Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, gọi tắt là Khu Di tích Phủ Chủ tịch tại Hà Nội, là nơi sống và làm việc lâu nhất của Bác Hồ (từ 19 tháng 12 năm 1954 đến 02 tháng 9 năm 1969).
Trong Khu Di tích này có một con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên luyện tập với mong muốn có đủ sức khỏe để vào thăm đồng bào miền Nam trong những năm cuối đời. Cán bộ, nhân viên trong Phủ Chủ tịch thường gọi con đường đó là "Đường mòn Bác Hồ".
Phủ Chủ tịch
"Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi"
Trước khi có con đường đặc biệt ấy trong Phủ Chủ tịch, Bác từng tâm sự với người Thư ký riêng của mình là ông Vũ Kỳ: "Tôi sinh ra ở Nghệ An, ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng. Qua Pháp, qua Anh, qua Mỹ, các nước châu Phi, đến Liên Xô rồi về Trung Quốc, thế mà ở Việt Nam mới vào đến Đồng Hới, chưa vào tới miền Nam... Cả cuộc đời, dù đã đi nhiều nơi nhưng lại chưa về đến chốn".
Đấy chính là lý do để Bác yêu cầu Bộ Chính trị bố trí cho mình vào thăm miền Nam. Tuy nhiên, do chiến trường ác liệt và sức khỏe của Bác đang yếu nên Bộ Chính trị chưa thu xếp được. Thế nhưng, quyết tâm phải vào bằng được miền Nam vẫn không vơi đi mà ngày càng mãnh liệt, thôi thúc Bác. Đi đường biển hay máy bay đều rất dễ bị lộ nên Bác yêu cầu tổ chức đi đường bộ. Và Bác, khi đó đã 77 tuổi, âm thầm chuẩn bị cho hành trình đau đáu cả cuộc đời.
Đường mòn Bác Hồ ngày nay
Để chuẩn bị cho hành trình đặc biệt ấy, hàng ngày Bác đi bộ qua những đoạn đường khó nhất để rèn luyện sức khỏe và làm quen với những khó khăn, hiểm nguy. Bác đi nhiều đến nỗi đoạn đường xung quanh khu Nhà sàn từ chỗ cỏ cây mọc lúc đầu dần trở thành đường mòn. Sau này, con đường ấy đã được cán bộ, nhân viên trong Phủ Chủ tịch đặt tên là "Đường mòn Bác Hồ". Cũng trong quãng thời gian này, mỗi khi có dịp, Bác lại bảo anh em bố trí cho ra ngoại thành tập leo núi. Khát vọng được vào với "miền Nam đi trước về sau" luôn thường trực trong trái tim Người".
Nơi làm việc của Bác Hồ tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Những giờ phút cuối cuộc đời
Theo ông Vũ Kỳ, trước khi mất, cứ mỗi buổi sáng sớm Bác đều đi tập thể dục quanh ngôi Nhà sàn giản dị của mình và tản bộ trên con đường chưa rõ lối đi ấy. Thế rồi, con đường đầy gai góc, cỏ cây ấy dần trở thành đường mòn, nhẵn nhụi. Sau này, Bác bảo thích rải sỏi trên con đường quanh Nhà sàn vì như vậy khi đi chân trần sẽ tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, chỉ nghe tiếng sỏi lạo xạo là biết ngay có khách đến chơi.
"Đường mòn Bác Hồ" được rải sỏi dọc lối đi
Tháng 8/1969, Bác ngày càng yếu và mong ước được vào miền Nam càng cháy bỏng không nguôi. Cho đến những ngày cuối cùng, Bác thường xuyên muốn nghe báo cáo tin tức về chiến trường Nam Bộ. Trước lúc ra đi, linh cảm mình không còn nhiều thời gian, Bác ngỏ ý muốn uống nước dừa được hái từ hai cây dừa trước cửa Nhà sàn. Đây là hai cây dừa giống được lấy từ miền Nam mà sinh thời hàng ngày Bác thường tự tay chăm sóc. Bác mời các đồng chí Bộ Chính trị và các bác sỹ cùng uống. Không uống được nhiều, Người chỉ nhấp được một ngụm nhỏ nhưng có lẽ nỗi nhớ miền Nam cũng dịu đi phần nào. Rồi trên môi Người thoáng một nụ cười hiền hậu.
"Đường mòn Bác Hồ" không phải ai cũng biết và không phải đoàn nào cũng được dẫn tới con đường này, thường chỉ có đoàn đặc biệt, là đồng bào, cán bộ, chiến sỹ miền Nam ra thăm Bác. Họ thường dừng lại rất lâu và đôi mắt ngấn lệ khi nghe hướng dẫn viên kể lại những câu chuyện về Bác với đồng bào miền Nam.
Nhà sàn Bác Hồ
"Ai yêu miền Nam hơn tấm lòng của Bác, có mối tình nào mà thủy chung mà son sắt như tấm lòng của Bác đối với đồng bào miền Nam, bao núi bao sông bấy nghĩa bấy tình". Tình cảm cao quý, thiêng liêng của Bác Hồ sẽ mãi là động lực cho nhân dân miền Nam nói riêng và đồng bào cả nước nói chung cùng chung tay xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp hơn./.
Tú Anh