Sinh thời, trái tim người con vĩ đại của dân tộc - Hồ Chí Minh không đứng cao vời vợi tách khỏi cuộc sống bình thường của mọi tầng lớp nhân dân mà ngược lại luôn tỏa sáng ấm áp, bình dị mà vô cùng cao quý. Con người ấy, tình yêu ấy được hun đúc từ chính bản sắc, tình yêu quê hương đất nước và sự gắn bó với cuộc sống của chính nhân dân mình, luôn gắn quyện với nhịp đập của cuộc sống đất nước, nơi mà người ấy gửi gắm một "ham muốn, ham muốn tột bậc” là làm sao đem lại cuộc sống ấm no cho con người, đem lại tự do và hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân. Tình yêu ấy còn là niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vô địch, sức sáng tạo lớn lao của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Hơn ai hết, Người khẳng định tất thảy nguồn lực cách mạng là ở nơi quần chúng, sức mạnh kiến thiết cũng là nơi quần chúng, trong đó có thế hệ trẻ.

thanh-nien-lam-theo-loi-bac

Ca khúc chính thức của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
 được phổ từ ý thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đặc biệt, trong lần thăm Tổ Thanh niên xung phong 312, đang làm nhiệm vụ phục vụ Chiến dịch Biên giới tại khu rừng Nà Cù, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn vào ngày 20/3/1951, Bác đã có buổi nói chuyện thân tình với các thanh niên xung phong. Bác đúc kết và tặng 4 câu thơ mà sau này Nhạc sỹ Hoàng Hòa đã phổ nhạc, là bài ca chính thức của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên“

Chỉ với bốn câu thơ mộc mạc, Bác đã dạy chúng ta một chân lí trong cuộc sống: Nếu có ý chí, quyết tâm thì dù công việc khó khăn đến đâu cũng có thể vượt qua. Chân lí đó đã được hiện thực cuộc sống khẳng định và chứng minh. Lời thơ của Bác vô cùng giản dị, dễ hiểu, giống như những lời nói thường ngày: Không có việc gì khó khăn, chỉ sợ ta không có ý chí, lòng kiên trì, sự nhẫn nại; công việc dù gian nan đến đâu, chỉ cần ta quyết chí thì ắt sẽ thành công. Hình ảnh “đào núi và lấp biển” chỉ là hình ảnh mang tính ước lệ, khái quát tượng trưng cho những công việc phi thường tưởng chừng khó thực hiện được. Đó là một lời khuyên vô cùng quý báu. Bằng trí tuệ sắc sảo, Bác đã vạch ra chân lý đúng đắn nhất cho thế hệ trẻ, bằng trái tim tràn đầy tình yêu thanh niên, Bác đã ân cần khuyên nhủ, động viên mọi thế hệ hôm nay và mai sau có được phương pháp hành động và suy nghĩ đúng đắn để thành người có ích hơn cho xã hội, cuộc sống sẽ ấm lo hạnh phúc hơn.

  Vì thế hệ trẻ, vì thế hệ tương lai của đất nước, Bác đã gửi gắm niềm tin yêu của mình vào thế hệ trẻ: "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Ngày 17-8-1947, trong "Thư gửi các bạn thanh niên", Bác viết: "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị tương lai đó".

Thanh niên là người chủ tương lai của đất nước, muốn xứng đáng vai trò làm chủ thì phải học tập. Vì vậy, Bác rất quan tâm đến việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ của thanh niên. Đây là vấn đề cốt lõi để các thế hệ thanh niên trang bị cho mình sự hiểu biết, vốn kiến thức, một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho các thế hệ thanh niên có thể tham gia hoạt động cách mạng. Bác chỉ rõ: "Nhiệm vụ chính của thanh niên, học sinh là học. Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh tức là để làm trọn nhiệm vụ người làm chủ nước nhà". Và, "Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà, phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên". Trong Di chúc để lại trước lúc đi xa, Bác dành một phần nói về thanh niên và vai trò của thanh niên: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng CNXH vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.”. Điều này đã thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đối với những chủ nhân tương lai của nước nhà.

Đồng thời với việc nhấn mạnh đến vấn đề học tập của các thế hệ thanh, thiếu niên, Bác Hồ cũng đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho họ. Bởi nếu không có đạo đức cách mạng thì không thể trở thành người cách mạng chân chính, và không thể phục vụ tốt cho dân, cho nước. Đặc biệt, Người để lại những điều răn dạy như cốt cách của đạo lý làm người, là lẽ sống cao đẹp mà thế hệ trẻ phải học tập, tiếp thu, biến những lý thuyết, nguyên lý thành hành động cách mạng hàng ngày:

Một là, phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng "trung với nước hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành khó khăn nào cũng vượt qua kẻ thù nào cũng đánh thắng". Không sợ gian khổ hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Hai là, phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể của nhân dân, tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do.

Ba là, luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng tự mãn, chống lãng phí xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp nhau cùng tiến bộ mãi.

Bốn là, ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Năm là, luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo.

Gần 65 năm trôi qua, bốn câu thơ “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên” vẫn là kim chỉ nam, thấm nhuần trong suy nghĩ và hành động của lớp lớp các thế hệ thanh niên Việt Nam để thanh niên Việt Nam luôn là lực lượng xung kích trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để học tập, rèn luyện và trưởng thành, năng động, dám nghĩ, dám làm, đóng góp xứng đáng vào thành tựu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, những năm gần đây, các cấp bộ Đoàn đã triển khai sâu rộng chương trình “Tháng Thanh niênnhằm tạo phong trào sâu rộng, thiết thực của tuổi trẻ thi đua tình nguyện, xung kích tham gia phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng... Chương trình này được Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định tại văn bản số 122-TB/TƯ ngày 16/10/2003 quyết định lấy tháng 3 hàng năm là Tháng Thanh niên. Năm 2015, Tháng Thanh niên của tuổi trẻ cả nước được Trung ương Đoàn xác định chủ đề là “Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”, và có các diễn đàn “Đảng với thanh niên, thanh niên với Đảng” dành cho từng đối tượng riêng: Công nhân, nông dân, trí thức trẻ, liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng và các hoạt động kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đoàn 26-3. Trung ương Đoàn đã kêu gọi tuổi trẻ phát huy vai trò xung kích trong việc đảm nhận những công trình, phần việc thanh niên cũng như các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Bên cạnh đó sẽ tuyên dương các gương thanh thiếu nhi, học sinh sinh viên vượt khó học giỏi và tổ chức các hoạt động chăm lo, đồng hành cùng thanh niên làm kinh tế, hội nhập quốc tế và kết nạp đoàn viên mới.

Bác của chúng ta là con người sống có lí tưởng cao cả, giàu tình nhân ái, ân nghĩa, sống khiêm tốn, giản dị và quên mình.Bác của chúng ta đã suốt đời mưu cầu hạnh phúc cho tất cả các dân tộc trên trái đất, và vì thế Người càng yêu quí thế hệ trẻ của mọi miền đất nước, lớp người giàu sức sống, giàu niềm tin trong sự nghiệp xây dựng tương lai của đất nước. Đó là tình cảm thiêng liêng, sự quan tâm đặc biệt cho thế hệ thanh niên Việt Nam cho đến khi Người đi về cõi vĩnh hằng./.

Tâm Trang

Bài viết khác: