Cứ mỗi độ mùa Xuân về, đường quê phố núi lại rộn ràng, náo nhiệt; đất trời như bừng sáng; lòng người xốn xang. Với những ai có dịp đón Tết trên mảnh đất quê hương tôi đều có thể cảm nhận được mùa Xuân ấm áp nghĩa tình của người xứ Nghệ. Đặc biệt, trong không khí Xuân rộn ràng, tươi vui, càng thấy được tình cảm sâu đậm của người dân quê tôi dành cho người con anh hùng của quê hương - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Anh Sơn - một huyện miền núi thuộc miền Tây tỉnh Nghệ An. Dù nơi đây vẫn được mọi người nhắc đến là nơi đất cằn sỏi đá, không được phì nhiêu màu mỡ, lại đầy nắng và gió Lào khắc nghiệt nên cuộc sống của người nông dân ở đây rất vất vả, nhưng trong tâm trí tôi vẫn luôn lưu giữ những hình ảnh nên thơ, trữ tình của quê hương. Đứng từ ngôi nhà thân yêu của mình, phóng tầm mắt ra xung quanh tôi đều có thể nhìn thấy hình ảnh những dãy núi nhấp nhô trùng điệp, nối tiếp nhau làm thế tựa lưng vững vàng cho những thôn xóm yên bình. Cách đấy không xa là dòng sông Lam hiền hoà thơ mộng, mềm mại như một dải lụa xanh mà hai bên là những bãi phù sa bao phủ một màu xanh mướt của hoa màu, cây cối và xóm làng trù phú cùng với bao nhiêu chiến tích lịch sử đã đi vào thơ ca, câu hò điệu ví: “Sông Lam một dải trong ngần/ Non xanh, nước biếc kinh luân có người”. Dòng sông ấy đã tắm mát tuổi thơ tôi, nơi ngày bé tôi và bạn bè vẫn ngày ngày ra gánh nước, rửa rau, cùng nhau bơi lội, cười đùa vang dậy lòng sông. Con người nơi đây chất phác và giản dị, dễ gần và dễ mến. Cảnh quan sông núi và tình người nơi đây đã khiến người dân quê tôi tự hào yêu mến, dẫu đi xa lâu đến mấy cũng vẫn giữ mãi trong tim hình ảnh quê hương, mong ngóng ngày được trở về, nhất là vào dịp Tết đến Xuân về.
Trong một năm thì đêm 30 Tết là thời gian vô cùng đặc biệt. Đó là lúc các gia đình đoàn tụ, cùng nhau sắm mâm cỗ thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị tiễn năm cũ đi và đón năm mới sang với nhiều niềm vui, hy vọng may mắn hơn. Thường thì vào khoảng thời gian đặc biệt ấy, mọi người sẽ tập trung ở nhà mình, sum vầy bên nhau, nhưng ở quê tôi lại khác. Trước khi thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đến, mọi người trong thôn sẽ tập trung lên nhà văn hóa thôn để cùng nhau thực hiện nghi lễ vô cùng thiêng liêng đó là dâng hương lên bàn thờ Bác Hồ kính yêu.
Tết này tôi may mắn được dự lễ dâng hương của bà con xóm Tháng Tám, xã Đỉnh Sơn. Trong cái lạnh của vùng miền núi đêm giao thừa, dưới sự chủ trì của đồng chí Bí thư Chi bộ thôn và Trưởng thôn, người dân trong thôn thành kính dâng lên trước anh linh Người những nén hương thơm để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn trước những công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, người con anh hùng của quê hương; báo cáo với Bác những gì đã làm được, chưa làm được trong một năm qua và lời hứa sẽ đoàn kết, cố gắng phấn đấu trong năm mới để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Lễ dâng hương lên bàn thờ Bác trang nghiêm, ấm áp trong đêm giao thừa
Bất kỳ ai có mặt trong lễ dâng hương đều có thể cảm nhận được một không khí trang nghiêm, ấm áp vô cùng. Để thấy rằng dù Bác đã đi xa về cõi người hiền từ rất lâu rồi nhưng với nhân dân Bác sẽ vẫn còn sống mãi. Bác mãi là niềm tin, hy vọng, là điểm tựa tinh thần vững chãi cho người dân đoàn kết trong xây dựng nông thôn mới, đưa quê hương ngày càng phát triển đi lên.
Sau những lo toan bộn bề của một năm, tuy mỗi người một hoàn cảnh song vào lúc này đây, trong làn hương thơm của những nén nhang đang được thắp trên bàn thờ Bác dường như lòng ai cũng dịu lại, lắng đọng những tình cảm thiêng liêng dành cho Bác kính yêu, dành cho quê hương nơi chôn rau cắt rốn của mình. Dường như có sợi dây vô hình đang kết nối giữa mọi người lại với nhau, kết nối những con người thực với thế giới tâm linh huyền diệu.
Xuân của đất trời, Xuân yêu thương, Xuân an lạc đang về trên các cành cây, tán lá, chồi non; trên khắp mọi đường làng ngõ xóm, là dịp để chúng ta lắng lòng nhớ về cội nguồn và các bậc tiền nhân. Một nén hương thơm, một phút giây tĩnh lặng lòng người cùng hướng về nguồn cội để sống tốt hơn, ý nghĩa hơn trong cuộc sống này.
Sau lễ dâng hương, bên chum rượu cần và ánh lửa bập bùng, mọi người sẽ cùng nhau hàn huyên tâm sự, thăm hỏi sức khỏe, công việc cũng như việc làm ăn, buôn bán, học tập, trao nhau lời chúc mừng năm mới an khang thịnh vượng để rồi ai về nhà nấy, chuẩn bị cho lễ đón giao thừa của riêng gia đình mình. Tổ chức dâng hương, gặp gỡ các gia đình, nhất là những người con xa quê trước lúc giao thừa là việc làm rất có ý nghĩa đã được Chi bộ và chính quyền địa phương duy trì thường xuyên hàng năm. Trước thời khắc thiêng liêng của đất trời, người người nhà nhà cùng gặp gỡ nhau để gắn bó với nhau hơn, thêm thắm tình làng nghĩa xóm.
Ngày mùng 1, mùng 2 Tết là thời gian để con cháu tụ họp chúc Tết ông bà, cha mẹ, các bậc bề trên và hàng xóm láng giềng theo đúng lễ nghĩa Tết cổ truyền. Những câu chào hỏi, những cái bắt tay vồn vã, như thể đã lâu lắm rồi mới được gặp nhau trong những ngày đầu năm mới làm không khí Tết thật rộn ràng, một năm mới khởi đầu đầy tiếng cười và niềm vui.
Trong không khí Xuân mới tràn đầy sức sống, vào sáng mùng 3 Tết, các thôn đều tổ chức giao lưu thể thao đầu năm giữa các tổ liên gia như bóng chuyền, cầu lông…
Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng: “Dưới chế độ dân chủ, thể thao và thể dục phải trở thành hoạt động chung của quần chúng, nhằm mục đích làm tăng cường sức khoẻ của nhân dân. Nhân dân có sức khoẻ thì mọi công việc đều làm được tốt”, “muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khoẻ. Muốn giữ sức khoẻ thì nên thường xuyên tập thể thao thể dục.” Người khuyến khích “Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước”. Từ đó Hồ Chí Minh chủ trương “Chúng ta nên phát triển phong trào thể thao và thể dục rộng khắp”. Vâng lời Bác dạy, từ nhiều năm nay, lãnh đạo địa phương ở quê tôi rất chú trọng phát triển phong trào thể thao và thể dục quần chúng, động viên, khuyến khích mọi người dân cùng tham gia để rèn luyện sức khỏe. Giao lưu thể thao đầu năm là hoạt động có ý nghĩa được duy trì hàng năm để tăng tình đoàn kết, khởi đầu một năm mới nhiều sức khỏe, dẻo dai.
Đầu Xuân mới hăng say với phong trào tập thể thao thể dục theo lời Bác dặn
Giữa bốn bề là núi rừng bao phủ, trên khoảng sân thô sơ, các trận đấu giao hữu thể thao đầu Xuân mới thu hút được sự tham gia rất nhiệt tình của người dân nơi đây. Tiếng vỗ tay, reo hò cổ vũ vang dội, xua tan khoảng không bao la của núi rừng, đưa người dân quê tôi xích lại gần nhau hơn, khỏe khoắn hơn để cùng chung tay xây dựng quê nhà.
Mùa Xuân đến, mỗi người chúng ta thêm một tuổi, thanh niên thêm sức trẻ, tuổi già thêm phúc ấm gia đình. Vì vậy, vào sáng mùng 4 Tết, các thôn sẽ tổ chức lễ chúc thọ, trao bằng chứng nhận và quà mừng thọ cho các cụ người cao tuổi. Lễ mừng thọ là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ, cầu mong cho ông bà, cha mẹ sức khỏe dồi dào, bách niên giai lão và để xã hội thể hiện sự tôn trọng và biết ơn đối với người cao tuổi- những người đã hết lòng, hết sức cống hiến cho gia đình, xã hội.
Người được chúc thọ thêm một tuổi là thêm sự tôn vinh kính trọng của gia đình, của họ hàng, làng xóm. Mừng thọ cũng là cách giáo dục, răn dạy con cháu có bổn phận ăn ở có trước, có sau với bố, mẹ, ông, bà, với người đời, với xã hội. Lễ mừng thọ trở thành ngày hội tưng bừng không thể thiếu vào dịp đầu năm mới. Truyền thống tốt đẹp này càng làm cho những ngày Xuân thêm phần ấm cúng.
Lễ mừng thọ đầu Xuân là sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam
Người Việt ta từ rất lâu đời vốn trọng đạo hiếu, luôn kính trọng người cao tuổi với tâm nguyện:“Kính lão đắc thọ, kính già già để tuổi cho”. Người có tuổi thọ cao và gia đình có người cao tuổi là có được một cái phúc lớn, có phúc mới được sống lâu, có phúc mới có con cháu đề huề, gia đình có người thọ cao được gọi là đại hồng phúc. Bác Hồ từng nói: “Đối với người cao tuổi, tuy sức khỏe không bằng lúc còn trẻ nhưng có những mặt mạnh cơ bản, đó là: Có lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc; tuổi càng cao chí càng cao; tích lũy được vốn tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng phong phú; có sự tín nhiệm cao”. Vì thế, Người khẳng định: “Người cao tuổi là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”.
Năm nay, hòa chung trong không khí lễ mừng thọ tưng bừng của các gia đình trong thôn, gia đình tôi cũng rộn ràng tổ chức lễ mừng thọ cho bà ngoại tôi tròn 80 tuổi. Từ sáng sớm, chúng tôi cũng như con cháu các gia đình, dòng họ khác trong thôn đã tề tựu đông đủ, trang phục chỉnh tề, cùng ông bà, cha mẹ ra Nhà văn hóa thôn dự lễ mừng thọ.
Trong không gian ấm cúng, ngày hội mừng thọ được tổ chức trang trọng, tình cảm. Mở đầu lễ mừng thọ là nghi lễ hát quốc ca. Ngày nay, trong thời buổi công nghệ hiện đại, khi phần lớn các cơ quan, tổ chức vào mỗi dịp đặc biệt đều có nghi lễ hát quốc ca nhưng chỉ là tiếng hát đã được thu âm vào dĩa CD và phát ra thì được dự lễ mừng thọ ở thôn tôi, cảm xúc của mọi người sẽ khác hẳn. Có rất nhiều bạn trẻ khác cũng có cảm xúc giống như tôi, thiêng liêng, xúc động biết bao sau khi người dẫn chương trình hô “Quốc ca”, cả hội trường cùng cất lên tiếng hát bài Quốc ca trang nghiêm, hùng tráng. Những lời ca được chính bản thân mình hát ra bằng tất cả niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước. Buổi lễ mừng thọ ở quê tôi đã bắt đầu bằng nghi thức trang trọng như vậy đó.
Trong buổi lễ mừng thọ, những bài ca, tiếng hát chúc mừng, những lời cảm ơn xuất phát từ trái tim, những món quà tuy không cao sang nhưng chứa đựng tình cảm sâu nặng của các bậc con, cháu gửi đến ông bà, cha mẹ trong lễ mừng thọ đã thể hiện chữ “hiếu” của con cháu đối với các bậc sinh thành.
Lễ mừng thọ là một trong những nét sinh hoạt văn hóa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”,làm phong phú thêm nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Hàng năm cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, khi đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, ngàn hoa đua nở tỏa hương, đất trời như trẻ lại trong sắc lá non tơ, dưới ánh nắng tươi hồng của mùa Xuân làm rạo rực lòng người, ai cũng hân hoan chào đón mùa Xuân. Xuân quê hương với những nghi lễ, phong tục đậm đà bản sắc Việt càng thêm ấm lòng những người con đi xa cũng như để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, những tình cảm lưu luyến cho những người mới có dịp đón Tết trên quê tôi, đúng như câu hát: “…quê mình ai chưa về mà nỏ nhớ, ai về rồi mà nỏ thương, mà nỏ thương ơ…, thương đời đời ”./.
Thu Hiền