xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học. Cải tiến việc bổ túc văn hoá cho cán bộ công nông để đưa vào các trường đại học, chuyên nghiệp.
Về y tế: Mở rộng phong trào vệ sinh phòng bệnh, nâng cao chất lượng các cơ sở chữa bệnh, kiện toàn việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ các cấp, cải tiến và tăng cường việc sản xuất, nhập nội thuốc và sử dụng nguyên liệu trong nước. Đặc biệt chú ý công tác y tế và vệ sinh ở miền núi, công tác bảo vệ sản phụ và hài nhi. Y tế công trường, nông trường, xí nghiệp, cơ quan cần chú trọng để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ và bồi dưỡng sức khoẻ cho công nhân và cán bộ, nhất là phụ nữ. Việc nghiên cứu đông y và sử dụng hợp lý, theo khả năng lực lượng đông y cũng như học tập kinh nghiệm y học tiên tiến của các nước bạn và thế giới, cần được tổ chức tích cực và chu đáo hơn, để xây dựng và phát triển nền y tế nhân dân.
Về công tác thương binh: Phổ biến sâu rộng trong nhân dân chính sách đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, chú ý thương binh, bệnh binh về xã, nhất là thương binh, bệnh binh miền Nam tập kết.
Về cứu tế xã hội: Nghiên cứu kế hoạch giải quyết lâu dài nạn thiếu ăn của nhân dân các vùng úng thuỷ, đồng cao, dẻo cao, men bể; tích cực cải tạo các trẻ lưu manh, gái điếm; tìm hiểu tình hình các trẻ mồ côi do chiến tranh gây ra, để nghiên cứu cách giải quyết.
Về lĩnh vực tôn giáo: Chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam được xây dựng trên quan điểm cơ bản của học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo và căn cứ vào đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc. Tinh thần đó được Đảng và Nhà nước Việt Nam thể hiện bằng hệ thống chính sách phù hợp với từng giai đoạn cách mạng và đã có từ khi mới thành lập Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng bảo đảm quyền lực của giai cấp, tầng lớp, các cộng đồng dân tộc trong thể chế chính trị nước ta. Đối với giai cấp công nhân, Hồ Chí Minh khẳng định rằng, công nhân có quyền thực sự trong xí nghiệp, và từ làm chủ về tư liệu sản xuất, họ phải được làm chủ trong việc quản lý, làm chủ trong việc phân phối sản phẩm lao động. Đối với nông dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bao giờ ở nông thôn người dân thực sự nắm chính quyền, nông dân phải được giải phóng, thì mới có dân chủ thực sự. Người đánh giá cao vai trò của tầng lớp trí thức trong tiến trình dân chủ hoá ở Việt Nam và cho rằng lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Người đặc biệt quan tâm giải phóng phụ nữ để phụ nữ bình đẳng với nam giới, thực sự tham gia tích cực vào các công việc xã hội. Người cũng đề cao vai trò làm chủ đất nước của thanh, thiếu niên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ, người chiến sĩ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, không chỉ sáng lập một chính đảng mácxít lêninnít kiểu mới cho giai cấp vô sản Việt Nam, Người còn thành công trong việc xây dựng và thực hiện dân chủ trong nội bộ Đảng, để Đảng ta thực sự vững mạnh, thực sự là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Không ngoài mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội, ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức sâu sắc rằng: Để có thể đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi tới thắng lợi hoàn toàn, thì nhất định Đảng phải được “tổ chức một cách dân chủ. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi công việc của Đảng đều được toàn thể các đảng viên, hoàn toàn bình quyền và không có ngoại lệ nào, tiến hành trực tiếp hoặc thông qua các đại biểu; đồng thời tất cả những người có trách nhiệm trong Đảng, tất cả các ban lãnh đạo của Đảng, tất cả các cơ quan của Đảng đều được bầu ra, đều có trách nhiệm phải báo cáo và có thể bị bãi miễn”.
Không phải ngẫu nhiên, ngay từ những năm hoạt động thực tiễn và lý luận ở Quảng Châu nhằm chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam, và trong suốt quá trình sáng lập, rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí Minh lại luôn quan tâm đặc biệt đến vấn đề thực hiện dân chủ trong nội bộ Đảng trên cả hai nội dung: Bình đẳng là tiền đề của dân chủ trong Đảng và dân chủ nhất trong nội bộ Đảng chính là cách làm việc, cách lãnh đạo, cách thức tự phê bình và phê bình của cán bộ đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Ở trong Đảng, mọi đảng viên đều phải quán triệt sâu sắc nguyên tắc tập trung trên nền tảng dân chủ và dân chủ nhưng phải dưới sự chỉ đạo tập trung, và vì thế nhất định không được tự do hành động, dân chủ quá trớn. Không phân biệt cấp bậc, không màng tới ngôi thứ, địa vị, mỗi khi nói về nhiệm vụ của người đảng viên.
Xác định rõ rằng, dân chủ trong nội bộ Đảng chính là tạo mọi điều kiện để tất cả các đảng viên có thể tham gia đóng góp ý kiến cho Đảng, Người yêu cầu: “Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kến của mình; phải gom góp ý kiến của đảng viên để giúp đỡ Trung ương”, nhằm tránh bệnh chuyên quyền, độc đoán, dẫn đến những hậu quả khôn lường. Từ những đúc kết trong thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cán bộ, đảng viên vẫn ít sáng kiến, ít hăng hái, bởi trước hết và căn bản “là vì cách lãnh đạo của ta không được dân chủ” thực sự, dân chủ triệt để.
Trong nguyên tắc sinh hoạt Đảng, trước khi quyết định bất cứ vấn đề nào, đảng viên phải hết sức thảo luận, phát biểu ý kiến và khi đa số đã quyết nghị thì tất cả các đảng viên đều phải chấp hành, bởi thế, Hồ Chí Minh từng nói: Không chỉ giữ chủ nghĩa cho vững, quyết đoán, dũng cảm mà “phục tùng đoàn thể” cũng là một nguyên tắc để thực hiện dân chủ trong nội bộ Đảng. Dân chủ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa nam và nữ, giữa người già và người trẻ trong Đảng là dân chủ thực sự, dân chủ thành tâm, dân chủ để đoàn kết thống nhất thành một khối, là “dân chủ thật thà trong Đảng”.
Dân chủ trong Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và nâng cao tinh thần phụ trách trước tổ chức, vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Dân chủ phải trở thành một nguyên tắc, một nề nếp và thực hành dân chủ để làm cho mọi cán bộ đảng viên “ai cũng được hưởng quyền dân chủ, tự do” thì Đảng mới có nguồn sức mạnh nội lực để chống lại những thói hư, tật xấu, những tàn dư của chủ nghĩa cá nhân. Tham ô, lãng phí, quan liêu - những căn bệnh xấu là kẻ thù của công cuộc xây dựng một chế độ xã hội mới, đồng thời cũng là kẻ thù của người cán bộ đảng viên. Vì vậy, chống lại những căn bệnh đó, chống lại thứ “kẹo bọc đường”, chính là góp phần thực hiện dân chủ trong Đảng. Tuy nhiên, trong khi nêu cao và thực hiện dân chủ trong nội bộ Đảng, Người không quên nhắc nhở rằng, dân chủ trong nội bộ Đảng, nhưng dân chủ theo kiểu bị cắt xén, dân chủ nửa vời, không đầy đủ sẽ nhanh chóng chuyển sang bè cánh, phe phái, và hơn thế nữa, đó là lý thuyết “dân chủ” nhưng thực tế “quan chủ”.
Dân chủ thực chất là một biện pháp, biện pháp có tính nguyên tắc để xây dựng Đảng ta thành một Đảng Cộng sản luôn trong sạch vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh./.
Tâm Trang