Mùa Xuân đến, đánh thức sức sống trên từng cành cây, ngọn cỏ. Tết về làm lòng người thêm xốn xang. Mỗi độ ấy, nhân dân cả nước dường như lại nhớ về Bác Hồ kính yêu nhiều hơn. Hình ảnh của Người đã khắc sâu trong từng trái tim của nhân dân Việt Nam tự bao giờ. Có Bác, có Đảng, mùa Xuân của dân tộc đã thực sự đến, mang sự ấm áp của hòa bình đến cho đất nước, cho từng con người.
Bác Hồ luôn dành tình yêu, sự quan tâm cho mọi người dân
Những mùa Xuân của Bác
Chiến tranh đã lùi xa, mùa Xuân mới trên quê hương, đất nước là mùa của ấm no và hạnh phúc. Lật giở lại từng trang lịch sử, chúng ta không thể nào quên những mùa Xuân kháng chiến của dân tộc, và nhớ về những mùa Xuân của Bác Hồ kính yêu.
Vì muốn tìm con đường giải phóng đất nước, Bác Hồ đã rời quê hương đến với phương Tây. Trên chuyến hành trình đó, Bác đã trải qua nhiều khó khăn, cực khổ, phải đón nhiều mùa Xuân ở xứ người trong sự lạnh giá. Chắc chắn rằng những lúc ấy Bác cũng như rất nhiều người dân Việt, cảm giác nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ quê hương, đất nước thân yêu sẽ lấp đầy trái tim và trí óc của những người con xa xứ.
Dù phải trải qua biết bao gian khổ, canh cánh trong lòng ước mong giành độc lập, tự do ấm no cho dân tộc nhưng Người luôn giữ một niềm tin tưởng và tinh thần lạc quan cách mạng.
Mùa Xuân năm 1923 trên đất Pháp, Người viết truyền đơn cổ động mua báo Le Paria (Người cùng khổ). Mùa Xuân ấy, lần đầu tiên, sau bao nhiêu năm kiểm nghiệm cuộc sống, Nguyễn Ái Quốc viết: “Cho đến nay, chủ nghĩa tư bản chỉ là những vách tường dày ngăn cách những người lao động trên thế giới hiểu nhau và thương yêu nhau”. Rồi mùa Xuân năm 1924, Người đến Matxcơva, quê hương của Lênin vĩ đại, quê hương của mùa Xuân mới. Những mùa Xuân khác sau này, Người tích cực hoạt động ở các nước như: Liên Xô, Trung Quốc, Pháp... Và như thế Bác đã đón nhiều cái Tết Nguyên đán của Việt Nam ở xứ người. Đó là những cái Tết đạm bạc, nhiều khi chỉ là bát cháo và chiếc bánh mỳ rẻ tiền ở một quán ăn nhỏ.
Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị Vecxay
Mùa Xuân Canh Ngọ năm 1930 là một mùa Xuân lịch sử của Bác. Bởi đó là một mùa Xuân đánh dấu bước phát triển quan trọng của cách mạng Việt Nam, bước tiến quan trọng của con đường cách mạng mà Bác đã lựa chọn. Mùa Xuân ấy, sau khi nhận được liên lạc của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc từ một vùng quê của Thái Lan đáp xe lửa đi Băng Cốc, rồi đi tàu thủy đến Xanh-ga-po. Tại đây, Người chuyển sang một con tàu khác đi Hồng Kông. Ngồi trên tàu, qua cánh cửa, Người nhìn thấy bờ biển của Tổ quốc thấp thoáng nơi chân trời. Nỗi nhớ nước, thương nhà làm tim Người thắt lại. Nỗi đau riêng của gia đình (cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh ra Người qua đời) hòa cùng nỗi đau chung của cả một dân tộc.
Người quyết định tổ chức Hội nghị hợp nhất các Đảng Cộng sản ở Việt Nam vào đúng dịp Tết Nguyên đán, những đại biểu tham dự Hội nghị có thể đi khỏi đất nước mà không ai để ý. Hội nghị đã họp từ ngày 3 đến 7-2-1930 tại Cửu Long (Trung Quốc) thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế là kể từ ngày rời Bến cảng Sài Gòn năm 1911, ước mơ thiêng liêng của Người đã trở thành hiện thực. Từ nay, cách mạng Việt Nam đã tìm được lối đi đúng đắn, chứ không còn đơn độc, đấu tranh tự phát. Có lẽ, mùa Xuân này là một trong những mùa Xuân hạnh phúc nhất của Bác.
Rồi sau 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, mùa Xuân năm 1941, Bác Hồ trở về Tổ quốc. Từ đây, Bác trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Trải qua mỗi mùa Xuân, phong trào cách mạng của dân tộc ta từng bước lớn mạnh, giành được nhiều chiến thắng. Những mùa Xuân sau này, bằng những việc làm cụ thể, Bác luôn dành sự quan tâm, tình yêu thương đến tất thảy nhân dân. Với Người, mùa Xuân là mùa của hạnh phúc nhưng mùa Xuân trong kháng chiến là mùa Xuân của những hy vọng về một đất nước hòa bình, tự do, độc lập và thống nhất.
Xuân của nghĩa tình
Xuân 2015 đến, nhân dân cả nước lại hân hoan chào đón năm mới với bao hy vọng. Hòa lẫn trong những xúc cảm đó, mỗi người lại bồi hồi, nhớ và biết ơn Đảng, Nhà nước, nhớ về Bác Hồ kính yêu, cùng mừng Đảng ta tròn 85 tuổi.
Sinh thời, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, Bác Hồ đi thăm và chúc Tết nhân dân. Sau Tết Nguyên đán Quý Mão 1963, Bác Hồ về thăm Nghiêm Xuyên và tiếp xúc với nhân dân. Bác rẽ vào một ngôi nhà, hỏi chủ nhà Tết vừa rồi, ăn Tết có vui không? Mọi người đều thưa với Bác vui, riêng có một bà chừng 60 tuổi nói:
- “Thưa Bác, nhà cháu ăn Tết không vui!”.
Bác hỏi:
- “Vì sao?”
Bà liền báo cáo:
- Vốn gia đình đã nhiều năm có ngôi nhà ở gần đường. Nay huyện có lệnh dời dân để mở rộng đường, không bồi thường, cũng không chỉ dẫn phương hướng cho gia đình chuyển đi đâu, vì thế gia đình ăn Tết không vui.
Bác lắng nghe và chỉ thị cho cán bộ địa phương phải tìm cách giải quyết đất ở cho gia đình bà. Khi lên xe, Bác không vui và nói với các đồng chí đi cùng:
- “Đối xử với dân như thế là không tốt”.
Bác Hồ của chúng ta là như thế. Bác quý dân, yêu dân, đến với dân rất thân ái, gần gũi, nhưng rất cụ thể, gắn với từng tâm tư, tình cảm.
Mùa Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mùa Xuân của nghĩa tình, chan chứa lòng yêu thương đồng cảm với nhau, chia sẻ với mọi người để tất cả cùng có thể cảm nhận được Xuân hạnh phúc. Đến đây, chúng ta nhớ về câu nói của Người: “Một mùa Xuân cả thế gian, phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân”.
Vì vậy, khi Tết đến, Xuân về, dù không có tiền bạc, bánh quà để tặng những người nghèo khổ, Bác vẫn đến với họ, sẻ chia một tấm lòng, một sắc Xuân của trái tim. Tết năm đó, cô công nhân vệ sinh nghèo ở Hà Nội bất ngờ: “Không bao giờ nghĩ Bác đến”. Giọng Bác đầm ấm, chân tình: “Bác không đến thăm cháu, còn thăm ai?”. Câu nói của Bác như ngọn lửa ấm áp xua tan đi những lạnh giá của đêm Hà Nội khi ấy. Và như thế, mùa Xuân đã về với gia đình chị công nhân. Câu chuyện về đêm giao thừa đêm đó vẫn luôn được các thế hệ nhắc lại với sự xúc động sâu sắc. Bác Hồ - Người là lãnh tụ của cách mạng dân tộc nhưng sự gần gũi của Người đã xóa tan đi những khoảng cách giữa một vị lãnh tụ với nhân dân. Bởi một phần vì có những mùa Xuân của nghĩa tình, của yêu thương đong đầy.
Bác Hồ - Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, và giờ Bác đã đi xa nhưng Đảng ta luôn khắc sâu lời dạy của Bác. Khắc sâu từng lời dạy, Đảng ta luôn đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và trí tuệ, mãi là ngọn đuốc soi đường chỉ lối, lãnh đạo đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đoàn kết Đảng với dân, dân với Đảng một lòng, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, từng bước tạo thế, lực, thời, đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng lạc hậu, kém phát triển, vươn lên hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ, từng bước hiện đại hóa, hội nhập sâu vào thế giới với phương châm: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì một nước Việt Nam hoà bình, dân chủ và giàu mạnh, sánh vai với bè bạn năm châu.
Còn nhớ ông bà thường kể về cảm xúc khi nghe thơ chúc Tết của Bác. Còn đối với thế hệ trẻ ngày nay, chỉ tưởng tượng thôi cũng có cảm giác linh thiêng vô cùng. Tính đến Xuân này, Bác đã đi xa 46 năm, những vần thơ năm xưa vẫn luôn được các thế hệ con cháu nhắc lại. Không chỉ những vần thơ mà gần như trọn cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân, tư tưởng của Người sẽ vẫn còn mãi nguyên giá trị với từng người dân. Và đặc biệt, khi Tết đến, Xuân về, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta đều bồi hồi nhớ về Bác, tiếp tục khắc ghi những lời dạy sâu sắc của Bác, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, ra sức thi đua yêu nước tích cực đóng góp xây dựng quê hương đất nước để những mùa Xuân mãi là mùa của hạnh phúc, của ấm no, của những hy vọng mới tốt đẹp hơn./.
Huyền Anh